Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 51/2010

Tổng quan thị trường thép thế giới 51

Tuần này, thế giới tiếp tục chứng kiến sự trở mình đi tiếp của thị trường thép sau khi tạm nghỉ ngơi vào tuần trước. Mặc dù thời điểm này nhiều nước đang dần tất toán các trạng thái giao dịch để chuẩn bị nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, nhưng không phải vì thế mà giá thép chịu áp lực quay đầu mà ngược lại vẫn tự tin sải bước về phía trước.

Thị trường thép thế giới đang nhận được những nội lực nhất định từ thị trường hàng hóa, đặc biệt là thị trường năng lượng, kim loại quý và cả thị trường chứng khoán khi mà niềm tin vào đồng tiền đã không còn an toàn và luôn biến động.

Nhất là vấn đề nợ công tại Châu Âu vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, trong khi chính sự trên bán đảo Triều Tiên ngày càng trở nên căng thẳng đã tạo thuận lợi cho hàng hóa tiếp tục phát huy vai trò là hầm trú ẩn an toàn. Nhưng giới chuyên môn vẫn cảnh báo rằng đừng đặt quá nhiều hy vọng vào thị trường hàng hóa vì tình trạng chốt lời sẽ diễn ra vào cuối năm, hoặc xả hàng để thu lại tiền mặt.

Ngoài được hỗ trợ bởi các yếu tố trên, nguyên liệu thô tiếp tục xu hướng đi lên, cộng thêm việc nâng giá thép của các nhà sản xuất vào đầu năm tới cũng đã hỗ trợ tích cực cho giá thép thế giới. Tuy nhiên đà tăng của giá tuần này không còn mạnh như trước, mà nhích chậm, thậm chí nhiều nơi ổn định do nhu cầu thấp.

Thị trường thép châu Á

Sự bật dậy đi tiếp của thị trường thép Trung Quốc tiếp sức cho các thị trường thép khác ở châu Á, nhưng nhìn chung thị trường chỉ có sức bật của giá mà vẫn thiếu yếu tố quan trọng của nhu cầu.

Nhật Bản

Tuần này là báo cáo của Hiệp hội Gang Thép Nhật Bản (JISF) về sản lượng thép thô của nước này trong tháng 11 giảm 5,5% so với tháng 10 xuống 8,98 triệu tấn, đây là tháng đầu tiên sản lượng thép của nước này giảm dưới mức 9 triệu tấn trong ba tháng qua.

Cũng trong tuần này, một số nhà sản xuất Nhật Bản đã nâng giá bán, trong đó có Kyoei Steel quyết định nâng giá bán thép cây trong nước cho tháng 01 năm tới thêm 10.000 Yên/tấn (119 USD/tấn) lên mức 65.000 Yên/tấn (774 USD/tấn) loại có kích thước cơ bản để bù đắp chi phí dản xuất đầu vào tăng cao.

Trong những tuần gần đây, Kyoei đã đưa ra mục tiêu giá tháng 12 là 55.000 Yên/tấn và cuối cùng đã đạt được, tuy nhiên giá phế liệu đã tăng nhanh chóng thì giá trên đã không còn phù hợp, nếu tiếp tục duy trì chắc chắn bị lỗ, vì vậy nhà sản xuất đã phải điều chỉnh giá bán ra.

Tohoku Steel, một nhà sản xuất khác ở phía đông Nhật Bản cũng đã nâng giá thép cây giao sau ngày 20/12 thêm 7.000 Yên/tấn, và giao tháng 01 cũng được tăng thêm 5.000 Yên/tấn.

Đối thủ Tokyo Steel Manufacturing cũng đã thông báo nâng giá bán tháng 12 này thêm 2.000 Yên/tấn và tiếp tục nâng thêm 8.000 Yên/tấn nữa cho tháng 01 năm tới.

Giá xuất xưởng từ các nhà máy tăng thì cứ tăng, trong khi giá bán ngoài thị trường vẫn thấp hơn nhiều. Hiện tại, thép cây có kích thước cơ bản tại Tokyo là 58.000-59.000 Yên/tấn (690-702 USD/tấn), tăng khoảng 2.000 Yên/tấn so với đầu tuần này, nhưng tại Osaka, giá không có gì thay đổi, vẫn duy trì ở mức 54.000-55.000 Yên/tấn. Giá bán tại Osaka sẽ tăng sớm để phản ứng lại chính sách nâng giá của Kyoei.

Không chỉ nâng giá trong nước, Nhật Bản cũng nâng giá xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện Nhật đã nâng giá thép thanh gân sang Hàn Quốc lên mức 57.000 Yên/tấn (679,55 USD/tấn) cfr, nhưng phía Hàn Quốc cho rằng quá cao nên không hấp dẫn.

Mặc dù xu hướng trên thị trường thép thế giới là đi lên, nhưng gần đây xuất hiện tin đồn các nhà sản xuất Nhật Bản hạ giá thép tấm xuất khẩu sang Đài Loan nhằm nỗ lực đẩy mạnh đơn đặt hàng.

Được biết, thép tấm được dùng trong xây dựng cơ sở hạ tầng được phía Nhật Bản bán cho Đài Loan 680 USD/tấn C&F, thấp hơn 70 USD/tấn so với giá chào bán của nhà sản xuất Đài Loan là Steel Corp. (CSC).

Hàn Quốc

Sự lớn mạnh của ngành thép bao nhiêu là kèm theo những khó khăn về nguồn nguyên liệu thô cho sản xuất bấy nhiêu. Không chỉ những quốc gia khác như Trung Quốc và Ấn Độ đang phải bắt tay với nước ngoài để đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, mà đến lượt Hàn Quốc cũng rơi vào trường hợp tương tự.

Nhận thấy khu vực Đông Nam Á với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú nhưng chưa có sự khai thác đúng mức, Hàn Quốc nhanh tay hợp tác với hai quốc gia Việt Nam và Lào để phát triển năng lượng và khoáng sản, đặc biệt như quặng sắt, đồng và đất hiếm.

Sự hợp tác phát triển này sẽ đảm bảo nguồn cung cho các nhà sản xuất trong tương lai, mà như nhà sản xuất số một Hàn Quốc – Posco vạch ra kế hoạch nâng sản lượng thép thô lên mức 36 triệu tấn vào năm 2011, tức tăng 2 triệu tấn so với năm nay.

Nhu cầu thép của Hàn Quốc được cho là ổn định, không những lên kế hoạch nâng sản lượng mà Hàn Quốc cũng đã đẩy mạnh nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo số liệu thống kê, nhập khẩu thép cuộn mạ kẽm nhúng nóng HDG của Hàn Quốc từ Trung Quốc đạt 28.602 tấn trong tháng 11, phá mức kỷ lục 24.424 tấn mà nước này đã nhập trước đó từ Trung Quốc. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã nhập khẩu 4.161 tấn HDG từ Nhật Bản

Tổng nhập khẩu HDG của Hàn Quốc từ Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm đạt 155.593 tấn, tăng gấp nhiều lần so với mức nhập khẩu 33.924 tấn của cả năm 2009.

Giá thép cạnh tranh từ Trung Quốc đã thu hút được các nhà nhập khẩu của Hàn Quốc, nếu Trung Quốc duy trì giá cả cạnh tranh như hiện nay, Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng lượng đặt hàng.

Cũng trong tuần này, nhà sản xuất thép đứng hàng thứ ba trên thế giới -  POSCO cho biết sẽ không thay đổi chính sách giá bán các sản phẩm chính trong quý Một 2011.

Quyết định duy trì giá bán trong nước không thay đổi vào quý đầu năm tới theo giới quan chức của công ty này cho rằng họ có thể vượt qua những ghánh nặng về việc cắt giảm chi phí trong nước, mặc dù giá nguyên vật liệu thô thế giới bao gồm giá quặng vẫn đang theo duổi xu hướng tăng giá.

Giá thép cuộn cán nóng của nhà sản xuất này hiện vẫn ở mức 900.000 won/tấn (779,1 USD/tấn) và sẽ duy trì không đổi trong quý tới.

Đài Loan

Giá phế liệu nhập khẩu của Đài Loan vẫn tăng và khả năng sẽ điều chỉnh lên 460 USD/tấn, nên giá thép thành phẩm của nước này còn cơ hội tăng nữa.

Trước triển vọng tăng giá của phế, nhiều nhà sản xuất Đài Loan cũng rục rịch nâng giá bán cho tháng 01 năm tới. Điển hình như Feng Hsin nâng giá thép cây 500 Đài tệ/tấn và Hai Kwang và Shyeh Sheng Fuat cũng nâng giá bán lên 20.200 Đài tệ/tấn.

Tuy nhiên, nâng giá hay không thì lượng hàng chào ra của các nhà sản xuất trong tuần này cũng ngay lập tức được giới thương nhân đặt mua hết nhanh chóng. Trong đó Shyeh Sheng Fuat chào bán khoảng 8.000 tấn và Hai Kwang chào bán 10.000 tấn. Hiện tại cả hai nhà máy đã ngừng nhận đơn đặt hàng từ người tiêu dùng.

Đông Nam Á

Tình hình nhập khẩu thép khu vực Đông Nam Á trong tuần này cũng không thay đổi so với những tuần trước, vẫn là sự trầm lắng do giá từ các nhà cung cấp của nước ngoài đã tăng quá cao.

Vả lại, ở các nước châu Âu, tuần này đã bước vào mùa Giáng sinh, nên khối lượng chào giá vào Đông Nam Á đã giảm bớt. Trong khi đó chào giá của Trung Quốc không còn hấp dẫn và đang gặp khó khăn trong khâu thỏa thuận được với các nhà nhập khẩu.

Duy chỉ có Nhật Bản vẫn duy trì được giá chào bán dù giá đã nhanh chóng tăng 40 USD/tấn thời gian gần đây. Hiện giá xuất khẩu của Nhật đã là 580 USD/tấn fob, tương đương 600 USD/tấn C&F, nhưng mức này vẫn cạnh tranh hơn so với những nhà cung cấp khác và nhận được sự quan tâm của Thái Lan.

Tại Việt Nam, mặc dù tuần này thị trường tiền tệ đã bớt căng thẳng, nhưng lãi suất Ngân hàng vẫn còn cao, do vậy các thương nhân vẫn giữ thái độ e ngại chưa dám lấy nhiều hàng từ các nhà máy để chờ trượt giá cho năm mới.

Trong khi đó về nhập khẩu, gần về cuối năm, nhu cầu ngoại tệ USD rất cao để tất toán nợ nần, nhiều nhà nhập khẩu không thể vay mượn từ Ngân hàng, ngay cả ngoài chợ đen cũng khan hiếm, có chăng nữa thì giá cũng rất cao, vì vậy không có nhiều ngoại tệ cho nhập khẩu thép.

Thị trường thép châu Âu

Tuần này, thị trường thép châu Âu vẫn giữ được đà tăng như tuần rồi, nhưng yếu tố hỗ trợ thị trường vẫn chủ yếu là giá nguyên vật liệu thô, trong khi nhu cầu yếu hẳn bởi thời gian này hầu hết người tiêu dùng đã ngừng mua thép để chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới. Hơn nữa, mùa đông lạnh giá ở nước này cũng hạn chế bớt các hoạt động giao dịch.

Thép xây dựng

Giá thép cây và thép cuộn trơn của nam Âu được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong tháng 01.

Hiện tại giá thép cây xuất xưởng trong khu vực đã tăng 40-50 EUR/tấn kể từ đầu tháng này lên mức 480-520 EUR/tấn (630-683 USD/tấn). Tại Italia, giá thép cuộn dùng kéo lưới có giá 510-530 EUR/tấn.

Ở Tây Ban Nha, các nhà sản xuất nước này hiện đang chào giá xuất khẩu thép cây ở mức 470-480 EUR/tấn fob, còn các nhà sản xuất ở Hy Lạp và Italia đang hướng đến mục tiêu ở mức 480-485 EUR/tấn fob và 480-490 EUR/tấn fob bất chấp nhu cầu vẫn yếu.

Thép tấm

các nhà sản xuất trong khu vực cũng đang nhắm đến mục tiêu nâng giá trong quý Một năm tới. Hiện giá xuất xưởng đối với các đơn đặt hàng thép tấm mới tiêu chuẩn hàng hóa S235 từ các nhà máy là 620-650 EUR/tấn, khả năng đầu năm mới giá sẽ điều chỉnh lên mức 660 EUR/tấn.

Tuy nhiên, để đưa giá thép tăng lên mức mục tiêu cao hơn nữa là 680 EUR/tấn trong quý Một, nhiều nhà sản xuất ở châu Âu cho biết sẽ kéo dài thời gian nghỉ lễ để hạn chế bớt nguồn cung. Cũng để hỗ trợ vững chắc cho thị trường, một số nhà sản xuất thông báo nâng giá bán, trong đó có ArcelorMittal.

Thép hình

Giá thép hình và thép thanh thương phẩm ở khu vực nam Âu đã tăng giá 50-80 EUR/tấn (65-104 USD/tấn) kể từ cuối tháng trước nhờ vào sự hỗ trợ từ chi phí nguyên vật liệu thô leo thang.

Giá giao dịch cơ bản đối với thép thanh trong khu vực hiện vào khoảng 220-240 EUR/tấn, nếu cộng thêm các chi phí khác là 540-560 EUR/tấn. Còn đối với thép hình loại một, giá giao dịch cơ bản ở mức 270-300 EUR/tấn, cộng với các chi phí phụ là 540-560 EUR/tấn.

Tuần trước, hai nhà sản xuất Gallardo và ArcelorMittal thông báo nâng giá bán thép hình và thép thanh thương phẩm cho các hợp đồng mới lên mức 650 EUR/tấn và 600 EUR/tấn, đã gồm phí vận chuyển.

Thép HRC/CRC

Trong tháng 01 năm tới giá thép công nghiệp kỳ vọng sẽ tăng thêm 20-30 EUR/tấn do giá năng lượng và nguyên vật liệu thô vẫn đang tăng cao.

Nhà sản xuất ArcelorMittal đang nhắm đến mục tiêu nâng giá xuất xưởng thép cuộn cán nóng HRC lên mức 550 EUR/tấn vào cuối quý Một năm tới.

Trong khi đó nguồn cung thép cuộn cán nguội CRC đã thắt chặt, do vậy khả năng giá sẽ tăng thêm 50 EUR/tấn trong quý Một. Hiện CRC đang có giá xuất xưởng ở mức 620-650 EUR/tấn (813-852 USD/tấn), trong khi HRC ở mức 520-530 EUR/tấn.

Thị trường thép CIS

Các nhà xuất khẩu thép CIS rất lạc quan về triển vọng trong tương lai, bởi thị trường đang nhận được nhiều lợi thế tăng giá đầu năm tới, cộng với một phần của hoạt động đầu cơ.

Thép tấm

Giá xuất khẩu thép tấm của Ukraina đã tăng so với đầu tháng 12. Hiện giá chào của nước này tại Biển Đen đã điều chỉnh lên mức 630-680  USD/tấn fob từ mức 620-640 USD/tấn fob.

Metinvest cho biết, hầu hết các hợp đồng giao tháng 01 của nhà sản xuất này đều đã bán hết, và hiện đang chào giá cho tháng 02/2011 tại Biển Đen ở mức 660-675 USD/tấn fob đến các nước ở vùng Trung Đông, Bắc Phi và Đông Nam Á, còn chào bán ở khu vực châu Âu là 670 USD/tấn fob, tăng 10-15 USD/tấn so với tuần trước.

Donetskstal cho hay đã ngưng chào giá tháng 01 năm tới ở mức 620-630 USD/tấn fob, trong khi nhà sản xuất Alchevsk cho biết giá chào bán tại Biển Đen đã kết thúc ở mức 700 USD/tấn fob.

Phôi

Các nhà cung cấp CIS tiếp tục nâng giá bán phôi trong tuần này, trong đó nhà sản xuất ArcelorMittal nâng chào giá tháng 01 tại Biển Đen lên  615-625 USD/tấn fob và chào giá tháng 02 là 650 USD/tấn fob. Tuy nhiên theo một số nguồn tin, phần lớn các giao dịch chủ yếu diễn ra giữa các nhà sản xuất với thương nhân, vì vậy giá tăng cũng là do đầu cơ.

Thép HRC/CRC

Duy chỉ có mặt hàng thép công nghiệp thì vẫn chưa có biến động nào đáng kể. Các nhà sản xuất của Ukraina vẫn giữ giá bán tại Biển Đen dao động từ 590-620 USD/tấn fob, trong khi các nhà sản xuất của Nga chào bán tại khu vực này là 620-640 USD/tấn fob từ mức 610-640 USD/tấn fob trong tuần rồi.

Sở dĩ giá không có nhiều thay đổi là do giá đã tăng quá cao, khiến các nhà nhập khẩu e ngại. Tuy nhiên, việc CIS không nâng giá trong tuần này chỉ là tình thế tạm thời vì giá nguyên vật liệu thô tăng sẽ khó để duy trì giá ổn định.