Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 08/2012

 

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 08/2012

Với những dự đoán lạc quan về thị trường sắp tới khiến hầu hết các nhà sản xuất xuất thép trên toàn cầu đều nâng giá bán hoặc dự định nâng giá chào bán đối với các hợp đồng giao tháng 03 và tháng 04 sắp tới, tuy nhiên thực tế cho thấy thị trường kể từ sau tết vẫn ì oải và trầm lắng.

Nhu cầu thực tế không có trong khi giới thương nhân cũng rất hạn hẹp về đồng vốn kinh doanh, những lý do trên cộng với sự bấp bênh của nền kinh tế khiến các giao dịch thép diễn ra không mấy thuận lợi.

Tuy nhiên, xu hướng nâng giá tăng lên vẫn tiếp tục lan tỏa khắp thị trường thế giới bất chấp sự hiếm hoi của các đơn đặt hàng.

Tại Châu Á, hầu như toàn bộ thị trường đều bị đóng băng. Giao dịch tại thị trường nội địa cũng như hoạt động xuất nhập khẩu khá trì trệ.

Còn tại Châu Âu, số lượng đơn đặt mua từ khách hàng cũng không nhiều do ảnh hưởng thời tiết xấu và kinh tế bấp bênh.

Riêng tại CIS, thị trường sôi động hơn cả do nguồn cung nguyên liệu hạn hẹp. Giá trong những tuần rồi liên tục đi xuống nhưng bắt đầu phục hồi trở lại nhờ nhu cầu từ nước ngoài cải thiện.

 

Đông Nam Á

Thị trường thép Đông Nam Á tuần này vẫn chưa có một chút khởi sắc nào thậm chí trở nên yếu kém hơn cả tuần trước.

Ngoài những vấn đề về tài chính do chính phủ các nước thắt chặt tín dụng, giới thương nhân hầu như không có động lực nhập thêm hàng từ nước ngoài vì nhu cầu tiêu dùng trực tiếp quá yếu.

Thêm vào đó, các nhà sản xuất Trung Quốc và một số nước khác liên tục nâng giá bán sang thị trường khu vực này khiến người e dè với các đặt mua.

Với đồng vốn hạn hẹp, việc cân nhắc kỷ lưỡng trước khi mua hàng là điều tối cần thiết đối với mỗi nhà kinh doanh, do đó họ tạm ngưng đặt mua trong thời điểm hiện tại cũng là điểu dễ hiểu.

Giá chào phôi thép từ các nhà cung cấp nước ngoài tuần này phổ biến ở mức 620-640 USD/tấn cfr nhưng rất ít người đặt mua  vì cho rằng giá đang đi xuống.

Đối với thị trường thép công nghiệp, sự cương quyết nâng giá của các nhà sản xuất Trung Quốc đã không mang lại hiệu quả tại thị trường Đông Nam Á bởi khách hàng nơi đây sẽ chọn giải pháp ngưng giao dịch chứ ít ai chịu trả  với giá cao hơn trước trong điều kiện thị trường ế ẩm như hiện tại.

Thị trường thép cuộn HRC thời gian tới khó mà chuyển biến tốt lên nếu các nhà sản xuất vẫn giữ mục tiêu giá chào là 630 USD/tấn fob.

Tại Việt Nam, hhạm vi hoạt động của thị trường thép dẹt (cán phẳng) đang bị thu hẹp dần bởi chính sách thắt chặt tiền tệ của chính phủ.

HRC nội địa tuần này được chào bán ở mức 750-755 USD/tấn và CRC là 905-910 USD/tấn. 

 

Đài Loan

Tuần này, các nhà sản xuất thép cây Đài Loan đồng loạt nâng giá chào bán vì giá phế liệu tăng cao hơn và quan trọng là nhu cầu phục hồi khá tốt.

Khách hàng đặt mua tương đối nhiều nhằm chuẩn bị cho mùa xây dựng sắp tới.

Giá thép cây ở một số nhà sản xuất đã được thông báo tăng thêm300 Đài tệ/tấn (10 USD/tấn). Hiện vẫn chưa rỏ phản ứng của khách hàng trước động thái này nhưng các nhà sản xuất kỳ vọng vì nhu cầu thực sự, khách hàng sẽ sớm chấp nhận và đảm bảo các đơn đặt mua duy trì ổn định.

Không chỉ thép xây dựng mà nguyên liệu dùng trong công nghiệp cũng theo xu hướng tăng.

Các sản phẩm thép cuộn tháng 04 và tháng 05 theo đó được các nhà cung cấp nâng 30-500 Đài tệ/tấn (1-17 USD/tấn). HRC của CSC hiện có giá mới là 452 Đài tệ/tấn và CRC giá 350 Đài tệ/tấn.

 

Hàn Quốc

Các giao dịch trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đối với thép Hàn Quốc diễn ra khá dàn trải và không có bước đột phá mới.

Tại thị trường trong nước, giá phế liệu những ngày gần đây dù đã phục hồi trở lại nhưng chưa kịp hâm nóng thị trường thép thành phẩm. Khách hàng tỏ ra rất thận trọng với các dặt mua vì thiếu niềm tin vào thị trường.

Tuy nhiên, giá từ các nhà sản xuất cũng như tại thị trường giao ngay được duy trì khá ổn định và không có dấu hiệu đi xuống.

Nhà sản xuất thép cây Hyundai  nhắm đến nâng giá thêm 60.000 Won/tấn, tuy nhiên mức thành công sẽ khó đánh giá là tuyệt đối vì nhu cầu từ ngành xây dựng chưa thực sự  tạo đà tăng cho thị trường. Trong đó, lượng thép tồn của các nhà sản xuất lớn không ngừng tăng lên.

Phôi thanh xuất khẩu cũng đang ngưng trệ vì lực mua từ Đông Nam Á không mạnh. Các nhà sản xuất Hàn Quốc đang tìm đến những thị trường khác thay thế, tuy nhiên đó là giải pháp lâu dài và hiện tại vẫn chưa cải thiện được tình hình.

Mặc dù các nhà sản xuất thông báo nâng giá thép dầm trong 02 tuần qua, giá bán trên thị trường cho đến thời điểm hiện tại chưa có sự điều chỉnh lớn do nhu cầu ế ẩm.

Thiếu sức hậu thuẫn từ thị trường xây dựng, phế liệu đi xuống và thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc là những nguyên nhân chính khiến mục tiêu giá của các nhà sản xuất đến giờ vẫn chưa thể đạt được. Khả năng giá thép thời gian tới vẫn cầm chừng mức  như hiện nay vì lượng tồn còn khá nhiều.

Về thép công nghiệp, nhà sản xuất Huyndai dự định sẽ nâng giá HRC tại thị trường nội địa thêm 30.000 Won/tấn (26,5 USD/tấn). Sự tăng giá mạnh trong 02 tháng trở lại đây khiến giới thị trường ít tin vào khả năng thành công ở mức điều chỉnh mới của Huyndai.

Nhà sản xuất này cũng tự tin nâng giá HRC xuất khẩu tháng 04 thêm 30 USD/tấn vì các đơn đặt mua hiện tại tăng đáng kể, hơn nữa đây là xu hướng chung của thế giới nên khách hàng ít nhiều cũng sẽ chấp nhận mức điều chỉnh trên.

Nhật Bản

Kyoei Steel quyết định giữ nguyên thép cây 16~25mm giao tháng 03 tới ở mức không đổi 65.000 Yên/tấn (813 USD/tấn).

Dù đi khác với xu hướng chung của thế giới nhưng đây có thể là quyết định đúng đắn và phù hợp nhất với tình hình thị trường thép nội địa Nhật.

Nhu cầu từ ngành xây dựng đang chuyển biến tích cưc, song với biên độ còn chậm và chưa đủ lực đẩy giá thép lên cao.

Về nhập khẩu, một số nhà cung cấp Trung Quốc quyết định giữ nguyên giá HRC xuất sang Nhật nhằm quan sát xu hướng sắp tới.

Diễn biến hiện tại không giống với xu hướng chung của thế giới khiến các nhà xuất khẩu sang thị trường này khá băn khoăn. Trong lúc thị trường hầu hết các nước trên thế giới đều có dấu hiệu phục hồi, giá thép tại thị trường Nhật lại giảm xuống.

HRC SS400 3.2-12mm của Angang sang Nhật sẽ vẫn giữ mức 710 USD/tấn cfr.

Riêng nhà sản xuất Hàn Quốc vẫn quyết định nâng giá xuất sang Nhật, tuy nhiên giá vẫn thấp hơn so với  thép nội địa Nhật Bản nên khả năng giảm doanh số bán đã không xảy ra.

 

Châu Âu

Một số loại thép tại thị trường Châu Âu bắt đầu có dấu hiệu suy yếu trong tuần này, nhưng nhìn tổng thể thị trường vẫn đang theo đà đi lên.

Thép cây Nam Âu đang được yết tại mức 500-504 EUR/tấn (663-668 USD/tấn), tuy nhiên các nhà sản xuất dự định ngưng các chào bán và đẩy giá lên cao hơn.

Còn đối với thép thanh và thép hình, giá chính thức đi xuống trong tuần này khoảng 5 EUR/tấn sau một thời gian dài không có ai đặt mua.

Thép thanh thương phẩm tại Italia và Tây Ban Nha có giá 565-575 EUR/tấn. Nhu cầu yếu nhưng các nhà sản xuất không có ý định hạ giá thêm nữa, thay vào đó họ sẽ cắt giảm sản xuất nếu cần thiết.

Thép tấm S235 tại thị trường Bắc Âu gần đây nhất được chốt tại mức 620-630  EUR/tấn (823-836 USD/tấn) xuất xưởng, tấm S275 tại Nam Âu thì ở mức 600-610 EUR/tấn xuất xưởng. Các giá này vẫn duy trì ổn định vì nhà cung cấp không có cơ hội nâng giá bởi nhu cầu quá yếu.

Trong khi đó, các nhà sản xuất HRC dù chưa chính thức hạ giá bán, song các mức chiết khẩu đi kèm trong hợp đồng giao dịch là dấu hiệu cho thấy giá đang đi xuống.

Các giao dịch hiện ở mức 530-540 EUR/tấn xuất xưởng nhưng một số nguồn tin tiết lộ không  ít nhà sản xuất đã chấp nhận bán với giá thấp hơn mức này.

Đối với CRC, giá bán tại thị trường Nam Âu đã tăng 10 EUR/tấn lên 600-610 EUR/tấn, HDG vẫn ổn định 550-555 EUR/tấn.

 

Thổ Nhĩ Kỳ

Hầu hết các sản phẩm thép Thổ Nhĩ Kỳ đều hướng lên trong tuần này, nhưng đây không phải do tác động của nhu cầu tăng mà bởi giá phế bắt đầu phục hồi trở lại.

Thép thanh hiện được chào bán tại mức 715-720 USD/tấn fob áp dụng đối với hợp đồng giao trong thời gian ngắn, còn đối với các hợp đồng giao hàng cuối tháng 04 hoặc đầu tháng 05 thì có giá 700-705 USD/tấn fob.

Phôi thanh tuần này cũng được đẩy lên 617 USD/tấn xuất xưởng Iskenderun, trong khi đó thép cây được chào bán khá hạn chế vì các nhà sản xuất muốn điều chỉnh lên mức mới.

Tuy nhiên, tốc độ tăng giá mạnh nhất thì phải kể đến thép cuộn HRC. Hiện giá chào từ các nhà sản xuất đã lên đến 720 USD/tấn nhưng khách hàng phản đối khá quyết liệt.

Một số người dự đoán giá thép trong tháng 04 sẽ về lại ngưỡng 650 USD/tấn vì lực mua hiện rất yếu.

 

CIS

Sự trổi dậy của thị trường thép xây dựng thế giới cũng như nguồn cung khá hạn hẹp trong khu vực đã hậu thuẫn tốt cho đà tăng giá phôi thanh trong tuần này.

Giá chào bán từ các nhà cung cấp CIS hiện đã chạm mức 610 USD/tấn fob Biển Đen.

Kế hoạch bảo trì ở một số nhà xưởng sắp tới sẽ tiếp tục làm cạn nguồn cung ứng phôi thanh. Bên cạnh đó, lực mua từ Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh và các thị trường khác như Trung Đông, Bắc  Phi đang phục hồi như tiếp thêm niềm tin cho các nhà cung cấp nâng giá.

HRC xuất khẩu của Nga cũng tăng 10-20 USD/tấn trong thời gian gần đây vì lý do hạn hẹp nguồn cung. Hiện giá được chốt tại mức 620-650 USD/tấn fob.

Cuộn trơn và thép cây xuất khẩu của CIS cũng đang theo xu hướng phục hồi. Cuộn kéo lưới tháng 03 đang ở quanh ngưỡng 660-670 USD/tấn fob Biển Đen, tùy thuộc vào nhà sản xuất và điểm đến.