Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 17

 

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 17

Mặc dù Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm này xuống mức 3,3% nhưng vẫn xem khu vực Châu Á và vùng Châu Phi cận Sahara là những điểm sáng đang nổi lên.

Nhu cầu thép xây dựng toàn cầu trong năm 2013 được dự đoán sẽ vẫn ở mức không đổi so với năm ngoái nếu có thay đổi chăng nữa cũng chỉ tăng nhẹ mà thôi. Dù vậy, tiêu thụ ở các thị trường mới nổi sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào xu hướng giá cả các mặt hàng khác, đây là một trong những điểm yếu có thể tác động xấu đến thị trường thép trong năm nay.

Sản xuất dầu thô quá mức sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá thép thành phẩm. Trong những tuần qua, một số nhà sản xuất đã linh hoạt điều tiết sản lượng và bước đầu khá tự tin với các chiến lược nâng giá.

Dù vậy sức mua yếu ớt của thị trường vẫn là rào cản lớn đối với mục tiêu tăng giá của các nhà sản xuất.

Đài Loan

Tuy các nhà sản xuất trên toàn cầu đang có xu hướng nâng giá xuất xưởng nhưng tại Đài Loan CSC đã quyết định hạ giá thép cuộn xuất xưởng tháng 06 từ 15-23 USD/tấn. Chiến lược giá này không hẳn là do nhu cầu mà phần khác là do sự cạnh canh từ các nhà nhập khẩu Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản.

Tuy nhiên, thị trường thép cuộn trong nửa cuối năm được dự đoán là sẽ về đáy thấp và bắt đầu hướng đi lên trở lại do nhu cầu trong thời điểm này sẽ ổn định hơn.

Đối với thép cây, sau khi bỏ chính sách chiết khấu vào tuần trước, các nhà sản xuất lớn tiếp tục điều chỉnh giá tăng nhẹ trong tuần này với khoảng 200 Đài tệ/tấn (7 USD/tấn).

Lực mua đang cải thiện tốt và giá của Feng Hsin hiện là 18.000 Đài tệ/tấn (603 USD/tấn)còn Hai Kwang là 17.400 Đài tệ/tấn, áp dụng đối với thép cây khổ cơ bản.

Nhật Bản

Thị trường thép cây Nhật Bản vẫn hoạt động chậm chạp trong tuần này, song hầu hết các nhà sản xuất lớn đều có ý định nâng giá bán hoặc giữ nguyên đối với các sản phẩm xuất xưởng tháng 05.

Với lý do giá bán đã về cận mức chi phí sản xuất, NSSMC dự định sẽ nâng giá thêm khoảng 5.000 Yên/tấn (50 USD/tấn) đồng thời nâng giá đối với các hợp đồng dài hạn cho khách hàng đóng tàu thêm 15.000 Yên/tấn. Rỏ ràng với mức tiêu thụ như hiện tại, thị trường sẽ rất khó chấp nhận các mức điều chỉnh này, đó là chưa kể đến các thị trường lân cận đều giảm giá và các chào bán xuất khẩu của Trung Quốc sang Nhật cũng chưa ngừng giảm.

Trong khi đó nhà sản xuất Tokyo Steel quyết định giữ nguyên các sản phẩm xuất xưởng tháng 05 của mình. Theo đó, HRC SPHC 17-22mm vẫn ở mức 62.000 Yên/tấn (621 USD/tấn), còn thép dầm hình H SS400 khổ lớn là 74.000 Yên/tấn (741 USD/tấn).

Thị trường đang cải thiện nhẹ nhờ đồng yên suy yếu. Tuy nhiên tình trạng thiếu nhân công trong lĩnh vực xây dựng đang gây khó khăn cho việc đảm bảo tiến độ các công trình.

Để tránh cho thị trường thép rơi vào trạng thái suy yếu,một số nhà sản xuất chấp nhận cắt giảm sản lượng để hạn chế đầu ra, cân bằng lại thị trường.

Trong đó, Godo Steel-công ty con của Nippon giảm 40% sản xuất, Kyoei Steel và Tokyo Steel cũng tuyên bố sẽ không tăng sản lượng trong thời gian Tuần lễ Vàng mà thay vào đó sẽ điều tiết các mức phù hợp với thị trường nhằm hỗ trợ giá phục hồi.

Hàn Quốc

Cũng với lý do nhu cầu yếu và chào bán giá thấp từ Trung Quốc, thị trường thép Hàn Quốc cũng đang trong tình trạng tương tự như các thị trường còn lại của Châu Á, đều mang vẽ ảm đạm, ế ẩm và thiếu sức sống.

Cho dù thép nội địa Posco đã giảm 20.000-30.000 Won/tấn (17,7-26,6 USD/tấn) so với tháng 03, đưa HRC SS400 3.0mm về mức 760.000-770.000 Won/tấn (673-682 USD/tấn), nhưng đây không phải là mức giá mà khách hàng muốn tìm kiếm bởi nguyên liệu từ Trung Quốc hấp dẫn hơn nhiều, chỉ khoảng 560-570 USD/tấn cfr.

Thị trường thép cây cũng đang trong tình trạng tương tự, giá giao ngay đã giảm 10.000-20.000 Won/tấn (9-18 USD/tấn) so với tháng trước xuống còn 670.000-680.000 Won/tấn (596-604 USD/tấn), tuy nhiên khách hàng vẫn muốn duy trì lượng thép tồn ở mức thấp nhất có thể.

Dù thị trường ngày một đi xuống nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc trong quý 1 vừa qua cho thấy đã tăng khoảng 11%. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra trong quý 2 e rằng thị trường thép nội địa Hàn Quốc sẽ càng khốn đốn hơn nữa.

Ấn Độ

Thoát cảnh bị đe dọa bởi hàng nhập khẩu, song thị trường HRC nội địa Ấn Độ vẫn trong tình trạng lơ mơ và viễn cảnh kém tươi sáng.

Các giao dịch hiện đang ở mức cầm chừng do chính sách giá bán tháng 05 của các nhà sản xuất vẫn chưa rỏ ràng và khó đoán là giá sẽ được điều chỉnh lên hay xuống.

HRC IS 2062 A/B 3mm hiện đang ở mức trung bình là 33.750-34.25 Rs/tấn (623-632 USD/tấn), không có gì thay đổi so với tháng 03.

Chào bán từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc hiện ở mức khá hạn chế. Nhu cầu yếu kém tại Ấn Độ khiến các nhà cung cấp không còn mặn mà với thị trường này.

Còn đối với xuất khẩu, việc đẩy mạnh sản xuất HDG trong 02 tuần qua nhưng không nhận được đơn đặt mua nào từ khách hàng nước ngoài khiến các nhà xuất khẩu khá hoang mang và điều chỉnh giá xuống.

Dù vậy khách hàng Mỹ vẫn chào với giá thấp hơn 30-40 USD/tấn nên rất hiếm đơn hàng được chốt. HDG 0.3mm mạ kẽm 90gr trên một mét vuông hiện đang được Ấn Độ chào ở mức 850 USD/tấn cfr.

Châu Âu

Dưới sức ép của các chào bán từ CIS, Trung Quốc và một số nhà cung cấp khác, các nhà sản xuất Châu Âu đã chấp nhận đưa giá HRC nội địa về dưới mức 480-485 EUR/tấn xuất xưởng cơ bản.

Hiện sản phẩm này tại thị trường giao ngay Bắc Âu là 470-480 EUR/tấn xuất xưởng cơ bản, còn Nam Âu là 460-470 EUR/tấn xuất xưởng cơ bản. Tuy nhiên các mức giá này vẫn chưa hấp dẫn khách hàng vì niềm tin thị trường suy yếu và giá được dự đoán sẽ giảm thêm khoảng 20 EUR/tấn nữa.

Thị trường tấm dày cũng đang trong tình trạng rất tệ. Với diễn biến thiếu ổn định của nền kinh tế cũng như khả năng tài chính nghèo nàn, nhu cầu trong những tháng tới khó mà cải thiện trở lại.

Các nhà máy đang nỗ lực đẩy giá lên cao hơn nhằm duy trì chút lợi nhuận vốn đang rất khiêm tốn. Song các điều kiện thị trường hiện tại khó có khả năng đáp ứng được mục tiêu này. Tấm S235 tại Tây Bắc Âu đang được bán với giá 510-540 EUR/tấn xuất xưởng nhưng rất hiếm người đặt mua.

Còn đối với thị trường xây dựng, thời tiết lạnh giá tiếp tục làm chậm tiến độ ở các công trình do đó sức tiêu thụ thép vẫn dậm chân tại chỗ từ mấy tháng nay.

Giá thép dầm hình H tại Bắc Âu đã mất khoảng 20 EUR/tấn trong 03 tuần và hiện đang được giao dịch ở khoảng 550-560 EUR/tấn giao tận nơi. Tại Nam Âu, Italia dự định sẽ ngưng sản xuất khoảng 1-2 tuần nhằm cân bằng lại thị trường, song thép nhập khẩu từ Tây Ban Nha có thể sẽ là mối đe dọa tiếp theo của Italia sau khi đã giải quyết được vấn đề thừa cung trong nước.

Giá thép cây cũng mất 5 EUR/tấn trong tuần qua và đang chịu áp lực giảm hơn nữa bởi khách hàng nội địa vẫn chưa sẳn sàng quay lại thị trường trong khi xuất khẩu sang Châu Phi cũng trong tình trạng đình đốn.

Thép cây Nam Âu hiện có giá khoảng 455 EUR/tấn xuất xưởng thực tế, còn Bắc Âu khoảng 485-495 EUR/tấn giao tận nơi.

Thổ Nhĩ Kỳ

Các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên quyết giữ giá chào bán ổn định và không có ý định điều chỉnh xuống thấp hơn mặc dù các sản phẩm được chào bán từ CIS tiếp tục đi xuống.

Thị trường hiện đang có dấu hiệu phục hồi, các nhà sản xuất tin rằng khách hàng đã đặt mua số lượng lớn HRC từ Nga thì sớm muộn thép nội địa cũng sẽ được chấp nhận. Do đó họ vẫn duy trì mức chào ở trên 600 USD/tấn. Tuy nhiên cho đến thời điểm này chưa có hợp đồng nào được chốt với giá trên 600 USD/tấn.

Xuất khẩu sang Châu Âu ế ẩm cũng gây thêm phần khó khăn cho thị trường trong nước. Cơ hội cạnh tranh ở thị trường này dường như là bằng 0 bởi thép của Nga và Ukraina cũng hiện diện tại đây với mức giá rất hấp dẫn.

CRC nội địa Thổ Nhĩ Kỳ hiện có giá giao dịch ở khoảng 700-720 USD/tấn xuất xưởng. HDG và PPGI ở các mức lần lượt là 810-830 USD/tấn xuất xưởng và 920-940 USD/tấn xuất xưởng.

CIS

Giá chào xuất khẩu của CIS không ngừng giảm xuống trong thời gian qua nhưng cho đến thời điểm này đã bắt đầu tác động đến ý chí đặt mua từ khách hàng do các nhà sản xuất nội địa các khu vực có ý định giữ giá ổn định hoặc tăng nhẹ.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, một số khách hàng đã đặt mua với khối lượng lớn và dường như có sức tranh hơn hẳn với thép nội địa Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó sức hút của HRC CIS tại Châu Âu cũng không hề kém cạnh và là mối nguy lớn cho các nhà sản xuất nội địa tại khu vực này.

Đối với phôi thanh, mặc dù giá chào giảm xuống nhưng số lượng xuất khẩu sang Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ lại tăng lên. Ý định dùng phôi thanh CIS để thay thế cho phế nhập khẩu từ Mỹ của Thổ Nhĩ Kỳ đang làm Ả Rập lo ngại và quyết định đẩy mạnh nhập khẩu để đảm bảo nhu cầu sử dụng.

Giá chào từ các nhà sản xuất CIS hiện ở khoảng 510 USD/tấn fob Biển Đen, còn từ các thương nhân có thể cao hơn.

Mỹ

Giá phế liệu đi xuống, nhu cầu thấp và thị trường quốc tế suy yếu, tất cả những yếu tố này đang chống lại quyết định tăng giá xuất xưởng của các nhà sản xuất thép ở Mỹ và tồi tệ hơn nữa là giá trên thị trường vẫn một mạch tuột dốc.

Tuần trước, đã có ít nhất một nhà sản xuất HRC tuyên bố rằng giá bán của họ sẽ từ 640 USD/tấn ngắn trở lên. Nhưng rồi chính sách này không được số đông đi theo bởi họ biết thực lực hiện tại của thị trường.

HRC đầu tuần này được chào ở mức 590-610 USD/tấn ngắn nhưng đến cuối tuần đã về mức 580-600 USD/tấn ngắn, CRC cũng tương tự và đang neo tại mốc 680-700 USD/tấn ngắn, HDG là 780-790 USD/tấn ngắn.

Khách hàng thép cây cũng quay lưng với thị trường mặc cho các nhà sản xuất nâng giá thêm 10 USD/tấn ngắn.

Có lẽ tuần tới các nhà sản xuất phải ngậm ngùi theo xu hướng thực tế của thị trường chứ hiếm có trường hợp ngược lại. Đây là cách tốt nhất để các nhà sản xuất chinh phục khách hàng nếu nhu cầu vẫn chưa thực sự trở lại.