Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 21

 

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 21

Đông Nam Á

Thị trường thép Đông Nam Á tiếp tục hứng chịu thêm một tuần ảm đạm bởi sự thiếu vắng của người mua hàng.

Tình hình kinh tế khó khăn cộng thêm đó là sự trượt dốc của thị trường thép toàn cầu, mà đặc biệt là ở Trung Quốc, đã gây ảnh hưởng lớn đến sức mua tại thị trường Đông Nam Á.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ trong những tháng tới sẽ tiếp tục đi xuống do Đông Nam Á sắp bước vào mùa mưa làm tê liệt các dự án xây dựng.

Trong tuần này, hoạt động nhập khẩu thép thành phẩm lẫn bán thành phẩm vào thị trường Đông Nam Á diễn ra khá yếu ớt. Nguyên nhân chủ yếu là do giới thị trường mất niềm tin, không dám gom mua vì sợ giá sẽ tiếp tục xuống thấp hơn nữa.

Chào bán phôi thanh trong tuần này tiếp tục giảm khoảng 5-10 USD/tấn so với tuần trước đó, xuống còn khoảng 530-545 USD/tấn cfr. Tuy nhiên số lượng chốt hợp đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi mức mà các nhà nhập khẩu Đông Nam Á có thể mua vẫn còn cách biệt khá lớn.

Tương tự, thép thành phẩm cũng không thoát khỏi xu hướng giảm. Giá cuộn trơn Trung Quốc chào bán cho khách hàng Phippine đã giảm xuống còn 530 USD/tấn cfr từ mức cuối tháng 04 là 540 USD/tấn.

Tình hình xây dựng tại Việt Nam cũng đang gặp cảnh khó khăn. Mặc dù gói 30.000 tỷ nhằm hỗ trợ người dân mua nhà thu nhập thấp đang được triển khai, nhưng số tiền ít ỏi này như muối bỏ bể, khó có thể vực dậy thị trường bất động sản vốn đang bị đóng băng như hiện nay.

Đối với thép công nghiệp, khách hàng đang có xu hướng rút khỏi thị trường vì muốn giá cả ổn định hơn.

Chào bán cuộn cán nóng SS400B 3-12mm từ Trung Quốc tiếp tục đi xuống và gần đây nhất được yết tại mức 530-540 USD/tấn cfr. Hiện chỉ còn Trung Quốc là năng lui tới với các chào bán, còn một số nhà cung cấp khác như Nhật Bản, Hàn Quốc đều đã bỏ cuộc vì không thể kiên nhẫn chờ đợi thị trường phục hồi.

CRC của Trung Quốc tuần này cũng đã về dưới mức 600 USD/tấn cfr, ở khoảng 595-605 USD/tấn cfr.

Ấn Độ

Mặc dù sức tiêu thụ ở Ấn Độ không phải là quá cao và nước này cũng không rơi vào tình trạng thiếu thép, song hoạt động nhập khẩu HRC trong những tuần gần đây hẳn đã làm hài lòng các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc bởi số lượng đơn đặt mua ngày càng tăng lên.

Theo nhận định của nhiều nhà tham gia thị trường, sỡ dĩ lực mua ở Ấn Độ tăng mạnh là do thép của Trung Quốc có giá hấp dẫn.

HRC SS400 3mm tiêu chuẩn thương mại của Trung Quốc trong tuần rồi được chào bán ở mức 550-560 USD/tấn cfr Mumbai, trong khi thép nội địa HRC IS 2062 A/B 3mm là 33.750-34.250 Rs/tấn (604-613 USD/tấn), tương đương với giá nhập khẩu ở mức 562-570 USD/tấn cfr Mumbai tại mức thuế nhập khẩu 7,5%.

Tuy nhiên, lực mua trong những tuần tới có thể sẽ chậm trở lại. Hiện tại đồng nội địa Ấn Độ đang suy yếu, và sẽ nhanh chóng phản ánh lên giá thép nhập khẩu. Hơn nữa, sức khỏe của thị trường chắc chắn sẽ suy yếu trong những tháng mùa mưa (từ tháng 06 đến tháng 09), kéo nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này đi xuống.

Đối với thị trường HDG, sau nhiều tuần nỗ lực giữ giá xuất khẩu ổn định, đến tuần này các nhà cung cấp đã chấp nhận điều chỉnh giá giảm 5-15 USD/tấn. Tuy nhiên số lượng hợp đồng nhận được không cải thiện là bao. Hiện khách hàng vẫn chào mua HDG của Ấn Độ với mức thấp hơn 40-100 USD/tấn so với giá chào bán.

Hàn Quốc

Nhu cầu trong những tháng gần đây đã tăng lên, song giá thép cây tại thị trường nội địa Hàn Quốc vẫn không thể thoát khỏi quỹ đạo chung của thế giới mà tiếp tục xuống dốc và khả năng mức giá hiện tại vẫn chưa phải là đáy thấp.

Sỡ dĩ có sự ngược đời như trên là do giới thị trường không đủ niềm tin. Hầu hết đều cho rằng sức mua chỉ tăng trong một thời gian ngắn và sớm về lại trạng thái cũ. Hơn nữa, giá thế giới, đặc biệt là của Trung Quốc đang giảm xuống nên dù muốn hay không thì các nhà sản xuất Hàn Quốc cũng phải điều chỉnh giá nhằm đủ sức cạnh tranh.

Hiện thép cây SD400 10mm sản xuất trong nước có giá bán 660.000-670.000 Won/tấn (588-597 USD/tấn), giảm 5.000 Won/tấn so với cách đó một tháng.

Còn đối với thép tấm, thị trường đã cải thiện nhẹ nhờ nhu cầu từ các nhà đóng tàu. Giới thị trường dự đoán giá sẽ được điều chỉnh tăng trong thời gian tới.

Nhật Bản

Thị trường thép Nhật Bản trong thời gian qua cũng rơi vào tình trạng ế ẩm do bị ảnh hưởng bởi xu hướng suy yếu của thị trường thế giới cũng như nền kinh tế đang khó khăn.

Tuy nhiên giới thị trường khá lạc quan về thị trường tương lai và dự đoán nhu cầu từ ngành xây dựng sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại.

Cũng với niềm tin này, nhà sản xuất thép hàng đầu của Nhật là Tokyo Steel đã đưa ra quyết định giữ giá hầu hết các sản phẩm thép tháng 06 như tháng 05 chứ không điều chỉnh giảm xuống.

Thép cuộn cán nóng SPHC, 1.7-22mm của nhà sản xuất này hiện vẫn ổn định tại mức 62.000 Yên/tấn (603 USD/tấn), còn thép dầm hình H SS400 là 74.000 Yên/tấn (720 USD/tấn).

Châu Âu

Diễn biến thị trường thép Châu Âu tuần này vẫn theo hướng xấu đi do những yếu tố quen thuộc như nhu cầu yếu, thép nhập khẩu giá rẻ và kinh tế trì trệ. Tâm điểm của sự điều chỉnh chủ yếu thể hiện ở các sản phẩm thép cuộn và thép dài.

Đối với thép cuộn, mặc dù chấp nhận rút ngắn thời hạn giao hàng về 06 tuần, song CRC Bắc Âu vẫn không đọ lại với các chào bán từ CIS, bởi sự trở lại của các nhà cung cấp CIS lợi hại hơn nhiều so với trước đó.

Chào bán CRC từ Nga hiện có giá chỉ 520-530 EUR/tấn DDP Đức trong khi thép nội địa Bắc Âu lên đến 540-550 EUR/tấn xuất xưởng.

Tại Nam Âu, mặc dù không bị chi phối bởi thép nhập khẩu nhưng sức mua ngày một đuối dần đã tác động lên giá bán. HRC trong tuần này đã giảm 3-5 EUR/tấn (4-6 USD/tấn), trong khi CRC và HDG cũng chịu nhiều sức ép. Thép cuộn Trung Quốc sang thị trường này mặc dù có giá tương đối hấp dẫn, nhưng với thời hạn giao hàng lâu hơn nên khả năng chốt hợp đồng bị hạn chế.

Không chỉ thép cuộn mà thép cây cũng thể hiện xu hướng giảm rỏ rệt trong tuần này. Các giao dịch tại thị trường nội địa Châu Âu cho thấy đã giảm 2-5 EUR/tấn và xuất khẩu giảm 5-8 EUR/tấn so với tuần trước đó. Tuy nhiên giá được dự đoán sẽ tiếp tục giảm thêm nữa trong tuần tới do bị ảnh hưởng bởi sự xuống dốc của thị trường phế liệu. Kể từ đầu tháng đến nay, phế của Đức đã giảm 10 EUR/tấn và được dự đoán sẽ tiếp tục giảm nữa trong tháng 06

Còn đối với tấm dày, các nhà sản xuất đang nhắm đến nâng giá để bù đắp chi phí đầu vào đội lên từ trước đó. Tuy nhiên với lực mua thấp như hiện nay, việc nâng giá chỉ càng làm khách hàng rời xa thị trường mà thôi.

Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực đẩy giá phôi thanh CIS giảm xuống nhằm bù đắp cho sự trượt giá của thép cây xuất khẩu. Song ý định này không được các nhà cung cấp CIS chấp nhận khiến cho giao dịch trở nên khá trầm lắng.

Phôi thanh của Nga hiện vẫn được chào bán ở mức 512-513 USD/tấn cfr, còn Ukraina là 497-499 USD/tấn fob.

Còn đối với thép cây, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đang chững lại nhưng tại UAE thì có sự cạnh tranh lớn hơn so với các nhà cung cấp khác. Giá chào bán hôm thứ Năm tuần này là 568 USD/tấn fob Aliaga.

CIS

Cho đến tuần này, các chào bán xuất khẩu từ CIS đã trở lại bình thường như thời điểm trước lễ. Các nhà sản xuất mặc dù vẫn muốn giữ ổn định giá chào bán tháng 06 như tháng 05, song điều này khó mà đạt được khi giá trên thị trường thế giới liên tục xuống dốc.

Một số nhà sản xuất vẫn giữ giá ổn định, nhưng nhìn chung giá chào HRC trong tuần này sang Thổ Nhĩ Kỳ vẫn xuống thấp hơn 10 USD/tấn so với tuần trước đó.

Giao dịch phôi thanh cũng về ngưỡng 497 USD/tấn fob Biển Đen mặc dù các nhà sản xuất vẫn giữ giá chào trên ngưỡng 500 USD/tấn fob.

Số lượng chốt hợp đồng tuần này khá hạn chế bởi khách hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ đang chào mua với giá khá thấp.

Giới trong ngành dự đoán thị trường chưa thể phục hồi trở lại trong những tuần tới vì đa phần các nhà sản xuất cũng như thương nhân đều giảm hoạt động trước thời điểm lễ chay Ramada.