Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 07

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 07

 

Kinh tế bất ổn và tài chính khó khăn là những vấn đề mà giới kinh doanh luôn phải đối mặt trong thời gian qua. Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã không ít lần đưa ra những đề xuất nhằm cũng cố đà tăng trưởng kinh tế của nước mình, song tất cả những nỗ lực trên chỉ xoa dịu tình hình ở chừng mực nhất định mà thôi.

Tại Châu Âu, khủng hoảng nợ công đã kéo sang năm thứ ba, nhưng dường như  “căn bệnh ” này ngày một năng hơn và minh chứng cụ thể cho điều này là một số nền kinh tế trong khu vực đã bị Moody’s hạ bậc xếp hạng trong khi Hy Lạp đang trên bờ vực vỡ nợ nếu giới lãnh đạo Châu Âu không kịp phê duyệt gói cứu trợ mới tại cuộc họp ngày 20/02 tới.

Tại Châu Á, các nước nằm trong danh sách có nền kinh tế tăng nóng như Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước khác kể cả Việt Nam đến bây giờ vẫn chưa thể an tâm về chỉ số lạm phát. Thanh khoản càng bị siết chặt trong khi lãi suất ngân hàng chưa hạ nhiệt càng đẩy giới kinh doanh nói chung và các nhà sản xuất thép nói riêng vào thế vạ vật và thậm chí có thể bị phá sản trong nay mai.

Quay lại thị trường thép thế giới trong tuần này, với nền kinh tế khó khăn như trên và cộng thêm đó là thời tiết giá lạnh khiến giao dịch thép ở phần lớn các nước Bắc bán cầu trì trệ .

Tuy nhiên giá nguyên liệu thô tuần này bắt đầu phục hồi nên giá thép thành phẩm nhìn chung đều hướng lên.

Tại Châu Á, một số thị trường như Ấn Độ, Đài Loan sức mua phục hồi khá tốt, các thị trường còn lại vẫn ảm đạm và khả năng sẽ chưa thể phục hồi trở lại trong thời gian tới.

Đông Nam Á

Phôi nhập khẩu sang Đông Nam Á tuần này vẫn ngưng trệ do nhiều yếu tố tác động đến tấm lý người mua hàng và nhu cầu xuống thấp.

Thời gian gần đây, tình hình hoạt động của các nhà thầu xây dựng chậm chạp bởi thiếu vốn và sự trầm lắng của thị trường bất động sản, qua đó nhu cầu thép cây bị kéo xuống và lẽ đương nhiên thị trường phôi thanh bị ảnh hưởng.

Không những thế, xu hướng đi xuống của thị trường thép dài Trung Quốc cũng như phế liệu trên thế giới càng ám ảnh các nhà nhập khẩu. Có lẽ đặt mua một khối lượng lớn phôi thanh trong điều kiện lãi suất cao và triển vọng thị trường mờ mịt không phải là quyết định khôn ngoan.

Dường như các nhà xuất khẩu cũng hiểu rỏ về những bất lợi đang đến với họ nên đã chủ động điều chỉnh giá chào giảm xuống.

Hàn Quốc tuần rồi chào bán phôi thanh sang Philippines chỉ với 640-645 USD/tấn cfr, giảm 5 USD/tấn so với tuần trước đó. Phôi Ukraina có giá 620-630 USD/tấn cfr nhưng khách hàng muốn thương lượng xuống mức 610 USD/tấn cfr. Nga cũng đưa ra các chào bán sang Indonesia nhưng giá kém hấp dẫn hơn, ở mức 640 USD/tấn cfr.

Đối với thị trường thép cuộn, mặc dù các giao dịch tại Đông Nam Á vẫn giữ nhịp độ rất chậm nhưng Trung Quốc quyết định nâng giá chào xuất khẩu CRC  trong tuần này do các nhà máy nâng giá bán trong nước.

So với giá trước tết Nguyên đán, mỗi tấn CRC 1mm Trung Quốc giờ đây có giá đắt hơn 10 USD/tấn, ở khoảng 710-720 USD/tấn fob. Giá chào từ Đài Loan đối với loại nguyên liệu này là 710-715 USD/tấn fob nhưng số lượng đặt mua không nhiều.

Thị trường Đông Nam Á đang chịu nhiều áp lực do thanh khoản thắt chặt và chi phí vay mượn đắt đỏ. Nếu giá thép thế giới tăng thì thép tại thị trường khu vực này có thể cũng tăng cho kịp xu hướng. Tuy nhiên, những khó khăn về tài chính vẫn còn đó và khách hàng sẽ phải dè dặt hơn với các đặt mua trong thời gian tới.

Ấn Độ

Trái ngược với Đông Nam Á, thị trường thép xây dựng Ấn Độ trong những ngày gần đây có những chuyển biến rất tốt và nhu cầu từ khối ngành này đang tăng lên.

Nắm bắt cơ hội này, nhà sản xuất thép hàng đầu của Ấn Độ là Steel Authority of India Limited (SAIL) đã thông báo nâng giá bán đối với thép thanh thêm 2.500 Rupee và thép hình V thêm 3.000 Rupee/tấn kể từ ngày 01/02, lên mức lần lượt là 40.000 Rupee/tấn và 37.500 Rupee/tấn.

Tuy nhiên, thị trường thép cuộn không được may mắn như thép dài, giá cả và doanh số bán HRC bắt đầu có sự xuống dốc vì người mua phản ứng mạnh trước động thái nâng giá trước đó của các nhà sản xuất.

Hiện tại giá thép bán lẻ tại Mumbai đã hạ khoảng 1.700-2.000 Rs/tấn. HRC kết cấu IS 2062 grade A/B từ 3mm trở lên có giá bán bình quân 35.500-36.000 Rs/tấn (716,6-726,6 USD/tấn).

Do nhu cầu trong nước yếu nên nhập khẩu cũng khá dè dặt. Hiện tại, giá chào HRC SS400 3mm có boron từ các nhà sản xuất Trung Quốc là 670 USD/tấn cfr nhưng dù giá có xuống 650 USD chưa chắc đã hấp dẫn khách hàng Ấn Độ.

Đài Loan

Tuần nay,  Feng Hsin Iron & Steel và Hai Kwang Enterprise Corp đã tăng giá thép cây thêm 200 Đài tệ/tấn (7 USD) do phế liệu bắt đầu phục hồi trở lại.

Lực mua thép tuần trước rất tốt sau khi hai nhà sản xuất này thông báo hạ giá 500 Đài tệ/tấn, do đó động thái điều chỉnh lần này cũng có thể bị phản ứng ngược lại với xu hướng trên nếu nhu cầu thực tế không cải thiện.

Giá chào phế HMS 1&2 80:20 từ Mỹ tuần này ở mức 435-440 USD/tấn cfr và được chốt tại 430-433 USD/tấn cfr, trong khi giao dịch tuần trước chỉ ở mức 420 USD/tấn cfr.

Hàn Quốc

Số lượng các giao dịch HRC đã tấp nập hơn kể từ sau lần điều chỉnh tăng giá 20.000-30.000 Won/tấn (17-26 USD/tấn) của Hyundai Steel cho các hợp đồng tháng 02.

Đa số khách hàng thu gom vì mục đích tái bổ sung hàng dự trữ, tuy nhiên niềm tin cải thiện và dự đoán các nhà sản xuất sẽ nâng giá trong tháng 03 tới cũng là lý do khuyến khích người mua tăng số lượng đặt hàng.

Các nhà bán lẻ hiện đang bán HRC SS400 3.0mm do Posco sản xuất với giá 840.000-850.000 Won/tấn (744-753 USD/tấn) nhưng mức này có thể được điều chỉnh tăng nếu Posco thông báo tăng giá tháng 03.

Bên cạnh đó, giá chào thép nhập khẩu từ các nhà cung cấp nước ngoài tăng càng cũng cố niềm tin cho thị trường trong nước.

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang nhắm đến nâng giá thêm 10-15 USD/tấn đối với HRC xuất khẩu tháng 04 sang Hàn Quốc, lên mức 645-650 USD/tấn cfr.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng lăm le mức tăng 30-50 USD/tấn cho HRC xuất khẩu tháng 03 sang Hàn Quốc. Nếu mục tiêu này thành công thì giá HRC mới của Nhật sẽ ở mức 700 USD/tấn C&F.

Tuy nhiên, đây chỉ là các mức giá mục tiêu và đạt được nó không phải là quá dễ dàng bởi thị trường Hàn Quốc chỉ mới phục hồi trở lại và sức mua chưa đủ mạnh để các nhà cung cấp muốn hướng giá theo ý mình.

Đối với thị trường thép tấm, dù số lượng các đơn đặt mua đang chững lại và có dấu hiệu trở yếu, các nhà xuất khẩu thép tấm Trung Quốc vẫn quyết định nâng giá chào tới khách hàng khoảng 10-15 USD/tấn.

Với lý do nguồn hàng cạn kiệt bởi khách hàng đặt mua thép tháng 04 tăng, Trung Quốc đã nâng giá chào bán tấm dày 14-22mm có boron lên mức 630-640 USD/tấn cfr, giao tháng 04.

Tuy nhiên, phía Hàn Quốc tỏ ra không quan tâm đến nguồn cung còn nhiều hay ít bởi lực mua hiện rất yếu. Tất cả những gì họ quan tâm hiện nay là giá thép tháng 04 đang tăng lên và họ chưa sẳn sàng để chấp nhận điều đó.

Châu Âu

Tiêu thụ thép cây tại Châu Âu trở nên trầm lắng kể từ khi mưa tuyết bao phủ khắp khu vực gây cản trở hoạt động xây dựng của các dự án. Tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện và đang gây sức ép lớn lên giá thép.

Tại Đức và Benelux, giá thép cây tuần trước đã giảm 5-10 EUR/tấn và đà giảm cũng lan rộng sang Pháp với mức điều chỉnh xuống 20 EUR/tấn. Hiện thép cây 12mm tại đất nước này có giá khoảng  560-570 EUR/tấn.

Tại Italia, giá thép cây nội địa cũng giảm 20 EUR/tấn, còn xuất khẩu giảm 10-15 EUR/tấn. Đồng EUR tăng giá đang gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu vì khả năng cạnh tranh hơn so với thép được giao dịch theo đồng đô la.

Đối với thị trường thép cuộn, sau khi các nhà sản xuất lớn điều chỉnh tăng giá, lực mua thép cuộn tại Châu Âu trở nên yếu hơn bởi khách hàng muốn chờ xu hướng giá ổn định.

Mục tiêu giá 560-580 EUR/tấn xuất xưởng của các nhà sản xuất đến tuần này vẫn chưa đạt được và hiện giá đang chốt mức 530-540 EUR/tấn (693-706 USD/tấn) xuất xưởng.

Sức cạnh tranh từ thép nhập khẩu là không đáng kể bởi giá cũng ngang ngữa với giá thép nội địa nhưng có thời hạn giao hàng lâu hơn.

Giá chào thép nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ tăng 20 USD/tấn nhưng số lượng giao dịch không nhiều, giá được yết tại mức 660-670 USD/tấn fob.

Ngoài ra, CIS và Trung Quốc cũng tham gia các chào bán, nhưng doanh số đạt được xem ra không khá khẩm hơn Thổ Nhĩ Kỳ là mấy.

CIS

Thị trường xuất khẩu phôi thanh CIS dường như đã bị đóng băng trong tuần này do lớp tuyết dày bao phủ các cảng biển gây cản trở đến công tác vận chuyển.

Thêm vào đó, sự rút lui của khách hàng đến từ Iran do lệnh trừng phạt càng khiến thị trường trầm lắng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, giá bán trong tuần này không có dấu hiệu đi xuống, thậm chí là các nhà sản xuất đang nhắm đến mức giá cao hơn, 600 USD/tấn fob Biển Đen thay cho mức hiện tại là 580 USD.

Các giao dịch rời rạc nhưng nguồn cung không còn nhiều bởi các nhà máy phải tiến hành bảo dưởng, hơn nữa chi phí phế liệu đắt đỏ không có phép họ điều chỉnh giá phôi thanh xuống.

Đối với thị trường thép cuộn, khả năng các nhà sản xuất Nga sẽ tăng giá thêm 2-4% trong tháng 03 tới.

Hầu hết các nhà sản xuất gần như đã hoàn tất các đơn hàng tháng 02, do đó áp lực về doanh số bán sẽ nhẹ nhàng hơn khi điều chỉnh giá trong tháng 03 tới.

Thổ Nhĩ Kỳ

Thị trường thép cây Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu ấm lên trong tuần này vì lực mua từ khách hàng trong nước khá mạnh.

Tại thị trường nội địa, thép cây đang được bán với giá 655-660 USD/tấn, chưa bao gồm 18% VAT.

Các nhà sản xuất nước này cũng đang nhắm đến tăng giá xuất khẩu, tuy  nhiên khách hàng nước ngoài phản ứng khá mạnh vì giá cao hơn so với mặt bằng chung toàn cầu.

Đối với thép cuộn, vừa qua Thổ Nhĩ Kỳ nhận được nhiều chào bán từ CIS nhưng số lượng hợp đồng chốt lại không nhiều do giá chào bán 610-620 USD/tấn cfr là cao hơn so với giá thép tại thị trường nội địa.

Tình hình kinh tế Châu Âu bất ổn và điều kiện thời tiết xấu cũng là những yếu tố nhấn chìm thị trường thép Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây.

Mỹ

Sau những lần tăng với tốc độ nhanh chóng mặt, giá thép cuộn tại thị trường nội địa Mỹ có dấu hiệu đi xuống trong tuần này do giá phế liệu giảm xuống đồng thời thép cuộn Châu Âu cũng ở mức thấp hơn.

Triển vọng thời gian tới khó mà cải thiện, họa chăng thì cũng đến tháng 05, tháng 06 khi nhu cầu xây dựng mạnh lên mới có thể cứu vãn hiện trạng này.

Giá thép xây dựng cũng được một số nhà sản xuất thông báo giảm 30 USD/tấn ngắn nhằm phù hợp với xu hướng giá phế liệu. Tuy nhiên, lý do đằng sau có thể là do các nhà sản xuất muốn tăng sức cạnh tranh so với hàng nhập khẩu vì tỷ giá EUR/USD hiện đang theo chiều hướng thuận lợi cho các nhà cung cấp nước ngoài.

Giá thép dầm bản rộng hiện có giá khoảng 840 USD/tấn ngắn xuất xưởng. Thép cây cũng đang chịu sức ép lớn vì vài tuần nữa là hàng nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ đến cảng và giá cả cũng phải chẳng hơn so với thép nội địa.