Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 21

 

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 21

Đông Nam Á

Cũng như các thị trường thép khác trên thế giới, Đông Nam Á tuần này tiếp tục hứng chịu cảnh ế ẩm do thiếu vắng người mua.

Cùng với sự xuống dốc của thị trường thép thành phẩm, hầu như các nhà nhập khẩu trong khu vực đều đứng ngoài thị trường để quan sát. Chỉ riêng Indonesina là phải tiếp tục nhập phôi do thiếu nguồn phế dùng để sản xuất. Tuy nhiên giá chào mua từ nước ngoài cũng đã giảm xuống còn khoảng 650-655 USD/tấn cfr do sức tiêu thụ thép thành phẩm không tốt.

Thị trường phôi tấm nhập khẩu cũng chẳng khá khẩm hơn, sự mất giá của đồng nội tệ ở nhiều nước Đông Nam Á khiến phôi nước ngoài kém hấp dẫn cộng với sự thiếu ổn định của thị trường thép cuộn càng khiến sức mua phôi tấm giảm dần.

Trong tuần này, các nhà sản xuất cuộn trơn Trung Quốc đã giảm giá cuộn trơn 6.5mm có boron, tiêu chuẩn cán lưới xuống còn 625-630 USD/tấn fob (655-660 USD/tấn cfr) từ mức 635-640 USD/tấn fob trong hai tuần trước đó. Sức mua từ các nước như Philippine, Việt Nam đã yếu đi trông thấy nên động thái điều chỉnh cũng là điều dễ hiểu.

Đối với thép dầm hình H, giá ổn định hơn so với mặt bằng chung nhưng không phải được người tiêu dùng trực tiếp hậu thuẫn mà chẳng qua là vì các chào bán loại thép này không nhiều.

Cho đến thời điểm này, đối với bất kỳ loại thép nào cũng chưa cho thấy tín hiệu cải thiện trong thời gian tới. Khả năng tình trạng này sẽ còn kéo dài nhưng đến bao giờ mới được chấp dứt thì chỉ còn biết chờ thời gian trả lời mà thôi.

Đài Loan

Sau những tuần giao dịch cầm chừng và nhận thấy sức mua đang đuối dần, một số nhà sản xuất thép Đài Loan tiếp tục có sự điều chỉnh giá bán trong tuần này.

Trong đó, Feng Hsin quyết định hạ giá thép cây trong nước khoảng 400 Đài tệ/tấn còn thép dầm hình H được điểu chỉnh mức lớn hơn là 500 Đài tệ/tấn,  đồng thời giá mua phế cũng được công ty này giảm 200 Đài tệ/tấn.

Không chỉ Feng Hsin mà nhà sản xuất lớn Hai Kwang Enterprise Corp cũng đưa ra quyết định cắt giảm thép cây ở mức tương tự.

Đối với thị trường thép cuộn, thông tin mới nhất trong tuần này là nhà sản xuất CSC công bố giá tháng 07 và tháng 08, tuy nhiên mức giá hầu hết các sản phẩm đều được giữ nguyên như tháng 06, duy chỉ có CRC và HDG là được điều chỉnh giảm 450 Đài tệ/tấn (15 USD/tấn) nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô trong nước phát triển.

Với động thái giảm giá bán của các ông lớn, chứng tỏ giao dịch tại thị trường Đài Loan cũng đang gặp vấn đề như bao nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, chiến lược giảm giá bán kích cầu thường rất có hiệu quả tại thị trường nước này, nên lần điều chỉnh này có thể cũng không ngoại lệ.

Nhật Bản

Các nhà sản xuất lớn của Nhật cũng đã công bố giá thép thép 06 trong tuần này. Nhìn chung giá không có sự khác biệt so với các hợp đồng tháng 05. Hầu hết các sản phẩm thép như thép cây, cuộn, dầm hình H… đều được giữ ở mức không đổi so với giá cũ. Tuy nhiên việc thay đổi điều khoản giao hàng của Tokyo Steel đang gặp sự phản đối dữ dội của các đối thủ cạnh tranh khác bởi động thái miễn phí giao hàng cũng chẳng khác gì là gián tiếp điều chỉnh giá bán giảm xuống.

Tưởng như thị trường sẽ ổn định trở lại sau khi các nhà sản xuất thông báo chính sách giá, nhưng sự việc đã rẻ sang một hướng khác và chắc chắn sẽ còn nhiều tranh cãi và phản ứng trái chiều diễn ra trong tuần giao dịch tiếp theo.

Về nhập khẩu, nhà sản xuất Angang Trung Quốc hôm thứ Năm đã quyết định hạ giá xuất khẩu HRC tháng 07 sang nước này do triển vọng nhu cầu không được tốt.

Tuy nhiên giá bán từ các nhà sản xuất trong nước sau khi chiết khẩu cũng không chênh lệch so với hàng nhập khẩu. Do đó xu hướng chọn hàng nội vẫn thịnh hành hơn tại quốc gia này.

Giá HRC từ các nhà sản xuất trong nước hiện đang ở mức trung bình 65.000 Yên/tấn.

Hàn Quốc

Thị trường thép nội địa Hàn Quốc trong tuần này không ồn ào như thị trường ở các nước Châu Á khác.

Giá bán HRC vẫn duy trì ổn định nhưng thép cây bắt đầu có tín hiệu tăng nhẹ.

Mặc dù tình hình xây dựng tại nước này khá ảm đạm nhưng do các nhà sản xuất thắt chặt nguồn cung ra thị trường nên nhờ đó giá cũng có lợi thế hơn.

Thép cây SD 400 10mm đang được các nhà thương nhân nâng giá thêm 5.000 Won/tấn (4,2 USD/tấn), đẩy giá lên mức mới là 785.000-790.000 Won/tấn (661-665 USD/tấn). Đà tăng có thể sẽ được nới rộng sang tuần giao dịch tới nếu như đự dịnh giảm giá chiết khấu của các nhà sản xuất được đưa vào áp dụng.

Về xuất nhập khẩu, xuất khẩu phôi đang giảm mạnh cả về giá bán lẫn số lượng đặt mua. Các chào mua phôi hiện tại từ khách hàng nước ngoài đã giảm 20 USD/tấn chỉ trong vòng 02 tuần, xuống còn 620 USD/tấn fob, thậm chí mức 615 USD cũng được bắt gặp ở một số hợp đồng.

Giá xuất khẩu CRC sang Trung Quốc được giữ ổn định sau khi khách hàng từ chối mức tăng 10-20 USD/tấn. Nhưng ngược lại, HRC Trung Quốc chào bán sang Hàn Quốc tiếp tục giảm trong tuần này. Sức mua yếu cộng với lượng tồn ở cảng còn nhiều là lý do kéo giá đi xuống. HRC tháng 07 đang yết tại mức 640 USD/tấn cfr.

Ấn Độ

Tưởng chừng như chỉ có những thành viên trong cuộc mới chịu ảnh hưởng, thế nhưng khủng hoảng nợ công Châu Âu đã không còn là vấn đề riêng của lục địa già này nữa mà đang là vấn đề chung của toàn cầu vì nó sẳn sàng đè bẹp kinh tế của bất kỳ ai và Ấn Độ cũng không là ngoại lệ.

Với thị trường xuất khẩu béo bở như Châu Âu thì cuộc khủng hoảng quả là đòn đánh quá nặng đối với ngành công nghiệp thép Ấn Độ. Lần lượt các khách hàng đều từ đối chặt mua do đó giá tuần này cũng đã giảm thêm 10 USD/tấn đối với sản phẩm thép tấm xuất khẩu.

Thị trường tiêu thụ trong nước cũng yếu nên hoạt động nhập khẩu CRC khá là ảm đạm. Mặc dù chấp nhận hạ giá chào bán 10 USD/tấn nhưng các nhà cung cấp Trung Quốc cũng không thể kiếm được nhiều hợp đồng hơn từ khách hàng Ấn Độ do giá bán sau thuế không có tính cạnh tranh so với hàng nội địa nước này. Giá bán CRC Trung Quốc hiện đang ở mức 700-725 USD/tấn cfr.

Với sức mua èo uột như hiện tại cộng thêm giá phế nhập khẩu từ Mỹ đang giảm xuống khả năng sẽ làm bàn đạp cho giá tiếp tục về mức thấp hơn trong những tuần tới.

Châu Âu

Có lẽ không khi nào mà khách hàng thép lại giành được quyền chủ động lâu đến thế nhưng từ cuối năm ngoái xu hướng này bắt đầu lan rộng và cái “quyền” này cho đến bây giờ vẫn chưa bị triệt tiêu mà ngược lại ngày càng bành trướng ra ở mức độ lớn hơn.

Khủng hoảng nợ công kéo sang năm thứ 3 đã đẩy nền kinh tế Châu Âu lao đao hơn bất cứ nơi nào hết. Trong khi đó chính trị ở một số nước cũng không ổn định do chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu công đã vô tình đẩy người dân tới chổ mất công ăn việc làm, và sau đó là một hệ lụy kéo dài ảnh hưởng xấu đến kinh tế của cả khu vực và các nước khác trên thế giới.

Quay lại với ngành công nghiệp thép ở khu vực này, thị trường trì trệ là tình hình chung ở hầu hết các các nơi trên toàn cầu chứ không riêng gì Châu Âu, nhưng bên cạnh đó, các nhà sản xuất nước này đang phải đối mặt với những khó khăn mà đồng EUR mang lại. Sức mạnh của đồng tiền này ngày càng suy giảm so với đồng bạc xanh của Mỹ vô hình chung đã đẩy chi phí sản xuất của các nhà máy thép Châu Âu tăng lên do phải nhập khẩu phế.

Trong khi đó sức tiêu thụ nội địa yếu và xuất khẩu cũng không mấy khả quan càng khiến thị trường thép Châu Âu trượt dài trên nền ảm đạm của thị trường.

Sau khi giảm EUR/tấn, giá thép tấm Châu Âu đã nhanh chóng lấy lại sự ổn định, cả người mua lẫn người bán không còn niềm tin đối với thị trường. Tất cả các giao dịch đều rất cầm chừng và không có vẽ gì là sẽ cải thiện trong thời gian tới.

Trong khi đó, giá HRC lại rất khó để xác định mức chung bởi giá bán của các nhà sản xuất và giới thương nhân không giống nhau, tùy từng trường hợp và tính chất mỗi đơn hàng mà họ quyết định giá bán lúc đó. Tuy nhiên, đa số các hợp đồng đều nằm trong ngưỡng 500-530 EUR/tấn.

Thị trường thép cây có vẽ ổn định hơn nhưng giao dịch vẫn chậm. giá bán tại Đức tuần này ở khoảng 510-520 EUR/tấn nhưng thép nhập khẩu vào nước này thì có giá thấp hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ

Các nhà sản xuất thép Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu áp lực lớn do nhu cầu giảm xuống từng ngày.

HRC hiện có mức chào là 670-690 USD/tấn nhưng khách hàng sẽ được chiết khấu 20 USD/tấn nếu đặt mua. Tuy nhiên, với xu hướng giá đi lùi, khách hàng chẳng dại gì đặt mua lúc này. Hầu hết đều cho rằng các nhà sản xuất sẽ chẳng ngăn nổi đà giảm xuống 650-660 USD/tấn đối với loại thép này.

Trong khi đó, giá chào bán từ nước ngoài thấp cũng gây không ít khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước để chốt các hợp đồng.

CIS hiện đang bán HRC sang nước này với giá 600 USD/tấn cfr nhưng số lượng đặt mua tương đối ít.

Đối với sản phẩm HDG, do sức tiêu thụ yếu nên thị trường cũng khó có khả năng cải thiện. HDG dày 0.5mm hiện có giá 840-850 USD/tấn xuất xưởng, còn CRC ở khoảng 780-790 USD/tấn xuất xưởng.

CIS

Mặc dù cố giữ giá ổn định hồi đầu tuần nhưng với tình trạng ảm đạm và hợp đồng vẫn về không, các nhà cung cấp phôi thanh CIS cuối tuần này đã chấp nhận hạ giá bán về ngưỡng 580 USD/tấn fob Biển Đen.

Tuy nhiên xu hướng tuần tới vẫn khó xác định. Tuy nhu cầu ở Trung Đông và Địa Trung Hải có chút khả quan nhưng với sự suy yếu của thị trường quặng, giá phôi thanh CIS chắc chắn cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng.

Giá thép cuộn xuất khẩu cũng theo đà giảm xuống. Trong 10 ngày quá, mức giảm đã lên đến 20-30 USD/tấn và hiện đang chốt tại ngưỡng 570-580 USD/tấn fob Biển Đen/Biển Bantic đối với các hợp đồng tháng 06 còn giá  CRC là 90-100 USD/tấn.

Trung Đông

Trung Đông đang chuẩn bị đón lễ chay Ramada vào tháng 07 và tháng 08 tới nên hoạt động giao dịch đối với các hợp đồng thép trong thời gian này đã giảm hẳn.

Tuy nhiên, giá bán hầu hết đều được giữ ổn định. Tại UAE, HDG được giao dịch tại mức 890-900 USD/tấn xuất xưởng. Thép cây ở khoảng 690 USD/tấn xuất xưởng nhưng tiêu thụ cũng rất yếu do hoạt động xây dựng trì trệ.