Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xây dựng thương hiệu - thách thức lớn đối với ngành dệt may

Do chủ yếu làm gia công cho nên phần giá trị gia tăng dành cho các nhà sản xuất ngành dệt may là rất thấp. Vì vậy, xây dựng thương hiệu các sản phẩm dệt may Việt Nam trở nên cấp thiết và là thách thức lớn đối với ngành dệt may.

Máy cắt vải tự động của Tổng công ty cổ phần
dệt may Hà Nội (HANOSIMEX).
Giám đốc điều hành Tập đoàn dệt may Việt Nam Nguyễn Tiến Trường đưa ra thí dụ cụ thể, rằng khi sản xuất sản phẩm áo sơ-mi dành cho nam giới, nếu tính chi phí mua vải, công may và các chi phí khác thì giá thành sản phẩm này chỉ là 150.000 đến 160.000 đồng/sản phẩm. Nếu gắn thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như Việt Tiến chẳng hạn, thì giá bán sản phẩm này đã gấp năm lần và giá có thể tăng gấp 100 lần khi được gắn thương hiệu cao cấp của thế giới mà DN Việt Nam ký hợp đồng sản xuất.

 

Theo Giám đốc Nguyễn Tiến Trường, trước hết, các DN phải tìm được lợi thế cạnh tranh, không xây dựng thương hiệu tràn lan, cần tìm sản phẩm mũi nhọn để xây dựng thương hiệu. Các DN phân tích thị trường tiêu thụ, các đối thủ cạnh tranh, sử dụng lợi thế trong sản xuất, thiết kế, kỹ thuật, từ đó xây dựng thị trường "ngách", thí dụ như thời trang công sở dành cho phụ nữ tuổi trung niên, sơ-mi cao cấp cho doanh nhân. Ðồng thời DN xây dựng hệ thống các thương hiệu hiện có, biểu tượng, tên gọi sản phẩm, hệ thống cửa hàng phân phối để mở rộng thị phần tiêu thụ sản phẩm và có các chương trình truyền thông dài hạn như quảng cáo, biểu diễn thời trang, cửa hàng giới thiệu sản phẩm... đưa thương hiệu đến với người tiêu dùng.

 

Tổng giám đốc Công ty may Ðức Giang Hoàng Vệ Dũng nhấn mạnh, thương hiệu là yếu tố sống còn của DN trên thị trường, nhất là trong lĩnh vực thời trang. Một thương hiệu mạnh với hệ thống nhận diện thương hiệu nhất quán, sẽ giúp DN không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa mà còn dễ dàng thâm nhập thị trường thế giới. Công ty May Ðức Giang đang triển khai xây dựng nhiều thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường trong nước như Dugarco, Forever Young...

 

Hiện một số thương hiệu sản phẩm dệt may Việt Nam đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, như Molis (Công ty dệt Phong Phú), Fhouse (Công ty may Phương Ðông), Sanding (Công ty may Sài Gòn 2), Newera (Công ty may Ðức Giang), Silki (Công ty dệt Thái Tuấn)... Công ty may Việt Tiến là một trong những DN thành công với nhiều thương hiệu được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa thích, như dòng sản phẩm thương hiệu Việt Tiến gồm sơ-mi, quần âu, cà-vạt dùng cho doanh nhân, công sở; dòng sản phẩm thương hiệu Vee Sendy với các sản phẩm sơ-mi thời trang, áo thun, quần jean, ka-ki, váy, bộ thể thao, thắt lưng, mũ, sử dụng cho công sở, dạo phố...; dòng sản phẩm thương hiệu Vee Sendy gồm đồng phục, bảo hộ lao động; dòng sản phẩm thương hiệu TT-up, thời trang cao cấp sơ-mi, quần âu, bộ vét, áo thun, váy, túi xách, khăn choàng... Ðồng thời, Việt Tiến thực hiện mô hình mua quyền thương mại (Franchising) đối với một số thương hiệu nổi tiếng để thực hiện chiến lược đa dạng chủng loại sản phẩm và mở rộng phạm vi kinh doanh. Theo Phó Chủ tịch HÐQT Công ty Nguyễn Ðình Trường, Việt Tiến thực hiện định vị đa thương hiệu áp dụng cho nhiều dòng sản phẩm có các cấp độ  khác nhau, phục vụ nhiều đối tượng, nhiều độ tuổi và nhiều môi trường sử dụng; xác định vai trò chiến lược đối với các thương hiệu của công ty trong từng thời điểm để hoạch định kế hoạch đầu tư và khai thác thương hiệu.

 

 Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Nguyễn Sơn cho rằng, thương hiệu tạo lợi thế cho DN và sản phẩm của DN, định hướng tiêu thụ sản phẩm của DN. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu cần có chiến lược dài hơi. Tuy nhiên, hiện nay số DN có kế hoạch phát triển thương hiệu một cách bài bản chưa nhiều. Thực trạng là các DN dệt may ít chú trọng công tác xây dựng và phát triển thương hiệu. Bởi xây dựng thương hiệu thường đòi hỏi thời gian để chinh phục được người tiêu dùng và tốn kém nhiều chi phí. Ngoài ra, công tác đăng ký và bảo hộ thương hiệu còn nhiều bất cập, tốn kém. Hiện nay, chỉ  DN có nội lực tốt, có lợi thế sản phẩm mới tập trung đầu tư cho công tác này. Nhận rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, ngoài sự cố gắng của các DN, cũng rất cần các chương trình hỗ trợ từ Nhà nước trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu Việt Nam  tại một số thị trường trọng điểm trên thế giới; hỗ trợ các DN thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát triển thương hiệu, từng bước thời trang hóa ngành dệt may.

ND