Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tuần 20/2019: Dự báo xu hướng thép TQ

Thị trường cải thiện tuần này, bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gia tăng và tiêu thụ vào mùa thấp điểm nhờ kỳ vọng Chính quyền sẽ có các biện pháp kích thích nền kinh tế, đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng có thể thúc đẩy hơn nữa nhu cầu thép trong thời gian tới.

THÉP DÀI

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng thuế từ 10% lên 25% cho 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc vào ngày 10/5, đồng thời đe dọa sẽ "sớm" áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc do các cuộc đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington tiến triển "quá chậm". Trong khi đó, Trung Quốc cũng tuyên bố đáp trả lại mức thuế 5-25% cho 60 tỷ USD hàng nhập khẩu Mỹ đã bị đánh thuế trước đó từ ngày 01/6. Căng thẳng thương mại hai nước tiếp tục gia tăng, khiến thị trường biến động. Tuy nhiên, lo ngại về căng thẳng thương mại đã phần nào dịu bớt về cuối tuần vì cả hai bên đều cam kết tiếp tục đàm phán để giải quyết tranh chấp kéo dài hàng tháng sau cuộc chiến thuế quan gay gắt của họ trong những ngày gần đây.

"Chúng tôi ước tính việc tăng thuế quan 25% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến giá trị xuất khẩu giảm 20% và Trung Quốc mất 0.5% GDP", ANZ cho biết.

"Chúng tôi tin Trung Quốc sẽ thực hiện nhiều biện pháp kích thích hơn để bù đắp tác động của sự sụt giảm trong xuất khẩu của mình".

Hay theo Ông Darren Toh, chuyên gia khoa học dữ liệu tại công ty Tivlon Technologies cho hay, “Llo ngại về thuế quan chỉ là tạm thời, trong khi nhu cầu tiêu thụ thép tại thị trường Trung Quốc vẫn lớn”. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/5 cũng mô tả đợt leo thang căng thẳng thương mại gần đây với Trung Quốc chỉ là một cuộc cãi vã nhỏ và khẳng định đàm phán giữa hai bên vẫn chưa sụp đổ.

Ông Toh cho biết các nhà máy sản xuất thép tại Trung Quốc vẫn có lời dù sản lượng thép đang ở mức cao. Sản lượng thép thô tháng 4 của nước này tăng 12.7% so với tháng trước lên cao kỷ lục do nhu cầu lớn và mức lợi nhuận hấp dẫn.

Trước đó, Chính quyền Bắc Kinh đã công bố hàng loạt chính sách kích thích kinh tế sau cuộc họp Hội đồng nhân dân cấp cao nửa đầu tháng 3. Trong đó có phát hành trái phiếu hỗ trợ cơ sở hạ tầng, giảm thuế VAT, … Thuế VAT cho ngành sản xuất trong nước đã được cắt giảm từ 16% xuống 13%.

Có khoảng 60% trái phiếu chính quyền địa phương mới phát hành trong Q1, chủ yếu để tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đã tăng so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm khoảng 38% khối lượng hàng năm 2019 trong 3.08 nghìn tỷ NDT (460 tỷ USD). Nhờ các biện pháp kích thích kinh tế,  số liệu cho thấy tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt 6.4 % trong quý đầu tiên, đánh bại các ước tính trước đó và thúc đẩy cuộc tranh luận về việc liệu nền kinh tế cần các biện pháp kích thích hơn nữa.

Các khu vực sản xuất trọng điểm Trung Quốc cũng tiếp tục các chính sách cắt giảm sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của Chính Phủ. Các nhà máy thép ở 2 thành phố sản xuất thép chính của Trung Quốc là Đường Sơn và Hàm Đan đã được lệnh tiếp tục cắt giảm sản lượng trong tháng 4 và tiếp tục vào tháng này xuống 50%.

Giá thép cây trên sàn kỳ hạn Thượng Hải cũng đã thoát đáy 5 tuần, dần hồi phục về cuối tuần này. Tại thị trường giao ngay, thép cây tăng 30 NDT/tấn lên 4.110 NDT/tấn (598 USD/tấn) so với tuần trước.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ở thị trường xuất khẩu diễn ra chậm chạp và khá im ắng do chào giá Trung Quốc cao so với các nguồn cạnh tranh khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Malaysia..Bên cạnh đó, đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng khiến thị trường thận trọng. Các nhà máy chào bán vào mức 520-530 USD/tấn FOB giao tháng 7.

Thực tế chiến tranh thương mại không ảnh hưởng trực tiếp nhiều tới nhu cầu thép, mà áp lực chính là nhu cầu thấp trong khi sản lượng vẫn tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, với niềm tin thị trường lạc quan về các biện pháp kinh tế cũng như sự tăng trưởng thị trường bất động sản có thể giúp giá tăng về gần mức 550 USD/tấn FOB vào tháng 6 trước khi suy yếu trở lại và dao động trong khoảng 520-530 USD/tấn FOB vào tháng 7 khi bước vào mùa tiêu thụ thấp điểm.

THÉP DẸT

Nhu cầu tiêu thụ chậm, trong khi lo ngại căng thẳng thương mại gia tăng gây áp lực cho thị trường cuộn cán nóng tuần này. Cuộn cán nóng, thép thành phẩm được sử dụng trong xe hơi và đồ gia dụng giảm thêm 30 NDT/tấn xuống  4.000-4.010 NDT/tấn (591-592 USD/tấn) xuất xưởng có thuế.

Giá cả đang gặp áp lực chính từ nhu cầu tiêu thụ suy yếu trong khi nguồn cung tiếp tục gia tăng. Một số công ty đang tìm cách tăng sản lượng, sản xuất thép cấp thấp và sử dụng lò cảm ứng rẻ hơn nhưng gây ô nhiễm hơn, nhóm công nghiệp cho biết, đầu tư tài sản cố định vào nhà máy luyện kim và luyện kim loại đã tăng 30.6% trong quý đầu tiên.

Nhu cầu tiêu thụ xe hơi tiếp tục cho thấy sự chậm lại trong năm nay. Theo Shi Jianhua, phó tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho biết thị trường xe sẽ tiếp tục với tốc độ chậm trong năm 2019 với doanh số ô tô sẽ đạt 28.1 triệu chiếc vào năm 2019, sẽ không thay đổi so với năm ngoái. Trong tháng 1-tháng 3, sản lượng và doanh số xe đạt tổng cộng 6.33 triệu và 6.37 triệu chiếc, giảm 9.8% và 11.3% theo năm, dữ liệu do CAAM công bố cho thấy.

Nhu cầu về thép dẹt, chủ yếu cho sản xuất xe và máy móc, vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, các nguồn tin thị trường cho biết.

Thị trường xuất khẩu cũng suy yếu nhẹ do các nhà máy giảm giá để kích cầu trong khi cạnh tranh từ các nguồn khác trở nên gay gắt. Người mua ngoài nước thận trọng trước căng thẳng thương mại nên tiếp tục chờ đợi. Chào giá giảm nhẹ xuống 520-530 USD/tấn giao tháng 7, mất 10-15 USD/tấn so với đầu tháng.

Tuy nhiên, các chính sách kích thích kinh tế dự kiến cũng được Chính phủ công bố rộng rãi trong thời gian tới, phần nào hỗ trợ tâm lý thị trường và tiêu thụ. Do đó, dự kiến giá cả tiếp tục biến động nhẹ và tăng nhẹ về cuối Q2 lên  550-560 USD/tấn FOB, sau đó do áp lực tiêu thụ thấp kéo giá quay về mức hiện tại trong tháng 7.

SẢN LƯỢNG

Sản lượng thép thô tháng 4 của Trung Quốc đạt 85.03 triệu tấn, tăng 12.7% so với năm ngoái, dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố vào ngày 15/5 cho thấy. Sản lượng thép thô hàng ngày đạt trung bình 2.834 triệu tấn, tăng 9.4% so với mức trung bình trong tháng 3.

Trong tháng 1-tháng 4, sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt tổng cộng 314.96 triệu tấn, tăng 10.1% so với năm trước.

Sản lượng thép thô tháng 4 nhảy vọt đã nằm trong dự đoán của thị trường, trong khi việc cắt giảm sản lượng thép mùa đông của Trung Quốc kết thúc vào cuối tháng 3, lợi nhuận tăng vọt, do nhu cầu nội địa mạnh, đặc biệt là từ lĩnh vực bất động sản, đã khuyến khích sản xuất thép Trung Quốc.

Sản lượng thép thô của Trung Quốc có thể sẽ giảm nhẹ trong tháng 5, do các lệnh cắt giảm sản lượng nghiêm ngặt hơn áp dụng cho mùa không sưởi ấm tại trung tâm luyện thép của Trung Quốc, thành phố Đường Sơn. Tuy vậy, sản lượng thép thô của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ ở mức cao trong tương lai gần, do lợi nhuận khá cao từ cung cấp và nhu cầu mạnh mẽ từ khu vực bất động sản. Mức sản lượng dự báo tầm 84 triệu tấn.

QUẶNG SẮT

Giá quặng tiếp tục gia tăng lên mức cao kỷ lục kể từ năm 2010, được thúc đẩy bởi triển vọng nhu cầu tại các nhà máy thép tăng trong khi nguồn cung khan hiếm, dự trữ quặng giảm.

Theo số liệu từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA), chỉ số giá quặng sắt (CIOPI) của nước này đạt 342.42 điểm hôm 16/5/2019, tăng 0.72% tương đương 2.43 điểm so với chỉ số trước đó ngày 15/5/2019.

 

Trong số đó, chỉ số giá quặng sắt thị trường nội địa đạt 294.56 điểm, tăng 0.14% tương đương 0.42 điểm so với chỉ số trước đó, chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu đạt 351.46 điểm, tăng 0.81% tương đương 2.81 điểm so với chỉ số trước đó.

 

Giá quặng sắt giao kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Đại Liên tăng 4.1% lên 698.5 NDT (101.2 USD)/tấn, mức cao đỉnh điểm kể từ tháng 7/2010.

Trong khi đó, giá quặng giao ngay 62% Fe tăng 0.7 USD/tấn so với tuần trước lên 94.82 USD/tấn CFR Trung Quốc.

Các nhà đầu tư dự kiến nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép tăng mặc dù giá cao, khi các nhà máy thép vẫn muốn tăng sản lượng trong bối cảnh lợi nhuận tăng mạnh, thương nhân có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.

Công suất sử dụng tại các nhà máy thép Trung Quốc tăng 0.28% điểm lên 69.06% tính đến ngày 17/5/2019 so với tuần trước đó, công ty tư vấn Mysteel cho biết, mặc dù các biện pháp chống ô nhiễm tại thành phố sản xuất thép hàng đầu – Đường Sơn, Trung Quốc – thắt chặt. Giá quặng sắt tăng mạnh cũng được hậu thuẫn bởi lo ngại nguồn cung thắt chặt sau tai nạn mỏ, điều này có thể dẫn đến một loạt các cuộc kiểm tra an toàn trên toàn quốc.

Tuy nhiên, các nhà phân tích và các thương nhân cảnh báo rằng, quá trình bổ sung dự trữ tại các nhà máy thép có thể chậm lại một khi nhu cầu thép suy yếu.

Giá dự báo sẽ còn duy trì ở mức cao do các vấn đề nguồn cung. Tuy nhiên, các hạn chế sản lượng và tiêu thụ thép giảm dự sẽ kéo giá về lại 85-87 USD/tấn trong tháng 6-tháng 7.

KẾT LUẬN

Những yếu tố nâng đỡ thị trường thép hiện tại gồm:

_Các chính sách giảm sản lượng tiếp tục tại khu vực trọng điểm Hà Bắc.

_Các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế rộng rãi, đẩy mạnh cơ sở hạ tầng.

_ Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, nhất là quặng và phế.

_Kỳ vọng Chính quyền tung ra chính sách kích thích kinh tế để xoa dịu căng thẳng thương mại.

_Đầu cơ

_Dữ liệu kinh tế vĩ mô mạnh.

Thị trường cũng tồn tại áp lực từ:

_Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc còn rủi ro, bất ổn.

_Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, gây bất ổn.

_ Nhu cầu tiêu thụ chậm dần do bước vào mùa mưa .

_Nguồn cung thép tăng, tồn kho gây áp lực.

_Trung Quốc giảm chi tiêu ngân sách cho các vấn đề hạ tầng để giảm nợ.

Dự báo

Chính phủ nước này sẽ còn tung ra nhiều chính sách kích thích kinh tế hơn nữa để xoa dịu tình hình trước gánh nặng từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào đang gia tăng với giá quặng ở mức cao, hỗ trợ giá thép. Tuy nhiên, do ngành xây dựng đang chuẩn bị bước vào mùa mưa nên hoạt động tiêu thụ dự chậm lại trong khi tâm lý giới đầu tư còn bất ổn do căng thẳng Mỹ- Trung khó đạt được thỏa thuận sớm. Do đó, giá biến động phạm vi hẹp và tăng nhẹ về mức 550 -560 USD/tấn FOB trong tháng 6 trước khi giảm trở lại khoảng 20-30 USD/tấn vào tháng 7.

Thép dài còn gọi là thép xây dựng (sử dụng trong ngành xây dựng) như thép hình, thép thanh và thép cây.

Thép dẹt được sử dụng trong ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, sản xuất ô tô, sản xuất các máy móc thiết bị công nghiệp, bao gồm các loại thép tấm, lá, cán nóng và cán nguội.

Lưu ý:  Dự báo trên chỉ mang tính tham khảo. Quý khách hàng nên tham khảo thêm nhiều nguồn tin khi quyết định mua bán.