Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Dự báo kinh tế và ngành công nghiệp sắt thép Trung Quốc 2010

Bước vào thế kỷ 21, nền công nghiệp Trung Quốc phát triển với tốc độ “vũ bão”. Có thể nói, người Trung Quốc đã nắm lấy thời cơ có một không hai để đưa vị trí dân tộc mình lên một nấc mới trên trường quốc tế. Các kế hoạch, dự án xây dựng, nhu cầu máy móc, thiết bị tăng đột biến. Từ đó, tạo động lực cho nguồn vốn xã hội đầu tư ngày càng nhiều vào lĩnh vực sắt thép.

Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế năm 2007 ập đến quá bất ngờ khiến cho nền công nghiệp này như “ngọn lao” phóng ra không thể thu lại được. Nhu cầu thu hẹp quá nhanh làm cho các nhà máy sản xuất đang xây dở dang để “đón đầu cơ hội mới” biến thành “sản lượng dư thừa của xã hội”.

Thời kỳ khó khăn nhất của Trung Quốc phải kể đến là các tháng 11, 12 năm 2008 và tháng 1, 2 năm 2009. Tháng 11 năm 2008, tổng giá trị xuất nhập khẩu Trung Quốc giảm 9%, trong khi năm 2007 tăng trưởng gần 24%. Mức độ phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới của Trung Quốc lên đến 60%.

Dù sao đi nữa, người Trung Quốc cũng đã cho thấy khả năng dẫn dắt nền kinh tế tài tình của mình. Với chính sách “bảo vệ sự tăng trưởng bằng chi tiêu ngân sách, điều tiết cơ cấu cán cân thương mại, nới lỏng thu nhập quốc gia để kích cầu”, nền kinh tế Trung Quốc đã “vượt bão” khá an toàn. Bằng chứng là tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 đạt 7.1%, quý 2 đạt 7.9%, quý 3 đạt 8.9%, dự báo cả năm nay có thể đạt 8.5%.

Trong năm 2010, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ cải tổ nền kinh tế theo hướng: Thứ nhất, cân bằng đối trọng trong ba lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp sản xuất; công nghiệp chế biến và dịch vụ. Trong đó ưu tiên phát triển các ngành “dịch vụ hiện đại” như tài chính, ngân hàng… vì giá trị gia tăng cao và có thể đẩy mạnh nhu cầu nâng cao trình độ dân trí trong xã hội. Thứ hai, cân bằng đối trọng giữa xuất và nhập khẩu. Cần phải chuyển mô hình “xuất khẩu kéo kinh tế” thành “tiêu dùng kéo kinh tế”, tăng cường đô thị hóa các vùng miền. Đặc biệt giảm sự chênh lệch tăng trưởng giữa các khu vực để đảm bảo phát triển bền vững.

Theo phân tích, nếu Trung Quốc tăng cường đầu tư thêm 1%, GDP sẽ tăng 0.4752%. Giả sử tiêu thụ và xuất khẩu không đổi, với tốc độ tăng trưởng đầu tư hiện nay có thể góp 15% tăng trưởng GDP. Dự báo tốc độ đầu tư năm sau sẽ giảm trở lại nhưng chính phủ cam kết giữ cao hơn 25%. Nguyên nhân chính do: nhiều “siêu công trình” đang còn dang dở cần tiếp tục đầu tư. Đầu tư nhà ở dân dụng tăng. Đầu tư máy móc cơ khí công nghiệp, ô tô, điện máy tăng…

Tuy nhiên, nếu tiêu dùng tăng 1%, GDP có thể tăng đến 0.6566%. Giả sử đầu tư và xuất khẩu không đổi, tốc độ tiêu dùng hiện nay có thể đóng góp 10% GDP vào năm sau. Dự báo, nhu cầu tiêu dùng năm sau sẽ tăng mạnh bao gồm tiêu thụ ô tô và điện gia dụng tăng. Số lượng vay tín dụng tiêu dùng tăng. Chế độ bảo hiểm xã hội, thu nhập bình quân tăng sẽ giúp nâng cao nhu cầu tiêu dùng của người lao động. Dự tính năm 2010, Trung Quốc tiêu thụ 13 triệu chiếc ô tô. Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ ô tô có thể đại diện cho tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong toàn xã hội.

Năm 2010 sẽ là năm đầu tiên trong một loạt thời gian cần thiết để kinh tế Trung Quốc hoàn toàn phục hồi, có thể mất 3 đến 4 năm để kinh tế có thể hoàn toàn “khỏe mạnh” trở lại. Chính phủ Trung Quốc đã đề ra các bước:

1. Thiết lập một nền kinh tế tiêu thụ thực sự trong nước. Giảm dần mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào nước ngoài.

2. Chú trọng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới. Đề cao ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất của các doanh nghiệp.

3. Đào thải các ngành công nghiệp dư thừa sản lượng, đảm bảo cán cân cung cầu trong xã hội.

4. Nâng cao mức độ gắn kết giữa các doanh nghiệp trong ngành và các ngành với nhau. Tạo thành một thể hợp nhất để tập trung phát triển kinh tế.

Riêng đối với ngành thép, chính phủ Trung Quốc đã đặt ra 3 vấn đề:

1. Trước mắt giải quyết vấn đề tồn kho, sau đó giải quyết vấn đề dư thừa sản lượng bằng cả pháp luật (cấm xây dựng nhà máy mới, buộc đóng cửa nhà máy cũ), lẫn kinh tế (công ty nhà nước đứng ra thu mua các doanh nghiệp nhỏ).

2. Cơ cấu lại sản phẩm. Cân bằng giữa thép công nghiệp và xây dựng.

3. Nắm bắt cơ hội thị trường quốc tế hồi phục, đẩy mạnh xuất khẩu để vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, cần phân biệt công suất thực tế và công suất tối đa của các nhà máy. Trong điều kiện kinh tế bình thường, công suất hoạt động của các nhà máy vào khoảng 85% là hợp lý. Do đó, nếu sản lượng thống kê cao hơn nhu cầu 15% vẫn có thể chấp nhận được. Ngoài ra, sản lượng dư thừa một phần lớn do không xuất khẩu được. Từ tháng 1 đến hết tháng 11, Trung Quốc chỉ xuất khẩu 21,260,000 tấn thép, giảm 62% so với năm 2008. Khi khủng hoảng qua đi, nhu cầu thế giới sẽ tăng trở lại. Từ hai yếu tố trên, chính phủ Trung Quốc trong quá trình cắt giảm sản lượng cần phải chú ý, nếu quá mạnh tay, khi nhu cầu quay trở lại cung không đủ cầu lại gây ra hiện tượng tăng trưởng thoái quá vì lợi nhuận cao.  

Ngoài ra, chính phủ cần phải phân biệt tính chất thương mại của từng loại thép để có biện pháp quản lý thích hợp. Thép công nghiệp là sản phẩm chịu sự cạnh tranh quốc tế cao, khi kinh tế toàn cầu hồi phục, giá thép công nghiệp có khả năng tăng trở lại. Trong khi đó, thép dài chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước, chịu ảnh hưởng của giá thép kỳ hạn Thượng Hải, nếu quản lý tốt sàn giao dịch, giá thép dài sẽ tăng trưởng tốt. Nhìn chung, giá thép dài có khả năng tăng mạnh hơn thép công nghiệp trong năm sau.

Niềm tin kinh tế hồi phục trong năm sau của người Trung Quốc vô cùng lớn. Cùng với sự hồi phục này, ngành thép sẽ cho thấy bước chuyển mình tích cực, xứng đáng là “người khổng lồ” của lĩnh vực sắt thép thế giới.

(Sacom)

ĐỌC THÊM