Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 09

 

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 09

Đông Nam Á

Xu hướng giá phế bắt đầu tăng trở lại ở Mỹ và Nhật đã hâm nóng thị trường phôi thanh thế giới, tuy nhiên điều đó vẫn chưa thúc đẩy lực mua tại khu vực Đông Nam Á tăng lên.

Thị trường vẫn vắng lặng với các giao dịch rời rạc. Các chào bán giá cao từ nhà cung cấp nước ngoài càng khiến cho sức mua èo uột hơn.

Thị trường tuần tới khả năng còn ảm đạm hơn nữa do giá thép xây dựng ở Trung Quốc đang theo đà trượt dốc sẽ gây hoang mang niềm tin của giới đầu tư.

Đài Loan

Trong tuần này thị trường thép Đài Loan vẫn chưa có dấu hiệu nổi trội về các đặt mua, sự xuống dốc của thị trường thép Trung Quốc khiến cho các nhà phân phối cảnh giác hơn trong việc quyết định số lượng gom hàng.

Tuy nhiên nhu cầu trong quý Hai được dự đoán sẽ rất khả quan, cùng với sự phục hồi của thị trường phế thế giới, các nhà sản xuất thép ở Đài Loan không có ý định sẽ điều chỉnh giá giảm xuống thấp hơn mức hiện tại. Một số đang giữ ổn định nhằm chờ xu hướng rỏ ràng hơn nhưng số khác vẫn tự tin với quyết định nâng giá bán của mình.

Trong đó, Tung Ho Steel quyết định nâng giá thép dầm hình H thêm 500 Đài tệ/tấn (17 USD/tấn). China Steel Corp cũng đã quyết định nâng giá thép dài và thép dẹt tháng 04 và tháng 05 thêm tối đa 1.089 Đài tệ/tấn (37 USD/tấn) cho thị trường trong nước.

Một số nhà sản xuất khác với quan điểm muốn giữ thị trường ổn định đã không thay đổi giá chào bán. Tuy nhiên nếu lực mua cải thiện và chi phí phế liệu tăng, chắc chắn họ sẽ không từ bỏ cơ hội nâng giá bán của mình.

Hàn Quốc

Hoạt động xây dựng tại Hàn Quốc đã bắt đầu ấm lên trong mùa xuân này đã nhen nhóm niềm tin cho các nhà kinh doanh thép. Đa số đã trở lại với thị trường và đang tiến hành gom hàng chờ lúc cao điểm để tung ra kiếm lời.

Các nhà sản xuất thép hiện cũng đang rục rịch điều chỉnh giá tăng lên với lý do bù đắp chi phí đầu vào nhưng có lẽ tiềm năng thị trường trong những tuần tới vẫn là lý do quan trọng hơn cả.

Thép dầm hình H tháng 03 của Hyundai Steel và Dongkuk đã chính thức được thông báo tăng thêm khoảng 30.000 Won/tấn (28 USD/tấn) cho thị trường trong nước. Tuy nhiên đây mới chỉ là ý chí của các nhà sản xuất, trong khi người tiêu dùng trực tiếp cũng như các nhà bán lẻ vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn với mức điều chỉnh này.

Đối với nhập khẩu, các chào bán thép cây từ Trung Quốc không còn hút người mua như trước. Đa số đã gom hàng trước tết nên số lượng thép dồn vẫn còn dư dã, hơn nữa sự phục hồi còn chậm hơn so với tốc độ tăng giá chào bán khiến cho các đặt mua ngày càng ít dần.

Giao dịch thép không gỉ cũng đã chững lại sau khi giá niken trượt dốc. Ngoài ra thông báo cắt chiết khấu của Posco cũng gây bất bình cho khách hàng.

Thị trường hiện vẫn ảm đạm và giá CRC 304 2mm được các nhà sản xuất nội địa bán ở mức 3-3,1 triệu Won (2.748-2.839 USD/tấn).

Nhật Bản

Với mục tiêu khôi phục lại mức lợi nhuận đã bị hao hụt trong thời gian qua, hầu hết các nhà sản xuất thép Nhật Bản đã thông báo nâng giá trong tháng 03 và tháng 04 tại thị trường nội địa.

Trong đó mức tăng cao nhất là 12.000 Yên/tấn được áp dụng đối với thép dẹt và hàng tẩy gỉ tháng 04 của JFE.  Còn mức điều chỉnh thấp nhất là 2.000 Yên, được áp dụng với các sản phẩm thép cây của Kyoei Steel.

Mặc dù chưa có sự phản ứng cụ thể từ phía khách hàng, nhưng với sự hợp lực của các nhà sản xuất cho thấy giá ít nhiều cũng sẽ tăng và khó cơ cơ hội đi xuống.

Dường như đã tiên liệu được điều này, một số khách hàng đã tăng mua tích trữ từ trước, do đó thị trường hiện tại vẫn đang theo chiều ngang và đơn đặt hàng cũng chưa có dấu hiệu thay đổi.

Thép cây tại Tokyo tuần này vẫn được giao dịch tại mức 57.000-58.0000 Yên/tấn (áp dụng đối với thép cây SD295 khổ cơ bản).

Ấn Độ

Trong khi các thị trường khác đều hướng đến mức giá cao hơn cho hợp đồng thép giao tháng này và tháng tới  thì tại Ấn Độ hầu như vẫn không có sự chuyển biến nào đáng kể.

Với sức mua chậm chạp và tính thanh khoản thắt chặt, có lẽ đây là thời điểm khó khăn cho các nhà sản xuất và giới thương nhân thép  trong việc tìm đầu ra. Do đó không ai có dự định sẽ nâng giá bán trong tháng này.

HRC IS 2062 A/B 3mm trong tháng 2 đã được các nhà sản xuất nâng thêm (18,6 USD/tấn) và rất khó khăn để khách hàng chấp nhận ½ mức tăng này. Hiện tại sản phẩm này vẫn đang duy trì ở khoảng 33.750-34.500 Rs/tấn (629-643 USD/tấn) và chắc chắn sẽ không có cơ hội thay đổi trong thời điểm gần kết thúc năm tài khóa này (vào 31/03 tới).

Thị trường xuất khẩu có phần lạc quan hơn, giá HDG chào ra các thị trường nước ngoài đã tăng 10-20 USD/tấn nhờ sự khan hiếm nguồn hàng. Chào bán sang Mỹ đang phổ biến ở mức 870-880 USD/tấn cfr nhưng có thể sẽ tăng thêm nữa nếu nguồn cung vẫn chưa được nới lỏng trong thời gian tới.

Châu Âu

Châu Âu có lẽ là thị trường thép thê thảm nhất trong tuần qua khi giá hầu hết các sản phẩm trên thị trường đều xuống dốc nhưng vẫn không thể thuyết phục khách hàng quay lại với các đặt mua.

Tại Bắc Âu,  tuyết bao phủ dày đặc khiến cho các công trình xây dựng bị ngưng trệ. Theo đó sức mua thép từ khách hàng tiêu dùng trực tiếp giảm dần trong khi các nhà dự trữ cũng đang nỗ lực giảm thiểu hàng tồn kho. Cuối cùng giá bán cũng đành chịu sự điều chỉnh giảm 7-10 EUR/tấn so với tuần trước nhưng dù sao vẫn còn tốt hơn Nam Âu. Giá thép cây tại Italia có mức giảm lên đến 10-15 EUR/tấn, kéo giá đi xuống còn 455-460 EUR/tấn xuất xưởng thực tế.

Không chỉ thép cây mà các sản phẩm thép xây dựng khác cũng đang chịu chung số phận. Giá thép hình tại Bắc Âu hiện đã về mức 600 EUR/tấn, còn Nam Âu là 570-590 EUR/tấn. Nhu cầu yếu và một phần là sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà phân phối càng đẩy giá xuống sâu hơn.

Thị trường thép công nghiệp cũng ảm đạm không kém. Với sức mua ngày càng yếu dần khiến cho các nhà cung cấp không còn cách nào khác buộc phải chấp nhận giao dịch với giá thấp hơn trước.  HRC tại Bắc Âu giờ đây chỉ còn lại khoảng 500-520 EUR/tấn. với điều kiện như hiện nay, sẽ rất khó để thị trường có thể chinh phục lại mốc cao như đã thiết lập hồi tháng 03 năm ngoái.

Còn đối với thép tấm dày, dù vẫn chưa bị điều chỉnh giá xuống nhưng sự thiếu thốn các đơn đặt hàng cho thấy thị trường khó mà rẻ sang một hướng khác tươi sáng hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ

Do lệ thuộc nhiều vào nguồn cung phế từ nước ngoài nên bất kỳ sự thay đổi nào của giá phế thế giới đều được phản ánh một cách nhanh chóng vào giá thép thành phẩm Thổ Nhĩ Kỳ và lần này cũng không ngoại lệ.

Tại thị trường trong nước, giá các sản phẩm thép cuộn đã được điều chỉnh tăng thêm 10-15 USD/tấn. Tuy nhiên ngoài sự ảnh hưởng của giá phế, sức mua từ các nhà dự trữ cũng như xu hướng nâng giá chào từ CIS cũng hỗ trợ cho giá thép nội địa nước này.

Tuy nhiên sức tăng nóng của giá khiến cho khách hàng phải thận trọng hơn. Các đặt mua đến cuối tuần đã chậm lại và hầu hết đều muốn ngưng giao dịch để chờ diễn biến mới.

Đối với thị trường xuất khẩu, chào bán thép cây sang Mỹ và Trung Đông tuần này được yết với giá cao hơn. Hiện vẫn chưa thể khẳng định mức giá này có được khách hàng chấp nhận hay không bởi họ vẫn đang xem xét cẩn trọng diễn biến thị trường phế liệu.

Mỹ

Thị trường thép cuộn Mỹ khá hỗn loạn trong tuần này do người mua không thể xác định hướng đi của giá thép.

Trong khi giá trên thị trường thép cuộn vẫn theo đà đi xuống thì hầu hết các nhà sản xuất tuần này đã đồng loạt thông báo nâng giá cơ bản từ 30 USD/tấn ngắn trở lên. Sự trái ngược này gây nhiều băn khoăn cho khách hàng và hầu hết đã quyết định tạm ngưng giao dịch.

HRC hiện đang được giao dịch tại mức 600-620 USD/tấn còn CRC là 710-730 USD/tấn ngắn, trong khi đó mức chào mới mà các nhà sản xuất đưa ra thấp nhất là 640-650 USD/tấn ngắn cho HRC.

Với sự bất nhất về xu hướng nói trên, thị trường tuần tới có thể sẽ bị đóng băng hoàn toàn và sự thay đổi có thể sẽ phải phụ thuộc vào kết quả đàm phán giá phế tháng 03 giữa các nhà sản xuất thép và các thương lái buôn phế liệu.

CIS

Thị trường CIS tuần này ít được nhắc đến với các giao dịch nội địa cũng như xuất khẩu. Có lẽ quyết định tăng giá gần đây đã cản trở khách hàng đến với các đặt mua.

Các thị trường xuất khẩu truyền thống của CIS như Đông Nam Á, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ  hiện vẫn chưa phát tính hiệu đặt hàng. Tuy nhiên các nhà cung cấp đang đặt niềm tin vào sự phục hồi của thị trường xây dựng Nga trong quý Hai tới.