Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường thép thế giới tuần 48

 

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 48

 

Tất cả những gì có thể nhận xét về thị trường thép thế giới trong tuần này đó là sự chuyển dịch thiếu tính đồng bộ và hoàn toàn không bền vững.

Tại thị trường Đông Nam Á, màu sắc ảm đạm vẫn hiện diện rỏ nét và chưa hề có dấu hiệu biến mất. Trong khi đó, thị trường thép Ấn Độ, Hàn Quốc cũng tê liệt ở cả khâu xuất-nhập hay đơn giản chỉ là mua bán trong nước. Chỉ riêng thép cây Nhật Bản là đang có những điều chỉnh tăng cho các đơn đặt hàng trong những tháng tới.

Tại Trung  Quốc, quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng của chính phủ đã giúp giới kinh doanh có nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay hơn trước. Nhờ đó, các giao dịch của một số sản phẩm thép cũng sôi động hơn. Tuy nhiên thị trường thép công nghiệp ở nước này vẫn chưa có sự bứt phá so với các sản phẩm thép dài khác.

Tại Châu Âu, các nhà sản xuất đang nhắm đến việc nâng giá thép cuộn nhưng thép tấm vẫn ủ ê và chưa biết đến tương lai.

Riêng đối với CIS, phôi thanh và phôi tấm xuất khẩu tiếp tục đi xuống và hiện chưa có yếu tố nào hậu thuẫn.

Đông Nam Á

Không chắc chắn về triển vọng thị trường năm 2012 cộng với sự bất mãn với nhu cầu hiện tại khiến giao dịch thép tại Đông Nam Á liên tục xuống dốc.

Thị trường thép cây và cuộn trơn Đông Nam Á trong tuần này chưa có sự thay đổi nào theo hướng tích cực. Sự trầm lắng hiu hắt cùng với vài ba đơn đặt mua lẻ tẻ  càng khiến giới thị trường mất niềm tin.

Thép cây trọng lượng lý thuyết được các nhà sản xuất Trung Quốc chào bán tuần rồi với giá 660 USD/tấn cfr, giá chào từ Hàn Quốc là 650 USD/tấn cfr.

Đối với cuộn trơn kéo sợi 5,5mm SAE 1008 của Trung Quốc thì có giá chào sang Philippines là 680-685 USD/tấn cfr và chào bán sang Thái Lan là 695-700 USD/tấn cfr.

 

Thị trường nhập khẩu thép bán thành phẩm cũng đang bị dồn đến chân tường. Sự tăng mạnh của đồng USD và tình trạng suy yếu thép thành phẩm khiến giao dịch phôi thanh và phôi  tấm trầm xuống hẳn. 

 

Giá phôi thanh tuần này vẫn ổn định nhưng số lượng đặt mua không nhiều. Phôi tấm cũng tương tự, tuy nhiên các nhà sản xuất phôi tấm không muốn điều chỉnh giá xuống và họ sẵn sàng giữ hàng ở lại nếu như không đạt được mức giá như mong muốn.

Giá phôi tấm được chào mua gần đây ở mức 540-550 USD/tấn cfr trong khi đó các nhà cung cấp CIS cho rằng nếu bán dưới ngưỡng 600 USD/tấn cfr thì sẽ bị lỗ.

Phôi thanh từ các quốc gia Châu Á hiện được xuất sang Philippine với giá 640-650 USD/tấn cfr, còn phôi CIS thì có giá 620-630 USD/tấn cfr.

Ấn Độ

Tuần này, thị trường nhập khẩu HRC vào Ấn Độ khá trầm lắng. Sự suy yếu liên tục của đồng Rupee khiến cho giá nhập khẩu không có tính cạnh tranh tại thị trường nước này.

Mặc dù các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn giữ nguyên mức chào bán HRC như hồi đầu tháng 11, trung bình khoảng 645-660 USD/tấn cfr nhưng đồng Rupee hiện chỉ ở khoảng 52,2 Rs/USD trong khi mức hoán đổi cuối tuần trước là 51,2 Rs.

Như một hệ quả, nhập khẩu thấp đã mang lại cơ hội tốt cho các nhà sản xuất trong nước. Các đơn đặt mua họ nhận được trong thời gian qua từ khách hàng là không nhiều, song các nhà sản xuất đã quyết định duy trì giá không đổi với kỳ vọng lượng nhập khẩu hạn chế sẽ khuyến khích khách hàng quay lại với thị trường thép trong nước.

HRC A/B loại IS 2062 dày 3mm tuần này có giá 34.000-35.000 Rs/tấn (651,5-670,5 USD/tấn) xuất xưởng, giảm 1.000 Rs so với giữa tháng 11 nhưng có thể sẽ được giữ ổn định trong tháng này.

Hàn Quốc

Giới thương nhân Hàn Quốc tuần này tiếp tục tạm ngưng các nhập khẩu HRC từ Trung Quốc do nguyên liệu trong nước còn khá nhiều. Hơn nữa, các chiến lược khuyến mãi mua hàng của các nhà sản xuất nội địa cũng thu hút khách hàng trong nước đến với họ, do đó thị trường thép nhập khẩu càng bị nguội lạnh hơn.

Hiện giá chào HRC từ Trung Quốc vẫn duy trì ổn định ở mức tuần trước là 620-630 USD/tấn cfr còn giá bán lẻ của các nhà sản xuất Hàn Quốc  là 830.000-840.000 Won/tấn (721-729 USD/tấn) nhưng dường như đang có xu hướng xuống thấp hơn.

Đối với xuất khẩu, lực mua từ Trung Quốc chưa cải thiện nhưng một số nhà sản xuất HRC Hàn Quốc như Posco đang nhắm đến việc nâng giá xuất khẩu tháng 01. Giới thị trường dự đoán giá HRC tháng 01 của nhà sản xuất này ở khoảng 630-640 USD/tấn fob nhưng Posco vẫn chưa xác nhận thông tin này và hiện họ đã tạm ngưng các chào bán.

Trong khi đó, CRC và thép tấm xuất khẩu được cho là đang theo chiều giảm xuống. CRC tuần trước được Hong Kong đặt mua với giá 700 USD/tân fob trong khi 02 tuần trước đó giá là 725-730 USD/tấn. Khả năng giá sẽ chưa dừng lại ở mức giảm này vì hầu hết các nhà sản xuất đang ồ ạt bán ra 1 lượng CRC khá lớn trong khi nhu cầu từ khách hàng không mạnh.

Nhật Bản

Xu hướng giá thép cây trên thị trường khá rối rắm bởi các nhà sản xuất có những điều chỉnh quá chóng vánh.

Dường như khách hàng chưa kịp trở tay với quyết định giảm 5.000 Yên/tấn đối với thép cây giao tháng 12 của Tokyo Steel,  đến thứ Hai tuần này nhà sản xuất này đã thông báo tăng giá trở lại lên 54.000 Yên/tấn.

Trong khi đó, nhà sản xuất thép cây lớn nhất nước này là Kyoei Steel cũng chưa minh bạch trong các giao dịch thép tháng 12. Họ chưa công bố giá chào bán nhưng vẫn nhận các đặt mua và sẽ thương thảo giá trên mỗi hợp đồng.

Nhà sản xuất này đang nhắm đến mức giá 65.000 Yên/tấn (844 USD/tấn) nhưng khách hàng chào mua ở mức 58.000-60.000 Yen/tấn (753-779 USD/tấn).

Hiện giá thép cây cỡ cơ bản tại Tokyo được chốt mức 60.000-61.000 Yen/tấn (779-792 USD/tấn) và giá tại Osaka dao động quanh 59.000-60.000 Yen/tấn, cả hai mức giá này đã giảm 1.000 Yen/tấn chỉ trong một tháng.

Đài Loan

Thị trường thép Đài Loan tuần này cũng chưa ngừng xuống giá. Trong tuần này, nhà sản xuất Chung Hung Steel Co cũng đã quyết định hạ giá HRC và CRC tháng 12 khoảng 1.800 Đài Tệ/tấn (59 USD/tấn) và 2.000 Đài Tệ/tấn nhằm phù hợp với xu hướng đi xuống của thị trường. Theo đó HRC của nhà sản xuất này sẽ có giá mới là 20.000 Đài Tệ/tấn và CRC là 21.600 Đài Tệ/tấn.

Tuần trước, Chung Hung cũng đã thông báo hạ giá HRC và CRC tháng 01-02 khoảng 1.762 Đài Tệ/tấn và 1.894 Đài Tệ/tấn.

Như vậy, có thể thấy rằng thị trường thép cuộn Đài Loan không những có khả năng phục hồi kém từ đây đến cuối năm mà thậm chí triển vọng quý 1/2012 cũng khá mờ nhạt.

Châu Âu

Dù chưa rỏ ràng nhưng tín hiệu phục hồi bắt đầu le lói tại thị trường thép cuộn Tây Bắc Âu. Hầu hết các nhà sản xuất đều nhắm đến việc điều chỉnh giá và nhanh chóng chốt các đơn đặt mua hiện tại.

HRC đang được bán tại mức 470-480 EUR/tấn xuất xưởng cơ bản nhưng giới trong ngành cho rằng mức 500 EUR/tấn sẽ nhanh chóng trở thành đáy thấp.

CRC và cuộn mạ kẽm cán nguội cũng được dự đoán tăng 10-30 EUR/tấn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này là điều không dễ dàng bởi lực mua hiện vẫn yếu.

Không nhận được nhiều kỳ vọng như thép cuộn nhưng giá thép tấm đến tuần này đã chấm dứt và dần đi vào thế ổn định.

Mỗi tấn thép tấm S235 hiện có giá 585 EUR/tấn xuất xưởng cơ bản, khả năng giá sẽ không giảm xuống thấp hơn nữa bởi chi phí phôi tấm cao hơn trước.

Hiện các nhà sản xuất Tây Bắc Âu đang chào bán thép tấm quý Một/2012 nhưng số lượng đặt mua còn khá khiêm tốn.

CIS

Phôi thanh CIS tiếp tục chứng kiến sự trượt dốc, với giá chào mua hiện chỉ ở khoảng 550 USD/tấn so với mức 560 USD của tuần trước đó.

Ngoài sự phục hồi của Viễn Đông, hầu hết các điểm đến khác của phôi thanh CIS như Iran, Ả Rập Saudi, Châu Âu giao dịch rất yếu. Tính thanh khoản chưa được nới lỏng và niềm tin thị trường sụp đỗ trước sự thất bại của thị trường thép thành phẩm khiến người mua ngày càng cẩn trọng hơn với các giao dịch.

Phôi thanh CIS hiện có giá chào khoảng 540-560 USD/tấn fob Biển Đen, tùy vào chất lượng và thời hạn giao hàng. Một số nhà sản xuất hiện vẫn chào bán với giá ngất ngưỡng 570 USD/tấn fob Biển Đen, nhưng hầu hết đều cho rằng đây là mức giá không thực tế.

Như vậy, để giá phôi thanh CIS quay về thời kỳ 600-620 USD/tấn fob, mức giá mà một thời được cho là đáy thấp, thì giờ đây có lẽ rất xa xôi và khó khăn mới với tới được.

Thị trường nguyên liệu thô

Phế liệu: giá phế tuần này có dấu hiệu tăng ở một số thị trường. Tại Nhật, Tokyo Steel đã điều chỉnh giá thu mua tăng 500-1.000Yên/tấn nhằm đảm bảo nguồn cung. Giá thu mua phế H2 của nhà sản xuất này hiện ở khoảng 26.000-28.000 Yên/tấn, tùy điểm vận chuyển đến.

Tại Hàn Quốc, các nhà sản xuất cắt giảm giá thu mua khoảng 5.000-15.000 Won/tấn (4-13 USD/tấn) nhưng gía phế được dự báo có thể đã chạm đáy. Giá phế tại Busan hiện ở mức 460-480.000 Won/tấn (399-416 USD/tấn), phế nhập khẩu từ Nhật có giá 29.500-30.000 Yên/tấn fob (383-390 USD/tấn), tăng 500-1.000 Yên/tấn (6,5-13 USD/tấn).

Nhập khẩu phế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu tăng trở lại trong tuần này, song song đó giá chào bán cũng được đẩy lên cao hơn.

Phế HMS 1&2 80:20 từ Mỹ nhập sang Thổ Nhĩ Kỳ có giá 427 USD/tấn cfr, còn phế vụn giá 432 USD/tấn cfr, tăng 8-10 USD/tấn so với tuần trước.

Quặng sắt: Trái ngược với phế liệu, thị trường quặng 1 tuần trở lại đây liên tục tuột dốc do khách hàng Trung Quốc giảm thiểu số lượng mua vào.

Quặng 62% Fe xuất sang phía bắc Trung Quốc hôm thứ Ba tuần này được yết tại mức 130,8 USD/tấn, giảm gần 10 USD so với chốt phiên hôm thứ Sáu tuần trước.

Một  số nhà sản xuất thép Trung Quốc có xu hướng mua quặng tồn ở cảng thay vì phải nhập mới với số lượng lớn hơn gấp nhiều lần, điều kiện kinh tế bất ổn và giá cả hàng hóa thất thường thì có lẽ đó là quyết định đũng đắn nhất.

Than cốc:  Các nhà sản xuất thép Đông Nam Á, Ấn Độ và Châu Âu đã hoãn các đặt mua than hiện tại, do đó giá than đi xuống có lẽ là điều không quá bất ngờ đối với các nhà tham gia thị trường. Giá than cốc chất bốc thấp (HCC) hôm 29/11 tại sàn Platt giảm xuống còn 230 USD/tấn fob Australia. HCC 64 chất bốc trung bình cũng xuống 196,5 USD/tấn.