Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lỗi do ngân hàng hay doanh nghiệp?

Thống đốc NHNN trả lời thắc mắc của doanh nghiệp tại buổi đối thoại.

Ngày 16.5 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức buổi đối thoại với doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc trong quan hệ với ngân hàng.

 

Một điều ghi nhận được là dù đã triển khai được 3 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn và gần 2 tháng đối với các khoản vay trung và dài hạn, số vốn giải ngân cũng tương đối lớn, nhưng nhiều DN thuộc đối tượng được ưu tiên vay từ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất (HTLS) vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay.

DN chưa nắm hết quy định?

Trong buổi đối thoại, nhiều DN "tố khổ" về việc không thể tiếp cận hoặc bị kéo dài thời gian trong khâu thủ tục vay vốn theo chương trình HTLS của Chính phủ để duy trì và phục hồi sản xuất. Theo ý kiến từ hầu hết DN, họ đã bị NH gây khó dễ trong việc hoàn thành hồ sơ vay vốn.

Bà Phùng Minh Bằng - Kế toán trưởng TCty Sông Hồng - cho biết: "Thời gian để lập hồ sơ cho một dự án trung - dài hạn mất ít nhất 6 tháng. Không những thế, một số NH đưa ra quy định trái khoáy: Cty con vay vốn nhưng lại yêu cầu TCty phải chuyển toàn bộ dòng tiền qua tài khoản để NH kiểm soát".

Ông Nguyễn Văn Tú - GĐ Cty XNK Vĩnh Phúc - phản ánh tình trạng tiêu cực khi cùng một bộ hồ sơ vay vốn cho dự án giống nhau, nhưng các DN khác được vay còn Cty ông thì lại không được vay...

Tuy nhiên, nhìn lại cũng thấy một điều trong các thắc mắc của DN gửi Thống đốc NHNN là bản thân DN chưa "nắm" được một cách đầy đủ chính xác quyền lợi của mình trong các văn bản quy định trong chính sách HTLS. Nhiều DN vẫn hỏi Thống đốc NHNN có được vay vốn HTLS để đảo nợ không, vay vốn bằng USD có được HTLS không?...
 
Như cách nói của bà Bùi Như Ý - Phó TGĐ NH Đầu tư và Phát triển VN (BIDV), hầu hết những kiến nghị của DN khá "ngây thơ", bởi tất cả đều đã có luật định và văn bản hướng dẫn, dẫn tới quá trình hoàn thành thủ tục vay vốn gặp khó khăn và bị kéo dài hoặc DN không tiếp cận được vốn vay. Người chịu thiệt không ai khác vẫn là DN.

NH cũng nên "chơi đẹp"

Đối với vấn đề ngoại tệ, mặc dù trước đó Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã trả lời báo chí về các biện pháp giải quyết tình trạng căng thẳng trên thị trường hiện nay, nhưng hầu hết DN tham gia buổi đối thoại vẫn lo lắng khi hiện tại nhu cầu USD thanh toán nợ đến hạn và thanh toán hàng NK vẫn chưa được các NH đáp ứng.

Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NNHN) Nguyễn Quang Huy khi trả lời trực tiếp các DN đã cho biết, tình trạng căng thẳng nguồn cung USD của các NH trong những ngày qua là nguyên nhân chính khiến thanh khoản ngoại tệ giảm mạnh. Theo ghi nhận của NHNN, cung - cầu USD của các NH đã "âm" nặng, có ngày lên tới 500 triệu USD.

Để tháo gỡ khó khăn về ngoại tệ cho các NH, Vụ trưởng Huy cho biết, NHNN sẽ triển khai 6 biện pháp lớn. Trong đó, NHNN sẽ tăng cường kiểm tra việc mua bán ngoại tệ của các NHTM, nếu phát hiện hiện tượng vượt trần quy định, DN nên báo ngay cho NHNN để xử lý. Một biện pháp quan trọng nữa là NHNN sẽ làm việc với các nhà NK lớn, NHNN yêu cầu thay vì mua sẽ chuyển sang vay USD.
 
Trước đó, Phó Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo các NHTM thông qua Hiệp hội NH tạo sự đồng thuận để triển khai đồng bộ trong việc đưa lãi suất huy động và vay USD xuống thấp. NHNN đang khẩn trương hoàn thiện phương án sớm hướng dẫn các TCTD áp dụng mức lãi suất tiền gửi thích hợp đối với các tổ chức kinh tế có nguồn thu ngoại tệ. NHNN đồng thời đang nghiên cứu triển khai đồng bộ biện pháp chống găm giữ ngoại tệ. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết ngay trong buổi đối thoại: "Với các hành vi đầu cơ ngoại tệ, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn, kể cả biện pháp hành chính".

Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cũng khuyến cáo các DN nên đa dạng hóa nguồn thu và thanh toán. Các NH cũng nên "chơi đẹp" và năng động trong việc hỗ trợ DN trong việc thanh toán, hoán đổi ngoại tệ tránh tình trạng: Các loại ngoại tệ từ xuất khẩu của DN phải bán cho NH theo giá niêm yết, sau đó phải mua USD giá cao ngoài chợ đen để trả cho khoản vay trước đó của chính NH này như các DN phản ánh.

* Không thể mua được ngoại tệ từ NH. Trao đổi với PV Báo Lao Động, hầu hết các DN kinh doanh XNK (xin không nêu tên) đều cho biết họ đang khốn khổ vì không thể nào mua được ngoại tệ từ NHTM để thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng nước ngoài. Tại thời điểm này, các NH chỉ cho các DN vay, chứ bán ngoại tệ theo giá quy định của NH thì dứt khoát... không có. Nếu muốn có được ngoại tệ thì phải tính theo giá như "ở ngoài". Nếu vay ngoại tệ để nhập khẩu hàng, DN sẽ phải chịu "thiệt đơn thiệt kép", bởi ngoài phần phải chịu lãi suất vay, nguyên liệu nhập về sản xuất bán ra chỉ thu được đồng nội tệ, rồi phải mua lại ngoại tệ theo giá thị trường tự do giá cao để trả NH, thiệt hại rất lớn. Công Thắng

* Theo báo cáo nhanh của các NHTM, dư nợ cho vay HTLS bằng VND đến ngày 14.5 là 291.886,24 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn là 282.184,75 tỉ đồng, tăng 10.241,5 tỉ đồng (3,76%); dư nợ cho vay trung - dài hạn là 9.701,49 tỉ đồng, tăng 4.971,57 tỉ đồng (105,1%) so với ngày 7.5.  L.T

L Đ

ĐỌC THÊM