Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Quảng Nam: Dân vây nhà máy thép Việt Pháp gây ô nhiễm

Trong hai ngày 5 và 6.7, rất đông người dân khối 7A (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) đã tổ chức chặn xe trên tuyến đường Lạc Long Quân (đoạn dẫn vào Công ty thép Việt – Pháp) phản đối vì doanh nghiệp này vẫn chưa chấm dứt việc sản xuất và gây ô nhiễm.

Theo quan sát của PV, có khoảng hơn 10 chiếc xe tải vận chuyển sắt thép, phế liệu vào xưởng chế biến của Công ty thép Việt – Pháp đã bị chặn đứng trước sự ngăn cản quyết liệt của người dân. Toàn bộ tài xế chủ động rời khỏi cabin và lánh mặt tại các quán nước giải khát ven đường.


Hàng chục xe tải vận chuyển sắt, thép vào Công ty thép Việt – Pháp bị người dân chặn không cho vào nhà máy.

Bà Lê Thị Thắng (75 tuổi) bức xúc: “Sau một thời gian tạm lắng, mấy ngày gần đây, phía nhà máy thép hoạt động cả ngày lẫn đêm. Tiếng máy nổ chát chúa, khói đen bốc mùi hôi thối lan tỏa cả một vùng khiến người dân không chịu nổi”.

Một số người dân khác cho biết, khoảng thời gian công ty trên tăng công suất hoạt động là từ 22h đêm đến 4h sáng hôm sau. Đây là thời điểm người dân bị tra tấn bởi không khí ô nhiễm nhất do hoạt động tinh luyện sắt thép của Công ty Việt – Pháp.

“Tôi nhớ như in, phía công ty thép đến xây dựng và hoạt động ở địa phương từ năm 2009. Kể từ đó đến nay, chưa khi nào bà con được sống yên ổn bởi ô nhiễm bủa vây. Hết bao vây công ty, bây giờ người dân quyết tâm chặn xe ra vào khu sản xuất nhằm bày tỏ thái độ phản đối kịch liệt và yêu cầu đơn vị này phải di dời tránh xa khu dân cư” - ông Võ Như Quảng (một người dân) bức xúc nói.


Người dân tập trung chặn xe ra, vào Công ty thép Việt – Pháp.

Ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết: “Việc Công ty thép Việt – Pháp hoạt động gây ô nhiễm đã tồn tại ở địa phương nhiều năm nay. Thị xã cũng nhiều lần kiến nghị với tỉnh với mong muốn di dời công ty thép. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ 130 tỷ đồng để chuyển đến nơi khác nhưng điều đó chẳng khác nào rào cản. Trước mắt, chúng tôi sẽ yêu cầu công ty trên giảm công suất hoạt động và phối hợp với chính quyền địa phương nhằm giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình sản xuất”.

Nguồn tin: Dân việt

ĐỌC THÊM