Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 49

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 49

Thị trường thép thế giới đã có một tuần tăng giá khá mạnh ở hầu hết mọi nơi từ châu Á, châu Âu, Mỹ, CIS và Trung Đông. Dường như đã lâu lắm rồi, thị trường thép các nơi trên thế giới mới hòa nhịp và đi cùng chiều với nhau, tuy nhiên sự ấm lên chủ yếu lèo lái bởi giá của nguyên vật liệu thô, chứ hoàn toàn không phải do nhu cầu.

Gần đây, giá nguyên vật liệu thô leo thang chóng mặt mà triển vọng này sẽ tiếp tục kéo dài đến quý Một năm sau. Nhiều nhà sản xuất rơi vào tình thế khó khăn trong việc quyết định tăng giá hay không trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ đang ngày giảm dần, đặc biệt những tháng mùa đông khi hoạt động sản xuất và xây dựng chậm lại.

Nhưng hầu hết các nhà sản xuất bắt buộc nâng giá để đảm bảo biên lợi nhuận và hỗ trợ cho thị trường giao ngay, thậm chí một số nhà sản xuất của Mỹ một tuần thông báo nâng giá đến ba lần, gây hoang mang cho người tiêu dùng.  

Nguyên vật liệu thô đã trở thành đề tài bàn tán trong tuần này vì nó là nguyên nhân chính đẩy giá thép thị trường thế giới tăng vọt. Vấn đề  lo ngại đó là giá than cốc bán theo quý trên thị trường thế giới vào năm tới có thể sẽ điều chỉnh lên 240 USD/tấn fob trong 2011 do sự chạy đua về giá giữa Trung Quốc và Ấn Độ hòng giành được nguồn cung cho sản xuất trong nước.

Được biết, tuần rồi các nhà sản xuất thép Nhật Bản đã chấp nhận mức nâng giá 8% than cốc cứng giao quý Một năm sau ở mức 225 USD/tấn fob từ 209 USD/tấn fob trong quý Tư năm nay, đồng thời dự báo về giá quặng cũng sẽ tăng hơn khoảng 10 USD/tấn lên mức 137 USD/tấn trong quý Một tới.

Thị trường thép châu Á

Giá thép tại Trung Quốc đã duy trì đà tăng qua ngày thứ bảy liên tiếp và hiện đang ở mức cao nhất kể từ ngày 12/05/2010 đến nay, kéo theo đồng loạt các thị trường các nước trong khu vực cùng tăng. Tuy nhiên, mức độ tăng của nhu cầu tiêu thụ không cân xứng rất chậm, thậm chí nhiều nơi còn yếu hơn vì giá quá cao.

Không chỉ nâng giá trong nước, một số nước châu Á cũng nâng giá xuất khẩu ra nước ngoài để tương ứng.

Nhật Bản

Trong tuần này, cơn sốt phế liệu bùng nổ do các nhà sản xuất thi nhau nâng giá để đảm bảo nguồn cung mà hiện đang trong tình trạng khan hiếm. Nhưng càng nâng giá các nhà kinh doanh phế càng găm hàng bạo và càng đẩy giá lên mạnh hơn.

Chỉ riêng nhà sản xuất Tokyo Steel đã nâng giá hai lần tổng cộng 1.500-2.000 Yên/tấn (18-24 USD/tấn) lên 32.000-35.000 Yên/tấn.

Dù biết rằng người tiêu dùng trong nước đang kêu ca về giá bán đắt đỏ hiện nay, nhưng các nhà sản xuất không còn sự lựa chọn. Trong đó, JFE Steel đặt ra mục tiêu nâng giá bán trong nước từ 3.000-5.000 Yên/tấn và giá xuất khẩu từ 50-100 USD/tấn trong tháng tới, nghĩa là thép cuộn cán nóng HRC xuất khẩu sẽ được điều chỉnh lên 750 USD/tấn fob.

Nhật Bản cũng đang đặt ra mục tiêu nâng giá xuất khẩu thép tấm sang Hàn Quốc lên 850 USD/tấn fob cho quý tới từ mức 750 USD/tấn fob trong quý Tư 2010 để bù đắp lại chi phí nguyên vật liệu thô tăng cao và nguồn cung thắt chặt hơn.

Hàn Quốc

Hàn Quốc đang được xem là nơi có lượng đặt đơn hàng đóng tàu mạnh nhất thế giới, do đó họ đang cần nguồn cung lớn để hoàn tất sản phẩm kịp giao cho khách hàng. Mặc dù lượng cung từ các nhà sản xuất trong nước như Posco, Dongkuk Steel Mill và Hyundai Steel tăng lên, nhưng nước này vẫn cần phải nhập một lượng đáng kể từ Nhật Bản và Trung Quốc.

Nhật Bản đặt ra mục tiêu nâng giá chào lên 850 USD/tấn fob, bét nhất cũng sẽ thỏa thuận được với khách hàng ở mức 800 USD/tấn fob. Còn Trung Quốc thì cũng đã điều chỉnh nâng giá thêm 100 USD/tấn lên 800 USD/tấn fob.

Để tránh phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu từ nước ngoài, Hàn Quốc lên kế hoạch nâng sản lượng thép tấm dày lên 2,5-2,6 triệu tấn vào năm tới, trong đó POSCO sẽ đảm nhiệm 1,2-1,4 triệu tấn, Hyundai Steel là 0,4-0,5 triệu tấn và Dongbu Steel là 0,7 triệu tấn.

Đài Loan

Tuần này, các nhà sản xuất Đài Loan đã điều chỉnh giá bán các sản phẩm thép và phôi.

Sau khi Feng Hsing Iron & Steel nâng giá thép cây, các nhà sản xuất ở miền nam Đài Loan cũng thông báo nâng giá thép cây bình quân 400 Đài tệ/tấn lên mức dao động từ 18.800-19.200 Đài tệ/tấn.

Còn giá phôi trên thị trường cũng điều lên 17.800 Đài tệ/tấn loại thường từ 17.500 Đài tệ/tấn của tuần trước.

So với giá nhập khẩu, phôi trong nước thấp hơn nhưng vẫn không hấp dẫn người mua, dù muốn hay không khách hàng cũng buộc phải chấp nhận.

Đông Nam Á

Tình hình nhập khẩu thép của Đông Nam Á trong tuần này vẫn trầm lắng, hoạt động giao dịch yếu do e ngại hàng sẽ cập cảng đúng vào dịp nghỉ tết Nguyên đán. Hơn nữa giá chào từ các nhà cung cấp điều chỉnh liên tục trong thời gian qua mà tiêu thụ trong nước không nhiều nên các nhà nhập khẩu trong khu vực tạm thời rút vào thế nghe ngóng. Do vậy mà trong tuần này chào giá các sản phẩm chính như phôi, thép xây dựng, thép dẹt hay thép tấm hầu như rất ít.

Tuần này chỉ có tin Hàn Quốc và Đài Loan nâng giá xuất khẩu thép dầm hình H vào Đông Nam Á giao tháng 01 năm sau từ 10-20 USD/tấn lên 710-720 USD/tấn cfr. Nhu cầu hiện nay đã chậm lại do thị trường đang bước vào giai đoạn cuối năm, trong khi các nhà xuất khẩu đang nhắm đến mục tiêu nâng giá lên 720-730 USD/tấn cfr để bù đắp chi phí sản xuất đầu vào tăng cao như phế liệu.

Tuần trước, Singapore nhập khẩu thép dầm S355 400x400mm của Nhật với giá 690-700 USD/tấn cfr.

Thép dầm hình H của Trung Quốc (không có boron) hiện không còn cạnh tranh vì các nhà cung cấp nước này đang nhắm đến nâng giá xuất khẩu ở mức 695-700 USD/tấn fob, tương đương với 720-730 USD/tấn cfr đến Đông Nam Á.

Tại Việt Nam

Hoạt động xây dựng ở Việt Nam thường sôi động vào dịp cuối năm, nhưng nhu cầu thép xây dựng đã không tăng mạnh như thị trường kỳ vọng, mà chỉ duy trì ở mức độ ổn định.

Hiện cuộn trơn trong nước có giá 14,5-14,8 triệu đồng/tấn (674-688 USD/tấn), thép cây dao động từ 14,6-15,2 triệu đồng/tấn (679-707 USD/tấn), đây cũng chỉ là giá xuất xưởng và chưa gồm thuế VAT 10%.

Gần đây, Việt Nam đã đặt mua 4.000 tấn 80:20 của Mỹ với giá 415 USD/tấn cfr. 1.000-2.000 tấn phế 80:20 từ Tây Phi và Trung Đông được chào sang Việt Nam với giá 405-410 USD/tấn cfr. Một số giá chào mới cho phế 80:20 từ Châu Âu và Mỹ cũng ở mức 425-430 USD/tấn cfr.

Thép dầm hình H dưới 350mm của Thái Lan, Hàn Quốc và Đài Loan đang chào bán vào Việt Nam với giá 695-700 USD/tấn cfr. Tuy nhiên hoạt động nhập khẩu thép dầm của Việt Nam diễn ra yếu vì giá cao hơn so với giá trong nước 30 USD/tấn. Việt Nam chỉ muốn mua với giá 660 USD/tấn cfr.

Thị trường thép châu Âu

Giá thép trong nước và xuất khẩu ở châu Âu đều được nâng lên trong tuần này do một số nhà sản xuất sẽ kéo dài thời gian nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới nhằm hạn chế nguồn cung.

Tại Anh, HDG 3mm giao tháng 01 và 02 năm 2011 có giá 560-565 GBP/tấn (667-673 EUR/tấn), hồi giữa tháng 11 giá là 540 GBP/tấn. Nhu cầu thép băng đã khởi sắc hơn do khách hàng tăng cường lực mua tái bổ sung dự trữ, cũng như để tránh mua đắt khi giá lên

Giá HRC cũng điều chỉnh về 465-475 GBP/tấn (548-560 EUR/tấn từ mức 445-450 GBP/tấn giữa tháng 11, còn giá chào CRC là 540-550 GBP/tấn, tất cả đã bao gồm phí vận chuyển.

Một số nước khu vực phía Nam châu Âu đã nâng giá xuất khẩu ra nước ngoài bất chấp nhu cầu ở những điểm đến vẫn yếu kém.

Các nhà sản xuất Tây Ban Nha hiện đang chào giá xuất khẩu sang Algeria với mức 470-480 EUR/tấn (626-639 USD/tấn) fob, còn các nhà sản xuất ở Hy Lạp và Italia đang nhắm nâng giá lên 480-485 EUR/tấn fob và 480-490 EUR/tấn fob.

Thị trường thép CIS

Thép xuất khẩu của CIS dường như là giữ được mức tăng đều đặn nhất trong những tuần qua. Hầu hết nguồn tin thị trường đều công nhận nhu cầu đã hoàn toàn cải thiện ở các khu vực như châu Âu, Trung Đông, vùng Cận Đông, châu Phi, Trung Mỹ và cả nước Mỹ. Sự lạc quan này cho thấy triển vọng nâng giá xuất khẩu sẽ còn diễn ra trong tháng tới.

Thép xây dựng

Ukraina  nâng giá xuất khẩu thép xây dựng giao tháng 01/2011 thêm 10-25 USD/tấn trong 02 tuần. Việc nâng giá này chủ yếu được hậu thuẫn bởi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì giá mua ở mức giá cao 615-620 USD/tấn FOB và 620-630 USD/tấn FOB cho cuộn trơn và thép cây từ giữa tháng 11.

Phôi

Các nhà xuất khẩu phôi tấm của CIS đang đặt ra mục tiêu nâng giá bán từ 10-20 USD/tấn trong tháng này tùy từng thị trường.

Phôi tấm dùng để cán cuộn đã được xuất cho các khách hàng ở vùng viễn đông có giá 575-580 USD/tấn cfr, tương đương với giá 520-530 USD/tấn fob tại Biển Đen. Tuy nhiên các nhà sản xuất CIS muốn bán phôi tấm dùng cán cuộn ở mức 530 USD/tấn

Thép cuộn

Chào giá thép cuộn xuất khẩu của Nga cho các khách hàng nước ngoài tại Biển Đen và Biển Baltic trong tháng này đã tăng 30 USD/tấn.

Novolipetsk cho biết hiện nhà sản xuất này đã nhận đủ đơn hàng giao tháng 01 với giá 625-640 USD/tấn fob cho HRC, 720-740 USD/tấn fob cho CRC giao tại Biển Đen.