Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường thép thế giới tuần 25

Tổng quan thị trường thép thế giới tuần 25

 Theo báo cáo từ Hiệp hội Sắt thép Thế giới cho thấy sản xuất thép thô tháng 05 được tổng hợp từ 64 quốc gia đạt 129,9 triệu tấn, tăng gần 3 triệu tấn, tức khoảng 2,3% so với sản xuất tháng 04.

Sản xuất trong 05 tháng đầu năm đạt khoảng 629 triệu tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2010.

Trong đó, sản xuất tại các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ tăng nhưng ở Đài Loan và Nhật Bản giảm.

Ở khu vực bắc Mỹ và nam Mỹ sản xuất tăng nhưng CIS vẫn duy trì ổn định. Ở Châu Phi và khối liên minh Châu Âu, sản xuất thép cũng giảm xuống trong tháng 05 rồi.

Quay lại với thị trường thép thế giới trong tuần này, nếu xét về tổng thể thì vẫn mang màu sắc ảm đạm. Tuy nhiên xu hướng trong những tuần tới vẫn rất khó đoán bởi những yếu tố hỗ trợ tăng giảm đan xen nhau.

Tại Châu Á, chính phủ các nước tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp thắt chặt tiền tệ nên thị trường tiêu thụ thép càng bị o ép, khó thở hơn.

Người tiêu dùng trực tiếp thì không có nhu cầu, người đầu cơ thì không muốn mạo hiểm, tất cả chỉ biết nhìn nhau và chờ đợi, có chăng cũng chỉ vài giao dịch lác đác cho các nhu cầu tạm thời.

Trong khi đó, chi phí nguyên liệu thô, điện, than tiếp tục gây áp lực cho các nhà sản xuất.

Tại Châu Âu, tình trạng cũng không khá hơn, hầu như mọi nơi đều trầm lắng, dù quyết định tăng hay giảm giá thì cũng không cải thiện niềm tin thị trường.

Châu Á

Ấn Độ

Dường như tình hình ngày càng xấu đi đối với thị trường thép Ấn Độ khi ngân hàng trung ương quyết định nâng lãi suất.

Tuy nhiên trước áp lực chi phí nguyên liệu đầu vào đắt đỏ, các nhà sản xuất Ấn Độ vẫn không dám nghỉ đến việc hạ giá bán vì biết trước mùa mưa sắp đến thì dù có hạ giá bán lực mua cũng không thể tăng thêm.

Nhu cầu từ các ngành tiêu dùng trực tiếp như xây dựng, sản xuất công nghiệp chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại càng làm thị trưởng thép ảm đảm hơn trong tuần này và triển vọng thị trường cũng dần rơi vào tình trạng bi đát hơn.

Thị trường thép cây nhiệt hoá học (TMT) bắt đầu xuất hiện những tín hiệu mất ổn định, dù vậy giá vẫn dao động với biên độ nhẹ, chỉ ở khoảng 300-500 Rs/tấn (7-11 USD/tấn), giá bán thép cây TMT 10-12mm vẫn bám ở ngưỡng 35.000-37.000 Rs/tấn (778-823 USD/tấn) xuất xưởng, chưa bao gồm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đầu tháng 06 các nhà sản xuất quyết định nâng giá cơ bản HRC thêm 500-600 Rs/tấn (11,1-13,4 USD/tấn) nhưng gặp sự phản đối của khách hàng nên hiện giá đã về lại mức bán trong tháng 05.

Khả năng giá thép tại thị trường Ấn Độ trong vài tuần tới sẽ không thể trụ vững ở mức hiện tại nếu như nhu cầu không cải thiện.

Đối với thị trường nhập khẩu, do sức mua nội địa kém nên thị trường nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng theo. HRC 3mm tiêu chuẩn thương phẩm SS400 có chứa boron được nhập từ Trung Quốc hiện có giá bán là 715-720 USD/tấn cfr, HRC SAE 1006 2mm Nga có giá 730-740 USD/tấn cfr, HRC dày 1.6-2mm và rộng 880-920mm của Nhật Bản giá 715-720 USD/tấn cfr. Nhưng các nhà nhập khẩu chỉ mua thép với số lượng rất nhỏ vì không có niềm tin vào thị trường tương lai.

Nhật Bản

Theo thống kê từ liên đoàn sắt thép Nhật Bản cho thấy sản xuất thép thô của nước này trong tháng 05 tăng 7,2% so với tháng 04, lên mức 9,04 triệu tấn, điều này cho thấy ngành công nghiệp thép tại Nhật đang phục hồi trở lại kể từ sau  động đất.

Tuy nhiên nhu cầu cải thiện không đáng kể cộng với những ảnh hưởng từ sau thảm họa thiên tại gây cản trở cho công tác vận chuyển khiến tồn thép thành phẩm ngày một dâng cao. Đó là chưa kể đến việc tăng nhập khẩu trong tháng 03 càng làm mất tính cân bằng giữa cung và cầu.

Cùng chịu sự ảnh hưởng trên, thị trường thép tấm Nhật Bản đang phải đối mặt với sức ép giảm giá trong khi chi phí đầu vào khá đắt đỏ. Giá thép tấm 16-25mm SS400 tại thị trường Tokyo hiện đang ở mức thấp 93.000 Yên/tấn (1.163 USD/tấn), nhưng xem ra khách hàng vẫn chưa hài lòng với mức giá này.

Cũng trong tuần này, nhà sản xuất thép hợp nhất Nhật Bản là Tokyo Steel quyết định giữ nguyên giá thép tháng 07, đồng thời thẳng thắn tuyên bố sẽ không xem xét đến việc điều chỉnh giá giảm. Nếu như lực mua tiếp tục xuống thấp thì nhà sản xuất này sẽ cắt cảm công suất hoạt động tại các nhà máy nhằm thắt chặt nguồn cung.

Đối với thị trường xuất khẩu, giá HRC nghe nói được chào xuất sang Việt Nam đã về mức 720-730 USD/tấn cfr so với giá hồi tháng 06. Tuy nhiên các nhà sản xuất Nhật Bản quyết định nâng giá cuộn trơn quý Ba 30-40 USD/tấn cho các hợp đồng xuất khẩu sang Châu Á.

Với quyết định nâng giá thu mua phế thêm 6-12.5 USD/tấn của Tokyo Steel, giá thép nội địa Nhật Bản trong những tuần tới khó có khả năng trở yếu, hơn nữa ngành sản xuất ô tô đang dần phục hồi chắc chắn sẽ cải thiện niềm tin cũng như sức mua tại thị trường.

Đài Loan

Trước tình hình giá phế ngày một tăng nóng ở cả nội địa lẫn quốc tế, thị trường thép thành phẩm tại Đài Loan cũng đi theo xu hướng này.

Một số nhà sản xuất quyết định nâng giá tháng 07 một phần là nhằm bù đắp chi phí đầu vào, hơn nữa, lực mua tại thị trường nội địa cũng không đến nổi tệ như các dự báo trước đó.

Trong tuần này, Feng Hsin và Hai Kwang quyết định nâng giá thép cây nội địa thêm 200 Đài tệ/tấn (7 USD/tấn). Như vậy thép cây SD 280 kích thước vừa do Feng Hsin sản xuất sẽ có giá mới là 20.800 Đài tệ/tấn (719 USD/tấn), còn giá bán của Hai Kwang là 20.300 Đài tệ/tấn.

Giá cuộn trơn tại thị trường Đài Loan đang ổn định nhưng khả năng sẽ có sự điều chỉnh tăng trong tuần tới nhằm phù hợp với xu hướng tăng giá của thị trường thế giới.

Tuy nhiên mức điều chỉnh sẽ không lớn vì hiện nhu cầu loại thép này vẫn trầm lắng.

Hàn Quốc

Tồn thép tăng liên tiếp kể từ đầu năm tới nay đang đẩy thị trường thép Hàn Quốc rơi vào tình trạng cung vượt cầu, qua đó gây áp lực lên giá bán.

Cho đến cuối tháng 05, tổng lượng tồn thép dẹt tăng lên 1.098 triệu tấn, trong khi tồn đầu tháng 01 chỉ ở mức 1,035 triệu tấn.

Tuy nhiên, giới thương nhân dường như được an ủi phần nào khi Viện thương mại và kinh tế Hàn Quốc (Kiet) cho rằng tiêu dùng thép tại nước này sẽ tăng 20% trong 06 tháng cuối năm.

Không những thế, thời điểm từ tháng 07-09 thường là lúc các nhà sản bắt đầu bảo trì  máy móc, nhà xưởng nên chắc chắn lượng tồn sẽ giảm xuống.

Với những yếu tố trên, thị trường thép Hàn Quốc trong những tháng tới hứa hẹn sẽ có nhiều cơ hội tăng giá.

Nhưng trong tuần này giá HRC tiếp tục giảm xuống do không được lực mua hỗ trợ. Hôm đầu tuần, HRC tiêu chuẩn thương phẩm lùi về ngưỡng 920.000 Won/tấn (845 USD/tấn), giảm 10.000 Won/tấn (9 USD/tấn) so với tuần trước đó.

Thị trường thép cây cũng rơi vào tình trạng tương tự. Sự đìu hiu ế ẩm tại nội địa khiến các nhà sản xuất phải tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu phôi thanh sang các nước khác.

Giá chào xuất khẩu sang Đông Nam Á hiện ở khoảng 655-660 USD/tấn fob, dù có nhích nhẹ 5-10 USD/tấn nhưng khách hàng muốn mua với giá thấp hơn.

Châu Âu

Châu Âu vẫn là thị trường thép khó dự đoán xu hướng giá nhất. Mặc dù các nhà sản xuất quyết định điều chỉnh nâng giá nhưng khả năng thành công rất mong manh vì nhu cầu yếu, hơn nữa những người có ý định mua hàng cũng phản ứng mạnh mẽ với các mức điều chỉnh.

Dự tính nâng phụ phí thêm 20 EUR/tấn vào đầu tháng 07 nhằm đẩy giá thép hình kích thước nhỏ lên 650-670 EUR/tấn (919-947 USD/tấn), còn giá thép thanh 610 EUR/tấn, nhưng đó còn là thách thức lớn cho các nhà sản xuất nếu như nhu cầu không cải thiện.

Giá thép tấm S235 nam Âu đã giảm trong những tháng gần đây xuống còn -620 EUR/tấn (851-895 USD/tấn) xuất xưởng, nhưng khả năng sẽ khó tăng trở lại cho đến hết tháng 09 vì khách hàng vẫn rất dè dặt với các quyết định đặt mua.

Tại Anh, CRC hiện có giá 610-620 Pound/tấn, còn giá HRC là 520-540 Pound/tấn (588-611 EUR/tấn). Dù vậy giới thương nhân cũng không dám mua hàng tích trữ vì xu hướng thị trường rất khó đoán, hơn nữa thép nhập khẩu tràn vào trong 01-02 tuần tới sẽ càng đè nặng áp lực lên giá thép nội địa.

Thổ Nhĩ Kỳ

Tưởng như sau bầu cử thị trường thép sẽ tốt hơn, nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Trước bối cảnh nền kinh tế chưa có hướng đi rỏ ràng, giới đầu tư thép cũng không muốn mạo hiểm với các đặt mua tích trữ. Bện cạnh đó, nhu cầu từ Trung Đông và Châu Âu cũng rất yếu, nếu đặt mua hiện giờ thì đến tháng 08 mới nhận được hàng, nhưng đó là thời điểm rơi vào Lễ chay Ramada nên nhu cầu tiêu dùng rất thấp.

Tuy nhiên các nhà sản xuất thép Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên định với các chào bán của mình, rút kinh nghiệm từ giá thép cây tăng mạnh trong mấy tuần trước rồi lại nhanh chóng tuột dốc, các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ dường như cân nhắc rất kỹ lưỡng với quyết định điều chỉnh giá bán nhằm tránh điều tương tự xảy ra đối với các sản phẩm thép còn lại.

Nhưng dù tính đi tính lại thì họ cũng không thoát khỏi phương án giảm giá trước sức ép từ nhu cầu, hơn nữa nếu giữ nguyên giá bán họ sẽ không thể cạnh tranh được với các nhà cung cấp nước ngoài.

Sau khi Ukraina chào bán HRC sang nước này với giá 750 USD/tấn, giá HRC nội địa Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhanh chóng được điều chỉnh giảm 20-30 USD/tấn. Tuần này giá bán nội địa nằm trong ngưỡng 750-770 USD/tấn.

Dù HDG không chính thức được giảm giá nhưng các nhà sản xuất sẽ chiết khấu 20-30 USD/tấn cho những khách hàng đặt mua với số lượng lớn. Tuy nhiên các chào bán HDG 0.5 mm có giá chính thức là 970-1.000 USD/tấn.

Còn đối với thép cây, sau khi tuột dốc liên tiếp trong những ngày gần đây, giá thép cây tuần này đã ổn định ở mức 1.390 TL/tấn.

CIS

Thị trường xuất khẩu phôi thanh CIS trở nên sôi động hơn trong tuần này sau khi giá giảm xuống còn 640-670 USD/tấn fob Biển Đen.

Xu hướng giá vẫn không rỏ ràng vì nguồn cung phôi khá hạn hẹp, trong khi đó hầu hết các đặt mua được cho là chỉ để kiểm tra thị trường chứ không phải cần cho nhu cầu thật sự.

Đối với thị trường HRC, giá xuất khẩu từ Ukraina gần đây đã tăng thêm 20 USD/tấn, nhưng khách hàng vẫn giữ thái độ chờ xem và chưa có ý định chấp nhận mức điều chỉnh này.

Tại thị trường Nga, mặc dù đang trong mùa cao điểm nhưng tiêu thụ thép vẫn không tăng đáng kể.

Giá hầu hết các sản phẩm thép đều duy trì ổn định. Giá cơ bản đối với HRC 2mm hiện là 22.150 roubles/tấn (793 USD/tấn) xuất xưởng, CRC là 23.830-27.300 roubles/tấn. Thép tấm dày 12mm có giá khoảng 22.300 roubles/tấn.

Trung Đông

AI Cập

Thị trường thép dẹt nội địa Ai Cập vẫn bình ổn cho tới thời điểm này, dù nhu cầu không ngừng tăng mạnh kể từ đầu tháng. Hiện tồn thép còn khá nhiều, dư luận dự báo nếu như giá thép bất ngờ tăng sẽ mang lại những ảnh hưởng tiêu cực tới lực cầu thị trường.

HRC được chào bán sang Ai Cập với giá 730-750 USD/tấn cfr, tăng nhẹ so với con số 720-730 USD/tấn của tuần rồi.

Giao dịch thép cây tại Ai Cập gần như chững lại do thương nhân chờ giá chào xuất từ Thỗ Nhĩ Kỳ đi xuống. Khả năng giá thép cây nội địa nước này sẽ giảm sâu thêm nữa trong phiên giao dịch của tuần tiếp theo.

UAE

Hiện thị trường thép cán dẹt  UAE vẫn không có gì thay đổi, hoạt động mua bán diễn ra khá sôi nổi và được dự báo tăng mạnh trong tháng 07.

HRC được chào bán sang UAE ở ngưỡng 750-760 USD/tấn crf, tương tự giá chào đầu tháng 06.

Ngược lại thị trường thanh vằn nước này hiện đã chạm ngưỡng 2.775-2.800 AED/tấn (755-762 USD/tấn), do bị lèo lái bởi động thái nâng giá của nhà sản xuất thêm 150 AED/tấn cho các lô hàng tháng 07.

Ả Rập Saudi

Thị trường thép cây tại Ả Rập Saudi ổn định mức 2.900 SAR/tấn (773 USD/tấn) do sức mua tăng nóng trên thị trường. Nhưng nhu cầu được dự báo suy yếu trong hai tuần tới do kỳ nghỉ lễ Ramanda cận kề.

Nhưng do được hỗ trợ bởi dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, giá sẽ không biến động nhiều trong thời gian tới.

Giới sản xuất thép tấm Ả Rập Saudi vẫn cương quyết giữ nguyên giá chào, nhưng khách hàng được hưởng mức chiết khấu 30-40 USD/tấn. HRC hiện chào bán với giá 780-820 USD/tấn, nhưng lại được khách hàng mua phổ biến với giá 740-750 USD/tấn.

Thị trường nguyên liệu thô

Giá phế liệu tại Châu Âu đang theo đà đi xuống trong tuần này do ảnh hưởng từ sự suy yếu của thị trường thép thành phẩm.

Phế nội địa Thổ Nhĩ Kỳ cho đến thời điểm này giảm xuống còn 650-740 TL/tấn (404-460 USD/tấn) từ mức đầu tuần là 670-755 TL/tấn (417-470 USD/tấn).

Tuy nhiên giá phế tại khu vực Châu Á đang tăng lên. Tuần này một số nhà sản xuất Đài Loan nâng giá thu mua phế, Nhật Bản cũng có quyết định tương tự.

Tokyo Steel đã tăng giá thu mua phế tại một số nhà máy thêm 500-1.000 Yên/tấn (6-12.5 USD/tấn), áp dụng từ ngày 23/06.

Tuy nhiên giá phế nhập khẩu vào Đông Nam Á vẫn duy trì ổn định.

Giá quặng Ấn Độ xuất sang Trung Quốc tuần này cũng bắt đầu trở yếu. Khả năng nhu cầu quặng từ Trung Quốc tiếp tục giảm xuống trong những tuần tới vì sức tiêu thụ thép hạn chế hơn sau khi ngân hàng trung ương nâng lãi suất.

Giá quặng 63.5%/63% Fe hôm 21/06 có giá trung bình khoảng 176-178 USD/tấn cfr.