Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường thép thế giới tuần 49

 

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 49

 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang lao đao và các doanh nghiệp gặp khó khăn đối với việc tiếp cận vốn, ít ai có thể tìm thấy sự thành công trong việc kinh doanh thép bởi thị trường ngày càng chật hẹp, ngột ngạt và rất khó khơi thông các giao dịch. Song, đây là tình trạng chung trong mấy tháng qua và đến tuần này vẫn được nhắc lại bởi chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Nhìn chung, các giao dịch dù là giữa các thương nhân với nhau hay với các nhà tiêu dùng trực tiếp thì cũng chỉ với số lượng rất nhỏ và không nhằm mục đích tích trữ. Nhu cầu giảm thấp và kinh tế thế giới đang gặp khó càng khiến các nhà thu mua chùn lại trước quyết định ký hợp đồng với số lượng lớn.

Giá thép trên hầu hết các thị trường giao ngay cũng theo đó mà giảm xuống hoặc chững lại chứ ít có trường hợp được đẩy lên cao hơn. Tuy nhiên, sự trổi dậy của thị trường phế và cận kề năm mới đã mang lại niềm tin cho các nhà sản xuất về triển vọng thị trường.

Hầu hết các nhà sản xuất đều hướng đến việc điều chỉnh giá tăng đối với các hợp đồng tháng 01 nhưng không phải ai cũng thành công và dễ dàng chốt các đặt mua.

Đông Nam Á

Đông Nam Á tuần này cũng không mấy sôi nổi trong các hoạt động giao dịch trên thị trường.

Mặc dù giá phôi thanh nhập khẩu sang khu vực này tăng 10 USD/tấn so với tháng trước nhưng đó là nhờ giá phế tăng lên chứ không phải do nhu cầu mạnh.

Tại Philippine, giới thương nhân vẫn tỏ ra do dự với các đặt mua vì sợ giá sẽ giảm trở lại một khi giá phế suy yếu.

Tại Thái Lan, người dân đã bắt đầu trở lại với công việc và công tác dọn dẹp sau lũ đang được tiến hành. Giới thị trường dự đoán nhu cầu phôi thanh sẽ tăng lên vào cuối tháng này nhờ  nhu cầu tích trữ của các nhà sản xuất thép nhằm phục vụ cho nhu cầu sau tết.

Mỗi tấn phôi thanh CIS giao tháng 01 và tháng 02 được bán sang nước này hồi tuần trước với giá 630-635 USD/tấn cfr Bangkok, còn phôi thanh từ Việt Nam thì có giá 628 USD/tấn.

Tại Việt Nam, nhu cầu phôi thanh trong nước vẫn còn yếu. Các nhà máy đang đẩy mạnh xuất khẩu và gần đây đã nâng giá từ 620 USD lên 630 USD/tấn do phế liệu đắt đỏ.

Trong khi đó, giá nhập khẩu HRC sang thị trường Việt Nam đã giảm 10-15 USD/tấn so với tháng trước.

Không những bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính thế giới mà do những chính sách thắt chặt tín dụng của chính phủ cũng khiến các doanh nghiệp phải lao đao trong việc tiếp cận vốn vay. Sự ế ẩm trên thị trường cũng là một yếu tố khác khiến các nhà nhập khẩu Việt Nam không mặn mà với các chào bán.

Hầu hết chỉ đặt mua với một lượng rất nhỏ đễ duy trì hoạt động kinh doanh của mình. HRC 2mm giao tháng 01 của Đài Loan tuần trước được các thương nhân trong nước đặt mua với giá 530 USD/tấn cfr, HRC từ Ấn Độ có giá 625 USD/tấn cfr và từ Nhật là 640 USD/tấn cfr.

Hàn Quốc

Tuần này, thị trường thép Hàn Quốc cũng không để lại dấu ấn nào đáng nói.

Giá HRC trên thị trường giao ngay đang có xu hướng giảm xuống, song các nhà sản xuất vẫn không có động tĩnh gì về việc điều chỉnh giá giảm. Do đó càng làm khách hàng rối rắm hơn vì không rỏ triển vọng thị trường sẽ đi về đâu.

Giá bán lẻ HRC SS400 tại thị trường Seoul tuần này chỉ ở mức 820.000-830.000 Won/tấn (719-728 USD/tấn), giảm 10.000-20.000 Won/tấn (8-16 USD/tấn) so với đầu tháng trước. Trong khi Posco vẫn giữ cho mình mức giá cao ngất ngưỡng 1,06 triệu Won/tấn kể từ tháng 04.

Giá chào xuất khẩu HRC tháng 11-12 sang các thị trường nước ngoài là 630-640 USD/tấn cfr nhưng hợp đồng được yết ở mức thấp hơn 10-20 USD/tấn.  Dù số lượng giao dịch khá mỏng manh nhưng các nhà sản xuất Hàn Quốc không có ý định điều chỉnh giá chào bán đối với các hợp đồng đầu năm mới 2012 do nguyên liệu thô khá đắt đỏ.

Nhập khẩu phế H1 từ Mỹ hiện đã tăng lên 440 USD/tấn cfr trong khi hồi tháng 11 giá chỉ ở khoảng 435 USD/tấn cfr.

Thị trường thép cây nhập khẩu tuần này cũng xuống sắc. Giá chào bán từ Trung Quốc và Nhật Bản giảm đáng kể nhưng số lượng giao dịch tương đối  ít.

Sự suy yếu của giá thép cây nội địa cộng với nhu cầu thấp do mùa đông sắp cận kề khả năng sẽ không hỗ trợ thị trường nhập khẩu sớm phục hồi trở lại.

Nhật Bản

Đồng Yên tăng giá so với USD đang là điều kiện thuận lợi để các nhà xuất khẩu tấn công vào thị trường thép Nhật Bản.

Nhìn chung, các đơn đặt mua không có nhiều nổi trội so với mấy tuần trước. Tuy nhiên số lượng nhập khẩu thép vào thị trường này tăng đáng kể và đang cạnh tranh khốc liệt với các nhà sản xuất trong nước.

HRC tháng 01 của nhà sản xuất Anshan Iron & Steel (Angang) Trung Quốc hiện được chào bán sang Nhật với giá 710 USD/tấn cfr, còn giá chào từ Hyundai Steel và Dongbu Steel của Hàn Quốc là 53.000-54.000 Yen/tấn gồm phí giao hàng. HRC tháng 12 của nhà sản xuất trong nước Tokyo Steel hiện có giá 58.000 Yen/tấn (743 USD/tấn) nhưng giá thực tế chỉ ở khoảng 56.000 Yen/tấn.

Châu Âu

 

Đón đầu sự phục hồi nhu cầu trong thời gian tới, các nhà sản xuất thép Châu Âu đang ráo riết chuẩn bị cho đợt điều chỉnh giá tăng trở lại trong quý Một năm 2012. 

 

Hiện tại, hầu hết các nhà cung cấp đều từ chối hạ giá bán HRC. Không những thế, họ chỉ chấp nhận giao dịch với giá 450-460 EUR/tấn xuất xưởng cơ bản trong khi mức giá tuần trước chỉ ở khoảng 440-450 EUR/tấn (593-606 USD/tấn) xuất xưởng cơ bản.

Khách hàng tuần này trở lại thị trường HRC đông hơn so với những tuần trước đó bởi lượng thép tồn đang vơi dần. Tuy nhiên, đồng EUR chưa rỏ xu hướng cũng làm họ quan ngại với việc đặt mua thép số lượng lớn.

Đối với thị trường HDG: Niềm tin giới tiêu dùng đã phục hồi nhẹ, song giá bán loại nguyên liệu này vẫn bị đì ở mức thấp.

Các nhà sản xuất Nam Âu hiện đang bán thép cuối tháng 01 với giá 520-550 EUR/tấn (700-740 USD/tấn) xuất xưởng cơ bản. Thép nhập từ nước thứ ba kém hấp dẫn hơn bởi có giá khá cao, 580 EUR/tấn cfr.

Trong khi đó, thị trường CRC phải đón nhận thông tin không mấy khả quan đó là hợp đồng CRC 6 tháng cuối năm được chốt với các nhà sản xuất đồ gia dụng với giá thấp hơn 06 tháng đầu năm, thông tin này có thể sẽ ảnh hưởng đến niềm tin thị trường và khó có thể kéo giá giao ngay phục hồi trở lại.

Giá CRC tại thị trường giao ngay tuần này ở mức 530-550 EUR/tấn xuất xưởng cơ bản trong khi mức giá mà các nhà sản xuất đồ điện gia dụng ký mua 6 tháng đầu năm nay là 570-580 EUR/tấn xuất xưởng cơ bản.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chi phí nguyên liệu thô tăng trở lại khiến giá thép thép thành phẩm Thổ Nhĩ Kỳ có động cơ tăng lên trong tuần này. Giá chào thép cây xuất khẩu đã tiến đến mốc 640-650 USD/tấn fob, cao hơn 20-30 USD/tấn so với trước đó.

 Không chỉ có thép dài mà các sản phẩm thép cuộn cũng đang có dấu hiệu vượt lên mốc cao hơn. Hầu hết các nhà sản xuất cho rằng giá CRC đã chạm đáy và có thể phục hồi vào tuần tới.

 

 CIS

 

Giá chào bán phôi thanh cuối tháng 12 và tháng 01 đã tăng 10-15 USD lên quanh ngưỡng 580 USD/tấn fob Biển Đen. Tuy nhiên, các nhà sản xuất không có ý định tăng sản lượng mà chỉ tập trung vào việc cũng cố giá bán.

Niềm tin thị trường quý tới rất tích cực, với sự tạm ngưng sản xuất của một số lò cao ở Châu Âu và sự tăng giá phế liệu tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến giá xuất khẩu phôi thanh nước này lên cao khả năng sẽ tạo điều kiện tốt để phôi thanh CIS tiến xa hơn nữa.

Đông Nam Á hiện vẫn tiếp tục đặt mua phôi thanh CIS, dù số lượng khiêm tốn nhưng giá bán khá ổn định, ở mức 630 USD/tấn cfr. Lực mua từ Trung Đông cũng đang phục hồi chắc chắn sẽ mang đến nhiều hứa hẹn cho thị trường phôi thanh CIS trong thời gian tới.

Trung Đông

Sức sống của thị trường Ả Rập Saudi đang dần được khôi phục trở lại khi các nhà cung cấp liên tục nhận được các đơn đặt mua từ khách.

HRC từ Viễn Đông xuất sang nước này được chốt tại mức 600-700 USD/tấn cfr, còn thép Ấn Độ là 650 USD/tấn cfr. Nhà sản xuất nội địa Hadeed SABIC thì chốt đơn hàng tháng 01 với giá 690 USD/tấn.

Với không khí sôi động như hiện tại, có thể giá thép sẽ được đẩy lên mức cao hơn trong tuần tới.

Tuy nhiên, thị trường Pakistan không làm hài lòng giới kinh doanh trong nước cũng như các nhà xuất khẩu nước ngoài. Giao dịch thép cuộn chậm do ảnh hưởng từ sự thiếu điện khiến tiêu dùng loại thép này sụt giảm.

Giá HRC từ Ukraina nhập sang nước này khoảng 570-600 USD/tấn cfr, từ Hàn Quốc giá khoảng 625 USD/tấn cfr, nhưng không mấy ai quan tâm.

Thị trường nguyên liệu thô

Phế liệu: Thị trường phế liệu tuần này có dấu hiệu phục hồi rỏ rệt. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngay sau khi đơn đặt mua phế từ các nhà máy tăng lên, giá chào phế xuất khẩu sang nước này từ Mỹ, Châu Âu cũng theo đó được đẩy lên. Các nhà cung cấp Mỹ hiện đang nhắm đến mức giá 435-440 USD/tấn cfr đối với phế HMS 1&2 80:20, còn giá chào từ Châu Âu là 425-430 USD/tấn cfr, tăng 7-10 USD/tấn so với tuần trước.

Tại Châu Á, các nhà sản xuất Nhật Bản và Hàn Quốc cũng liên tục điều chỉnh giá thu mua tại thị trường nội địa và nhập khẩu.

Hàn Quốc hiện đã nâng giá thu mua phế H1 của Mỹ lên 440 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với trước đó. Phế H2 từ Nhật cũng được điều chỉnh lên 425 USD/tấn cfr. Nhà sản xuất Tokyo Steel của Nhật cũng nâng giá thu mua tại thị trường nội địa thêm 9-12 USD/tấn nhằm đảm bảo nguồn cung.

Chỉ riêng phế tại thị trường nội địa Nga là theo xu hướng đi xuống do các nhà nhà sản xuất trong nước đã gom đủ phế tích trữ. Trong 06 tuần trở lại đây, các nhà sản xuất đã điều chỉnh giá giảm trung bình khoảng 100 USD/tấn, từ mức giá 12.000 Rup/tấn nay chỉ còn 8.000-9.000 Rup/tấn.

Quặng sắt: Sau khi mất 5 USD/tấn  trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu tuần trước, giá quặng Fe 62% của TSI đã dần lấy lại sức trong tuần này. Hôm thứ Tư, quặng loại này tại TSI được chốt tại mức 141,5 USD/tấn cfr Trung Quốc.

Sự tăng-giảm giá quặng trong tuần tới rất khó đoán vì niềm tin thị trường chủ yếu dựa vào triển vọng giá thép, song những thông tin dự báo cho thị trường nguyên liệu này rất mong manh và nhạy cảm.