Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bấp bênh chi phí nhiên liệu đầu vào

Vài tháng trở lại đây, giá xăng trong nước đã giảm gần 40%. Về lý thuyết, đầu vào cho nền kinh tế giảm sẽ giúp chi phí sản xuất giảm, tác động tới các ngành sản xuất kinh doanh. Nhưng, giá xăng dầu giảm có đưa đến việc sản xuất hiệu quả hay không lại là vấn đề khác.
Chưa kịp giảm đã rục rịch tăng

Là ngành sản xuất được hưởng lợi khá nhiều từ việc xăng dầu giảm giá, nhưng thời gian qua, hầu hết DN nhựa trong nước vẫn lưỡng lự, chưa có động thái giảm giá sản phẩm. "Giá nguyên liệu giảm từ cuối năm 2014 nhưng từ đầu tháng 2 năm nay, các tổ chức chuyên tư vấn về giá nhựa cho biết giá nguyên liệu hạt nhựa bắt đầu tăng trở lại, các lô hàng bắt đầu giao từ tháng 2/2015 đã không còn đà giảm" -  ông Nguyễn Hoàng Ngân - Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh cho biết. Trước biến động giá nguyên liệu khó lường như hiện nay thì DN khó lòng giảm giá sản phẩm đầu ra bởi một khi đã giảm nhưng vì lý do nào đó buộc phải tăng giá trở lại, sẽ tạo tâm lý không tốt nơi người tiêu dùng. Vì thế, giải pháp được một số DN áp dụng để "lấy lòng" khách hàng là khuyến mãi thêm sản phẩm chứ không giảm giá.
Ngành thép sẽ khó khăn do giá điện tăng cao. Ảnh: Doãn Tấn
Ngành thép sẽ khó khăn do giá điện tăng cao. Ảnh: Doãn Tấn
Với DN ngành thép, ông Nguyễn Quốc Thanh - Giám đốc một DN sản xuất thép tại Hà Nội cho biết, về giá xăng dầu, hiện nay, ngành thép chủ yếu sử dụng dầu DO, chiếm khoảng 3,5% trong giá thành nhưng trong cơ cấu giá thành sản phẩm thép, tiền điện lại chiếm khoảng 6 - 7%. Nếu giá điện tăng 7,5%, bình quân mỗi tấn thép sẽ tăng lên khoảng 55.000 - 70.000 đồng/tấn, do đó sẽ làm giảm tác động của giá xăng dầu tới chi phí sản xuất. Đây cũng là lý do tương tự được các DN ngành vật liệu xây dựng đưa ra .
Với DN sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, theo ông Dương Trí Hội - Phó Tổng giám đốc phụ trách bán hàng Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí, diễn biến giá cả của nhiều loại phân bón chưa giảm hoặc giảm không đáng kể, tuy nhiên không phải do giá dầu, chủ yếu do giá phân bón thế giới giảm nên giá trong nước cũng giảm theo.

Thêm lý do neo giá cao

Trong khi giá xăng dầu liên tục giảm khiến nhiều người dân vui mừng vì hy vọng sẽ tác động mạnh đến giá cả dịch vụ và các loại hàng hóa, họ sẽ có cơ hội mua được hàng hóa giá rẻ hơn. Thế nhưng, tại các chợ, giá nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, trứng… hầu như đều giữ nguyên từ nhiều tháng nay, ngoại trừ một số mặt hàng rau, củ, quả có giảm do thời tiết thuận lợi. Ở các khu vực ẩm thực trên địa bàn, từ bình dân cho đến cao cấp, đa phần các loại đồ ăn như cơm, bún, phở… giá vẫn niêm yết với mức giá như cũ. Các loại sữa giá vẫn được giữ nguyên, chưa có dấu hiệu giảm.
Các đại lý phân phối hàng điện tử cho biết, sắp tới, nhiều mặt hàng gia dụng sẽ tăng giá. Nguyên nhân là chi phí vận chuyển giảm rất ít sau đợt xăng giảm giá, thậm chí hiện nay các công ty vận tải tư nhân đang tăng giá từ 20 - 30%. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng mà cả mặt hàng thuốc Tây thời gian gần đây cũng bắt đầu "đội" giá. Có vẻ như niềm vui của người tiêu dùng chỉ được dừng lại ở việc các bình xăng được đổ đầy hơn, còn với nhiều mặt hàng khác, việc giảm giá là điều không mấy dễ dàng.
Các tiểu thương đưa ra không ít lý do để biện minh cho việc giá cả vào thời điểm này chưa giảm. "Mỗi lần giá xăng giảm là người tiêu dùng lại thắc mắc với chúng tôi vì sao giá hàng hóa không giảm theo. Chúng tôi buôn bán phải phụ thuộc vào nguồn hàng, họ bán cho giá cao thì làm sao chúng tôi giảm được. Trong khi giá thuê mặt bằng, giá điện, nước không hề giảm, ai cũng muốn bán giá phải chăng cho khách nhưng chúng tôi không thể nói giảm là giảm ngay được khi giá nhập hàng vẫn như trước" - một tiểu thương phân trần.
Sau quyết định tăng giá bán điện 7,5%, giá xăng dầu hiện cũng nhấp nhổm muốn tăng tốc khi một - hai ngày nữa sẽ đến kỳ điều chỉnh. Giá dầu thô tăng trở lại, trong khi Quỹ bình ổn không còn nhiều, nhiều DN đầu mối cho hay, giá bán lẻ hiện nay đã âm nặng so với giá cơ sở. Cụ thể, giá xăng A92 hiện nay đã bán âm hơn 3.020 đồng/lít, dầu diesel âm 1.465 đồng/lít, dầu hỏa âm 1.407 đồng/lít và mazut âm 1.983 đồng/kg… Trước viễn cảnh giá điện, giá xăng cùng tăng, nhiều DN khẳng định, sẽ phải tăng giá sản phẩm trong thời gian tới.

Nguồn tin: Kinh tế & đô thị

ĐỌC THÊM