Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 33

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 33

Tương tự như các tuần trước đó, thị trường thép thế giới trong tuần này vẫn diễn biến chậm và không có sức bật ở bất cứ khu vực nào.

Dường như kỳ vọng của các nhà kinh doanh về một thị trường sôi động hơn sau khi mùa lễ đi qua đã không thành hiện thực bởi các số liệu kinh tế tiêu cực mà các nước công bố trong thời gian qua đã khiến giới đầu tư cũng như các ngành sản xuất như xây dựng, ô tô, đóng tàu và đồ điện gia dụng phải xem xét đến tính khả thi trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh của mình trước khi bắt đầu đặt mua thép để tích trữ cho nhu cầu trong thời gian tới.

Trong khi nợ công ở Châu Âu đang có nguy cơ lan rộng thì chứng khoán Mỹ liên tiếp giảm bậc qua các phiên giao dịch, cộng thêm đó là mức lạm phát phát ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới- Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm sau nhiều nỗ lực kiểm soát của Bắc Kinh. Chính những điều này đã làm thị trường hàng hóa chao đảo dữ dội và nguy cơ thị trường tài chính thế giới sẽ lấn sâu vào khủng hoảng.

Trong khi đó, nguồn cung nguyên liêu thô luôn ép giá lên mức cao, cộng với các chi phí sản xuất khác tăng, nhu cầu thép không tăng và giá bán khó giảm xuống có thể đã dồn các nhà sản xuất thép đến chân tường.

Với những yếu tố bất cập trên, triển vọng thị trường thép cho cả giá lẫn nhu cầu đều không rỏ ràng trong thời gian tới.

Châu Á

Đông Nam Á

Quan ngại nền kinh tế toàn cầu tăng chậm lại đang vạ lây sang ngành kinh doanh sắt thép thế giới nói chung và thị trường Đông Nam Á nói riêng.

Nhu cầu vốn đã suy yếu nay lại càng yếu hơn khi những thông tin xấu về nền kinh tế thế giới liên tục được công bố. Hầu hết giới kinh doanh thép đều lo ngại sự rủi ro trong đầu tư, trong khi đó nhu cầu từ các ngành sản xuất khác cũng xuống thấp vì hàng thành phẩm không giao dịch được. Tuy nhiên,  giá các sản phẩm thép xuất khẩu sang Đông Nam Á dường như sẽ tăng lên nếu như đồng đô la tiếp tục mất giá.

Tại Thái Lan, dự định nâng giá thép cây thêm 500 THB /tấn (17 USD/tấn) chưa thành thì xu hướng thép bắt đầu trở yếu và giá có dấu hiệu đi lùi do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Giá thép cây trọng lượng thực tế tuần này chỉ ở mức 22.700 THB/tấn từ mức giá  trước đó là 23.000 THB/tấn. Loại thép này nhập vào Singapore cũng bị xuống giá so với mức  mục tiêu của các nhà cung cấp.

Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ khi xuất sang khu vực này cũng phải xem xét đến mức 730 USD/tấn cfr trong khi mức giao dịch trước đó là 735 USD/tấn cfr.

Thị trường phôi thanh nhập khẩu chưa được các nhà sản xuất khu vực này chú ý nhiều vì các giao dịch thép cây dường như không có chút tiến triển nào. Phôi thanh Việt Nam xuất sang Philippine vẫn ổn định tại mức 690 USD/tấn cfr.  Tại Thái Lan, các nhà nhập khẩu đang đặt mua với giá 680 USD/tấn cfr. Các chào bán từ Hàn Quốc sang khu vực Đông Nam Á là 715 USD/tấn cfr.

Trong khi đó, các nhà cung cấp thép HRC đang lăm le nâng giá xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á. Trong đó, Đài Loan dự định nâng giá chào xuất cuối tháng 08 thêm 10-20 USD/tấn, Hàn Quốc cũng nhắm đến mức nâng tương tự.

Nhật và Hàn Quốc đang chào bán HRC sang Việt Nam với giá 750-760 USD/tấn cfr. HRC 3-12mm SS400B tiêu chuẩn thương phẩm của Trung Quốc đang chốt tại 710-720 USD/tấn fob.

Tuy nhiên, các chào bán thép dầm hình H vào Đông Nam Á tuần này vẫn ổn định. Thép dầm bản rộng S275 giao tháng 09/tháng 10 từ Hàn Quốc và Thái Lan xuất sang Singapore được chào bán với giá 880 USD/tấn cfr và giá giao dịch là 860 USD/tấn cfr.

Thép dầm chứa boron 150-350mm của Trung Quốc xuất sang Việt Nam với giá chào là 730-740 USD/tấn cfr, và hợp đồng được chốt tại mức 730 USD/tấn cfr.

Khả năng các nhà sản xuất sẽ không hạ giá chào bán vì vẫn đang chịu áp lực từ đồng USD mất giá.

Hàn Quốc

Thị trường thép Hàn Quốc tuần này rất yếu do chưa được lực mua bổ trợ. Kỳ nghỉ hè và mưa lớn bất thường khiến cho các hoạt động xây dựng phải ngưng lại, qua đó kéo nhu cầu thép đi xuống.

Nỗ lực nâng giá thép cây của các đại lý dường như không mang lại kết quả như mong muốn, thậm chí giá  thép cây ban lẻ trên thị trường trong tuần rồi có sự điều chỉnh giảm nhẹ.

Giá thép cây giao ngay của các nhà sản xuất trong nước hiện đã về mức 741-746 USD/tấn, thấp hơn 4,50-9 USD/tấn so với tuần trước đó. Thép cây nhập khẩu từ Trung Quốc cũng giảm xuống còn 760-770.000 Won/tấn.

Mặc dù các nhà sản xuất cắt giảm công suất nhằm bảo trì nhà xưởng nhưng dường như sản lượng thép gần đây có nhích lên. Tồn thép cây của 07 nhà sản xuất lớn trong đầu tuần trước tăng 80.000 tấn so với tuần cuối tháng 07, lên mức 270.000 tấn.

Thị trường HRC cũng rơi vào tình trạng ế ẩm, đã vậy HRC nhập khẩu càng phải chịu thiệt thòi hơn khi đồng Won suy yếu so với đồng đô la Mỹ.

Hiện HRC SS400 giao ngay do Posco sản xuất có giá 880-900.000 Won/tấn (795-833 USD/tấn), còn sản phẩm do Huyndai sản xuất thì có giá thấp hơn 20-30.000 Won/tấn (18-27 USD/tấn). Thép nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn ổn định ở mức 800-820.000 Won/tấn.

Ấn Độ

Những bất ổn về nền kinh tế thế giới dường như ảnh hưởng khá nặng nề lên thị trường thép Ấn Độ. Chưa kịp đón nhận niềm vui khi thị trường HRC có dấu hiệu chuyển biến tích cực kể từ đầu tháng 07, giới thương nhân cũng như các nhà sản xuất bắt đầu gánh những nỗi lo về niềm tin thị trường suy yếu.

Nhu cầu lẫn giá bán trong nước yếu dần khiến các nhà nhập khẩu không dám đặt mua hàng từ nước ngoài, tạo nên không khí u uất trên thị trường nhập khẩu HRC trong tuần này.

HRC 3mm tiêu chuẩn thương phẩm SS400 có chứa boron cũng được nhập với giá thấp hơn trước, ở khoảng 740 USD/tấn cfr.

Giá HRC giao ngay của Ấn Độ hôm qua được chốt tại mức 515-525 EUR/tấn cfr Antwerp.

Thị trường trong những tháng tới chuyển biến ra sao vẫn là câu hỏi khó trả lời bởi chi phí sản xuất đắt đỏ khiến các nhà sản xuất khó lòng giảm giá, nhưng áp lực từ nhu cầu sẽ quá sức chịu đựng đối với họ nếu như tình trạng này kéo dài.

Đối với thị trường xuất khẩu, dù không được lực mua hậu thuẫn nhưng giá chào bán HDG được giữ ổn định và có khả năng phục hồi nếu lực mua từ Mỹ và EU tăng vào tháng tới.

Thép cuộn mềm 0.5mm độ mạ kẽm 120 g/m2 tuần này vẫn ở mức trung bình khoảng  920-925 USD/tấn fob, giao tháng 09.

Nhật Bản

Giới thương nhân cũng như khách hàng thép cây Nhật Bản đã tạm ngưng các giao dịch trong tuần này để chờ nhà sản xuất Tokyo Steel công bố giá thép tháng 09.

Giá phế trên thị trường liên tục xuống dốc và động thái điều chỉnh giá thu mua phế giảm của Tokyo Steel khiến người mua thép kỳ vọng nhà sản xuất này sẽ hạ giá tháng 09.

Trong khi đó, các nhà sản xuất khác đang nhắm đến mức giá 65.000 Yên/tấn (844 USD/tấn) áp dụng cho thép cây tháng 08 vì nguồn lợi nhuận đang bị thu hẹp, nhưng xu hướng giá phế cộng với niềm tin suy yếu là những lực cản đáng lo ngại cho nỗ lực nâng giá của các nhà sản xuất nước này.

Thép cây kích thước cơ bản tại thị trường Tokyo tuần này ở mức 61.000-62.000 Yên/tấn.

Đài Loan

Thị trường ế ẩm nên nhà sản xuất Feng Hsin đã không đạt được mục tiêu doanh số bán trong tuần trước, có lẻ đó là lý do để nhà sản xuất này chọn lựa giải pháp giữ nguyên giá chào bán thép hình và thép cây trong tuần này. Như vây, thép cây của Feng Hsin vẫn giữ nguyên mức 21.000 USD/tấn và thép thép hình là 22.300-22.500 USD/tấn.

Tuy nhiên, nhu cầu từ ngành ô tô và sản xuất máy móc đang trên đà phục hồi nên nhập khẩu cuộn trơn của Đài Loan trong tháng 07 tăng mạnh, khả năng thị trường nhập khẩu sẽ tiếp tục giữ nhiệt cho đến cuối năm này.

Châu Âu

Cho đến tuần này, giới thương nhân cũng như các nhà sản xuất thép Châu Âu vẫn đang trải qua tình trạng “ngồi không”. Giao dịch ế ẩm nhưng chi phí sản xuất đắt đỏ cộng với những bất ổn tài chính khiến nguồn vốn của họ càng bị bó hẹp hơn.

Từ thị trường thép tấm, thép dẹt đến thị trường thép cây, tất cả đều chung một màu xám xịt và có thể khó xua tan trong tuần tới thậm chí là tuần tiếp nữa.

Hầu hết khách hàng đều lắc đầu trước các chào mua. Tuy nhiên, ổn định giá dường như là giải pháp lựa chọn tốt nhất trong thời điểm này cho các nhà cung cấp.

Thép tấm của các nhà sản xuất tây bắc Âu hiện được chào bán với giá 700 EUR/tấn, nhưng có thể ngưỡng này chưa thể được phá vỡ trong thời gian tới vì nhu cầu quá yếu.

Tương tự, thép cây cũng không có sức bật đáng nói mặc dù các nhà sản xuất Châu Âu đang nhắm đến việc nâng giá.

Giá tham khảo thép cây bắc Âu tăng 3 EUR/tấn lên mức 535 EUR/tấn (762 USD/tấn). Thép cây nam Âu cũng tăng 7 EUR/tấn.

Tại Ai Cập, thép cây tại thị trường nội địa được bán với giá 540-570 EUR/tấn (769-811 USD/tấn) giao tận nơi. Giá xuất khẩu là 505-515 EUR/tấn fob và các nhà cung cấp dự tính nâng lên mức 530 EUR/tấn fob trong đầu tháng 09.

Thép cây Thổ Nhĩ Kỳ có tính cạnh tranh khá cao so với các nhà sản xuất khác trong khu vực do đồng Lira mất giá 5%. Tuy nhiên lợi thế này cũng không thể đầy mạnh doanh số xuất khẩu thép cây của nước này.

HRC/CRC: Các vấn đề tài chính toàn cầu khiến tỷ giá hoán đổi USD hay EUR so với đồng nội địa của các nước dao động khá mạnh. Chính yếu tố này đã làm giảm sức đầu tư đối với các loại thép vì hầu hết đều lo lại đến khả năng rủi ro.

Lực mua thép dẹt tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần rồi khá khiêm tốn và hầu như ai cũng muốn tạm ngưng thu mua để chờ giá ổn định hơn. Nhu cầu từ các ngành sản xuất công nghiệp xuống thấp vì đang trong thời gian bảo trì, và thêm vào đó là khủng hoảng tài chính của các nước lân cận khiến niềm tin thị trường thép càng suy yếu hơn. Đó là chưa kể đến giới thương nhân cạnh tranh nhau để tăng doanh số bán.

HRC nội địa Thổ Nhĩ Kỳ giao tháng 09-10 có giá 740-760 USD/tấn. Tại Đức, HRC xuất xưởng với gía 540-550 EUR/tấn và CRC giá khoảng 590 EUR/tấn

CIS

Dù nguồn cung phôi thanh CIS hạn hẹp nhưng điều này cũng không hỗ trợ cho giá chào bán loại thép bán thành phẩm này tăng lên vì nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu của CIS quá yếu.

Phôi thanh Ukraina xuất sang Biển Đen vào cuối tháng 08 có giá 680 USD/tấn fob. Triển vọng trong những tháng tới khó có thể thay đổi theo hướng tích cực vì phôi Thổ Nhĩ Kỳ hiện chỉ chào bán với giá 670-675/t fob Biển Đen. Tuy nhiên, nếu như tin đồn Iran sẽ tăng mua thép bán thành phẩm lên 06 triệu tấn trong những tháng tới thì các diễn biến có thể sẽ theo hướng tích cực hơn.

Thị trường xuất khẩu thép tấm CIS tăng mạnh, nhưng đó là dự báo cho các triển vọng tháng 10, và thực tế tuần này vẫn trái ngược với dự báo tích cực nói trên.

Các nhà sản xuất Ukraina đang chào bán thép tấm với giá 760-780 USD/tấn fob Biển Đen, còn chào bán từ Nga là 730-740 USD/tấn fob  Biển Đen.

Bắc Mỹ

Có thể nói thời gian vừa qua các nhà sản xuất thép tấm của Mỹ đã làm một cuộc cách mạng về giá nhằm ngăn chặn đà giảm trên thị trường giao ngay. Hầu hết đều quyết định nâng giá thêm 60 USD/tấn ngắn nhằm ổn định thị trường. Tuy nhiên, giá mới dường như đã có tác dụng ngược và làm giới thị trường càng trở nên rối rắm hơn.

Trong khi khách hàng chưa có phản ứng trước động thái này nhưng hầu hết các nhà tham gia thị trường đều cho rằng mục tiêu tăng giá của các nhà sản xuất chỉ đạt được một phần mà thôi.

Giá bán trên thị trường chênh lệch nhau khá nhiều. Đối với khách quen sẽ được chấp nhận với giá mềm hơn, trong khi đó những khách hàng không thường xuyên sẽ phải chịu mức giá cao hơn. HRC của Mỹ hiện có giá phổ biến ở mức 640 USD/tấn ngắn.

Các nhà sản xuất dự định sẽ cắt giảm công suất hoạt động nhằm giữ giá ổn định.

Trái với quyết định táo bạo của các nhà sản xuất thép tấm, nhà sản xuất thép cây hàng đầu của Mỹ- Nucor đã thông báo giữ nguyên giá thép cây, thanh thương phẩm và thép kết cấu nhỏ trong tháng 09.

Giá thép cây giao ngay và thép thanh của nhà sản xuất này hiện ở mức lần lượt là 720-740 USD/tấn ngắn và 835-860 USD/tấn ngắn.

Thị trường nguyên liệu thô

Nhu cầu phế của các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ tuần này khá yếu nên giá theo đó cũng được điều chỉnh giảm nhẹ. Giá tham khảo phế Ấn Độ và phế Mỹ tuần này khá ổn định.

Phế  HMS 1&2 80:20 của Mỹ hiện đang được chào bán sang Thổ Nhĩ Kỳ với giá 470 USD/tấn, phế vụn có giá thấp hơn  05 USD/tấn so với tuần trước, ở khoảng 475 USD/tấn cfr. Trong khi đó phế A3 của CIS có giá chào là 475 USD/tấn cfr. Phế HMS 1&2 80:20 từ Châu Âu được bán với giá 467 USD/tấn cfr. 

Đối với thị trường quặng sắt, các diễn biến trong tuần này nhìn chung không thay đổi đáng kể, giá bán vẫn ở mức cao, nguồn cung khan hiếm và nhu cầu chứng tỏ chưa thật sự cần mua quặng ngay.

Tuy nhiên triển vọng thị trường trong thời gian tới rất khả quan vì hầu hết giới trong ngành đều dự đoán thị trường thép trong tháng 09 và tháng 10 tăng mạnh.

Quặng 63.5%/63% Fe của Ấn Độ xuất sang Trung Quốc  tuần này có mức  giao dịch trung bình khoảng 183-184 USD/tấn cfr, không thay đổi so với tuần trước đó. Nhưng các nhà sản xuất lớn và có uy tín thì bán với giá cao hơn, ở khoảng 185-186 USD/tấn cfr. Quặng 58%/58% Fe của  Ấn Độ xuất sang Trung Quốc giao cuối tháng 08 hiện đang được chốt ngưỡng 152 USD/tấn cfr.