Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép thử.... ngân hàng

Nhiều doanh nghiệp ngành thép bị điều chỉnh trong xếp hạng khách hàng của ngân hàng
 - Giám đốc một doanh nghiệp ngành thép phía Nam cho biết, từ tháng 3/2008 tới nay, doanh nghiệp của ông đã tạm ngừng vay vốn ngân hàng, tạm ngừng nhập khẩu phôi và thép thành phẩm, chỉ còn tập trung lo trả nợ cũ cho ngân hàng. Một doanh nghiệp sản xuất phôi thép khác tại phía Bắc hồi giữa năm nay đã phải vay nóng trên thị trường tín dụng chợ đen với lãi suất cắt cổ để trả… tiền điện, do không vay được vốn ngân hàng.
Hai câu chuyện đang thể hiện một sự thực rằng, các doanh nghiệp ngành thép đang gặp khó và theo suy diễn thông thường thì ngân hàng đương nhiên có… trách nhiệm. Ngày hôm qua (11/11), ngành ngân hàng và ngành thép đã phải ngồi với nhau để tìm tiếng nói chung.
 

Khó thì rất khó…

Một vị quan chức làm trong ngành thép đã lâu năm và đầy kinh nghiệm tâm sự rằng, ông sẽ không bao giờ đưa ra các dự đoán về giá cả nữa. Số là trong một cuộc họp hồi giữa năm, tất cả những dự đoán, nhận định về giá cả thị trường thép của ông tới nay… đều sai. Nền kinh tế thế giới năm nay gặp nhiều khó khăn và Việt Nam dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp cũng đương nhiên chịu những ảnh hưởng gián tiếp. Các chuyên gia lâu năm, giàu kinh nghiệm trên thế giới cũng đã trở nên "khó nói", khi mà nhiều dự đoán về giá của các loại hàng hoá đã sai lệch quá nhiều, từ đó việc dự đoán thị trường cũng trở thành "nhiệm vụ bất khả thi". Cái khó chính là ở điểm này.

Ngay từ quý I/2008, nhu cầu thép xây dựng trong nước tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2007 và giá thép cứ thế tăng lên hàng tuần. Thế là thép cuộn Trung Quốc giá rẻ được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình lạm phát trong nước khiến Chính phủ thực hiện gói giải pháp ưu tiên chống lạm phát từ tháng 4/2008. Việc cắt giảm đầu tư công, bao gồm nhiều công trình xây dựng cộng và thị trường bất động sản khó khăn đã khiến nhu cầu tiêu thụ thép giảm dần từ tháng 6/2008. Tới nay, lượng thép nhập khẩu cộng với lượng thép sản xuất trong nước đã dư thừa hàng triệu tấn. Trong tháng 9 - 10/2008, có khoảng 4 - 6 doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất, còn lại thì sản xuất cầm chừng. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất phôi rất khó khăn, phải ngừng sản xuất vì không bán được hàng và chịu lỗ lớn.

Đương nhiên, nhiều doanh nghiệp ngành thép đang là khách hàng của các ngân hàng thương mại (NHTM). Qua khảo sát sơ bộ, nhiều ngân hàng lớn đều khẳng định, các doanh nghiệp ngành thép là đối tượng khách hàng quan trọng của ngân hàng và đều cho biết, lượng vốn cho vay ngành thép đều trên dưới 10% tổng dư nợ - một con số không nhỏ. Sản xuất gặp khó khăn do đầu ra tiêu thụ khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và có những doanh nghiệp đã bị điều chỉnh trong xếp hạng khách hàng của ngân hàng, ví dụ như đang từ vay tín chấp sang vay phải có thế chấp. Bên cạnh đó là khó vay vốn, thậm chí chỉ là vốn lưu động.

Nhưng giải pháp nào?

Nói đến khó khăn thì năm nay không chỉ ngành thép gặp khó. Các ngân hàng cũng gặp vô số khó khăn. Từ lãi suất, thanh khoản cho tới tỷ giá biến đổi, rồi cung - cầu ngoại tệ…, khiến nhiều ngân hàng "quay như chong chóng". Ngân hàng bản chất cũng là một doanh nghiệp, cũng có cổ đông và cũng lo chuyện lãi lỗ. Nhiều NHTM phản ánh rằng, với nhiều doanh nghiệp ngành thép gặp khó khăn, các ngân hàng cũng hỗ trợ hết mức, bởi lẽ "doanh nghiệp gặp khó mà không trả được nợ thì ngân hàng cũng khó theo". Nhiều doanh nghiệp cũng đã được gia hạn nợ nhưng phải nói lại rằng, đó cũng là một sự "hy sinh" của ngân hàng. Bởi lẽ, gia hạn nợ có nghĩa là ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn.

Tất nhiên, theo ý kiến từ Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện tại các doanh nghiệp đang kỳ vọng nhiều hơn từ phía ngân hàng. Ví dụ như hạ lãi suất cho vay để các doanh nghiệp có khả năng vay vốn để tiếp tục thực hiện các dự án xây dựng. Bên cạnh đó, ngân hàng có thể nới rộng định mức cho vay, giãn nợ vay, có đủ ngoại tệ bán cho doanh nghiệp và bán ở mức tỷ giá phù hợp.

Cũng nhắc lại một câu chuyện cũ, khi một số doanh nghiệp ngành thép đã từng phải khốn khổ đi thu mua ngoại tệ trên thị trường "chợ đen" với tỷ giá lên tới 19.000 đồng/USD. Tất nhiên, việc ngân hàng có đủ ngoại tệ hay không và có sẵn sàng bán với tỷ giá theo khung quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay không thì còn phải bàn, nhưng điều này có lẽ còn cần sự cam kết hỗ trợ của NHNN. Nhưng mới đây, một số doanh nghiệp ngành thép lại có ý định nhập khẩu thêm phôi thép và thép, nhân lúc giá thị trường thế giới đang thấp và một ngân hàng thẳng thắn từ chối với lý do không khuyến khích "đầu cơ", có lẽ cũng là một điều đáng bàn.

 

 (ĐTCK)

ĐỌC THÊM