Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tuần 17/2017: Dự báo xu hướng giá thép TQ

 

Giá thép Trung Quốc trượt dài kể từ cuối tháng 3 đến nay đã khiến cho tâm lý thị trường vô cùng bi quan, buộc các nhà máy cắt giảm giá trong nước cũng như xuất khẩu liên tục. Tuy nhiên, đà giảm giá vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại gây hoang mang cho người mua.

THÉP DÀI

Nhu cầu tiêu thụ suy yếu, hàng tồn kho neo đậu ở mức cao trong khi các thương nhân tăng bán khống tại mức giá thấp khiến thị trường thép Trung Quốc hoang mang và chờ đợi giá giảm thêm nữa.

Giá phôi thanh Đường Sơn đã giảm liên tục kể từ giữa tuần trước, mất  gần 130 NDT/tấn tính tới thời điểm này, xuống mức 2.720 NDT/tấn. Tương tự, giá thép cây tại thị trường Bắc Kinh giảm liên tiếp từ đầu cho tới cuối tuần theo giá giao kỳ hạn. Mặc dù trong 2 ngày kề cuối, giá thép cây giao kỳ hạn tăng nhẹ trở lại song tâm lý thị trường không có chút cải thiện nào. Các nhà máy vẫn dùng hình thức cắt giảm giá để kích cầu còn người mua thì chọn cách chờ đợi.

Tính trong vòng một tuần nay, giá thép cây HRB400 đường kính 18-25 tại thị trường Bắc Kinh đã giảm 5.5% từ mức trung bình 3.305 NDT/tấn xuống còn 3.170 NDT/tấn vào cuối tuần. Trong khi đó, giá hợp đồng thép cây giao tháng 10 trên sàn SHFE tăng 2 phiên liên tiếp trong những ngày cuối tuần, về mức 2.889 NDT/tấn.

Diễn biến giá thép cây tại thị trường Bắc Kinh trong tuần 17-21/4

Sự suy yếu của thị trường thép trong nước đã kéo theo giá xuất khẩu sụt giảm. Tâm lý người mua vẫn lo sợ giá giảm nữa và xa lánh thị trường.

So với giá trong nước, giá thép cây xuất khẩu Trung Quốc giảm nhẹ hơn, mất 4 USD/tấn, chỉ gần 1% về mức 408 USD/tấn FOB. Tuy nhiên, mức thấp này vẫn chưa thể thu hút người mua.

 

Diễn biến giá thép cây xuất khẩu trong tuần 17-21/4

THÉP DẸT

Thiếu nhu cầu tiêu thụ vẫn là nguyên nhân chính khiến cho thị trường thép cuộn Trung Quốc suy yếu. Trong tình hình giá thép liên tục giảm như hiện nay thì tồn kho thép cuộn tại các nhà máy, các nhà phân phối và nhà tiêu thụ cuối vẫn cao, cho thấy người mua không cần đặt hàng vào lúc này. Có vẻ như xu hướng tăng giá hồi Q1 đã khiến thị trường vô cùng lạc quan và họ cũng thu mua thép dự trữ rất nhiều, cho nên việc giá giảm dài gần cả tháng này đã tạo sức ép giảm hàng tồn buộc các nhà máy tăng bán ra và giảm giá chào bán.

Giá HRC tại thị trường Thượng Hải trượt dài cả tuần và giảm mạnh nhất vào thứ ba, mất 1.99%. Tính trong vòng 1 tuần nay thì giá đã giảm 3.4%, còn trung bình 2.920 NDT/tấn bất chấp giá giao kỳ hạn tăng 2 phiên liên tiếp, ở mức 2.930 NDT/tấn. Nhu cầu tiêu thụ suy yếu nên giá giao kỳ hạn tăng chủ yếu do các hiện tượng đầu cơ thay vì yếu tố tâm lý ngành thép cải thiện. Hiện chi phí sản xuất HRC tại hầu hết các nhà máy là 2.900 NDT/tấn nên có vẻ giá sẽ giảm nữa vì giá bán vẫn chưa về điểm hòa vốn.

Diễn biến giá HRC tại Thượng Hải trong tuần 17-21/4

Tương tự, giá xuất khẩu HRC cũng giảm liên tiếp xuống mức thấp gần kề 6 tháng. Giá chào bán SS400 dày 3mm hiện còn 407-409 USD/tấn FOB Trung Quốc, giảm 5.8% so với mức giá chào bán 420-425 USD/tấn FOB hồi đầu tuần.

Diễn biến giá HRC xuất khẩu trong tuần 17-21/4

Nhìn chung, xu hướng thị trường thép Trung Quốc tuần thứ ba của tháng 4 tiếp tục suy yếu và có vẻ sẽ giảm hết tháng do các áp lực tồn đọng.

SẢN LƯỢNG THÉP THÔ

Cung vượt quá cầu luôn là vấn đề nóng cho ngành thép Trung Quốc. Vì thế mà trong cuộc họp Quốc hội Trung Quốc khóa XII hồi đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường có cam kết rằng Trung Quốc sẽ giảm công suất thép 50 triệu tấn và công suất than ít nhất 150 triệu tấn trong năm nay để giảm ô nhiễm khí thải và hỗ trợ giá thép. Theo đó sẽ giảm tải hoặc đóng cửa các lò cảm ứng ở 26 thành phố phía bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, dường như chưa có nhà máy nào thực hiện cắt giảm công suất do yếu tố lợi nhuận.

Có vẻ như tình hình thị trường lạc quan hồi Q1 đã thúc đẩy các nhà máy tăng sản xuất để kiếm lời, vì thế mà sản lượng thép thô trong tháng vừa qua tiếp tục tăng và còn đạt mức kỷ lục, 72 triệu tấn, tăng 1.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trong cả Q1, sản lượng thép thô Trung Quốc đạt mức 201.1 triệu tấn, tăng 4.6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, do giá thép liên tục giảm trong tháng này nên các nhà máy sẽ phải cắt giảm công suất để hỗ trợ giá cũng như bảo dưỡng nhà xưởng. Các biện pháp của Chính Phủ Bắc Kinh cũng sẽ mạnh tay hơn trong Q2 để giảm ô nhiễm khí thải nên dự báo sản lượng thép thô trong những tháng tới sẽ giảm. Sản lượng thép thô tháng 4 có thể vẫn ở mức cao nhưng không phá vỡ mức kỷ lục hồi tháng 3 vừa qua, tầm 65-70 triệu tấn.

QUẶNG SẮT VÀ THAN ĐÁ

Số liệu thống kê hải quan Trung Quốc cho biết, trong tháng 3/2017, nhập khẩu quặng sắt và quặng sắt cô đặc của Trung Quốc đạt 95,56 triệu tấn, tăng 12,07% so với tháng trước đó và 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thị trường thép suy yếu kéo theo nhu cầu tiêu thụ quặng cũng giảm. Kết quả là tồn kho quặng tại các cảng Trung Quốc hiện ở mức 130 triệu tấn và giá giảm xuống đáy 5 tháng.

Giá quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc đã giảm 20 USD/tấn so với hồi tháng 10 năm ngoái, còn 66 USD/tấn  CFR Trung Quốc, lần đầu xuống dưới mức 70 USD/tấn tính từ thời điểm trên. Đà tăng giá than đá sau bão Debbie cũng đã đảo chiều giảm trở lại vào ngày 17/4.

Dự báo Úc sẽ tăng xuất khẩu quặng trong những tháng tới khiến nguồn cung quặng dư thừa càng trầm trọng và tâm lý thị trường cũng bi quan hơn. Có thể giá quặng sẽ tiếp tục giảm trong tuần tới này xuống còn 60-65 USD/tấn.

KẾT LUẬN

Thị trường thép Trung Quốc đã suy yếu liên tục trong 3 tuần qua với giá thép giảm tầm 5%/tuần. Như vậy, có vẻ giá sẽ còn suy yếu nữa trong tuần này và cả tháng 5 tới nhưng không lún quá sâu do những nguyên nhân sau:

_ Tồn kho thép thành phẩm tại các nhà máy, các nhà môi giới cũng như những nhà tiêu thụ cuối đều cao vì đã ôm hàng hồi Q1.

_Giá thép hồi Q1 tăng quá nhanh mà dường như chủ yếu do yếu tố tâm lý nhiều hơn là nhu cầu tiêu thụ thực sự, nên giá giảm gần đây đã khiến tâm lý thị trường vô cùng bi quan và giá còn giảm nữa.

_ Các dự án của Chính Phủ sẽ có ảnh hưởng dài hạn thay vì ngắn hạn nên nhìn chung chưa thể cứu vãn được tình hình suy yếu.

_Nhu cầu tiêu thụ sẽ tiếp tục suy yếu do tháng 5 đã bước vào mùa mưa.

_Giá quặng suy yếu gây áp lực tới giá.

_Các thương nhân tiếp tục bán khống tại mức giá thấp.

_Yếu tố tâm lý kéo giá thép giao kỳ hạn giảm, gây áp lực tới giá giao ngay.

_Các nhà máy buộc phải giảm giá nhưng vì gần về điểm hòa vốn nên thỉnh thoảng sẽ cầm chừng.

Theo định giá thép hàng ngày từ Platts, Satthep.net dự báo giá thép Trung Quốc giảm tiếp 3-5% trong tuần cuối tháng 4 và tiếp tục giảm dưới 10% vào tháng 5.Thị trường dường như sẽ ổn định trở lại vào tháng 6.