Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới trong tuần 44

Tổng quan thị trường thép thế giới trong tuần 44

Tuần này, thị trường thép trên toàn thế giới bao gồm châu Á, CIS và Trung Đông đều ấm lên, với hoạt động giao dịch và giá cả đều tăng hơn hẳn so với tuần trước do giới thương nhân tin rằng giá thép đã chạm đáy nên gia tăng hoạt động mua vào trong bối cảnh giá nguyên vật liệu thô như phế liệu, quặng, than đá đã chinh phục các mức cao mới. Riêng châu Âu, thị trường đã bình ổn trở lại dù chưa theo kịp các khu vực khác.

Nguyên vật liệu thô tăng trong tuần này chủ yếu được hỗ trợ bởi thị trường chứng khoán Mỹ đang tiếp cận lại mức cao của 2008, cũng như thị trường kim loại quý thiết lập kỷ lục mới sau khi giới đầu tư thế giới tháo chạy khỏi USD vì sợ đồng tiền mất giá khi Ngân hàng TW Mỹ (Fed) bơm thêm hàng trăm tỉ USD vào nền kinh tế.

Trong phiên họp vào tối thứ Tư vừa qua, Fed thông báo sẽ chi thêm 600 tỉ USD để mua trái phiếu từ đây đến tháng 06/2011 trong nỗ lực hạ lạm phát, giảm thất nghiệp và duy trì đà phục hồi nền kinh tế. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama gần đây đang chịu nhiều sức ép từ dư luận vì không thể vực dậy nền kinh tế như đã hứa trong cuộc vận động tranh cử cách đây hai năm.

Thị trường thép châu Á  

Mọi căng thẳng của các thương nhân châu Á như được trút bỏ sau khi đà giảm giá của thép đã chấm dứt và quay đầu hướng lên.

Tín hiệu nhu cầu từ giới tiêu thụ trực tiếp đã xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc, nhiều dự án xây dựng của nước này đã được triển khai sau khi hội chợ quốc tế Shanghai Epo kết thúc kể từ cuối tháng 10. Ở các nước Đông Nam Á, giai đoạn những tháng cuối năm, hoạt động xây dựng bận rộn nhất để hoàn tất các công trình trước khi bước qua năm mới.

Nhật Bản

Tuần này, các nhà sản xuất thép Nhật Bản tiếp tục đàm phán với các khách hàng châu Á về giá thép cuộn cán nóng HRC và cán nguội CRC giao tháng 11 và 12. Mặc dù thương lượng với một số nước đã hoàn tất như Trung Quốc và Việt Nam, nhưng với Hàn Quốc các cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ.

Nhật Bản đang đứng trước nhiều lợi thế xuất khẩu sang các nước khu vực châu Á sau khi các nhà sản xuất Trung Quốc gặp khó khăn hơn về xuất khẩu. Sản lượng bị cắt giảm vì bị cắt điện, trong khi không còn được hoàn thuế xuất khẩu như trước. Thời gian tới, Á vận hội Asiad diễn ra tại Quảng Đông, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc càng chậm hơn, vì vậy, Nhật Bản sẽ tận dụng để nâng giá bán ra nước ngoài.

Hơn nữa, giá nguyên vật liệu thô tăng gần đây, nhất là quặng và phế liệu dẫn đến chi phí sản xuất cao hơn, buộc các nhà sản xuất cũng phải nâng giá bán.

Trong đó, Nhật nâng giá xuất khẩu HRC dùng sản xuất ống hàn sang Việt Nam 10 USD/tấn lên mức 680 USD/tấn, còn cuộn cán nguội hai bên thỏa thuận ở mức 650 USD/tấn.

Nhưng Nhật lại không thay đổi giá xuất khẩu đối với khách hàng Trung Quốc trong tháng 11 này sau nâng giá 10 USD/tấn trong tháng 10.

Về phía Hàn Quốc, các nhà cung cấp Nhật Bản muốn thiết lập mức giá xuất khẩu CRC sang nước này là 700 USD/tấn, nhưng Hàn Quốc cho rằng giá này khó có thể chấp nhận được vì quá cao.

Hàn Quốc

Hàn Quốc hiện đang đứng ở vị trí thứ sáu về xuất khẩu thép và đứng thứ hai về nhập khẩu thép lớn nhất thế giới sau EU và Mỹ.

09 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu thép của Hàn Quốc (bao gồm thép bán thành phẩm, thép dài, và thép dẹt) đạt kỷ lục 17 triệu tấn, tăng 19% so với 09 tháng đầu năm ngoái và tăng 11% so với 2008. Trung Quốc và Việt Nam là hai thị trường xuất khẩu chính của Hàn Quốc.

Tuần này, Hàn Quốc cũng đặt mua phôi tấm giao tháng 12 từ Nga và Ukraina dùng sản xuất thép tấm với giá 555-575 USD/tấn cfr, đắt hơn so với trước do nguồn cung từ các nước khối CIS không nhiều trong khi giá phế liệu tăng cao.

Do thận trọng với giá nickel giảm gần đây, nhà sản xuất thép lớn nhất Hàn Quốc – Posco đã không dám mạnh tay nâng giá bán các sản phẩm thép không gỉ cán nóng HRC và cán nguội CRC austenitic trong nước trong tháng 11 như thị trường mong đợi, chỉ 100.000 Won/tấn (88 USD/tấn). Nhưng việc điều chỉnh này không nhận được sự ủng hộ của thị trường, vì giá bán của nhà kinh doanh đến tay người tiêu dùng vẫn chưa đạt đến mức giá niêm yết của Posco trong tháng 10.

Ấn Độ

Đầu tháng này, đã có nhiều nhà sản xuất của Ấn Độ, trong đó có JSW Steel, Steel Authority of India Ltd (Sail) và Bhushan Steel đã hạ giá cơ bản thép cuộn cán nóng HRC từ 700-1.000 Rs/tấn (15,8-22,5 USD/tấn), nhằm làm chậm lại tốc độ hàng nhập khẩu hồi tháng trước sau khi đồng Rs tăng so với USD.

Bộ trưởng Bộ sắt thép Ấn Độ một lần nữa kêu gọi chính phủ cấm xuất khẩu quặng để bảo vệ nguồn tài nguyên không thể tái sinh, mà hiện đang dần cạn kiệt. Nếu không có chiến lược bảo vệ, ngành sản xuất thép trong nước sẽ rơi vào tình trạng đói quặng như Trung Quốc và Mỹ. Vì vậy trong khoảng thời gian chưa chính thức cấm, chính phủ nên đánh thuế xuất khẩu lên 20%. Hiện quặng 63.5/63% của Ấn Độ xuất khẩu sang Trung Quốc có giá giao dịch từ 156-158 USD/tấn cfr.

Đài Loan

Do phế liệu trên thị trường tăng giá, hai nhà sản xuất thép lớn nhất Đài Loan gồm Feng Hsin Iron & Steel và Hai Kwang tuần này đã nâng giá sản phẩm thép cây thêm 300 Đài tệ/tấn so với tuần trước. Sau khi nâng giá, thép cây SD280 kích cỡ vừa của Feng Hsin là 19.200 Đài tệ/tấn (630 USD/tấn) và Hai Kwang là 18.700 Đài tệ/tấn.

Nhà sản xuất thép lớn nhất Đài Loan là China Steel Corp cũng tiết lộ kế hoạch mở rộng sản xuất để nâng sản lượng thép 35% lên 20 triệu tấn vào 2014 từ mức 14,8 triệu tấn trong năm nay, China Steel đang đàm phán mua lại cổ phần ở các hãng khai thác quặng và than đá nhằm đảm bảo nguồn tự cung tự cấp cho việc mở rộng mà không phải lệ thuộc quá nhiều vào các hãng cung cấp.

China Steel Corp đồng thời lên kế hoạch xuất khẩu thép tấm sang thị trường Ấn Độ nhằm giảm bớt sức ép từ lượng tồn trong nước. China Steel biết sẽ gặp phải cạnh tranh mạnh từ các nhà cung cấp thép Trung Quốc với giá rẻ hơn chỉ 640 USD/tấn, thấp hơn 20-25 USD/tấn so với giá chào của nhà sản xuất Đài Loan.

Đông Nam Á

Các nước xuất khẩu phôi CIS trong tuần này nâng giá chào xuất khẩu vào Đông Nam Á lên mức 580-585 USD/tấn cfr từ 570-580 USD/tấn cfr cách đó hai tuần sau khi phế liệu tăng mà nguồn cung có dấu hiệu giảm. 

Trước đó, các nhà sản xuất khu vực Đông Nam Á ngần ngại chưa dám nhập khẩu phôi và thép cuộn cán nóng HRC vì xu hướng chưa rõ ràng, và nhu cầu có vẻ yếu, kéo theo chào giá từ các nước cũng giảm theo.

Trong đó chào giá HRC cán lại từ Đài Loan và Hàn Quốc giảm 10-20 USD/tấn so với tháng 10 xuống 620-630 USD/tấn fob (640-650 USD/tấn cfr), và chào giá của Trung Quốc là 630 USD/tấn fob, các nhà nhập khẩu Đông Nam Á cho rằng giá này quá cao và muốn mua ở mức 570 USD/tấn fob.

Tuy nhiên, thị trường tuần này đã xuất hiện tín hiệu khởi sắc do được lèo lái bởi thị trường thép Trung Quốc tăng giá suốt một tuần nay. Khả năng các nhà nhập khẩu Đông Nam Á đã chấp nhận các chào giá này nếu không các nhà xuất khẩu nhân cơ hội này sẽ tiếp tục còn nâng giá bán.

Nhập khẩu phế liệu ở Đông Nam Á cũng sôi động hơn trong tuần này với giá vượt qua mức 400 USD/tấn cfr. Giá sẽ còn điều chỉnh vì các nhà sản xuất ở Thái Lan sẽ trở lại thị trường phế liệu thế giới sau khi lũ ở nước này rút đi.

Riêng tại Việt Nam

Gần đây, một số thương nhân Trung Quốc xuất cho Việt Nam một số lô hàng khoảng 1.000-2.000 tấn HRC SS400B 3mm với giá 580-585 USD/tấn cfr. Hàng nhập khẩu tồn khá nhiều mà tình hình tiêu thụ chậm, vì vậy giới thương nhân đang hướng đến xuất khẩu lại một phần sang các nước châu Á, trong đó có Ấn Độ. Chào bán HRC 3-12mm của Việt Nam sang Ấn Độ là 580 USD/tấn fob.

Nhưng tín hiệu tăng tuần này có thể các nhà nhập khẩu Việt Nam sẽ gia tăng nhập khẩu trở lại để đón đầu.

Trong tuần, Việt Nam cũng nhập khẩu 5.000 tấn phế liệu 80:20 HMS 1&2 giao tháng 12 từ Singapore với giá 405-408 USD/tấn cfr và nhập phế container 80:20 từ Mỹ với giá 400 USD/tấn cfr.

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết xuất khẩu năm 2010 có thể đạt 1,4 triệu tấn, tăng  tới 130% so với năm ngoái. Tính đến hết tháng 10, tổng giá trị các đơn hàng xuất khẩu đã đạt 950 triệu USD.

Hiện giá thép trong nước phổ biến từ 13,2 - 13,85 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT). Khả năng các nhà sản xuất sẽ tiếp tục nâng giá bán do đồng nội tệ trong nước đang tăng so với USD.

Thị trường thép châu Âu

Sau nhiều tuần giảm giá, thị trường thép khu vực châu Âu đã bắt đầu ổn định trở lại.

Giá phôi thép của Italia đã tăng nhẹ kể từ tuần trước nhờ sự phục hồi của giá phế liệu gần đây. Hiện giá phôi trong nước có giá xuất xưởng khoảng 405-415 EUR/tấn.

Các nhà sản xuất thép Italia đang có xu hướng sản xuất phôi thay vì nhập khẩu, phôi nhập khẩu chào ở mức 580 USD/tấn (417 EUR/tấn) cif (550-560 USD/tấn fob).

Còn về HRC, các nhà sản xuất Italia và Tây Ban Nha duy trì giá chào bán ở mức 470-490 EUR/tấn (654-682 USD/tấn), HDG là 570 EUR/tấn, CRC 540-560 EUR/tấn và thép tấm là 664 EUR/tấn. Một số thương nhân hy vọng các nhà sản xuất trong khu vực sẽ cắt giảm sản lượng nhằm tăng giá bán.

Thị trường thép CIS

Chào bán phôi của Ukraina tại Biển Đen, giao tháng 01 đã chạm mức cao mới 565 USD/tấn fob do tình hình nguồn cung hạn hẹp, cũng như tác động từ giá phế liệu nhập khẩu của Thổ Nhĩ kỳ tăng cao.

Giá chào bán cho Iran tại Caspian Sea thậm chí còn cao hơn nữa là 610 USD/tấn fob do lực mua rất tốt để phục vụ cho sản xuất thép cây và xây dựng đường ray do có nhiều dự án xây dựng hạ tầng đang khởi động thi công. Tháng trước Iran đã nhập 500.000 tấn phôi.

CIS cũng nâng chào giá thép cuộn, loại dùng dệt lưới lên mức 600 USD/tấn fob từ mức chào 580 USD/tấn trước đó. Khả năng vào tuần tới các nhà sản xuất CIS sẽ tiếp tục nâng giá chào do tình hình cắt giảm sản lượng vẫn đang diễn ra.

 (Satthep.net tổng hợp)