Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 10

 

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 10

Đông Nam Á

Tín hiệu nhập khẩu phôi đã trở lại vào đầu tuần này tại thị trường Đông Nam Á, thông tin này đã gieo nhiều hy vọng cho các thương nhân về một tuần giao dịch sôi động. Tuy nhiên sự trì trệ về mức tiêu thụ trong khu vực cũng như ảnh hưởng từ sự trượt dốc của thị trường thép Trung Quốc khiến cho các giao dịch tại Đông Nam Á rơi vào trạng thái trầm lắng kể từ giữa tuần trở đi.

Tại Việt Nam, thị trường bất động sản đóng băng đã tác động ghê gớm đến sức tiêu thụ thép. Mặc dù đã có nhiều kế sách được đề lên chính phủ nhằm khơi thông thị trường, song tất cả đều chưa đủ mạnh để có thể dịch chuyển thị trường sang một hướng khác tốt đẹp hơn.

Trong khi đó, khó khăn về tài chính và tín dụng cũng đè nặng lên thị trường đáng kể.

Các chào bán thép xây dựng từ Trung Quốc đã suy yếu. Trong đó cuộn trơn SAE 1008 6.5mm giảm 5-10 USD/tấn còn 560-565 USD/tấn cfr Việt Nam.

Thị trường thép tấm cũng không được đánh giá cao trong tuần này. Sức mua quá yếu cộng thêm lượng hàng tồn còn nhiều đang gây sức ép lớn cho giá. tấm SS400 8-16mm tại thị trường nội địa Việt Nam hiện vẫn ổn định ở mức 710-730 USD/tấn (đã bao gồm VAT) nhưng khả năng sẽ quay đầu đi xuống trong tuần tới.

Không chỉ Việt Nam và các thị trường khác của Đông Nam Á cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tại Thái Lan, thương nhân đã hạn chế nhập hàng về lo ngại lễ hội Songkran diễn ra vào tháng 04 tới sẽ khiến cho thị trường trầm lắng hơn. Trong khi đó sức mua từ Philipine cũng giảm đi ít nhiều bởi các chào bán giá cao hơn từ nước ngoài khiến cho hàng nhập khẩu kém hấp dẫn.

Nhật Bản

Theo số liệu báo cáo từ Liên đoàn gang thép Nhật Bản (JISF) cho thấy tiêu thụ thép tấm và băng cán nguội đã tăng 4,4% so với tháng trước, đồng thời tăng 4% so với cùng kỳ năm 2012. Đây quả là tín hiệu đáng mừng cho thị trường thép công nghiệp và rất có thể sẽ tạo niềm tin cho thị trường phát triển trong những tuần tới.

Sức mua được dự đoán sẽ cải thiện tốt và đặc biệt là khách hàng đang có xu hướng chuyển sang dùng hàng nội địa do các sản phẩm nhập khẩu không có tính cạnh tranh.

HRC tháng 04 của Angang Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn tại Nhật Bản do đã nâng giá lên 700 USD/tấn cfr cho HRC SS400 3.2-12mm. Ngược lại, các nhà sản xuất trong nước dường như rất được khách hàng ủng hộ. Mặc dù Tokyo Steel đã nâng giá thêm 3.000 Yên/tấn cho các hợp đồng giao tháng 3, nhưng giá HRC SPHC 1.7-22mm cua họ cũng chỉ ở mức 62.000 Yên/tấn và HRC SS400 cũng chỉ 63.000 Yên/tấn, đã bao gồm phí vận chuyển.

Về xuất khẩu, NSSMC đang nhắm nâng giá thép tấm sang Châu Á thêm 20 USD/tấn cho hợp đồng tháng 04 và tháng 05. Tuy chưa nhận được phản hồi từ khách hàng nhưng khả năng chốt hợp đồng cũng tương đối với bởi xu hướng nâng giá cũng đang được các nhà sản xuất ở Trung Quốc thực hiện.

Hàn Quốc

Tiêu thụ chậm cộng thêm đó là hàng Trung Quốc giảm giá khiến cho HRC nội địa Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn trong biệc chốt hợp đồng giá cao hơn.

Các nhà sản xuất gần đây đã thông báo nâng giá tháng 03 thêm 20.000 Won/tấn (18 USD/tấn) nhưng gặp phải sự phản đối gay gắt từ phía khách hàng. Sự không đồng thuận giữa giá mua và bán đang khiến cho giao dịch trên thị trường HRC càng rời rạc hơn.

Các chào bán từ Trung Quốc cho sản phẩm HRC SS400B 3mm có boron giao tháng 4 và 5 cũng đã giảm xuống còn 625-630 USD/tấn cfr trong tuần này từ mức 650-660 USD/tấn cfr ngay sau thời điểm tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, dù đi ngược lại với các nhà sản xuất nội địa nhưng các nhà cung cấp Trung Quốc vẫn rất khó lấy lòng khách hàng do niềm tin thị trường quá yếu.

Triển vọng thị trường khá mờ nhạt, nhưng dường như phía khách hàng đang có những lợi thế nhất định để có thể thỏa thuận được hợp đồng với mức giá phù hợp hơn.

Đối thị trường thép xây dựng, giá thép cây trên thị trường giao ngay hiện vẫn ổn định nhưng với dự đoán sức mua phục hồi trong tháng 3 và tháng 04, rất có thể sẽ đẩy giá đi lên.

Thép cây được nâng giá thêm 47.000 Won/tấn (43 USD/tấn) tới các nhà thầu xây dựng, tuy nhiên cuộc đàm phán giá cả giữa 2 phía vẫn chưa ngã ngủ.

Về xuất khẩu, chào bán CRC của Posco sang Trung Quốc đã tăng thêm 30 USD/tấn cho hợp đồng tháng 04 nhưng hiện vẫn chưa được khách hàng nước này chấp nhận.

Đài Loan

Mặc dù giá phế liệu gần đây có sự điều chỉnh lên xuống thất thường nhưng các nhà sản xuất thép cây Đài Loan đã quyết định giữ giá không đổi qua tuần thứ hai nhằm ổn định thị trường.

Sức mua trong nước èo uột cũng là lý do khiến các nhà sản xuất giữ nguyên giá bán. Theo đó, thép cây Feng Hsin vẫn ở mức 19.100 Đài tệ/tấn (643 USD/tấn) và của Hai Kwang là 18.600 Đài tệ/tấn.

Đối với thị trường thép dẹt, thị trường có phần lạc quan hơn nhiều so với thép xây dựng vì mùa tiêu thụ cao điểm sắp tới. Chung Hung tuần này cũng đã thông báo nâng giá cho các hợp đồng tháng 03 tại thị trường nội địa và tháng 04 cho hợp đồng xuất khẩu.

Hiện các nhà sản xuất vẫn ưu tiên cung ứng hàng cho các đối tác trong nước vì họ đã mang lại nguồn doanh thu khá ổn định trong những tháng gần đây.

Ấn Độ

Nhu cầu xuống thấp và đồng Rupee suy yếu khiến cho hoạt động nhập khẩu HRC tại Ấn Độ bị ngưng trệ từ nhiều tuần này.

Cú giảm giá 25 USD/tấn từ các nhà cung cấp Trung Quốc mới đầu khiến nhiều người hoài nghi về xu hướng sắp tới, nhưng sau đó đã nhanh chóng khẳng định sự trì trệ có thể tiếp tục kéo dài cho dù các nhà cung cấp Trung Quốc có điều chỉnh giá xuống nữa hay không.

Đối với khách hàng Ấn Độ, mức chào bán 645-650 USD/tấn cfr Mumbai cho HRC của Trung Quốc vẫn còn là mức giá cao và chưa thể với tới. Hơn nữa nhu cầu vẫn chậm do lượng tồn kho còn nhiều và tính thanh khoản thắt chặt.

Tình hình xuất khẩu có vẽ khả quan hơn, các hợp đồng HDG sang Mỹ và Châu Phi ngày một nhiều đã khuyến khích các nhà cung cấp nâng giá bán. Dự đoán các chào bán giá cao sẽ tiếp tục được duy trì trong 02 tuần nữa.

Châu Âu

Các nhà sản xuất Châu Âu vẫn đang nỗ lực giữ giá chào bán ở mức cao như mục tiêu đặt ra, song các yếu tố hậu thuẫn dường như ngày càng ít dần khiến cho mục tiêu này gặp nhiều khó khăn.

Tại Đức và Benelux, thép cây 12mm vẫn được giữ ổn định ở mức 480-490 EUR/tấn đã bao gồm phí vận chuyển, nhưng các nhà cung cấp Pháp không được may mắn như vậy và buộc phải giảm giá 10 EUR/tấn trước áp lực của phế liệu và nhu cầu.

Trong khi đó, thị trường thép cuộn cũng khá bức bối. Giá trên thị trường đã giảm nhẹ trong 02 tuần qua khiến cho mục tiêu nâng giá của các nhà sản xuất cho hợp đồng giao tháng 2 ngày càng xa rời thực tế,

Nhu cầu HRC đã yếu nay có thêm sự góp mặt của Ilva càng đè nặng áp lực cho thị trường. Mức giá HRC được chốt trong tuần này chỉ khoảng 485-490 EUR/tấn xuất xưởng.

Thị trường CRC cũng không khá khẩm hơn, nhưng đổi lại các nhà sản xuất đang cố giữ giá bằng cách kiểm soát lượng tồn. Mức chào bán hiện đang dao động ở khoảng 560-600 EUR/tấn xuất xưởng cơ bản.

Trong ngày thứ Năm hôm qua, giá HRC tại Platts giảm 1,50 EUR/tấn xuống còn 501,50 EUR/tấn xuất xưởng Ruhr, CRC giảm 6,50 EUR/tấn xuống 567,50 EUR/tấn xuất xưởng Ruhr.

Thổ Nhĩ Kỳ

Nhu cầu nội địa và xuất khẩu xuống thấp buộc các nhà sản xuất đã phải điều chỉnh giá HRC giảm 10 USD/tấn trong tuần rồi. Tuy nhiên mức điều chỉnh này vẫn chưa làm hài lòng khách hàng nên thị trường tuần này tiếp tục duy trì ở trạng thái trầm lắng.

Thị trường CRC và HDG cũng trong tình trạng tương tự. Ngoài lý do về nhu cầu, sự bất ổn của thị trường HRC cũng ảnh hưởng xấu đến các giao dịch trong tuần này. CRC hiện đang được chào bán với giá 735-755 USD/tấn xuất xưởng. HDG dày 0.5mm là 840-860 USD/tấn xuất xưởng và 950-970 USD/tấn xuất xưởng là giá của PPGI 0.5mm mã màu 9002.

Nhập khẩu phế liệu của Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này khá hạn chế do giá chào từ các nhà cung cấp Mỹ tăng cao. Với sức mua thép thành phẩm èo uột như hiện tại, các nhà sản xuất sẽ rất khó chấp nhận giá phế liệu mới. Do đó nhập khẩu những tuần tới khả năng sẽ còn hạn chế hơn nữa.