Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tuần 26/2017: Dự báo xu hướng giá thép TG

 http://tiepthithegioi.vn/wp-content/uploads/2016/10/thep-3276-1398138441.jpg

THÉP DÀI

  • Thị trường thép Thổ Nhĩ Kỳ đã ngưng giao dịch do lễ ăn chay Ramadan kéo dài tới thứ tư tuần này. Sức mua thị trường trong nước tuần qua vẫn tốt, trong khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu trầm lắng, nên các nhà xuất khẩu thép cây vẫn đang tập trung vào bán trong nước.

Hiện tại, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Ai Cập, Dubai đều đã đóng băng giao dịch với Thổ Nhĩ Kỳ. Họ chỉ còn được vài thị trường nhỏ là Yemen và Israel. Một khi nhu cầu tiêu thụ trong nước bão hòa thì thực sự là thách thức lớn cho các nhà xuất khẩu.

Theo thông báo ngày 14/6 của Bộ trưởng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Nihat Zeybekci, thuế quan cho thép cây nhập khẩu sẽ giảm xuống hơn nữa, còn 10-30%. Sắc lệnh này sẽ thu hút nhiều hàng nhập khẩu về sau.

Giá chào hiện tại từ các nhà máy là 435-440 USD/tấn FOB. Người mua vẫn chào mua thấp hơn giá bán tầm 5-10 USD/tấn. Do đang trong lễ ăn chay nên dự báo các nhà máy sẽ giữ nguyên giá chào xuất khẩu để tập trung bán vào trong nước. Giá chào sẽ vẫn ở mức 435-440 USD/tấn FOB trong tuần này. Tuy nhiên, tới tháng 7, khả năng các nhà máy sẽ gặp khó khăn khi sức mua đã bão hòa, do đó, các nhà xuất khẩu phải giảm giá bán để kích cầu. Giá sẽ giảm từ 5-10 USD/tấn, còn 425-430 USD/tấn FOB.

  • Thị trường xuất khẩu thép cây CIS cũng đang gặp khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính bị chặn bởi các biện pháp thương mại, chẳng hạn như thuế chống bán phá giá từ Mỹ và Bắc Phi, kể cả Ai Cập.

    Chào giá thép cây từ Nga ở mức 410-415 USD/tấn FOB . Tuy nhiên, giá thép tại Trung Quốc đang tăng cộng với Thổ Nhĩ Kỳ giảm nửa thuế quan cho hàng nhập khẩu sẽ cứu cánh cho thép cây CIS lúc này. Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đang trong lễ nên sức mua không mạnh.

     Do đó, giá thép cây CIS dự báo sẽ ổn định trong tuần này. Giá tháng 7 sẽ giảm tầm 5-10 USD/tấn FOB cò 404-410 USD/tấn FOB do thiếu sức mua.

  • Giá thép cây Mỹ suy yếu do sức mua trầm lắng sau khi các nhà máy giảm giá để cạnh tranh. Chào giá trong nước ở mức 515-540 USD/tấn xuất xưởng, với vài nhà máy đang chào bán tại mức thấp 500 USD/tấn để bảo toàn các đơn hàng lớn.

Có hai nhà máy thông báo tăng thêm 20-25 USD/tấn là Commercial Metals Co. và Gerdau Long Steel North America, tuy nhiên không có nhà máy nào khác hưởng ứng. Họ đang lo lắng vì sức mua không hậu thuẫn giá tăng. Dù vậy, điều tra 232 đang hỗ trợ cho thị trường thép trong nước. Do đó, dự báo giá sẽ tiếp tục ổn định ở mức 515-540 USD/tấn trong tuần này. Tới tháng 7, khả năng sẽ có thêm các nhà máy thông báo tăng giá hưởng ứng theo điều tra 232, đẩy giá tăng thêm 10-20 USD/tấn lên 520-550 USD/tấn.

  • Thị trường thép cây Châu Âu tuy ổn định tuần qua, song giá chịu nhiều áp lực từ : giá phế giảm 10 Euro/tấn, Algeria trì hoãn việc công bố giấy phép nhập khẩu thép cây EU, tiêu thụ chậm chạp tại Thổ Nhĩ Kỳ do lễ Ramadan dù có giảm thuế, sức mua suy yếu trong hè, giá thấp tại Nam, Đông và Trung Âu.

   Giá thép cây hiện tại ổn định, với giá tại Pháp là 160 Euro/tấn còn tại Benelux và Đức cao hơn, ở mức 170-180 Euro/tấn xuất xưởng. Thị trường đang trông chờ Chính quyền EU công bố áp thuế chống bán phá giá cho thép cây Belarus.

    Dự báo giá sẽ ổn định trong tuần này. Giá tháng 7 có thể tăng lại khi Chính quyền Algeria công bố giấy phép nhập khẩu và Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt lễ ăn chay. Giá tăng thêm 10 Euro/tấn.

THÉP DẸT

  • Thị trường tấm mỏng Mỹ đang ổn định sau khi các nhà máy tăng chào giá thêm 30 USD/tấn. Sức mua không có gì nổi trội, nhưng tâm lý thị trường được hậu thuẫn bởi điều tra 232 và thời gian làm hàng mở rộng. Áp lực từ hàng nhập khẩu giảm đáng kể do không còn chào giá nhập khẩu nào theo sau cuộc điều tra.

  Chào giá hiện ổn định ở mức 600-630 USD/tấn và dự kiến tiếp tục ổn định cho tới cuối tháng. Trong tháng 7, dự kiến sẽ có kết quả điều tra 232 và các nhà máy sẽ tiếp tục tăng giá thêm từ 20-30 USD/tấn, nâng giá chào lên 620-650 USD/tấn. Tuy nhiên, sức mua trong hè không hỗ trợ giá nên giá sẽ về mức 610-630 USD/tấn vào cuối tháng.

  • Tâm lý thị trường thép cuộn Châu Âu đang khởi sắc nhờ sức mua dự báo tăng mạnh lại vào Q3/Q4, theo các quan chức phát biểu tại cuộc họp ở Barcelona trong tuần qua.

Các nhà máy cấp 1 đang hướng tới các đàm phán nửa cuối năm và tiêu thụ từ các nhà tiêu thụ cuối vẫn mạnh, song sức mua tại thị trường giao ngay suy yếu do các nhà phân phối có hàng tồn cao. Tuy nhiên, giá nhận được hỗ trợ từ sự khởi sắc của thị trường Trung Quốc, với tồn kho trong nước giảm 1 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng nhập khẩu từ Châu Á cũng đã bắt đầu tăng giá.

Giá tại Nam Âu dường như đã chạm đáy, ổn định ở mức 450-460 Euro/tấn trong tuần. Trong khi đó, các nhà máy Bắc Âu nỗ lực đưa giá vượt lên được mức tâm lý 500 Euro/tấn.

Nga đã rút khỏi thị trường nhập khẩu CIS, hiện chỉ còn Ấn Độ đang hoạt động tích cưc với giá chào ở mức 454 Euro/tấn CIF cảng Tây Ban Nha. Dự báo giá sẽ tiếp tục ổn định trong tuần này và tăng lại vào tháng 7 do các nhà máy thông báo tăng giá để kéo giá về lại trên mức tâm lý 500 Euro/tấn. Giá tháng 7 sẽ  tăng tầm 10-20 Euro/tấn, đạt mức 510-520 Euro/tấn.

  • Thị trường thép cuộn Thổ Nhĩ Kỳ ổn định do áp lực sức mua chậm trong lễ và nhu cầu tiêu thụ từ Châu Âu cũng im ắng vào hè. Giá chào nội địa từ các nhà máy ổn định ở mức 505-515 USD/tấn xuất xưởng còn giá xuất khẩu thấp hơn 15-20 USD/tấn. Giá giao dịch thấp hơn giá chào từ 5-10 USD/tấn.

Các nhà máy CIS đã tăng giá chào thép cuộn tới Thổ Nhĩ Kỳ thêm 5-10 USD/tấn, đạt mức 560-565 USD/tấn. Trong khi đó, các nhà máy CRC và HDG trong nước cũng tăng giá chào bán. Do đó, dự kiến các nhà máy HRC sẽ tăng giá theo thêm 5-10 USD/tấn trong tháng 7, đạt mức 510-525 USD/tấn.

SẢN LƯỢNG THÉP THÔ

Sản lượng thép thô trong tháng 5 của 67 quốc gia thành viên Hiệp hội Thép Thế giới là 143.3 triệu tấn, tăng nhẹ thêm 1 triệu tấn so với mức tháng 4. Sản lượng 5 tháng đầu năm đạt 695 triệu tấn, tăng 4.7% so với 664 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, sản lượng của Châu Á đạt 99.9 triệu tấn, với tất cả các nước sản xuất chính trong khu vực trừ Hàn Quốc đều tăng.  Tại CIS, sản lượng tháng đạt 8.4 triệu tấn, giảm ở Ukraina, Nga và Belarus.

Mặc dù Trung Quốc đã đóng cửa các lò cảm ứng theo chính sách của Chính Phủ , hoàn thành trước 30/6, giúp loại bỏ công suất dư thừa trong nước. Tuy nhiên, sản lượng có vẻ đã được bù đắp bởi các nhà máy lớn vì đang có lời. Dự kiến sản lượng tháng 6 sẽ còn tăng nhẹ thêm 1-2% lên 145 triệu tấn.

NGUYÊN LIỆU THÔ

 Thị trường phế khối lượng lớn nhập khẩu vào Đông Á vẫn ổn định trong tuần qua trong khi giá nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ tăng.

Tại Nhật, các thương nhân trả thêm 500 Yên/tấn cho phế H2 xuất khẩu, đạt mức 25.500 Yên/tấn FAS.  Thị trường phế nhập khẩu vào Hàn Quốc im ắng nhưng giá mua phế nội địa tăng thêm 1.000 Won/tấn (8.70 USD/tấn) từ các nhà máy  Dongkuk Steel Millm, Korea Iron & Steel Co., Daehan Steel and YK Steel.

Các nhà máy Việt Nam do dự mua phế Mỹ vì khối lượng lớn và giao hàng lâu trong khi xu hướng bất ổn. Họ đang chuộng phế Hồng Kông với một giao dịch phế HMS I/II 50:50 khối lượng 2.000 tấn tại mức 360-365 USD/tấn CFR Việt Nam. Phế Trung Quốc được chào bán ở mức 280 USD/tấn CFR Việt Nam nhưng sau các vấn đề về chất lượng, các nhà máy đang do dự.

Giá nhập khẩu phế HMS Mỹ vào Thổ Nhĩ Kỳ tăng 8 USD/tấn lên 283 USD/tấn CFR.

 

Do đang trong hè nên các nhà máy thép sẽ tiến hành bảo dưỡng máy móc, khiến tiêu thụ phế giảm. Do đó, giá phế Đông Á cũng như Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến ổn định trong tuần này. Giá tháng 7 có thể tăng thêm 10-15 USD/tấn theo giá thép.

Thép dài còn gọi là thép xây dựng (sử dụng trong ngành xây dựng) như thép hình, thép thanh và thép cây.

Thép dẹt được sử dụng trong ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, sản xuất ô tô, sản xuất các máy móc thiết bị công nghiệp, bao gồm các loại thép tấm, lá, cán nóng và cán nguội.

Lưu ý:  Dự báo trên chỉ mang tính tham khảo. Quý khách hàng nên tham khảo thêm nhiều nguồn tin khi quyết định mua bán.