Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 52

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 52

Kinh tế thế giới

Nền kinh tế toàn cầu một năm nhìn lại vẫn còn đó sự phân hóa giữa các khu vực. Trong khi các nền kinh tế phát triển như châu Âu và Mỹ vẫn đang oằn lưng chống chọi với cuộc khủng hoảng dai dẳng từ hai năm về trước thì những nền kinh tế trẻ như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ la tinh từng bước khẳng định vị thế trên chính trường kinh tế.

Mỹ thì vẫn đang nỗ lực chấp vá lỗ hổng kinh tế sau cơn địa chấn khủng hoảng hồi năm 2008, nhưng nhìn chung Mỹ đã phần nào đạt được kết quả như mong đợi vì đã đưa nền kinh tế dần hồi phục trở lại, bằng chứng là tỉ lệ thất nghiệp đã giảm, sản xuất tăng lên… dù chỉ ở mức độ chậm nhờ sử dụng hiệu quả các gói kích cầu 600 tỷ USD cũng như chương trình giảm thuế trị giá 858 tỷ USD.

Trong khi châu Âu, dù cũng có nhiều biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng dường như khu vực này càng đắm chìm sâu hơn vào cuộc khủng hoảng nợ nần. Nguy cơ vỡ nợ công của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Ireland đang làm rung chuyển nền móng châu Âu, sự cứu trợ của các tổ chức tài chính thế giới cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với đống nợ chất như núi từ các nước, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài dần rút vốn và tháo chạy khỏi khu vực.

Điển hình cho nền kinh tế vẫn đạt tốc độ tăng trưởng vững chãi nhất thế giới là Trung Quốc. Thành quả mà Trung Quốc đạt được trong những năm gần đây đáng ngưỡng mộ nhờ những chính sách mở cửa hợp lý. Trong khi những nước thân Trung Quốc là Mỹ Latinh và Ấn Độ cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ và chiếm vị trí quan trọng của nền kinh tế thế giới.

Thị trường hàng hóa

Một năm qua, thị trường hàng hóa thế giới cũng biến động khá mạnh, nhất là kim loại quý do sự chuyển dịch đầu tư từ tiền tệ. Trong năm 2010, thế giới chứng kiến sự chuyển mình của giá vàng liên tục phá vỡ và lập kỷ lục mới. Mối quan ngại về sự bất ổn của các dòng tiền đã đẩy giá vàng lên mức cao ngất ngưởng 1.431 USD/ounce, trong khi kỷ lục của năm 2008 là 1.032,60 USD/ounce và năm 2009 là 1.226,37 USD/ounce.

Không chỉ đầu tư vào kim loại, chứng khoán được xem là sự lựa chọn thứ hai. Các chỉ số chứng khoán Dow Jones và S&P 500 trong năm nay cũng đang chạm lại các mức cao trước thời kỳ khủng hoảng. Còn năng lượng cũng cho thấy sức tăng ổn định dù chưa thể test lại ngưỡng 100 USD/thùng.

Sự phục hồi của thị trường hàng hóa cũng đang tạo sự hẫu thuẫn vững chắc cho giá thép. Không giống mọi năm, giá thép thế giới thường có sự điều chỉnh vào cuối năm do bước vào giai đoạn điều chỉnh nhu cầu thấp điểm trong mùa đông, nhưng cuối năm nay mọi thứ đã thay đổi, giá vẫn tăng mạnh nhờ được hậu thuẫn bởi chi phí sản xuất.

Trung Quốc, thị trường thép của nước này được xem là kim chỉ nam cho thị trường thế giới. Giá thép Trung Quốc đã có sự phục hồi và tăng mạnh kể từ cuối tháng 11 mà hầu hết các nước khác không theo kịp. Nhu cầu nguyên liệu sản xuất như quặng, than, phế, năng lượng phục vụ cho chiến lược gia tăng sản xuất của nước này đã bắt đầu trở thành thách thức khi nguồn cung eo hẹp hơn. Sự chạy đua về giá với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy giá leo thang chưa có điểm dừng.

Kết thúc năm nay, những nhà trữ hàng trên thế giới đang thắng lợi vì trượt giá bởi không cần sự hỗ trợ từ nhu cầu giá vẫn tăng lên từng ngày, mà xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài đến hết tháng 01 năm sau. 

Thị trường thép châu Á

Trong năm nay, thị trường xuất khẩu chính vẫn là ông lớn khu vực Đông Á bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, ngoài ra còn có Ấn Độ, trong khi khách hàng tiêu thụ chính vẫn là Đông Nam Á.

Mặc dù giá thép xuất khẩu của Trung Quốc cũng có nốt thăng trầm với giá thép trong nước, nhưng sự tăng mạnh của giá trong nước từ tháng 11 đẩy giá thép xuất khẩu của Trung Quốc đứng ngoài lề thị trường do không thể cạnh tranh được với các nước. Trong khi Nhật Bản là nước hưởng được lợi từ sự vắng mặt của Trung Quốc đã vươn xa vòi bạch tuộc đến khắp nơi trên thế giới.

Nhật Bản

Trong một năm qua, Nhật vẫn là một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thép. Dù trong quý Ba xuất khẩu của nước này chững lại, nhưng đã tăng tốc trở lại trong quý Tư.

Hiện tại Nhật đang mở các cuộc đàm phán xuất khẩu hạng mục thép tấm cán nguội tháng 02/2011 với các nhà nhập khẩu lớn ở châu Á, đặc biệt như Trung Quốc, sau khi đã hoàn tất việc thỏa thuận giá tháng 01.

Các nhà sản xuất thép Nhật Bản tin rằng họ sẽ tiếp tục nhận được lợi thế vì giá thép tấm cán nguội CRC sẽ vẫn phục hồi trong tháng 02 và những tháng tới. Mức giá mà họ đang hướng tới là 700 USD/tấn fob.

Ngoài ra, Nhật cũng đang tích cực chào bán sản phẩm HRC vào Trung Đông ở mức 700 USD/tấn C&F,  tức cao hơn 30-40 USD/tấn so với thời điểm cuối tháng 11 và đầu tháng 12 do nhà cung cấp Posco của Hàn Quốc vẫn chưa đưa ra chào giá mới cho vùng Trung Đông.

Tổng xuất khẩu thép dẹt của Nhật 11 tháng đầu năm nay đạt 259.000 tấn, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 11, xuất khẩu đạt 25.900 tấn, tăng 41% so với tháng 11/2009, nhưng lại giảm 60% so với tháng trước. Giá xuất khẩu bình quân của nước này là 668 USD/tấn.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất các sản phẩm thép của Nhật với 9.890 tấn, kế đến là Hong Kong với 4.300 tấn.

Hàn Quốc

Năm nay cũng được xem là sự thành công đối với ngành thép Hàn Quốc, tuy nhiên hầu hết các sản phẩm của nước này dùng cho xuất khẩu nhất là thép xây dựng vì hoạt động xây dựng trong nước yếu. Trong khi đó, Hàn Quốc lại nhập khẩu khá nhiều thép tấm, đặc biệt tấm đóng tàu từ Nhật Bản và Trung Quốc vì sản xuất trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu. Hàn Quốc trong nửa cuối năm nay đã nhận được nhiều đơn hàng đóng tàu trên thế giới.

Tuần này, nhà sản xuất thép Posco của Hàn Quốc đã thông báo duy trì giá thép công nghiệp không đổi trong quý Một năm tới, trong đó HRC duy trì ở mức 900.000 Won/tấn (783 USD/tấn), CRC là 1.020.000 Won/tấn và thép tấm là 950.000 Won/tấn.

Tuy nhiên, Posco cho biết sẽ tăng giá các sản phẩm thép không gỉ austenitic thêm 5,5% cho các giao dịch tháng 01 do thị trường đang dần được cải thiện và chi phí nguyên liệu thô vẫn theo xu hướng tiến lên, tức thép cuộn cán nóng HRC và cán nguội CRC không gỉ sẽ tăng thêm 200.000 Won/tấn (175 USD/tấn).

Như vậy, sản phẩm HRC 304 2-3mm sẽ nâng lên 3,8 million Won/tấn (3.316 USD/tấn) và CRC 304 2mm được nâng lên 4,07 million Won/tấn (3.551 USD/tấn). Còn sản phẩm 400 series sẽ không có gì thay đổi.

Posco cho biết, việc nâng giá bán là cần thiết để bù đắp chi phí sản xuất như nickel và phế. Do công ty hiện không có hệ thống tính chi phí hợp kim, nên giá thường được điều chỉnh mỗi tháng một lần.

Giá nickel giao kỳ hạn ba tháng tại Sàn giao dịch Kim loại London đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/12 ở mức 23.750/800 USD/tấn, tăng so với mức 22.675/800 USD/tấn chốt ngày 23/11.

Được biết, nhà sản xuất POSCO của Hàn Quốc đã thành công trong việc đàm phán giá thép tấm cán nguội với các khách hàng Đông Nam Á ở mức 650 USD/tấn fob, cao hơn gần 100 USD/tấn so với giá cũ.

Ấn Độ

Nhu cầu thép tại Ấn Độ cũng đã tăng mạnh trong một năm qua do kinh tế của nước này vẫn đang đạt mức tăng trưởng nhanh và mạnh, hầu hết thép sản xuất ra chủ yếu đáp ứng cho nhu cầu trong nước và chỉ dành một ít cho xuất khẩu. Ấn Độ đã và đang vạch ra nhiều chiến lược nhằm đẩy mạnh sản xuất trong những năm tới để đáp ứng cho nhu cầu gia tăng của nước này.

Trong đó có việc thắt chặt chảy nguồn cung quặng ra nước ngoài nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước tránh rơi vào tình trạng “con thiếu ăn mà mẹ đem gạo đi bán”.

Tuần này, một số nhà sản xuất thép Ấn Độ đang tiến hành đợt nâng giá bán cơ bản mới đối với các sản phẩm thép cuộn cán nóng giao tháng 01 năm tới thêm 1.500-2.000 Rs/tấn (33,27-44,35 USD/tấn) để bủ đắp cho chi phí sản xuất đầu vào tăng cao cũng như nhu cầu trong nước tăng mạnh.

JSW Steel đang nhắm đến nâng giá thêm 3-5% sau khi đã nâng giá 750 Rs/tấn hồi giữa tháng 12. Khả năng giá xuất xưởng sẽ được nâng lên mức 33.500-34.000 Rs/tấn trong tháng tới, tức cao hơn 2.000 Rs/tấn so với đầu tháng 12.

Tata Steel cũng được kỳ vọng là sẽ nâng giá thép cuộn thêm 1.500 Rs/tấn trong tháng tới và Steel Authority of India Ltd cũng có kế hoạch nâng giá 1.500 Rs/tấn.

Đài Loan

Trong quý Tư năm nay, giá thép sản xuất tại Đài Loan tăng khá mạnh theo thị trường Trung Quốc, điều này đã dẫn đến sự e ngại mua vào từ người tiêu dùng. Chính giá cao đang đẩy các nhà sản xuất trong nước rơi vào thế khó khăn vì đang tạo thuận lợi cho giá thép giá rẻ từ Hàn Quốc, Nhật Bản tràn vào chiếm lĩnh thị trường.

Điển hình như Hàn Quốc đã tăng cường chuyển hàng sang Đài Loan với giá rẻ hơn nhiều so với hàng sản xuất tại nước bản địa. Tuy nhiên, vài tuần trở lại đây, các nhà sản xuất của Hàn Quốc cũng đã nâng giá xuất khẩu sang nước này để hưởng ứng xu hướng tăng trên thị trường.

Trong đó Posco nâng giá lên mức 700 USD/tấn C&F, trong khi các nhà sản xuất Dungkuk Steel và Hyundai Steel đã nâng lên mức bình quân 650-660 USD/tấn C&F.

Được biết, Đài Loan nhập khẩu thép cuộn cán nguội với số lượng lớn trong hai tháng qua đã đe dọa đến lợi nhuận của các nhà sản xuất trong nước. Theo dữ liệu từ Cục Hải quan cho biết, nhập khẩu thép cuộn không gỉ hàng tháng của Đài Loan trong tháng 11 và tháng 10 là 20.000 tấn, gần như bằng với mức tiêu thụ hàng tháng tại nước này.

Trong tuần này, nhà sản xuất Chung Hung Steel thông báo nâng giá thép tấm cho tháng 01 do chi phí sản xuất đã tăng, nhất là giá phế nhập khẩu của nước này.

Như vậy, giá thép cuộn cán nóng HRC được nâng lên 20.400-20.900 Đài tệ/tấn, tức tăng 600-800 Đài tệ/tấn và thép cuộn cán nguội CRC được nâng lên 25.600-26.000 Đài tệ tấn, tức tăng 1.000 Đài tệ/tấn.

Khả năng giá thép trên thị trường giao ngay cũng sẽ điều chỉnh tăng thêm 500 Đài tệ/tấn do phản ứng lại việc nâng giá của Chung Hung Steel.

Đông Nam Á

Đông Nam Á vẫn được xem là khu vực nhập khẩu ròng thép trên thế giới trong năm nay.

Thép tấm

Được biết, trong tuần này nhà sản xuất POSCO của Hàn Quốc đã thành công trong việc đàm phán giá thép tấm cán nguội với các khách hàng Đông Nam Á ở mức 650 USD/tấn fob, cao hơn gần 100 USD/tấn so với giá cũ.

HRC

Giá chào bán thép cuộn cán nóng HRC vào khu vực Đông Nam Á đã tăng 20-30 USD/tấn từ hai tuần qua chủ yếu được lèo lái bởi giá phế và quặng cùng leo thang.

Trong đó, chào bán của Hàn Quốc đối với HRC 2mm vào Việt Nam hiện đang đứng ở mức 670 USD/tấn cfr, còn Đài Loan khả năng sẽ nâng giá chào 20-30 USD/tấn lên mức 640-650 USD/tấn fob từ mức 630 USD/tấn fob đầu tháng này.

Thép cây

Tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng đàm phán giá giao dịch với Singapore ở mức 660 USD/tấn cfr trước mùa lễ giáng sinh, trong khi số khác nhắm đến nâng giá lên 640 USD/tấn fob (690 USD/tấn cfr) do nhận thấy giá phế vẫn đang tăng lên. Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ chào bán thép cây và Singapore là 640-650 USD/tấn cfr.

Gần đây có tin đồn, giá giao dịch thép cây của nhà cung cấp Malaysia với khách hàng Singapore ở mức 660 USD/tấn, gồm phí vận chuyển trong tuần rồi.

Tại Việt Nam

Gần đây Việt Nam cũng đang giảm dần các đơn đặt hàng nhập do giá đã tăng cao, thay vào đó Việt Nam tái xuất khẩu hàng HRC ra nước ngoài. Hồi giữa tháng 12 và đầu tuần rồi, Việt Nam đã tái xuất khẩu lại lô hàng HRC 40.000-50.000 tấn loại cán lại 2mm nhập khẩu từ Nga với giá 615 USD/tấn fob sang Ấn Độ.

Trong khi giá bán HRC tiêu chuẩn thương mại tại Việt Nam là 610-620 USD/tấn (chưa gồm thuế VAT 10%).  

Một thông tin bên lề là các công ty thép Nhật Bản bao gồm JFE, Maruichi Steel Tube và Toyota Tsusho đã cùng nhau thông báo họ đã hoàn tất việc mua lại công ty sản xuất thép ống soắn của Hàn Quốc tại Việt Nam là Jeong An Vina.

Sau khi được mua lại, Jeong An Vina sẽ được đổi tên thành J-Spiral Steel Pipe, trong đó JFE sở hữu 35% cổ phần, Maruichi Steel Tube holds sở hữu 35% và  Toyota Tsusho  sở hữu 30%. Dự kiến công ty liên doanh này sẽ sản xuất khoảng 5.000 tấn thép ống soắn.

Được biết, Jeong An Vina là công ty con của Jeong An Steel, ba nhà sản xuất Nhật Bản đã mua lại với giá 15,9 triệu USD nhằm mục địch mở rộng kinh doanh thép ống sang thị trường Việt Nam.

Jeong An Steel đã mời Korea Hyundai Steel Pipe xây dựng Jeong An Vina vào năm 1995 với sản lượng hàng năm là 50.000 tấn.

Thị trường thép châu Âu

Cuộc khủng hoảng tài chính vẫn tiếp tục trầm trọng ở châu Âu, gây gián đoạn nhu cầu đối với các hoạt động tiêu thụ thép ở khu vực này. Gần đây, thị trường mới ấm lên chút ít nhờ được hậu thuẫn bởi giá nguyên vật liệu thô, trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn là thách thức lớn cho các nhà sản xuất trong khu vực.

Sự leo thang không ngừng của giá phế liệu đã đẩy giá thép cây và cuộn trơn của khu vực Bắc Âu tiếp tục tăng cao trong tháng 12. Hiện tại, thép cây tại Đức có giá bán 550 EUR/tấn (729 USD/tấn), cuộn trơn là 520 EUR/tấn (689 USD/tấn). Trong khi thép cây của Pháp có giá 520-540 EUR/tấn (689-716 USD/tấn), cao hơn 30-40 EUR/tấn (40-53 USD/tấn) so với giá bán tháng 11.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu theo xu hướng tăng trong cuối năm này. Thép cuộn cán nóng nội địa xuất xưởng trong tuần này đã chạm mức 710-730 USD/tấn, tăng từ mức giá 680-720 USD/tấn của tuần trước đó.

Trong khi thép cây và thép cuộn dùng kéo lưới có giá xuất xưởng vào khoảng 710-720 USD/tấn, khả năng giá sẽ điều chỉnh lên 750 USD/tấn theo xu hướng giá phế.

Còn giá phôi xuất xưởng ở mức 630-640 USD/tấn, các nhà sản xuất đang tìm cách nâng giá lên mức 650 USD/tấn vào tuần đầu tiên trong năm mới.

Thị trường thép CIS

Tuần này, CIS đã bước vào nghỉ lễ năm mới nên hoạt động giao dịch đã yếu hơn. Tuy nhiên các nhà cung cấp CIS rất lạc quan về triển vọng tương lai, vì nhu cầu từ Trung Đông vẫn duy trì tốt, nguồn cung hạn hẹp và giá nguyên vật liệu thô vẫn đang tăng cao.

Các nhà cung cấp CIS gồm Nga và Ukraine hiện đang chào bán HRC vào Trung Đông với giá 630-650 USD/tấn C&F, giá này cũng cao hơn 30-50 USD/tấn so với trước đó.