Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 32

 

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 32

Các giao dịch trên thị trường thép thế giới nhìn chung vẫn còn thưa thớt nhưng giá bán ở mỗi khu vực có sự điều chỉnh theo những hướng khác nhau.

Tại Châu Á, do ảnh hưởng của thị trường thép Trung Quốc lao dốc và tình hình tiêu thụ trong nước yếu kém, đa số các nhà sản xuất đều theo chiến lược giữ giá ổn định hoặc giảm nhẹ.

Trong khi đó thị trường Mỹ và Châu Âu đang theo chiều ngược lại. Sự trổi dậy của thị trường phế liệu đã tạo động lực cho các nhà sản xuất nâng giá bán. Hơn nữa số lượng được cắt giảm đáng kể nên áp lực về doanh số bán dường như đã được giải tỏa.

Đối với thị trường CIS, lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất vẫn là phôi thanh xuất khẩu. Mặc dù giá tăng đáng kể so với tuần trước, số lượng chào bán và chốt hợp đồng tuần này không nhiều. Giới sản xuất vẫn đang găm hàng và kỳ vọng giá sẽ còn tăng nữa.

Đông Nam Á

Sau khi tàn phá nặng nề ở Philippne, bão Haikui lại tiếp tục đổ bộ vào Chiết Giang và Thượng Hải Trung Quốc, làm đảo lộn cuộc sống của người dân và để lại hậu quả không hề nhỏ cho các ngành kinh doanh, trong đó có ngành công nghiệp thép.

Dường như không có giao dịch nào được thực hiện tại các khu vực mà bão Haikui ập tới. Tiêu thụ thép vốn đã ế ẩm nay lại càng hiu hắt hơn do hoạt động sản xuất và xây đựng bị trì trệ.

Sự lao dốc của thị trường thép Trung Quốc cũng đã ảnh hưởng lớn đến các nước lân cận do bị hàng nhập khẩu Trung Quốc chèn ép.

Nhập khẩu HRC vào Đông Nam Á tiếp tục đi xuống. Giá chào bán tuần trước của Trung Quốc đã giảm 20 USD/tấn so với trước đó, xuống còn 560-580 USD/tấn cfr. Sự giảm mạnh của thép Trung Quốc càng khiến thị trường mất niềm tin, gây sao nhãng các giao dịch trên thị trường. Đa số đều cho rằng giá sẽ còn giảm nữa, chính tư tưởng này đã khiến cho các chào bán từ Hàn Quốc và Nhật vào Đông Nam Á rất khó khăn.

Tuy nhiên không chỉ thép công nghiệp trải qua những khó khăn này, mà ngành thép xây dựng cũng chịu áp lực không hề nhỏ. Những trận mưa lớn khiến các dự án xây dựng liên tiếp bị hoãn lại, gây ra hiện tượng dư thừa nguồn cung thép lớn trên thị trường.

Giá chào bán từ hầu hết các nước vào Đông Nam Á đều giảm xuống. Trong đó, giá từ Trung Quốc giảm khoảng 10-15 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ giảm khoảng 5-10 USD/tấn.

Còn đối với thị trường phôi thanh, giá chào bán nhập khẩu có xu hướng đi lên trong tuần này nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hạn hẹp nguồn cung và giá phế tăng chứ không phải nhu cầu cải thiện.

Trong khi đó, Phôi Hàn Quốc đang được nhắm đến mức 600-605 USD/tấn fob, còn Trung Quốc là 590-595 USD/tấn cfr. CIS hiện vẫn chưa có động thái chào bán trở lại sang Đông Nam Á.

Nhật Bản

Mặc dù chưa thực sự năng động với các giao dịch nhưng xem ra thị trường thép Nhật Bản tuần này đã khá khẩm hơn nhiều so với những tuần trước đó.

Sự trổi dậy của thị trường phế liệu thế giới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động trong nước. Các nhà sản xuất tuần này buộc phải điểu chỉnh giá thu mua phế nội địa tăng nhẹ nhằm đảm bảo nguồn cung cho sản xuất trong thời gian tới. Phần lớn nguồn nguyên liệu thô này đang được tập trung về các cảng biển để chuẩn bị cho xuất khẩu do giá chào mua từ khách hàng nước ngoài hấp dẫn hơn.

Trong khi đó thép thành phẩm được dự đoán sẽ ấm lên. Thị trường thép dầm hình H khả năng sẽ phục hồi trở lại sau khi kết thúc lễ Vu Lan vào tuần tới.

Trên thị trường giao ngay, thép dầm hình H khổ lớn đang duy trì ở mức 63.000-69.000 Yên/tấn (871-885 USD/tấn). Các nhà sản xuất cũng giữ giá xuất xưởng tháng 08 không đổi. Tuy nhiên đây được coi là đáy thấp và sẽ có những điều chỉnh mới trong 02 tuần nữa.

Hàn Quốc

Chưa hết khó khăn vì chi phí phế liệu tăng, các nhà sản xuất thép Hàn Quốc giờ đây phải chịu thêm áp lực mới từ việc nâng giá điện của chính phủ.

Hiện tại các nhà sản xuất thép Hàn Quốc vẫn chưa có chiến lược giá mới. Tuy nhiên điều chỉnh tăng, giảm hay giữ ổn định đều là những quyết định khó khăn trong lúc này bởi lợi nhuận sụt giảm mà nhu cầu từ người dùng thép vẫn chưa cải thiện.

Trong khi đó thương nhân và người tiêu dùng trực tiếp vẫn tăng mua thép nhập khẩu từ Trung Quốc do giá cả cạnh tranh hơn nhiều.

Hiện CRC Trung Quốc có giá 640-650 USD/tấn cfr nhưng khả năng sẽ giảm thêm 20-30 USD/tấn trong thời gian tới, tăng sức ép cho sản xuất thép nội địa.

Tuy nhiên nhập khẩu thép dầm hình H từ Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm dần. Nhu cầu thấp cộng với những nỗ lực đẩy mạnh doanh số bán của các nhà sản xuất nội địa đã hạn chế sự hoành hành của thép nhập khẩu Trung Quốc.

Thép dầm hình H SS400 khổ lớn 300x200x10mm của Hyundai hiện đang được bán với giá 840.000 Won/tấn (741 USD/tấn), còn loại khổ nhỏ có giá chào 940.000 Won/tấn.

Đối với thị trường HRC, giá bán trên thị trường vẫn ổn định. Nhập khẩu thép quý Ba từ Nhật Bản đang được đàm phán theo hướng điều chỉnh xuống mức 580-590 USD/tấn hoặc thấp hơn, từ mức chào 610 USD/tấn từ phía Nhật Bản. Cuộc đàm phán sẽ được nối lại sau lễ Vu Lan tại Nhật.

Ấn Độ

Hoạt động xuất nhập khẩu thép cuộn trên thị trường Ấn Độ khá sôi động trong những ngày vừa qua. Nhập khẩu HRC từ Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm nữa trong tương lai do các nhà kinh doanh muốn tận dụng tích trữ hàng giá rẻ nhằm chuẩn bị cho mùa cao điểm vào tháng 10 tới.

Hiện các nhà nhập khẩu đang nhắm đến mức chào mua HRC là 550-555 USD/tấn cfr từ mức chào bán 560 USD/tấn của các nhà cung cấp Trung Quốc.

Trong khi đó xuất khẩu HDG sang Mỹ và một số nước Trung Đông cũng khá ổn định. Các nhà sản xuất không có ý định hạ giá chào bán trong tương lai gần vì lượng xuất đã được điều tiết phù hợp với tình hình nhu cầu thực tế.

Châu Âu

Toàn cảnh thị trường thép Châu Âu trong thời gian này khá vắng lặng. Hầu hết các nhà kinh doanh đều đang tận hưởng kỳ nghỉ hè nên số lượng giao dịch ngày càng thưa dần. Tuy nhiên giá cả các mặt hàng chủ yếu có xu hướng tăng do các nhà sản xuất lăm le nâng giá thép cơ bản nhằm bù đắp chi phí phế liệu đắt đỏ trong thời gian gần đây.

Đa số các nhà sản xuất đang nỗ lực nâng giá thép cây thêm 20 EUR/tấn trong tháng 08 này. Ngoài nguyên nhân phế liệu phục hồi, sự cắt giảm sản xuất và lượng tồn hạn hẹp cũng là động lực cho kế hoạch tăng giá tại các nhà máy.

Hiện giá thép cây đang được các nhà sản xuất Tây Bắc Âu nhắm đến mức giá 515-520 EUR/tấn, còn tại Platt giá tuần này được yết tại mức 515-520 EUR/tấn, tăng nhẹ so với trước đó.

Đối với thị trường thép cuộn, các giao dịch vẫn chậm nhưng giới sản xuất không có ý định từ bỏ kế hoạch tăng giá vào cuối tháng 08.

Một số nhà sản xuất sẽ đẩy giá lên cao hơn khoảng 20-30 EUR/tấn vì tự tin vào sự phục hồi của thị trường tháng 09.

Ngoài ra, sự cố xảy ra tại nhà máy lớn nhất nhì Italia- ILVA có thể sẽ khiến nguồn cung thép cuộn bị gián đoạn, tạo thêm cơ hội cho các nhà sản xuất khác nâng giá bán.

Bệnh cạnh đó, sự suy yếu của đồng EUR so với USD làm hạn chế tính cạnh tranh của thép nhập khẩu tại khu vực này. Hiện tại, CIS đang bỏ qua Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, vươn lên thành đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của Châu Âu, song mức chênh lệch giữa thép cuộn CIS và Châu Âu là không đáng kể.

CRC Châu Âu hiện vẫn ổn định ở mức 560-570 EUR/tấn xuât xưởng cơ bản, còn HDG  có giá là 530-540 EUR/tấn xuất xưởng cơ bản.

Thổ Nhĩ Kỳ

Nhằm phản ứng lại xu hướng tăng giá phế nhập khẩu, giới sản xuất thép cây Thổ Nhỹ Kỳ đã quyết định nâng giá bán thép cây sang Dubai và một số thị trường khác trong tuần này thêm 20 USD/tấn.

Tuy nhu cầu từ khách hàng là rất ít nhưng các nhà sản xuất tin rằng thị trường sẽ sôi động hơn sau mùa lễ Ramada và Eid. Hơn nữa, chẳng có lý do gì để họ điều chỉnh giá thép cây giảm xuống khi mà phế nhập khẩu vẫn bị đội giá từng ngày.

Một số nhà sản xuất đang tìm kiếm giải pháp giảm thiểu chi phí sản xuất bằng cách nhập khẩu phôi thanh thay cho phế liệu, chủ yếu là đang nhắm đến nhà cung cấp CIS.

Trong khi đó thị trường thép cuộn có phần im ắng hơn vì xu hướng lên hay xuống vẫn còn khó xác định. Các chào bán nhập khẩu từ CIS không được thị trường quan tâm nhiều như trước. Nhưng so với đầu tháng 07 thì mức giá HRC hiện đã tăng 20-40 USD/tấn lên 600 USD/tấn cfr, chào bán từ các nhà sản xuất nội địa cũng tăng 10-20 USD/tấn lên mức 630 USD/tấn xuất xưởng.

CIS

Sau khi giới cán lại Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng sang dùng phôi thanh CIS thay cho phế nhằm tránh sức nóng của thị trường ngyên liệu thô, giá xuất khẩu phôi thanh CIS tăng đáng kế, lèo lái giá trung bình hàng ngày tại sàn Platt lên mức 555 USD/tấn fob Biển Đen trong những ngày cuối tuần.

Tuy nhiên vì nguồn cung tháng 09 có hạn nên các nhà sản xuất CIS cũng rất thận trọng với các chào bán. Đa số vẫn găm hàng chờ giá lên cao hơn nữa, do đó rất hiếm hợp đồng được chốt trong tuần này.

Với những yếu tố thuận lợi như nguồn cung hạn hẹp, thiếu sự cạnh tranh từ Châu Âu và nhu cầu từ Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh, khả năng giá phôi thanh CIS sẽ còn chinh phục những mốc cao hơn trong vài tuần tới.

Mỹ

Trong khi giá thép dài và tấm mỏng được dự đoán sẽ tăng trong tương lai không xa thì giới cung cấp thép tấm của Mỹ buộc phải điều chỉnh giá theo hướng ngược lại do sự cạnh tranh gay gắt từ thép nhập khẩu.

Trong thời gian gần đây, giá phế liệu đã tăng thêm 75 USD/tấn dài nhưng các nhà sản xuất tấm Mỹ đành phải hạ giá giảm 20 USD/tấn ngắn. Tưởng như đó là chính sách ngược đời, nhưng ngoài ra cũng chẳng có cách nào khác để cứu vãn doanh số bán. Trên thực tế giá sau khi điều chỉnh cũng rất khó để cạnh tranh với mức giá 740-760 USD/tấn cfr của thép nhập khẩu, thậm chí Malaysia, Hàn Quốc chỉ bán ở mức 720 USD/tấn, trong khi thép tấm Mỹ vẫn ở mức ngất ngưỡng 780-800 USD/tấn.

Thị trường thép xây dựng có vẽ dễ thở hơn nhưng cũng không tránh khỏi sự đối đầu của thép nhập khẩu. Giá thép nội địa được dự đoán sẽ tăng không quá 40 USD/tấn trong 02 tuần tới vì nếu tăng nhiều hơn họ sẽ bị thép nhập khẩu đánh bại.

Đối với tấm mỏng, giá được một số nhà sản xuất thông báo tăng chính thức thêm 30 USD/tấn nữa. Tuy nhiên động thái này được một số chuyên gia cho rằng chỉ nhằm khuấy động thị trường. Dù đã điều chỉnh lần tăng giá thứ ba nhưng các giao dịch đến thời điểm này vẫn rất thưa thớt và không có dấu hiệu phục hồi trước tháng 09.

Tại sàn Platt, HRC tăng 10 USD/tấn so với tuần trước lên 640-660 USD/tấn ngắn, còn CRC được cộng thêm 20 USD/tấn, yết tại mức 750-770 USD/tấn ngắn.