Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường thế giới tuần 24

Tổng quan thị trường thế giới tuần 24

Thị trường thép thế giới trong tuần 24 này tiếp tục trầm lắng. Nhưng điều đáng nói hơn là ở hầu hết tất cả các thị trường giá đều theo hướng đi xuống chứ không cầm chừng hoặc tăng như mấy tuần trước mặc dù chi phí nguyên liệu thô chưa hạ nhiệt.

Trong thời gian qua, những nỗ lực của chính phủ các nước nhằm kiềm chế lạm phát cộng với sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô đang gây áp lực lên các ngành sản xuất mà đặc biệt là ngành thép.

Trước tình hình trên, dòng vốn ít ỏi vì các ngân hàng trung ương tăng lãi suất cũng như sự rủi ro quá lớn trong đầu tư khiến giới thương nhân không dám trữ hàng và luôn luôn để tồn ở trạng thái thấp nhất có thể.

Còn đối với người tiêu dùng trực tiếp như các nhà sản xuất ô tô, xây dựng hay đóng tàu. Trước diễn biến kinh tế chung trên toàn cầu đang giảm tốc, họ cũng chỉ đặt mua hàng với số lượng đủ dùng ngay hiện tại và tiếp tục theo chiến lược lúc cần mới mua, do đó ngay cả những nhà sản xuất ở thị trường sôi động nhất như Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ mới bán hết thép sản xuất giữa tháng 07.

Tuy nhiên, triển vọng thị trường trong những tháng tới có thể sẽ lạc quan hơn vì các nhà sản xuất bắt đầu với công tác bảo trì nên khả năng tồn thép sẽ giảm xuống. Hơn nữa, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp cũng đội lên theo giá điện mùa hè và trước sức tăng nóng của giá phế, việc điều chỉnh giá thép giảm nữa là không thể, có chăng cũng chỉ dao động nhẹ nhằm kích cầu mà thôi.

Còn đối với thép không gỉ, dù giá niken trong những tuần qua tiếp lục lao dốc, nhưng ngẫm lại thì giá còn khá cao so với thời điểm này năm ngoái nên không lý gì các nhà sản xuất thép không gỉ điều chỉnh giá giảm mạnh.

Châu Á

Ấn Độ

Trong khi giá thép tại hầu hết các nước trên thế giới đều theo xu hướng giảm thì các nhà sản xuất Ấn Độ cho đến thời điểm này vẫn tỏ ra cứng rắn với chính sách giữ giá ổn định, thậm chí một số mặt hàng còn được điều chỉnh tăng.

Tuy nhiên không phải do được nhu cầu hỗ trợ mà là vì họ đứng trước nguy cơ lỗ vốn nếu hạ giá bán.

Nhu cầu thép tại thị trường Ấn Độ vẫn theo tình hình chung của thế giới. Lực mua khiêm tốn vì hầu hết khách hàng đều chờ giá giảm mới chịu mua.

Với tình hình giá phế liệu ngày một leo thang như hiện tại tại thị trường trong nước lẫn quốc tế, các nhà sản xuất Ấn Độ không còn cách nào khác ngoài việc điều chỉnh giá phôi thanh tăng lên nhằm bù đắp chi phí, dù cho khách hàng vẫn giữ thái độ lạnh lùng với các chào bán.

Phôi thanh từ các nhà sản xuất tuyến hai tăng 400-600 Rs/tấn (99-11 USD/tấn) so với 02 tuần trước. Tuần này, phôi 100x100mm có giá 30.000-32.000 Rs/tấn (668-712 USD/tấn).

Tuy nhiên các nhà sản xuất hợp nhất vẫn kiên trì giữ giá vì không muốn mất khách hàng. Cho đến thời điểm này RINL vẫn áp dụng giá phôi 125x125mm như hồi 01/02, tại mức 35.200 Rs/tấn xuất xưởng, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 10,3% nhưng chưa tính VAT.

Đối với thị trường thép hình, nhu cầu khá hơn chút xíu nên một số nhà sản xuất đang nỗ lực nâng giá thêm 300-500 Rs/tấn (7-11 USD/tấn), nhưng đa số vẫn giữ giá ổn định.

Thép hình kích thước nhỏ tuần này có giá phổ biến 34.000-35.500 Rs/tấn (759-793 USD/tấn) xuất xưởng chưa bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT. Thép hình kích thước lớn hơn giá 35.000-36.500 Rs/tấn.

Giới thương nhân chưa muốn tái bổ sung tồn vì thường thì nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm thấp vào cuối tháng này, do đó khả năng giá thép tháng 07 sẽ trở yếu.

Đài Loan

Theo sau xu hướng giảm giá thép không gỉ của một số nước như Hàn Quốc, Đài Loan tuần trước cũng điều chỉnh giá sản phẩm này với mức giảm tương tự 50 USD/tấn lèo lái CRC không gỉ xuất sang Trung Quốc xuống còn 3.350-3.400  USD/tấn cfr.

Tại thị trường nội địa, dù giá phế đang tăng nóng nhưng tồn thép cao cộng với nhu cầu yếu đang kéo giá thép đi xuống. Tuy nhiên, giá có thể bật tăng trở lại vào đầu quý Bốn khi tồn thép vơi dần.

Nhật Bản

Nhìn chung, nhu cầu tiêu dùng thép tại Nhật chưa có sự đột biến trong tuần này. Không khí vẫn ảm đạm và giao dịch thưa dần. Duy chỉ ngành công nghiệp chế tạo ô tô mang đến nhiều hữa hẹn cho ngành thép vì sức phục hồi đang mạnh dần.

Kể từ cuối tháng 05 đến nay, giá thép cây tại thị trường nội địa Nhật giảm 2.000 Yên/tấn (25 USD/tấn) vì nhu cầu chưa phục hồi.

Thép cây kích thước cơ bản tại thị trường Tokyo hiện ở khoảng 64.000 Yên/tấn (800 USD/tấn). Còn giá tại Osaka ở khoảng 66.000 Yên/tấn.

Mặc dù giá thép cây tháng 06 giảm nhưng nhà sản xuất thép cây Kyoei Steel  quyết định giữ giá tháng 07 ổn định vì nguồn cung sẽ hạn hẹp hơn khi các nhà sản xuất cắt giảm sản xuất nhằm tiết kiệm điện trong mùa hè.

Giá thép dầm kích thước lớn tại thị trường Tokyo cũng giảm 1.000 Yên/tấn so với giữa tháng 05, và hiện được chốt ở mức 80.000-82.000 Yên/tấn.

Tuy nhiên triển vọng giá thép dầm trong những tháng tới có thể tăng lên khi Nippon Steel bảo trì các xưởng máy trong quý Ba này thay vì quý Bốn như kế hoạch trước đó. Thông qua đó, lượng tồn thép dầm trên thị trường có thể sẽ thu nhỏ lại và giá sẽ được đẩy lên cao hơn.

Trong năm tài khóa 2011 này, các nhà sản xuất lớn của Nhật Bản cũng nhắm đến việc nâng giá thêm 10.000 Yên/tấn đối với các khách hàng từ ngành sản xuất ô tô.

Vừa qua, các nhà sản xuất thép cuộn Nhật Bản cũng đã đi đến các thỏa thuận cuối cùng trong cuộc đàm phán giá CRC quý Hai với khách hàng Hàn Quốc. mức giá trung bình tính theo giá fob sẽ ở ngưỡng 800 USD/tấn. Tương tự, thép tấm có độ dày trung bình cũng ở mức gần  900 USD/tấn fob.

Hàn Quốc

Sau lần điều chính giá tăng mạnh của Posco, thị trường thép nội địa Hàn Quốc cho đến thời điểm này không đi theo hướng tích cực mà vẫn còn đó thái độ chần chừ của khách hàng trước quyết định đặt mua vì không biết xu hướng mới ra sao. Hơn nữa, theo sau đó một số nhà sản xuất âm thầm chiết khấu cho khách hàng khiến giá chào và mức giá thực tế chênh lệch nhau khá nhiều làm người mua rối rắm.

Các nhà sản xuất nước này cũng đang chào bán CRC sang Trung Đông với giá 830–840 USD/tấn fob nhưng vẫn chưa ai đặt mua.

HRC tiêu chuẩn thương phẩm giao tháng 07 và tháng 08 xuất qua Đông Nam Á vẫn được các nhà sản xuất giữ nguyên mức 720 USD/tấn.

Trước tình hình niken ngày một xuống giá, các nhà sản xuất Hàn Quốc đã quyết định hạ giá thép không gỉ tại thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Trong những ngày vừa qua, nhu cầu tại thị trường trong nước không tốt nên các nhà sản xuất thép Hàn Quốc đang tìm cách đẩy mạnh sản xuất ra thị trường các nước khác.

Thép không gỉ từ Hàn Quốc chào bán sang Trung Quốc giảm 50 USD/tấn và đang hiện diện mức giá 3.350-3.400 USD/tấn được áp kể từ tuần trước.

Châu Âu

Tình trạng khách hàng tiếp tục mua nhỏ giọt khiến giá hầu hết các sản phẩm thép Châu Âu theo hướng xuống. Mọi nỗ lực của các nhà sản xuất trong việc điều chỉnh giá tăng trong tháng 07 giờ đã tiêu tan và cuối cùng vẫn phải neo cắm tại mốc giá tháng 06.

Không những thế, sự suy yếu của đồng USD cũng làm tăng tính cạnh tranh cho hàng nhập khẩu. Dù các nhà sản xuất bán thép bán với giá thấp cũng không thể cạnh tranh nổi với các nhà cung cấp nước ngoài mà điển hình là Trung Quốc.

Tuần này, HRC tại tây bắc Âu được các nhà sản xuất nội địa bán với giá thấp 530-540 EUR/tấn (766-780 USD/tấn) xuất xưởng cơ bản. CRC có giá 630-650 EUR/tấn xuất xưởng tuy nhiên đã bị các nhà sản xuất Trung Quốc lấn lướt khi chỉ đưa ra giá chào thép cùng loại với giá 590-600 EUR/tấn cfr Antwerp mà thôi.

Giá HDG giao quý Ba cũng đã giảm xuống còn 630-680 EUR/tấn xuất xưởng cơ bản.

Đối với thị trường thép hình, giá vẫn duy trì ổn định tại mức 630-640 EUR/tấn (891-905 USD/tấn). Một số nhà sản xuất điều chỉnh giá thép hình kích thước nhỏ tăng lên 660-670 EUR/tấn nhằm bù đắp chi phí nguyên liệu đắt đỏ nhưng khả năng sẽ không được khách hàng chấp nhận.

Thổ Nhĩ Kỳ

Tuần này, thị trường thép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục suy yếu vì khách hàng chưa tham gia trở lại thị trường.

Sau khi tăng nóng trong mấy tuần liên tiếp, giá thép cây tại Thổ Nhĩ Kỳ trong 02 tuần trở lại đây đã quay đầu giảm nhưng với biên độ nhẹ.

Giao dịch gần đây nhất được chốt ở ngưỡng 1.360-1.440 TL/tấn (864-915 USD/tấn), giảm nhẹ so với tuần trước. Tuy nhiên khả năng giá sẽ tiếp tục đi theo hướng giảm vì lực mua sẽ ít dần vì sắp đến lễ chay Ramadda.

Giá phôi xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này ở khoảng 680 USD/tấn fob, còn giá bán tại thị trường nội địa là 700 USD/tấn xuất xưởng.

Tương tự, thị trường thép cuộn cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. Xu hướng không rỏ ràng đang kìm hãm lực mua. Dù giá vẫn duy trì ở mức đầu tháng 06 là 780-800  USD/tấn nhưng cố định giá ở mức này vẫn còn là thách thức lớn cho các nhà sản xuất trước tình trạng nhu cầu không mấy lạc quan như hiện nay.

Giá cuộn trơn tuần này vẫn bám chắc ở ngưỡng 770-810 USD/tấn xuất xưởng.

Có thể nhu cầu tại thị trường nội địa yếu nên các nhà cung cấp thép cuộn không gỉ mong chờ nhiều hơn ở thị trường xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên khách hàng nước này cũng không mặn mà với các chào bán cộng với sự suy yếu của niken trong những tuần qua đã không hỗ trợ cho giá đứng vững mà buộc phải đổi chiều giảm.

Các chào bán từ Châu Âu đối với CRC 304 dày 2mm sản xuất tháng 08 đang ở mức 3.650-3.700 USD/tấn cfr, còn từ Viễn Đông là 3.500 USD/tấn cfr, đã bao gồm thuế nhập khẩu 2%.

Trung Đông

Trong khi xu hướng chung của các thị trường trên thế giới là đi xuống thì giá thép dẹt tại Iran vẫn tiếp tục nhích lên trong tuần này. Tuy nhiên không do nhu cầu hỗ trợ mà là vì đồng rial mất giá.

HRC tuần này có giá khoảng 6,83-6,93 triệu IRR/tấn (582-590 USD/tấn), CRC là 8,68 triệu IRR /tấn (739 USD/tấn) và HDG là 9,45-9,73 triệu IRR /tấn (805-829 USD/tấn), giao từ khoảng 30 đến 60 ngày. Các mức giá trên chưa tính VAT.

Dự báo giá tuần tới có thể tiếp tục tăng thêm khoảng 2% nếu như chính phủ tiếp tục điều chỉnh giá trần.

Tại Ả Rập Saudi, thị trường thép dẹt được cân bằng khá tốt nhưng có thể lực mua sẽ tăng mạnh vào cuối tháng này vì tồn thép đang vơi dần.

HRC tại thị trường nước này đang có giá 780-820 USD/tấn, còn chào bán nhập khẩu vẫn ổn định  ở mức 740-750 USD/tấn cfr.

Tại Ai Cập, do nguồn cung thép cây đang suy yếu và thêm vào đó là sự tăng giá của phôi thanh nên các nhà cán lại đang nỗ lực nâng giá chào lên 5.000 EGP /tấn (841 USD/tấn).

Tuy nhiên nhu cầu tuần này rất yếu và khả năng giá sẽ sớm giảm nếu như thép cây tại Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hướng xuống.

Thị trường nguyên liệu thô

Thị trường quặng vẫn trầm lắng vì thiếu lực mua từ khách hàng Trung Quốc. Dù giá suy yếu trong các phiên giao dịch đầu tuần nhưng ít ngày sau đó đã phục hồi trở lại.

Thương nhân chưa muốn trở lại thì trường vì xu hướng giá trong những ngày tới không rỏ ràng. Vẫn còn đó các chính sách thắt chặt tiền tệ chủa chính phủ Trung Quốc nhằm kiềm chế lạm phát, hơn nữa ngành thép của nước này cũng chưa phục hồi trở lại nên gây áp lực lên sức mua quặng.

Quặng 63.5%/63% Fe của Ấn Độ xuất sang Trung Quốc trong những phiên giao dịch gần đây nhất có giá ở khoảng 177-180 USD/tấn cfr.

Đối với phế liệu, do ảnh hưởng từ ngành thép cây suy yếu nên giá phế trong những ngày cuối tuần cũng giảm theo. Không còn leo thang như mấy tuần trước, đến thời điểm này, phế tại hầu hết các thị trường trên thế giới đã chững lại.

Giá phế nội địa Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ổn định ở mức 690-780 TL/tấn (426-481 USD/tấn).

Giá phế nhập khẩu chỉ nhích nhẹ. HMS 1&2 80:20 từ Mỹ chào bán sang Thổ NHĩ Kỳ tuần này là 482-485 USD/tấn cfr, còn HMS 1&2 70:30 từ EU là 463-465 USD/tấn cfr.

Còn đối với phôi, giá vẫn tiếp tục tuột dốc ở cả giao sau lẫn giao ngay. Hôm đầu tuần niken giao ngay tại sàn đã về mức 22.245-22.250 USD/tấn và giao kỳ hạn 03 tháng là 22.225-22.230 USD/tấn.