Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 26

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 26

Thị trường thép thế giới tuần này không chuyển biến nhiều nhưng ít ra thì giới quan sát vẫn có thể định hình được hướng đi của mỗi loại hình sản phẩm chứ không rối rắm như mấy tuần trước đó.

Tuy bị tác động bởi những yếu tố khác nhau nhưng hầu hết các sản phẩm thép đều theo xu hướng giảm ở cả nhu cầu lẫn giá bán. Riêng chỉ có thép cây là bật tăng trở lại sau khi mất lực vào tuần trước. Giá phế không cũng cố cho niềm tin thị trường thép cây nhưng nhu cầu đang cải thiện nên các giao dịch trên thị trường sôi động hơn so với các loại thép khác.

Ngoài những yếu tố ảnh hưởng mà cho đến nay vẫn chưa chấm dứt như biện pháp thắt chặt tiền tệ tại các quốc gia Châu Á nhằm kiềm chế lạm phát, khủng hoảng nợ công ở Châu Âu hay nền kinh tế vĩ mô toàn cầu chưa ổn định đang tác động xấu đến thị trường, thì những yếu tố bất khả kháng như mùa hè trong tháng 07 và tháng 08 ở Châu Âu, hay lễ chay Ramada của thế giới Hồi giáo cũng ảnh hưởng không ít đến thị trường thép thế giới trong những tuần gần đây.

Tuy nhiên đa số các nhà sản xuất đều tính đến phương án nâng giá tháng 09 vì cho rằng lúc này thị trường sẽ sôi động trở lại.

Châu Á

Đông Nam Á

Thị trường thép Đông Nam Á chưa thể phá tan tảng băng dày khổng lồ ngăn cản nhu cầu đến với các nhà sản xuất.

Tại Indonesia, lực mua hiện vẫn thấp và khả năng tình trạng này kéo dài đến lễ chay Ramada. Giá thép cây tuần này vẫn ổn định ở mức 778-788 USD/tấn.

Tại Thái Lan, sự bất ổn chính trị trước ngày bầu cử đang ảnh hưởng khá lớn đến thị trường thép bởi các dự án công vẫn chưa được thông qua. Tuy nhiên có thể lực mua sẽ trở lại ngay khi cuộc bầu cử kết thúc và tìm được Đảng mới nắm quyền tại nước này. Giá thép cây tuần này có giá 721-731 USD/tấn.

Tại thị trường Singapore, giá thép cây nội địa là 737-753 USD/tấn. Nhu cầu thép tại thị trường nước này rất yếu vì hầu hết các dự án xây dựng đã hoàn tất. Tuần này các nhà nhập khẩu  thép dầm sang Singapore cũng đã hạ giá chào bán nhưng khách hàng không vội mua và đang chờ giá xuống thêm nữa.

Tại Philippine, tình hình cũng không khá hơn, nhu cầu yếu nhưng các giá chào bán đang tăng lên nên hầu hết các thương nhân đều muốn tồn ở mức thấp để đảm bào tính an toàn. Hàn Quốc tuần này chào nhập khẩu sang Philippine với giá 680 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với trước đó.

Còn tại Việt Nam, các biện pháp thắt chặt tiền tệ của chính phủ đang ảnh hưởng rất lớn đến hạt động giao dịch sắt thép, hơn nữa mùa mưa vào tháng 07 và tháng 08 càng làm nhu cầu yếu thêm. Thép cây hiện có giá khoảng 16 triệu VND/tấn (778 USD/tấn). Giá phôi thanh nội địa nếu chưa tính VAT cũng chỉ ở mức 14,2-14,4 triệu VND /tấn (691-701 USD/tấn).

Hàn Quốc

Thị trường thép cây có dấu hiệu đang lên vì thông tin các nhà sản xuất lớn bắt đầu nâng giá tháng 07 và tháng 08 nhằm phù hợp với xu hướng giá quốc tế. Hơn nữa tồn của giới thương nhân cũng xuống thấp nhưng chưa muốn  mua vào chẳng qua là vì niềm tin đối với triển vọng thị trường không tốt, do đó động thái nâng giá chắc chắc sẽ ít nhiều cải thiện niềm tin và qua đó kéo lực mua tăng.

Thép cây SD400 10mm được các nhà sản xuất bán với giá gần đây nhất là 775.000-780.000 Won/tấn (715-719 USD/tấn).

Tuy nhiên, thị trường thép tấm không có nhiều yếu tố hỗ trợ cho sự tăng giá do các nhà sản xuất lớn đang có kế hoạch nâng sản xuất mặt hàng này. Khả năng sản lượng thép tấm dày của Hàn Quốc trong quý Ba sẽ  tăng 3,4% lên mức 2,7 triệu tấn từ mức 2,61 triệu tấn trong quý Hai.

Cũng trong tuần này, nhà sản xuất Posco đã khiến giới thị trường khá bất ngờ khi quyết định giữ giá thép không gỉ tháng 07 ổn định như tháng 06.

Tuy giá niken suy yếu nhưng có lẽ vì theo kế hoạch muốn cắt giảm sản xuất khoảng 30.000 tấn nhằm bảo trì máy móc nên Posco đặt niềm tin trọn vẹn vào thị trường tương lai.

Giá HRC và CRC không gỉ 304 giao tháng 07 của Posco sẽ giữ mức không đổi 3.124 USD/tấn và 3.556 USD/tấn.

Đài Loan

Hiện tượng trầm lắng không bỏ sót bất cứ thị trường nào và cả Đài Loan cũng vậy. Giao dịch thưa dần đang gây hoang mang cho các nhà sản xuất bởi áp lực dòng vốn luôn chuyển là rất lớn.

Sau khi thông báo điều chỉnh giảm giá HRC và CRC tại thị trường nội địa lần lượt khoảng 200 Đài tệ/tấn và 300 Đài tệ/tấn, đến tuần này Chung Hung Steel tiếp tục hạ giá xuất khẩu đối với hai loại thép trên.

Giá HRC mới xuất sang Đông Nam Á là 710- 715 USD/tấn, còn CRC là 790-795 USD/tấn fob, giảm 20-30 USD/tấn so với giá giao dịch trước đó.

Niềm tin tuần tới vẫn chưa được cải thiện vì giá phế liệu đang xuống dốc nên khả năng khó có thể bảo kê giá thép, đó là chưa tính đến nhu cầu thấp và tồn vẫn ở mức cao.

Còn đối với thị trường thép không gỉ, nhà sản xuất Yusco tuần này đã thông báo điều chỉnh giảm 100-120 USD/tấn đối với cả thép tấm cán nóng và cán nguội không gỉ dòng 300-series xuất khẩu tháng 07, nhưng sẽ giữ giá ferritic không đổi.

Trước đó nhà sản xuất này cũng điều chỉnh giảm giá HRC và CRC austenitic và ferritic nội địa giảm lần lượt 3.500 Đài tệ/tấn (122 USD/tấn) và 1.000 Đài tệ/tấn nhằm phù hợp với xu hướng giảm giá niken trong tháng vừa qua.

Nhật Bản

Nhìn chung, thị trường thép trong tuần này tại Nhật chưa có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên dấu hiệu phục hồi từ ngành sản xuất ô tô đang là động lực lớn để các nhà sản xuất nâng giá bán.

Tuần này, nhu cầu tiêu dùng không mạnh nhưng giá niken trên thị trường thế giới tiếp tục hướng xuống nên Nippon Steel & Sumikin Stainless (NSSC) quyết định giảm giá cuộn trơn austenitic quý Ba 185 USD/tấn, tuy nhiên cuộn trơn ferritic thì được cộng thêm 5.000 Yên/tấn.

Thị trường đang trong tình trạng thiếu cầu nên một số nhà sản xuất thép cây không thể kiên nhẫn chờ đợi lâu mà đã điều chỉnh giá bán xuống. Thêm vào đó, giá phế liệu dịu lại càng khiến niềm tin thị trường suy yếu hơn.

Trước thực trạng đó, nhà sản xuất thép cây lớn nhất Nhật Bản- Kyoei Steel quyết định giảm 5.000 Yên/tấn (62 USD/tấn đối với giá thép cây tháng 07. Tuy nhiên nhà sản xuất này tiếp tục đeo bám mục tiêu nâng giá lên 70.000 Yên/tấn ngay sau khi thị trường phục hồi trở lại.

Giá thép cây tại Tokyo trong các giao dịch mới nhất giảm xuống còn ở khoảng 63.000 Yên/tấn (852 USD/tấn), còn tại Osaka là 66.000 Yên/tấn.

Dù đang giảm xuống và chưa được nhu cầu hỗ trợ nhưng khả năng giá thép cây Nhật sẽ không thể xuống thấp hơn nữa vì gánh nặng giá điện mùa hè và thời gian bảo trì máy có thể hạn chế sản lượng sản xuất tại các nhà máy, qua đó hỗ trợ giá bật tăng trở lại.

Châu Âu

Thép tấm: giá thép tấm tại thị trường tây bắc Âu đang ở ngưỡng 700-750 EUR/tấn, mức giá này được cho là đã xuống đáy thấp tuy nhiên vẫn chưa hấp dẫn được khách hàng. Riêng tại thị trường Thụy Điển, hoạt động giao dịch có sôi nỗi hơn do được ngành công ngiệp xây dựng hậu thuẫn.

Dù rất khó cảm nhận được nhưng có thể giá loại nguyên liệu này đang dần tăng lên và hiện các nhà sản xuất đang ra sức bảo vệ giá nhằm chuẩn  bị nâng giá sau thời điểm hè.

Thép cây và cuộn trơn: Dù các nhà sản xuất đã nâng hai loại thép này ở cả nội địa lẫn xuất khẩu nhưng hiện vẫn chưa được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên nhu cầu từ Bắc Phi đang phục hồi mạnh vì khách hàng bắt đầu tham gia vào thị trường để nhận các đặt mua trước lễ chay Ramada nên sớm muộn gì rồi người mua cũng phải chấp nhận giá bán của các nhà sản xuất.

Giá thép cây tuần này được chào bán tại thị trường nội địa với 560 EUR/tấn (793 USD/tấn) giao tận nơi, còn giá cuộn trơn kéo lưới là 580 EUR/tấn. Xuất khẩu thép cây sang Bắc Phi có giá khoảng 515 EUR/tấn fob.

HRC/CRC: Sau thất bại của các nhà sản xuất tây bắc Âu với kế hoạch nâng giá thép cuộn cán dẹt đối với khách hàng sản xuất ô tô trong hợp đồng 06 tháng cuối năm, niềm tin thị trường dường như yếu hẵn buộc các nhà sản xuất phải từ bỏ kế hoạch nâng giá tháng 07 mà thay vào đó đến tháng 09 mới điều chỉnh.

Bên cạnh đó hàng nhập khẩu giá rẻ từ Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng lăm le tràn qua trong vài tuần tới, càng đè nặng áp lực lên giá thép nội địa.

HRC giao ngay tuần này có giá xuất xưởng cơ bản là 540-560 EUR/tấn (766-794 USD/tấn), còn CRC là 630-670 EUR/tấn.

Tại Nam Âu, dù tồn đã xuống thấp nhưng khách hàng chưa mạnh tay mua vào. Giá HRC nội địa tuần này giảm xuống còn 520-540 EUR/tấn (740-768 USD/tấn), còn giá nhập khẩu là 500-530 EUR/tấn cfr. CRC ở khoảng 590-600 EUR/tấn xuất xưởng cơ bản, còn HDG là 570-590 EUR/tấn.

Tuy nhiên các nhà sản xuất không có kế hoạch cắt giảm sản lượng trong khi nhu cầu tại thị trường Trung Quốc tiếp tục xuống dốc có thể không hỗ trợ cho giá thép dẹt tăng trong mùa hè này.

Thổ Nhĩ Kỳ

Không còn lạnh lùng như mấy tuần trước, khách hàng thép cây Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu quan tâm đến việc gom mặt hàng này. Đồng thời nhu cầu từ nước ngoài cũng cải thiện hơn, lực mua từ Iraq và Dubai đang tăng lên vì giá thép tại Iskenderun đang theo chiều hướng tăng từ mức hiện tại là 1.410-1.430 TL/tấn (865-877 USD/tấn), nhưng nếu mua thép Thổ Nhĩ Kỳ thì chỉ có giá 1.380-1.390 TL/tấn (846-853 USD/tấn) mà thôi.

Tuy nhiên, thị trường thép dẹt vẫn ảm đạm và khả năng phục hồi chưa thể được dự đoán trong tuần tới nhưng có thể tháng 07 và tháng 08 thị trường sẽ sôi động hơn vì lúc này các đơn đặt mua từ nước ngoài hồi tháng 05 sẽ được xuất cảng, qua đó ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước và lèo lái giá lên.

HRC tại thị trường nội địa được bán với giá 750-780 USD/tấn, nhưng giá chào từ Nga là 710-720 USD/tấn.

CIS

Nhu cầu từ khách hàng nước ngoài không mạnh nên thị trường thép xuất khẩu của CIS uể oải mấy tháng nay và chưa thể phục hồi trở lại.

Tại Trung Đông và Châu Âu, lễ chay Ramada đang đến gần cộng với lượng tiền mặt hạn hẹp đã không thôi thúc các nhà nhập khẩu mua vào.

Hiện khách hàng đang chào mua phôi thanh CIS với giá 620-630 USD/tấn fob Biển Caspia nhưng giá có thể xuống thấp hơn trong những tuần tới.

Thị trường thép tấm cũng trì trệ, hầu như giá không có nhiều thay đổi trong vài tháng trở lại đây. Giá thép từ Ukraina hiện đang dao động quanh mức 770-800 USD/tấn fob, còn từ Nga là 730-900 USD/tấn fob.

Tuy xuất khẩu vẫn ảm đạm nhưng thị trường nội địa khá tốt, hơn nữa các nhà sản xuất đang nhắm đến việc cắt giảm sản xuất nên có thể giá sẽ không giảm thêm nữa mà bật tăng trở lại từ đáy thấp này.

Thị trường nguyên liệu thô

Thị trường phế liệu tuần này chia thành hai hướng rỏ rệt, trong khi giá tại hầu hết các thị trường ở Châu Âu đều theo hướng giảm thì ở một số nước Châu Á, các nhà sản xuất quyết định nâng giá thu mua nhằm cải thiện niềm tin và phù hợp với giá chào bán thép thành phẩm cao.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, giá phế nội địa suy yếu do các nhà cung cấp Châu Âu hạ giá chào bán. Giá phế ferrous nội địa tuần này giảm 20 TL/tấn so với  tuần trước xuống còn 630-745 TL/tấn (384-454 USD/tấn).

Tại Tây Ban Nha, giá phế giảm ngay từ hôm thứ Hai đầu tuần khoảng 15 EUR/tấn. Phế vụn ( E40) giao tận nơi có giá là 312-320 EUR/tấn (443-454 USD/tấn) và phế E8 là 325-340 EUR/tấn.

Tuy nhiên tại Châu Á, một số nhà sản xuất Nhật Bản và Trung Quốc đã nâng giá thua mua.

Cùng với sự suy yếu của phế liệu, quá quặng tuần này cũng theo đà giảm ổn định do lực mua từ Trung Quốc yếu. Tồn quặng tại các cảng của Trung Quốc còn nhiều cộng với tình trạng ảm đạm kéo dài của thị trường thép thành phẩm là những tín hiệu cho thấy giá quặng chưa thể phục hồi trở lại trong tuần tới.

Giá giao dịch trung bình quặng 63.5%/63% Fe hôm 29/06 là 174-176 USD/tấn cfr.

Thị phần quặng tại thị trường Trung Quốc đang mất dần vì nước này đang nhắm tới việc tìm kiếm những nguồn cung mới đẻ giảm lệ thuộc vào các nhà cung cấp truyền thống như Brazin, Australia và Ấn Độ.

Bên cạnh đó giá than cốc vẫn cao ngất ngưỡng, trong khi các chuyên gia phân tích cho rằng giá không nên vượt quá xa mức 250 USD/tấn thì giá than hiện tại vẫn chễm chệ ở mức 315 USD/tấn.