Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 47

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 47

Toàn cảnh thị trường thép thế giới tuần qua dao động từ biên độ ổn định đến tăng nhẹ.

Mặc dù các nước đạo hồi như Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ … đã kết thúc kỳ nghỉ lễ, nhưng hầu hết đều khá thận khi quay lại tuần lễ giao dịch đầu tiên trong tuần này.

Những nơi khác như châu Á, châu Âu và CIS, thị trường thép hầu như bị chi phối bởi giá nguyên liệu thô như quặng, than và phế liệu. Nhiều nhà sản xuất ấp ủ nâng giá bán do chi phí sản xuất đầu vào leo thang, nhưng trong bối cảnh lực cầu yếu khiến mọi nỗ lực đều trở lên vô nghĩa.

Thị trường thế giới được kỳ vọng là sẽ có sự chuyển biến mạnh trong tuần tới do giá phế và quặng sẽ còn tăng nữa bởi hoạt động tích trữ trước mùa đông.

Tuần này, thị trường thép thế giới đón nhận tin từ Hiệp hội Gang Thép Thế giới về sản lượng thép toàn cầu tháng 10 đạt 118 triệu tấn, tăng 2,4% so với tháng 09 năm 2009, đồng thời tăng 4,6% so với tháng 09/2010.

Trong đó, sản lượng thép Trung Quốc đạt 50,3 triệu tấn, chiếm 43% tổng sản lượng toàn cầu.

10 tháng đầu năm, sản lượng thép thế giới đạt 1.165 triệu tấn cao hơn 2,4% so với năm 2008, và 17,5% so với 2009.

Thị trường thép châu Á

Những biện pháp thắt chặt tín dụng của Trung Quốc đang ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường thép châu Á. Hầu hết các hoạt động giao dịch đều thận trọng và thưa thớt do lực cầu yếu và các nhà tham gia thị trường muốn nghe ngóng thêm tình hình từ Trung Quốc và diễn biến giá của nguyên liệu thô.

Sau nhiều nhùng nhằng, cuối cùng đám phán giá HRC giữa các nhà cung cấp Nhật Bản và khách hàng Hàn Quốc cũng đã kết thúc và ấn định mức giá cuối cùng 650-670 USD/tấn fob cho quý Tư. Sự bất đồng về giá đã kéo dài khi Nhật Bản nhất quyết không bán dưới 700 USD/tấn fob, còn Hàn Quốc chỉ có thể mua ở mức 620-630 USD/tấn fob. Giá bán hồi quý Tư giữa hai đối tác này là 690 USD/tấn fob.

Dù thỏa thuận được giá nhưng cả hai rất miễn cưỡng. Nhật không muốn bán do đồng yên tăng giá, trong khi Hàn Quốc muốn chuyển qua dùng hàng sản xuất trong nước.

Nhật Bản

Theo số liệu từ Hiệp hội Gang Thép Nhật Bản (JISF), sản lượng thép thô của nước này trong tháng 10 đạt 9,51 triệu tấn, tăng 8% so với tháng 10/2009. Trong đó, sản lượng thép dùng cho sản xuất ô tô và ngành điện cơ chiếm 7,34 triệu tấn, tăng 5,2%.

Tổng cộng 10 tháng đầu năm nay, sản lượng thép thô Nhật Bản đạt 91,43 triệu tấn. Kỳ vọng trong năm 2010, sản lượng thép đạt chỉ tiêu 100 triệu tấn như cách đây hai năm, 2008.

Trong tuần này, Tokyo Steel Manufacturing ra thông báo sẽ giữ nguyên giá hầu hết các sản phẩm thép giao dịch tháng 12 nhằm phản ứng lại nhu cầu thấp trên thị trường. Tuy nhiên nhà sản xuất này sẽ nâng giá thép cây và thép cuộn trơn thêm 2.000 Yên/tấn (24 USD/tấn).

Tuy nhiên, các nhà sản xuất khác không đồng tình với mức tăng giá nhẹ của Tokyo Steel đối với các sản phẩm dài vì bản thân họ đã nâng giá cao hơn nhiều từ 3.000-5.000 Yên/tấn theo xu hướng giá phế. Giá nâng thấp của Tokyo Steel sẽ buộc họ phải bí mật hạ chào giá thấp xuống để đảm bảo doanh số bán hàng.

Hàn Quốc

Theo khảo sát của Hiệp hội gang thép Hàn Quốc – Kosa sản lượng thép Hàn Quốc trong năm 2010 khả năng tăng 18% lên 67,3 triệu tấn, đồng thời tiêu thụ của nước này cũng tăng 18% lên mức 53,6 triệu tấn.

Do giá phế liệu cùng các nguyên vật liệu thô khác cùng tăng trong thời gian qua, nhà sản xuất Hyundai Steel đã nâng giá xuất khẩu đối với sản phẩm thép dầm hình H và cọc cừ giao kỳ hạn tháng 12/2010 và tháng 01/2011 lên 720 USD/tấn C&F và 700-720 USD/tấn C&F.

Hyundai Steel cũng đang nhắm đến nâng giá xuất khẩu thép cây lên 630 USD/tấn C&F.

Ấn Độ

Tuần này, thị trường tiếp tục tập trung vào giá quặng xuất khẩu của Ấn Độ sau khi chính quyền bang Karnataka thông báo tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu quặng ra nước ngoài.

Đúng như dự đoán, quặng của Ấn Độ xuất sang Trung Quốc tiệm cận 170 USD/tấn cfr. Trong đó quặng 63.5%/63% Fe đã tăng lên 168-169 USD/tấn cfr, tăng 3-4 USD/tấn so với mức 164-166 USD/tấn trong tuần trước. Đồng thời chào giá mới nhất từ Ấn Độ đã là 172 USD/tấn cfr.

Đông Nam Á

Mặc dù thị trường thép Trung Quốc trong tuần này nhích nhẹ nhưng không đủ lực để kéo thị trường thép khu vực Đông Nam Á cùng chuyển mình theo. Tình hình nhập khẩu vẫn chậm chạp do giá cả đã tăng quá cao, mà tiêu thụ vẫn ì ạch, do đó hầu hết các nước Đông Nam Á rút vào nghe ngóng và chỉ nhập với khối lượng cần dùng.

Thép xây dựng

Sự ấm lên của giá thép xây dựng tại thị trường Trung Quốc những tuần gần đây là động lực để các nhà sản xuất nước này nâng giá bán vào Đông Nam Á 15-35 USD/tấn.

Giá xuất khẩu cuộn trơn SAE1008B6.5 mm và cây 460B lần lượt là 630-640 USD/tấn fob và 615-630 USD/tấn fob.

Trong đó giá xuất khẩu sang Philippines là 640 USD/tấn fob, tương đương với 665-670 USD/tấn NF. Tuy nhiên, khách hàng Philippines chỉ chấp nhận mua dưới 610-620 USD/tấn fob hoặc 645 USD/tấn CNF Metro.

Thép cuộn

Nhập khẩu thép cuộn cũng rơi vào trường hợp tương tự. Dù đang chịu nhiều sức ép từ chi phí sản xuất, nhưng các nhà xuất khẩu không thể nâng giá bán sang Đông Nam Á, cố gắng lắm để giá không rơi xuống.

Trong đó Đài Loan đang có gắng duy trì giá xuất khẩu ở mức 750-760 USD/tấn cfr đối với CRC 1mm, nhưng theo ước tính của giới trader, khả năng giá CRC nhập khẩu vào Đông Nam Á sẽ giảm khoảng 20 USD/tấn trong tháng 12

Còn các nhà máy Trung Quốc phát đi tín hiệu nâng giá xuất khẩu 10-15 USD/tấn vào cuối tháng 11 do đồng NDT tăng giá. Hiện CRC 0.9-1.0mm đang chào bán ở mức 730 USD/tấn fob.

Thép dầm

Hàn Quốc đã nâng giá xuất khẩu cơ bản sản phẩm thép dầm hính chữ H bản rộng giao tháng 12 sang Singapore với giá 720 USD/tấn cfr từ mức giá giao dịch 700 USD/tấn cfr cách đây hai tuần.

Gần đây, Nhật Bản xuất khẩu sang Singapore với khối lượng rất ít do nhu cầu rất thấp. Đầu tháng 11, Nhật Bản xuất sang Singapore khoảng 2.000 tấn với giá 670-680 USD/tấn cfr. Nếu Nhật nâng giá xuất khẩu, e sẽ rất khó khăn.

Trong khi thép dầm hình chữ H có boron dưới 350mm do Trung Quốc sản xuất đang chào bán vào Đông Nam Á với giá 660-670 USD/tấn cfr, còn không có boron là 720 USD/tấn cfr.

Phôi

Phôi chào bán từ các nước vào Đông Nam Á cũng đồng loạt tăng bình quân 10 USD/tấn lên mức 590-610 USD/tấn cfr.

Trong đó, phôi CIS chào bán từ 590-600 USD/tấn cfr, tăng so với mức 580-600 USD/tấn tuần trước. Còn phôi Hàn Quốc được chào sang Philippines với giá 590-600 USD/tấn cfr từ 588 USD/tấn cfr trước đó.

Phôi Đài Loan chào sang Indonesia là 590 USD/tấn và sang Philippines là 595 USD/tấn cfr.

Do tình hình tiêu thụ thép ở các nước Đông Nam Á vẫn trầm lắng nên nhập khẩu không phải là chọn lựa số một, mà chủ yếu các nước Đông Nam Á vẫn chuộng phôi sản xuất trong nước rẻ hơn. Hiện phôi nội địa có giá 570-575 USD/tấn, bao gồm phí vận chuyển, mà thời gian giao hàng nhanh hơn và hình thức thanh toán cũng tiện lợi hơn.

Hơn nữa, nếu nhập phôi từ nước ngoài với giá cao, đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất trong khu vực cũng phải nâng giá bán đến tay người tiêu dùng. Trong bối cảnh tiêu thụ trì trệ thì việc nâng giá bán sẽ càng làm giảm nhu cầu nhiều hơn.

Phế liệu

Nhu cầu phế liệu nhập khẩu ở khu vực Đông Á gần đây khá yếu do đã vượt mức 400 USD/tấn cfr, dẫu vậy, các nhà cung cấp vẫn tiếp tục nâng giá chào bán và hiện đã ở mức 420-425 USD/tấn cfr.

Tại Việt Nam

Thị trường nhập khẩu

Các nhà nhập khẩu của Việt Nam gần đây cũng không mấy hứng thú với việc nhập khẩu phế, phôi và thép từ nước ngoài do giá đã tăng quá cao. Hơn nữa hàng nhập khẩu trước đó còn khá nhiều cũng phần nào giảm nhu cầu nhập ngoại

Nhật chào bán phôi sang Việt Nam với giá 580 USD/tấn nhưng đã không được khách hàng Việt Nam chấp nhận.

Hiểu được tình hình thị trường thép Việt Nam, Hàn Quốc nỗ lực hạ giá bán HRC thấp hơn so với các nhà cung cấp nước ngoài khác để vớt đơn đặt hàng. HRC xuất khẩu của Hàn Quốc cho Việt Nam hạ xuống dưới mức 598 USD/tấn cfr, tức thấp hơn khoảng 30 USD/tấn so với giá chào của Đài Loan.

Tuần rồi, Việt Nam nhận được rất ít các chào giá từ nước ngoài. Phế container 80:20 của Mỹ và Anh chào bán vào Việt Nam với giá 410 USD/tấn cfr.

Thị trường nội địa

Theo ước tính của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép của Việt Nam trong năm 2010 ước tính đạt 8,7 triệu tấn, tăng 26,12% so với năm 2009.

Thép nhập khẩu trong năm 2010 sẽ giảm 15% so với năm trước, đạt 10,5 triệu tấn, nhưng thép xuất khẩu lại tăng 30% lên mức 1,3 triệu tấn.

Do giá phế, phôi nhập khẩu gần đây tăng, cùng với sự biến động của tỉ giá khiến chi phí sản xuất trở thành gánh nặng, nên các nhà cán lại của Việt Nam tiếp tục nâng giá thép thêm 300.000 đồng/tấn so với giữa tháng 11 lên 16,5-16,7 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên, một số thương nhân cho rằng việc đại lý gia tăng đơn đặt hàng từ nhà máy để trữ vào cuối năm, tránh tình trạng lên giá khi mà thị trường ngày càng diễn biến phức tạp, dẫn đến tăng giá từ các nhà máy.

Một tin vui cho Việt Nam trong tuần này là Ủy ban Liên minh châu Âu EU thông báo sẽ hủy bỏ đánh thuế chống bán phá giá ốc vít không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam bắt đầu từ ngày 20/11/2010 do các công ty thép ở châu Âu không yêu cầu tái điều tra.

Việt Nam đã chịu mức thuế chống bán phá giá 7,7% đối với các sản phẩm có mã số bao gồm 73181210, 73181410, 73181530, 73181551, 73181561, 73181570 và 73181630 từ tháng 11/2005 .

Thị trường thép châu Âu

Thị trường châu Âu gần đây đón nhận quá nhiều thông tin xấu về tình hình khủng hoảng nợ công ở Ireland mà có thể lây lan ra toàn bộ khu vực. Giới trong ngành lo ngại rằng, Italia và Tây Ban Nha sẽ là hai nạn nhân kế tiếp của cuộc khủng hoảng nợ công, mà đây lại là hai thị trường chính ở châu Âu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu tiêu thụ, cũng như giá thép.

Tuy nhiên, đến giờ này, theo báo cáo thì thị trường thép ở hai nước này vẫn chưa ảnh hưởng, mà ngược lại ấm lên.

Thép cuộn

Italia và Tây Ban Nha đã thông báo nâng giá xuất xưởng cơ bản thép cuộn cán nóng HRC lên mức 480-495 EUR/tấn (644-664 USD/tấn) từ đáy thấp 450-460 EUR/tấn trong tháng 10. Các nhà sản xuất nói sẽ tiếp đẩy giá xuất xưởng lên mức 510 EUR/tấn nếu như đồng EUR giao dịch ở mức 1,4 USD. 

Trong khi đó, thép cuộn cán nguội CRC hiện chào bán xuất xưởng ở mức 570 EUR/tấn, còn cuộn mạ kẽm nhúng nóng HDG đang hướng lên mức 600 EUR/tấn. Theo một số bình luận thị trường, nguồn cung CRC vẫn thiếu hụt, vì vậy giá cả có thể sẽ nhanh chóng đội lên trong những tháng tới.

Hơn nữa, triển vọng tháng 12 cũng khá sáng sủa vì người mua sẽ đặt mua với khối lượng lớn giao tháng 01 năm 2011.

Thép xây dựng

Bên cạnh đó, sự biến động của tỉ giá cũng buộc các nhà sản xuất châu Âu nâng giá bán thép cây và cuộn trơn từ 30-50 EUR/tấn lên mức 500 EUR/tấn và 480-510 EUR/tấn.

Về nhập khẩu, giá thép cuộn nhập khẩu vào khu vực nam Âu đã tăng nhẹ do đồng USD mất giá so với đồng EUR. Trong đó, thép cuộn cán nóng HRC được nâng lên 480-490 EUR/tấn (642-655 USD/tấn) cfr, thép cuộn cán nguội CRC là 550-580 EUR/tấn cfr. Còn giá thép cuộn mạ kẽm nhúng nóng HDG 0.5-0.6mm xuất khẩu vào nam Âu có giá 600 EUR/tấn cfr, cạnh tranh hơn so với các nhà sản xuất trong khu vực.

Thị trường thép CIS

Tuần này, CIS nhận được khá nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu về cả phôi lẫn thép cuộn. Nguồn hàng cung ứng không nhiều mà chi phí sản xuất tăng, nên các nhà cung cấp CIS đã nâng giá chào xuất khẩu.

Phôi

Hiện CIS đã nâng giá chào bán phôi tại Biển Đen lên 570 USD/tấn fob từ mức 560-565 USD/tấn fob tuần rồi do nguồn hàng vẫn thắt chặt từ đây cho đến hết tháng 12.

Một nhà xuất khẩu của Ukraina nói rằng khối lượng xuất khẩu trong tháng 12 sẽ giảm lại, thậm chí là sẽ không bán ra nước ngoài nếu nhu cầu thép thành phẩm của các nước CIS vẫn giữ ổn định như hiện tại.

CIS đang nhắm đến mục tiêu nâng giá tại Biển Đen lên 580 USD/tấn fob do nhu cầu từ Địa Trung Hải, Nam Âu và Iran vẫn mạnh.

Thép xây dựng

CIS cũng nâng giá bán thép cây và cuộn trơn tại Biển Đen lên mức  575-600 USD/tấn fob và 600-610 USD/tấn fob do nhu cầu từ từ Bắc Phi, Lebanon, Jordan, Syria, Iran và Iraq duy trì ổn định.

(Satthep.net tổng hợp)