Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 19

 

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 19

Đông Nam Á

Dù đã qua lễ nhưng ở hầu hết các thị trường ở Đông Nam Á vẫn mang màu sắc ảm đạm. Ngoài yếu tố lực mua từ khách hàng tiêu dùng trực tiếp hay khả năng đầu tư của các thương nhân, sự xuống dốc của thị trường thép thành phẩm Trung Quốc là điều đáng lo ngại nhất lúc này.

Dường như bất cứ mức giá nào họ cũng có thể chấp nhận, điều này khiến cho các nhà nhập khẩu mất niềm tin bởi cho rằng giá ngày hôm nay luôn thấp hơn ngày mai khiến hầu hết chỉ đặt mua số lượng rất ít dùng cho các giao dịch hiện tại chứ không có ý định trữ hàng tồn kho.

Chào bán HRC SS400B 3-12mm của Trung Quốc hiện đã về mức thấp 520-530 USD/tấn fob nhưng khả năng sẽ sớm được điều chỉnh xuống mức 500-510 USD/tấn fob.

Các nhà sản xuất khác từ Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có chào bán trên thị trường, song không thể cạnh tranh lại với nguồn thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Phôi thanh cũng trong tình trạng tương tự. Giá chào từ Hàn Quốc đã giảm 5 USD/tấn xuống 545 USD/tấn cfr Philippine nhưng cũng chỉ nhận lại cái lắc đầu từ các nhà nhập khẩu.

Thị trường tuần tới khả năng vẫn chưa xuống đáy do sản lượng thép Trung Quốc tiếp tục tăng và họ cần giải phóng hàng tồn cho dù phải chấp nhận giá thấp hơn đi chăng nữa.

Đài Loan

Xu hướng đi xuống của phế liệu thế giới một lần nữa buộc các nhà sản xuất thép cây Đài Loan phải lưu tâm và đưa ra quyết định điều chỉnh giá thép cây trong tuần này.

Theo đóFeng Hsin đã cắt giảm khoảng 300 Đài tệ/tấn (10 USD/tấn) đối với sản phẩm bán cho khách hàng trong nước. Một số nhà sản xuất khác cũng đang nghiên cứu chính sách giá phù hợp với tình hình hiện tại.

Tuy nhiên, sự thay đổi giá bán không chỉ xuất phát từ nguyên nhân giá phế mà lực mua những ngày gần đây có dấu hiệu chậm lại và ngưng trệ cũng góp phần vào quyết định này.

Thép cây khổ cơ bản của Feng Hsin hiện có giá khoảng 17.700 Đài tệ/tấn (597 USD/tấn).

Đối với thép tấm, tình trạng hàng nhập khẩu giá rẻ tràn lan gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến các nhà sản xuất nội địa. Tuy nhiên các sản phẩm giá rẻ hiện cũng không mấy hấp dẫn khách hàng do nhu cầu thấp và lượng cung hàng hóa quá nhiều.

Chào bán thép tấm tiêu chuẩn thương mại 6mm của Trung Quốc hiện có giá 550-560 USD/tấn cfr nhưng rất ít hợp đồng được chốt.

Ấn Độ

Khoảng cách giữa giá thép ngoại nhập và nội địa ngày càng nới rộng khiến cho hoạt động nhập khẩu HRC của Ấn Độ bắt đầu tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên triển vọng thị trường vẫn xấu do nhu cầu thường xuống thấp vào mùa mưa (tháng 06, tháng 07 tới).

Các giao dịch chủ yếu được thực hiện bởi các nhà cán lại và người tiêu dùng trực tiếp. Trong khi đó giới thương nhân cũng như các nhà dự trữ tỏ ra khá thận trọng.

HRC SS400 3mm tiêu chuẩn thương mại của Trung Quốc có giá mới nhất là 560-570 USD/tấn cfr Mumbai, thấp hơn 5-15 USD/tấn so với một tuần trước đó. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tham gia chào bán nhưng giá không có tính cạnh tranh.

Về xuất khẩu, mặc dù giá HDG chào bán sang thị trường các nước vẫn ổn định nhưng do sự đi xuống của thị trường thế giới khiến cho giá HDG Ấn Độ trở nên đắt hơn trong mắt người mua hàng. Cũng chính vì vậy mà hoạt động xuất khẩu đang ngày càng ế ẩm.

Hầu hết khách hàng của Ấn Độ đều có xu hướng chuyển sang dùng hàng nội địa, đặc biệt là ở Châu Âu. Trong thời gian tới, khả năng Ấn Độ sẽ có sự điều chỉnh phù hợp nhằm dành lại các thị phần đã mất. Hơn nữa sự ế ẩm của thị trường nội địa cũng là động lực lớn để các nhà sản xuất phải nỗ lực xuất khẩu.

Tiêu thụ thép thành phẩm tại Ấn Độ trong tháng 04 vừa qua chỉ đạt 5,61 triệu tấn, thấp hơn so với mức bình quân trong 03 tháng đầu năm. Dự đoán sức tiêu thụ trong những tháng tới sẽ còn giảm xuống thấp hơn nữa.

Nhật Bản

Cũng như hầu hết các thị trường khác trên toàn cầu, hoạt động giao dịch thép tại Nhật Bản cũng trầm lắng và tương đối khép kính.

Một phần vì thép nhập khẩu chất lượng thấp hơn, phần khác là do đồng Yên mất giá nên không còn cạnh tranh như trước. Rất ít các sản phẩm nhập khẩu lọt vào thị trường này.

HRC SS400 3.2-12mm của Angang Trung Quốc mặc dù đã giảm giá thêm 40 USD/tấn cho các hợp đồng tháng 07, nhưng mức giá 620 USD/tấn cfr vẫn là một thách thức để thuyết phục khách hàng đặt mua.

HRC SPHC 1.7-22mm của Tokyo Steel giao tháng 05 hiện có giá chào là 62.000 Yên/tấn nhưng giao dịch chỉ ở khoảng 60.000 Yên/tấn.

Còn đối với sản phẩm không gỉ, một số nhà sản xuất đã nâng giá thép cuộn và tấm cán nguội không gỉ ferritic để bù vào chi phí sản xuất đầu vào.

CRC 304 2mm 1,219 x 2,438mm của NSSC hiện đang được giao dịch trên thị trường với giá 295.000 Yên/tấn (2.980 USD/tấn), tăng 5.000 Yên/tấn so với tháng trước và tăng 25.000 Yên/tấn so với tháng 1. Còn giá CRC 430 cắt tấm rời cùng kích thước giao dịch ở mức 240.000 Yên/tấn (2.424 USD/tấn).

Châu Âu

Mặc dù khủng hoảng nợ công khiến cho tăng trưởng kinh tế ở khu vực đồng tiền chung Châu Âu chậm lại, nhu cầu tiêu thụ ở hầu hết các mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng sắt thép, đều sa sút, tuy nhiên lục địa già vẫn là thị trường hấp dẫn và đang bị xâu xé bởi các nhà xuất khẩu thép nước ngoài.

Giá trị đồng EUR đã suy yếu trong những tuần qua nhưng điều đó cũng không thể hạn chế số lượng thép nhập khẩu chào bán sang khu vực này.

Hiện tại, các sản phẩm có tính cạnh tranh lớn nhất tại thị trường Châu Âu là CRC của Trung Quốc, HRC của Nga và HDG từ Italia, với các mức giá lần lượt là 520-530 EUR/tấn cfr giao tháng 09, 460-465 EUR/tấn cif và 590 EUR/tấn cfr.

Cũng như thép dẹt, thị trường các loại thép khác ở Châu Âu cũng đang trong tình trạng “vật vờ”. Giá ống hàn đã giảm liên tiếp trong nhiều tháng qua và hiện tại có giá 580-585 EUR/tấn đối với ống loại 1 tại Bắc Âu, còn ở nam Âu là 530-540 EUR/tấn. Thị trường thép cây vẫn trầm lắng, một số nhà sản xuất Nam Âu đã nâng giá bán nhưng khách hàng vẫn chưa chấp nhận bất kỳ sự điều chỉnh nào.

Theo giới chuyên gia nhận định, nhập khẩu thép của Châu Âu trong năm 2013 này sẽ tăng khoảng 19% so với năm ngoái, trong đó tăng mạnh nhất là thép dẹt.

Thị trường đang chịu sức ép khá lớn và tình trạng này khả năng sẽ còn kéo dài do giá thép thế giới đang xuống dốc và Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.

Thổ Nhĩ Kỳ

Cho dù thiếu vắng các sản phẩm nhập khẩu từ CIS nhưng doanh số bán thép của các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần vừa qua tăng không đáng kể do nhu cầu tiêu dùng trực tiếp quá yếu và giá thép trên thị trường thế giới đang xuống dốc.

Giá HRC nội địa tuần này đã được điều chỉnh giảm xuống còn 585 USD/tấn xuất xưởng, tuy nhiên khách hàng vẫn thờ ơ và đang chờ đợi sự trở lại của CIS bởi họ cho rằng các nhà cung cấp thép Biển Đen này sẽ giảm giá chào bán thêm 5-10 USD/tấn trong thời gian tới.

CRC Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang ở mức 700-730 USD/tấn xuất xưởng, cũng giảm 5-10 USD/tấn so với tuần trước.

Còn đối với thép cây, tuy giá tuần này vẫn ổn định nhưng các nhà sản xuất đang hạn chế số lượng bán ra nhằm điều chỉnh giá tăng lên. Trong những tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã rất chật vật để cầm cự với các chào bán giá thấp bởi mức chốt hợp đồng hiện cũng chênh lệch không lớn so với số vốn bỏ ra ban đầu, thậm chí là phải chịu lỗ. Việc điều chỉnh giá tăng hiện tại theo một số nhận định của các chuyên gia là chỉ nhằm mục đích né tránh đợt giảm giá tiếp theo do giá phế đang theo chiều đi xuống.

Tuy nhiên, với lý do gì đi chăng nữa, đây cũng là một thách thức lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ bởi trong điều kiện khó khăn hiện tại, khách hàng ở Mỹ và Trung Đông cũng không dễ dàng chấp nhận bất kỳ sự thay đổi nào theo hướng giá lên.

Mỹ

Thị trường thép dẹt tại Mỹ tiếp tục suy yếu và dường như vẫn rất khó để xác định mức đáy trong thời điểm hiện tại.

Giá HRC trong tuần này được chốt ở mức 580-600 USD/tấn, CRC là 680-700 USD/tấn ngắn và thép cuộn mạ kẽm nhúng nóng là 780-790 USD/tấn.

Trong khi đó thị trường thép dài đang phải chịu sức ép lớn từ chào bán nhập khẩu. Giá cả cạnh tranh cộng với số lượng đổ bộ lớn càng khiến cho các nhà sản xuất trong nước điêu đứng.

Mới đây các nhà sản xuất thép cây lớn như Gerdau, Nucor đã mạnh dạn điều chỉnh giá giảm 20 USD/tấn ngắn, gây nhiều bất ngờ cho giới tham gia thị trường. Tuy nhiên việc chưa công bố giá chính thức khiến nhiều người nghi ngờ thông tin này là không đúng sự thật và có thể chỉ là chiêu trò để thu hút khách hàng đặc mua trước khi thép cây Thổ Nhĩ Kỳ cập cảng vào tháng tới.

Các mức giao dịch hiện tại chênh nhau khá nhiều, từ khoảng 600-680 USD/tấn ngắn, nhưng mức phổ biến nghe nói là ở khoảng 640 USD/tấn ngắn. Triển vọng thị trường hiện vẫn rất mờ mịt, xu hướng có thể sẽ rỏ ràng hơn trong 02 tuần tới.