Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp thép bên bờ phá sản

Nhiều nhà máy sản xuất thép chỉ hoạt động cầm chừng. Ảnh:C.T.V
Hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã phải ngưng sản xuất hoặc giảm sản lượng do không tiêu thụ được sản phẩm
 
Giá phôi thép trên thị trường thế giới giảm còn 420 - 430 USD/tấn, tiếp tục giảm thêm khoảng 200 USD so với đầu tháng, làm cho giá thép xây dựng trong nước phải giảm thêm 2 triệu đồng/tấn.
Giảm giá vẫn không tiêu thụ được hàng
Thông tin từ các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép, gần đây sức tiêu thụ mặt hàng này đã giảm đến 60% so với những tháng đầu năm. Cho dù giá thép trong 2 tháng qua giảm liên tục nhưng vẫn không tiêu thụ được hàng. Công ty Thép Vina Kyoei bình thường mỗi tháng tiêu thụ khoảng 30.000 tấn, nay giảm còn 5.000 - 6.000 tấn. Tổng Công ty Thép VN trước đây tiêu thụ trên 60.000 tấn/tháng thì tháng 8 vừa qua chỉ tiêu thụ được 17.000 tấn, tháng 9 còn 16.000 tấn và 20 ngày của tháng 10 chỉ bán được 11.000 tấn. Tương tự, Pomina cũng giảm đến 50% sản lượng tiêu thụ.
Trong tháng 10 này, Tổng Công ty Thép VN đã có 2 đợt giảm giá bán, tổng cộng giảm 2 triệu đồng/tấn. Hiện giá thép cuộn xuất xưởng đã có thuế chỉ còn 12,075 triệu đồng/tấn, thép cây còn 12,558 triệu đồng/tấn. Tương tự, giá thép của Pomina là 12,5 triệu đồng/tấn thép cây, 12,3 triệu đồng/tấn thép cuộn. Giá thép của Vina Kyoei còn 12 - 12,5 triệu đồng/tấn. Thông tin từ các nhà máy thép cho thấy cứ 10 ngày họ phải giảm giá một lần và thời gian tới sẽ có khả năng giảm tiếp nếu sức tiêu thụ không tăng trở lại.
Hiện nay, trong nước có khoảng 10 DN sản xuất phôi thép và đang tồn hàng khá lớn. Nhưng thời gian qua, lượng phôi tồn này không thể xuất khẩu được do thuế suất xuất khẩu đối với mặt hàng này lên đến 20%. Sau đó, mức thuế này được giảm xuống còn 10% và hiện nay còn 5%, nhưng vẫn chưa có DN nào dám xuất bán ra nước ngoài vì họ cho rằng vẫn bị lỗ. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt, cho biết nếu mức thuế xuất khẩu phôi thép giảm còn 0% cũng không khuyến khích xuất khẩu được vì trước đó lượng thép phế liệu (dùng để sản xuất phôi) được DN nhập về có giá từ 600-700 USD/tấn thì nay đã giảm trên 50%, còn 320 USD- 330 USD/tấn. Nếu xuất bán với giá như hiện nay (chưa tính chi phí sản xuất), DN vẫn bị lỗ trên 100 USD/tấn. Tuy nhiên, thuế suất còn 0% sẽ tạo điều kiện cho các DN đang gặp khó khăn về mặt tài chính có cơ hội thu hồi vốn.
Đã có 5 doanh nghiệp ngưng hoạt động
Các đơn vị sản xuất thép trong nước cho biết họ bị lỗ từ tháng 7 vừa qua. Chuyện lỗ sẽ còn kéo dài cho đến cuối năm vì lượng nguyên liệu tồn và đã ký hợp đồng mua còn khá lớn. Do đó, nguy cơ phá sản đối với họ là rất lớn. Với giá bán thép thành phẩm như hiện nay, Tổng Công ty Thép VN mỗi tháng lỗ từ 60-70 tỉ đồng. Vina Kyoei đang lỗ vài triệu USD.
Theo Hiệp hội Thép VN, lượng hàng tồn kho của các DN trong hiệp hội hiện nay lên đến 500.000 tấn phôi thép, 360.000 tấn thép thành phẩm. Trong khi sức tiêu thụ thép thành phẩm hiện nay chỉ còn khoảng 100.000 tấn/tháng.
Hiện đã có 5 DN thép ngưng hoạt động, còn những đơn vị khác chỉ sản xuất cầm chừng, thậm chí có DN mỗi tháng chỉ sản xuất vài ba ngày.
Cần tăng thuế nhập khẩu thép
Giá thép thành phẩm bán lẻ trên thị trường TPHCM hiện nay còn khoảng 13,5 triệu- 13,8 triệu đồng/tấn. Đối với thép Trung Quốc (TQ) có giá bán rẻ hơn thép trong nước từ 500.000 đồng- 600.000 đồng/tấn. Thông tin từ Hiệp hội Thép VN cho thấy trong tháng 8, lượng thép xây dựng nhập từ TQ lên đến 28.400 tấn, tháng 9 là 27.900 tấn. Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, giá thép xây dựng ở TQ hiện đang giảm mạnh, họ đang bán dưới giá thành nên khả năng sắp tới phía TQ sẽ điều chỉnh chính sách hỗ trợ đầu ra cho các DN của họ. Nếu điều đó xảy ra, thép TQ sẽ tràn vào VN, cạnh tranh gay gắt với hàng trong nước. Để đối phó với tình hình trên, hiệp hội cũng đã kiến nghị cơ quan chức năng điều chỉnh mức thuế nhập khẩu thép thành phẩm từ 8% lên 25%._L.Giang
 
(Người Lao Động)

ĐỌC THÊM