Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tuần 27/2018: Dự báo xu hướng thép TQ

Nhu cầu tiêu thụ thép tại thị trường nội địa Trung Quốc vẫn ổn định trong tháng 6 dù là mùa tiêu thụ thấp điểm, với số liệu tồn kho giảm đều qua các tuần, hỗ trợ giá thép ở mức cao. Chính sách kiểm soát nguồn cung, tăng cường giám sát các khu vực sản xuất thép để bảo vệ môi trường cũng đã giúp cán cân cung-cầu cân bằng. Tuy nhiên, giá cả cũng biến động liên tục trong phạm vi hẹp do căng thẳng thương mại Trung Quốc-Mỹ gia tăng và các quan ngại sức mua suy yếu.

THÉP DÀI

Chính phủ Trung Quốc tiếp tục tăng cường kiểm soát môi trường trong chiến dịch cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí cũng như đảm bảo không khí sạch cho Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tháng 6 nên đã ra lệnh hạn chế sản xuất ở vài khu vực.  Các nhà máy thép ở các tỉnh Thường Châu, Trấn Giang và Trương Gia Cảng đã nhận được yêu cầu cắt giảm 50% công suất trong giai đoạn 11-24/6 theo sau các cuộc điều tra môi trường.

Bên cạnh đó, là một phần của kế hoạch chống ô nhiễm mới trong 3 năm, hội đồng nhà nước đã cam kết loại bỏ bất kỳ năng lực sản xuất mới nào cho thép, than cốc và nhôm điện phân ở các vùng như Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc và Đồng bằng sông Dương Tử để hạn chế khí thải công nghiệp, được cho là thải rất nhiều khói gây ô nhiễm môi trường.Bộ Môi trường cũng tiến hành các đợt kiểm tra môi trường tại 28 thành phố phía bắc và một số khu vực dễ ô nhiễm khói bụi khác từ tháng 6-tháng 4 năm sau. Các chính sách môi trường đã giúp củng cố niềm tin thị trường, tăng cường cân bằng cung-cầu, hỗ trợ giá tăng trong các tuần đầu tháng.

Nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng tuy có chậm lại trong mùa tiêu thụ thấp điểm, song không bị suy yếu nhiều, thể hiện ở số liệu tồn kho thép cây giảm đều qua các tuần, ngoại trừ tuần thứ ba của tháng. So với mức đỉnh hồi giữa tháng 3 thì tồn kho thép cây hiện đã giảm một nửa xuống gần 5 triệu tấn.

Tuy nhiên, thị trường cũng gặp áp lực từ sản lượng thép thô liên tục gia tăng và ảnh hưởng của căng thẳng thương mại leo thang giữa chính quyền Washington và Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi ngày 15-6 đã công bố quyết định đánh thuế mạnh trị giá 50 tỉ USD lên 800 mặt hàng của Trung Quốc trong đó có ô tô. Các sản phẩm này sẽ chịu mức thuế 25% bắt đầu từ ngày 6/7 tới. Việc Mỹ-Trung liên tiếp đưa ra những biện pháp áp thuế kiểu ăn miếng trả miếng đã làm tâm lý thị trường thép lo ngại, dẫn tới giá biến động trong tháng.

Sản lượng thép cây Trung Quốc gia tăng do các công ty hợp pháp đã đẩy mạnh công suất kiếm lời từ sau khi kết thúc chiến dịch mùa đông hồi cuối tháng 3. Sản lượng thép cây trong tháng 5 tăng 3.6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 17.74 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng thép thô của các thành viên cũng tiếp tục gia tăng đầu tháng 6 sau khi lập kỷ lục mới trong tháng 5. Sản lượng của các nhà máy CISA đạt trung bình 1.9802 tiệu tấn/ngày trong 10 ngày đầu tháng 6, tăng 1.3% so với cuối tháng 5 và 6.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy dù đang bị kiểm soát môi trường thì các nhà máy ngoài khu vực kiểm soát sản lượng vẫn gia tăng công suất để kiếm lời khi mà lợi nhuận ở mức cao trong năm nay.  Số liệu chính thức cho thấy lợi nhuận các nhà máy tăng mạnh trong tháng 5, với thép cây thu được khoảng 150 NDT/tấn.

Trong khi đó, quan ngại về sức mua suy yếu cũng gây áp lực cho thị trường giao ngay. Việc điều chỉnh về chính sách đền bù di dời cho các gia đình sống trong khu ổ chuột tại Trung Quốc cũng xáo trộn tâm lý thị trường. Cụ thể, ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB) đã chấp thuận các hợp đồng cải tiến khu ổ chuột, song thay vì đền bù di dời bằng tiền mặt thì sẽ đổi thành đền bù bất động sản, đưa người dân tới các khu dân cư khác hoặc đưa họ trở lại một khi đã hoàn thành việc tái xây dựng chỗ cũ. Chính sách này được cho là sẽ làm giảm nhu cầu thu mua bất động sản, nhà ở và làm giảm tiêu thụ thép xây dựng, gây áp lực cho giá.

Với cân bằng cung-cầu hiện tại, giá thép cây giao ngay cơ bản không thay đổi nhiều so với tháng trước. Gía ở mức 4.080 NDT/tấn (631 USD/tấn) xuất xưởng.

Thị trường trong nước mạnh hỗ trợ giá xuất khẩu, khiến các nhà máy giữ nguyên giá chào bán trong suốt nửa đầu tháng. Tuy nhiên, sau đó giá thép cây được nâng lên 580 USD/tấn FOB do tồn kho thép cây liên tục giảm và giá trong nước cao hơn giá xuất khẩu. Người mua cũng có vẻ hào hứng hơn khi tăng giá chào mua, song vẫn hấp hơn giá chào bán Trung Quốc. Về cuối tháng, trước sự mất giá của đồng NDT đã buộc các nhà máy phải giảm giá trở lại tầm 550-560 USD/tấn FOB, cũng ổn định so với hồi tháng 5.

Thị trường đang hướng tới sự cân bằng cung-cầu với chiến dịch cắt giảm sản xuất vì môi trường kéo dài tới tháng sau. Tuy nhiên, sức mua tháng tới dự báo cũng suy yếu do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kèm mưa lớn.Vì yếu tố lợi nhuận cao, những nhà máy hợp pháp và nhà máy lớn sẽ còn gia tăng công suất để kiếm lời, dẫn tới nguồn cung liên tục tăng trưởng và đẩy tồn kho thép gia tăng trở lại.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Trung Quốc –Mỹ cũng là mối lo. Bất cứ sự đáp trả quyết liệt nào giữa hai bên đều gây rủi ro cho các công ty thép. Bên cạnh Mỹ, EU và Canada cũng đang chuẩn bị áp thuế cho thép Trung Quốc, gây áp lực cho thị trường xuất khẩu nước này.

Do đó, dự báo giá sẽ còn biến động nhưng phạm vi dao động hẹp. Xu hướng giá suy yếu nhẹ khoảng 5-10 USD/tấn vào tháng 7 tới xuống 540-550 USD/tấn FOB.

THÉP DẸT

Thị trường thép dẹt cũng mạnh trong tháng 6 nhờ các tin tức cắt giảm nguồn cung và tồn kho thép thấp cũng như sự kiểm soát môi trường nghiêm khắc của Chính phủ. Tuy nhiên, những bất ổn xoay quanh chính sách thương mại đáp trả giữa Trung Quốc-Mỹ đã dẫn tới giá cả biến động và tâm lý thị trường lo ngại. 

Nhu cầu tiêu thụ vẫn diễn ra ổn định song do mùa thấp điểm, nhất là khu vực phía đông và nam trong khi sản lượng thép thô gia tăng đã dẫn tới tồn kho giảm chậm lại và gia tăng trong tuần thứ ba của tháng 6. Tuy nhiên, so với mức đỉnh giữa tháng 3 thì tồn kho HRC vẫn giảm khoảng gần 40% xuống dưới 2 triệu tấn.

Các nhà máy thép tính tới hiện tại vẫn đang có lợi nhuận rất cao, nên vẫn lạc quan. Lợi nhuận sản xuất HRC trong nước tầm khoảng 1.000 NDT/tấn, do đó cũng thu hút các nhà máy xuất khẩu chào bán vào trong nước vì lời hơn.

Giá HRC Q235 5.5mm không thay đổi nhiều so với tháng trước, hiện ở mức 4.270 NDT/tấn xuất xưởng có thuế. Giá vẫn mạnh chủ yếu nhờ yếu tố tâm lý thị trường được hậu thuẫn bởi chính sách môi trường. Tháng 6 vốn là mùa tiêu thụ thấp điểm song qua các số liệu tồn kho thép cho thấy sức mua vẫn ổn.

 Các khách hàng Châu Á sau thời gian lưỡng lự cũng đã chấp nhận tăng giá chào mua, song vẫn còn thấp hơn giá chào bán các nhà máy. Chào giá HRC thương phẩm vẫn tầm 600 USD/tấn FOB như trong tháng 5, tuy nhiên, vài nhà máy đã chấp nhận bán giá thấp hơn dưới 590 USD/tấn FOB để kích cầu. Giá cao dẫn tới hoạt động xuất khẩu hạn chế, trong khi căng thẳng thương mại với Mỹ khiến người mua lo ngại.

Với chính sách môi trường hiện tại thì giá cả vẫn sẽ được hỗ trợ. Tuy nhiên, trong tháng 7 sẽ chứng kiến sức mua dần suy yếu trong khi nguồn cung vẫn cao vì các nhà máy lớn và hợp pháp không thuộc phạm vi cắt giảm sẽ còn gia tăng công suất để kiếm lời nên gây sức ép cho giá, kéo giá giảm tầm 10-20 USD/tấn xuống khoảng 570-580 USD/tấn.

SẢN LƯỢNG THÉP THÔ

Sản lượng thép thô của các công ty thành viên Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc ở mức trung bình 1.9802 triệu tấn/ngày từ ngày 1-10/6, tăng 1.3% so với cuối tháng 5 và tăng 6.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này giảm 2.4% vào cuối tháng 5 so với mức trung bình 10 ngày trước đó.

Sản lượng thép tăng bất chấp chính phủ Trung Quốc nỗ lực “siết” sản lượng tại các khu vực quan trọng nhằm hạn chế ô nhiễm không khí. Tình trạng này cũng cho thấy Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong xử lý việc dư thừa công suất tại quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới.

 “Các nhà máy thép đã chạy hết công suất và thêm thép phế liệu để tăng sản lượng nhằm tận dụng biên lợi nhuận cao”, ông Zhuo Guiqiu – chuyên gia phân tích cao cấp tại hãng Jinrui Futures, cho biết.

Tỷ lệ công suất sử dụng tại các nhà máy thép tại Trung Quốc đều trên 71% từ cuối tháng 5. Mức này được ghi nhận trước khi có quy định hạn chế sản lượng mùa đông từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 3 năm nay.

Dự báo vì yếu tố lợi nhuận, sản lượng tháng 6 sẽ tiếp tục ở mức cao, nhưng với sự kiểm soát môi trường gây áp lực lên sản lượng, kéo nguồn cung tháng này trở về mức 77-78 triệu tấn.

QUẶNG SẮT

Giá quặng vẫn đang nhận được sự hỗ trợ từ giá thép cũng như nhu cầu tiêu thụ nhờ nguồn lợi nhuận cao dẫn tới các nhà máy gia tăng công suất sản xuất tháng qua.

Bên cạnh đó, giá cũng phản ứng lại với vụ tai nạn khai thác quặng sắt tuần trước đó, dấy lên mối lo ngại về khả năng nguồn cung trên thị trường thắt chặt. Đường Sơn – thành phố sản xuất thép hàng đầu tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc dự kiến – sẽ đóng cửa 226 công ty khai thác mỏ.

Nhu cầu tiêu thụ quặng sắt tại Trung Quốc cũng đang tăng do yếu tố lợi nhuận thúc đẩy các nhà máy gia tăng công suất kiếm lời. Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 6 năm nay, ở mức 88.9 triệu tấn vào ngày 27/6, theo Reuters. Với ba ngày chưa dỡ hàng, nhiều khả năng nhập khẩu tháng 6 sẽ vượt 91.1 triệu tấn. Nhập khẩu quặng sắt vào Trung Quốc vẫn tương đối mạnh, ngay cả khi tranh chấp thương mại Trung Quốc-Mỹ leo thang.

Description: https://www.satthep.net/uploads/news/07/39/60/Untitled.png

Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay tháng này cũng biến động theo giá thép và có phần suy yếu nhẹ so với tháng trước, giảm khoảng 0.5 USD/tấn xuống dưới 65 USD/tấn.  Rủi ro sắp tới là nhu cầu tiêu thụ quặng giảm do chính sách môi trường kéo giá giảm theo. Tuy nhiên, dự báo giá chỉ giảm khoảng 1-2 USD/tấn xuống 63-64 USD/tấn.

KẾT LUẬN

Giá thép dự báo biến động và suy yếu nhẹ trong tháng 7 do:

·  sản lượng thép thô đang gia tăng trong khi tiêu thụ chậm lại sẽ làm tăng hàng tồn kho.

· Căng thẳng thương mại Trung Quốc-Mỹ leo thang dẫn tới áp lực gia tăng cho ngành thép.

· Canada, EU cũng đang tiến hành điều tra áp thuế cho thép Trung Quốc, gây áp lực cho thị trường xuất khẩu nước này.

 · Lợi nhuận thép cao cho phép các nhà máy giảm giá để kích cầu trong bối cảnh sức mua chậm vào tháng 7.

· Tháng 7 là mùa tiêu thụ thấp điểm do nắng nóng, mưa nhiều cản trở xây dựng.

Tuy nhiên, giá vẫn nhận được hỗ trợ từ:

· Bắc Kinh công bố các chính sách để thúc đẩy hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và giữ tăng trưởng kinh tế ổn định..

· Chính sách cắt giảm nguồn cung, kiểm soát môi trường của Chính phủ tiếp tục.

Do đó, dự báo giá chào HRC tầm 570-580 USD/tấn FOB và thép cây tầm 540-550 USD/tấn FOB trong tháng 7, giảm nhẹ 5-10 USD/tấn.

Thép dài còn gọi là thép xây dựng (sử dụng trong ngành xây dựng) như thép hình, thép thanh và thép cây.

Thép dẹt được sử dụng trong ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, sản xuất ô tô, sản xuất các máy móc thiết bị công nghiệp, bao gồm các loại thép tấm, lá, cán nóng và cán nguội.

Lưu ý:  Dự báo trên chỉ mang tính tham khảo. Quý khách hàng nên tham khảo thêm nhiều nguồn tin khi quyết định mua bán.