Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép Trung Quốc tuần 19

Thị trường thép Trung Quốc trong tuần 19 tiếp tục chứng kiến sự tụt dốc khi cả nhu cầu trong nước lẫn nước ngoài hầu như bất động trước những biến cố tiêu cực của nền kinh tế trong nước lẫn thế giới.

Như đã biết, tăng trưởng kinh tế trong quý Một của Trung Quốc đạt mức thấp nhất trong vòng ba năm gần đây, chỉ ở mức 8,1% so với mức 8,9% của quý Tư năm ngoái. Theo dự báo, kinh tế Trung Quốc đang trên đà xuống dốc sau khoảng thời gian hưng vượng kể từ suy thoái 2008, không phải chỉ vì sự thắt chặt chính sách tiền tệ mà do nhiều nguyên nhân khác, trong đó có xuất khẩu giảm mạnh, đặc biệt sang châu Âu.

Gần đây, báo chí cũng tốn không ít giấy mực để mô tả khu vực đồng Euro đối mặt với nguy cơ tan vỡ, cụ thể Tây Ban Nha đã tuyên bố vỡ nợ, còn Pháp và Hy Lạp không thể bóp miệng chi tiêu theo thỏa thuận thắt lưng buộc bụng, theo đó vòng soáy suy thoái mới đang quay trở lại với khu vực này. Không chỉ riêng châu Âu, mà nền kinh tế ở khắp nơi trên thế giới cũng rơi vào khó khăn chung.

Quay trở lại với thị trường trong nước, nhu cầu thép tại quốc gia này kể từ đầu tháng 5 đến nay vẫn chưa có chuyển biến, thậm chí còn yếu hơn so với những tháng trước dù đang ở giữa mùa cao điểm tiêu thụ.

Sự chạy đua hạ giá giữa các thương nhân để thu hút lực mua vẫn diễn ra từng ngày, nhưng không mang lại một kết quả như mong đợi vì người mua vẫn khoanh tay đứng nhìn. Lỗ đã xuất hiện từ tháng trước và bây giờ càng lỗ nặng thêm khi lượng hàng giá cao từ nhà máy mà thương nhân “ôm” từ cuối quý Một dành cho đợt bán ra trong quý Hai vẫn còn khá nhiều và rớt giá không phanh.

Trong bối cảnh tiêu thụ ngày càng yếu, thì các nhà máy vẫn duy trì sản lượng đều đặn mỗi tháng, nó đang trở thành cơn ác mộng đối với các nhà kinh doanh.

Sản lượng thép bình quân theo ngày của Trung Quốc trong 10 ngày cuối tháng 4 ước tính đạt 2,035 triệu tấn/ngày, tăng 1,49% so với mức 2.005 triệu tấn/ngày trong 10 ngày giữa tháng, theo số liệu từ Hiệp hội gang thép Trung Quốc cung cấp.

Thép xây dựng

Giá thép cây tại miền bắc Trung Quốc có nguyên một tuần giảm giá, bình quân từ 10-20 NDT/tấn/ngày.

Đến ngày thứ Năm trong tuần, thép cây HRB400 18-25mm do Hebei Iron & Steel (Hegang) sản xuất còn 4.240-4.260 NDT/tấn (672-675 USD/tấn) và thép cây HRB335 18-25mm còn 4.190-4.200 NDT/tấn. Cả hai đã bao gồm VAT 17%. Như vậy, kể từ thời điểm giữa tháng 3 đến nay, giá thép cây đã mất 200 NDT/tấn.

Về cuộn trơn Q235 Φ6.5mm-10mm, giá đến ngày thứ Năm trong tuần cũng điều chỉnh xuống còn 4.150 NDT/tấn.

Sức cầu giảm không chỉ do tác động của bối cảnh kinh tế trong nước mà cũng do một phần bởi vấn đề thời tiết, lúc mưa nhiều, lúc nắng gắt. Giới kinh doanh lo ngại triển vọng thị trường còn đi xuống vì nguồn cung quá dồi dào, các nhà sản xuất vẫn duy trì sản lượng đều đặn và “ép” đại lý lấy hàng trong khi các đại lý đang nỗ lực giảm hàng tồn cắt lỗ.

Thị trường thép ống không hàn cũng rơi vào bế tắc tương tự. Tính đến ngày thứ Tư trong tuần giá đã giảm 50 NDT/tấn. Nhưng khác là các nhà sản xuất đã tính đến kế hoạch giảm sản lượng để phù hợp với tình hình.

Theo đó, tại Thượng Hải, thép ống không hàn 219x6mm (GB/8163) được thương nhân điều chỉnh xuống 5.300-5.350 NDT/tấn (840-848 USD/tấn).

Cũng theo nhận định của một tổ chức trong ngành, giá thép ống không hàn sẽ giảm đến hết quý Hai này và thậm chí kéo dài đến hết năm nay.

Thép công nghiệp

Bốn ngày trong tuần cũng là bốn ngày thép cuộn cán nóng của Trung Quốc giảm tổng cộng 80-100 NDT/tấn (13-16 USD/tấn) do tác động bởi số liệu tăng trưởng kinh tế trong nước chậm lại, cũng như sức mua thấp.

Theo đó HRC Q235 5.5mm đã xuống 4.200-4.230 NDT/tấn (665-670 USD/tấn) tại Thượng Hải và 4.300-4.330 NDT/tấn tại Lecong (Quảng Đông), cả hai đã có VAT.

Như vậy giá giao ngay đã nằm dưới giá xuất xưởng của nhà máy, đây cũng là kết quả của sự chạy đua về giá của các thương nhân để nhanh chóng giảm lượng hàng tồn cắt lỗ. Giá xuất xưởng HRC Q235 5.5mm trong tháng 5 của Shagang là 4.380 NDT/tấn, đã gồm VAT.

Lượng tồn HRC tồn tại Lecong tuần này giảm 70.000 tấn so với cuối tháng 4 xuống còn 700.000-750.000 tấn, nhưng mức giảm chủ yếu do các thương nhân ngưng lấy hàng từ nhà máy và cố gắng thanh lý bớt lượng hàng trong kho.

Do không lạc quan về triển vọng thị trường trong những tháng tới, mới đây nhà sản xuất Baosteel thông báo giữ nguyên giá xuất xưởng hầu hết các sản phẩm thép trong tháng 6 tới.

Theo đó, CRC SPCC 1.0mm trong tháng 6 vẫn ở mức 4.866 NDT/tấn (771 USD/tấn), bao gồm chiết khấu, nếu chưa chiết khấu là 5.366 NDT/tấn, trong khi HDG DC51D+Z 1.0mm là 4.897 NDT/tấn đã chiết khấu, và 5.297 NDT/tấn chưa chiết khấu. Còn HRC Q235 5.5mm giao tháng 6 là 4.762 NDT/tấn, không chiết khấu. Tất cả đã bao gồm VAT 17%.

Việc giữ nguyên chính sách giá diễn ra đúng như mong đợi do nhu cầu thép không có tín hiệu cải thiện, nhất là lĩnh vực sản xuất.

Thị trường xuất khẩu

Các nhà xuất khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là các thương nhân đang chới với vì bị lỗ nặng. Dù chấp nhận bán với giá thấp hơn nhiều so với giá chào từ nhà máy nhưng cũng không thể nào kéo người mua đặt hàng.

Trong đó, các nhà máy Trung Quốc chào bán HRC SS400B từ 3mm ở mức 640-650 USD/tấn fob giao cuối tháng 6, đầu tháng 7, thì các thương nhân chào thấp hơn là 630-640 USD/tấn cfr. Thậm chí để tăng sự cạnh tranh hơn nữa, các thương nhân cũng hạ giá chào xuống còn 620-635 USD/tấn cfr, nhưng giao dịch vẫn thấp.

Hồi tháng 3, thời điểm cuối quý Một, thương nhân hăm hở đặt hàng từ nhà máy để tung ra trong quý Hai, sau khi lời to trong quý Một, nhưng họ không lường trước được nhu cầu tiêu thụ lại tệ hại trong thời gian này dù đang là mùa cao điểm tiêu thụ của thị trường nước ngoài.

Cái giá mà thương nhân phải trả là quá đắt với mức lỗ 20 USD/tấn. Không ít người than thở nếu đóng cửa không xuất khẩu nữa thì chi phí kho bãi cũng chết, giai đoạn này cực kỳ khó khăn đối với họ.

Trong đó, xuất khẩu sang Đông Nam Á đã im hơi lặng tiếng trong tuần này, chào bán thép lá cán nóng sang Việt Nam và Singapore đã xuống 640 USD/tấn cfr nhưng các khách hàng chưa có động tĩnh gì. Lần cuối cùng Việt Nam và Singapore nhập khẩu từ Trung Quốc là cuối tháng 4 với giá 645 USD/tấn cfr.

Về thép cuộn cán nguội CRC 1mm tuần này cũng được Trung Quốc chào bán ở mức 720-730 USD/tấn cfr, còn HDG chào bán ở mức 760-770 USD/tấn cfr. Riêng các thương nhân chào với giá thấp hơn. Về thép tấm thương mại, Trung Quốc chào bán ở mức 660-670 USD/tấn cfr.

Trung Quốc cũng chào bán thép cuộn trơn cho Đông Nam Á với giá 635-640 USD/tấn fob, tương đương 655-670 USD/tấn cfr nhưng cũng không mấy khách hàng đặt mua, duy chỉ Singapore chấp nhận mua nếu Trung Quốc đồng ý bán giá 650 USD/tấn cfr.

Thị trường nguyên liệu

Sau ba ngày giảm liên tiếp, giá phôi tại miền bắc Trung Quốc đã ngưng giảm và ổn định trong ngày thứ Năm trong tuần. Theo đó, phôi Q235 150x150mm do các nhà máy lớn ở Đường Sơn sản xuất chào bán xuất xưởng ở mức 3,650 NDT/tấn (578 USD/tấn), đã bao gồm VAT 17%. Sự chững lại của giá phôi chỉ là tạm thời và chắc chắn còn xuống trong tuần tới vì thiếu sự hỗ trợ từ lực mua lẫn chịu áp lực từ giá thép cây vẫn còn đang lao dốc.

Đồng hành cùng giá phôi, giá phế tại khu vực miền bắc Trung Quốc cũng mất giá những ngày qua. Tính đến ngày 10/9, giá phế HMS (>6mm) chỉ còn 3.250-3.400 NDT/tấn ở Hà Bắc và Liêu Ninh, bình quân giá giảm 20 NDT/tấn/ngày.