Giá thép Trung Quốc tiếp tục đà tăng nhẹ, do tâm lý thị trường lạc quan về các chính sách cải cách nguồn cung trong ngắn hạn,giá nguyên liệu thô tăng và tồn kho thép giảm. Tuy nhiên, vì đang trong mùa thấp điểm nên sức mua thấp khiến nhiều người hoài nghi về tính bền vững của thị trường. Thị trường xuất khẩu cũng bất ổn trước các chính sách thuế quan bất ổn từ Trump.
Thị trường trong nước
Thép xây dựng
Giá thép cây giao ngay tại Thượng Hải tăng 20 NDT/tấn (2.78 USD/tấn) lên 3,120 NDT/tấn vào ngày 11/7.
Giá thép cây kỳ hạn tháng 10 tăng 1.1% lên 3,133 yên/tấn. Tâm lý thị trường vẫn lạc quan với kỳ vọng Trung Quốc sẽ khởi động cải cách nguồn cung để giải quyết tình trạng dư thừa công suất trong ngành thép. Tuy nhiên, giao dịch thép cây đã suy yếu so với phiên giao dịch ngày trước do người tiêu dùng cuối cùng lo ngại về nguy cơ giá có thể giảm sau khi giá thép cây kỳ hạn tăng hơn 100 NDT/tấn kể từ ngày 30/6.
Giá nguyên liệu thô cũng đang tăng theo giá thép. Jiangsu Shagang cho biết sẽ tăng giá mua phế liệu thép nóng chảy nặng số 3 thêm 50 NDT/tấn, lên 2,440 NDT/tấn, kể từ ngày 12/7. Các nhà cung cấp than cốc ở Nội Mông đã tăng giá than cốc luyện kim xuất xưởng thêm 50 NDT/tấn, kể từ ngày 11/7.
Thép công nghiệp
Giá thép cuộn cán nóng tại Thượng Hải đã tăng 20 NDT/tấn (2.79 USD/tấn) lên 3,290 NDT/tấn vào ngày 10/7, đạt mức cao nhất trong gần hai tháng. Giá HRC kỳ hạn tháng 10 trên Sàn giao dịch Tương lai Thượng Hải đã tăng 1.24% lên 3,273 NDT/tấn.
Bên bán đã nâng giá thêm 20-30 NDT/tấn lên 3,290-3,300 NDT/tấn do thị trường tương lai liên tục tăng, nhưng hoạt động giao dịch trên thị trường giao ngay đã chậm lại so với ngày hôm trước. Bên mua vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn do nhu cầu hạ nguồn vẫn yếu. Các nhà máy thép đang hoạt động với biên lợi nhuận 150 NDT/tấn cho thép cuộn cán nóng, và một số bên tham gia thị trường tỏ ra nghi ngờ về việc các nhà máy cắt giảm sản lượng với biên lợi nhuận này.
Ba nhà máy thép ở miền Bắc Trung Quốc đã thông báo sẽ tăng giá xuất xưởng HRC thêm 100 NDT/tấn cho các lô hàng tháng 8 so với giá tháng 7, sau khi Baosteel tăng giá xuất xưởng cùng mức vào ngày 9/7. Một nhà máy ở miền Đông Trung Quốc sẽ tăng giá mua phế liệu sắt thêm 50 NDT/tấn từ ngày 12/7, sau khi giữ nguyên giá kể từ ngày 27/5.
Thị trường xuất khẩu
Các nhà máy lớn của Trung Quốc đã đẩy giá chào lên 460-485 USD/tấn fob Trung Quốc cho thép cuộn SS400 và Q235, từ mức 455-485 USD/tấn fob của ngày hôm trước. Một nhà máy ở miền Bắc Trung Quốc đã bán 5,000 tấn HRC SS400 với giá 450-455 USD/tấn fob vào đầu tuần cho lô hàng tháng 9 và giá này không được công bố sau các giao dịch.
Một nhà máy khác ở miền Bắc Trung Quốc đã bán HRC SS400 hoặc các loại HRC tương đương với giá 455-460 USD/tấn fob vào đầu tuần cho lô hàng tháng 8 và đã chào giá ít nhất 463 USD/tấn fob cho các giao dịch mới vào thứ sáu. Các bên tham gia cho biết nhà máy đã tiến hành đại tu dây chuyền sản xuất HRC và thép cuộn từ đầu tháng 6 và sẽ sớm khôi phục sản xuất vào cuối tháng này.
Một nhà máy ở miền Đông Trung Quốc đã nâng giá chào hàng tham khảo lên 465 USD/tấn fob cho HRC SS400, tăng 10 USD/tấn so với giá chào hôm thứ Hai. Các công ty thương mại cũng đã tăng giá chào HRC SS400 của Trung Quốc thêm 10 USD/tấn, lên 490 USD/tấn cfr Trung Đông, nhưng người mua vẫn đứng ngoài do nhu cầu yếu.
Tuần trước, một nhà máy thép Malaysia đã bán một tàu HRC với giá 484 USD/tấn CFR tại Việt Nam, và nhà máy này chào bán với giá tương đương 480 USD/tấn xuất xưởng cho người mua địa phương tại Malaysia.
Một nguồn tin từ nhà máy cho biết, một nhà sản xuất thép tại Indonesia đã không tích cực chào bán HRC xuất khẩu sang Việt Nam vì mức giá mục tiêu của người mua chỉ là 480-485 USD/tấn CFR, quá thấp so với giá chào bán của nhà máy. HRC xuất xứ Nhật Bản đã được bán với giá 485 USD/tấn CFR tại Ấn Độ trong vài tuần qua, và giá này cũng có khả năng được bán cho người mua Việt Nam, mặc dù chưa có thỏa thuận nào được xác nhận. HRC loại SAE1006 xuất xứ Trung Quốc được chào bán với giá 482 USD/tấn FOB cho cuộn dày 2.0mm.
Triển vọng
Tâm lý thị trường gần đây được hỗ trợ từ chính sách cải cách nguồn cung trong nước. Dư thừa công suất đã là vấn nạn dai dẳng gây sức ép lên giá thép Trung Quốc nhiều năm qua. Do đó, thông tin về việc Chính phủ thúc đẩy một đợt cải cách đang gieo hy vọng cho thị trường về việc cung giảm trong năm nay.
Các cuộc đàm phán thị trường cho thấy một số nhà máy thép lớn tại tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc đã được yêu cầu cắt giảm sản lượng thép thô từ 10-30% trong năm nay, tính từ năm 2024, đồng nghĩa với việc sản lượng thép sẽ cần giảm khoảng 6 triệu tấn trong năm 2025.
Song chính sách vẫn chưa rõ ràng và hầu hết các nhà máy thép nhỏ đã ngừng hoạt động trong đợt cải cách trước đó nên nhiều người hoài nghi về hiệu quả thực sự của đợt cải cách mới.
Thực tế thị trường đang trong mùa thấp điểm, và đà giảm có phần chậm lại trong tháng qua, với khu vực phía nam gần kết thúc mùa mưa nên khả năng có những đợt phục hồi tiêu thụ ngắn hạn. Song tại thị trường phía bắc sẽ đỉnh điểm mùa nắng và mưa nhiều kìm hãm nhu cầu xây dựng.
Nhu cầu hạ nguồn chủ yếu dựa trên thu mua đủ dùng và ít nhu cầu đầu cơ. Hiện tại không có chỉ báo vĩ mô tích cực rõ ràng nào. Các nhà giao dịch thị trường sẽ thiên về chờ đợi và theo dõi nên thị trường không biến động quá nhiều. Chúng ta cần chú ý đến tình hình vĩ mô và cung trong tương lai.
Về mặt hỗ trợ chi phí, cắt giảm công suất thép và đóng cửa công suất lạc hậu hỗ trợ giá thép nhưng mặt khác gây áp lực lên giá nguyên liệu thô như quặng sắt, than cốc vì làm giảm lượng tiêu thụ chúng. Các nhà máy than cốc đang có kế hoạch gia tăng sản lượng bắt đầu từ tuần này. Số liệu mới nhất do Hiệp hội Công nghiệp Than Trung Quốc công bố cho thấy nước này đã sản xuất tổng cộng 1.99 tỷ tấn than thô trong năm tháng đầu năm, hỗ trợ vững chắc cho nguồn cung năng lượng trong mùa hè cao điểm. Trong tháng 5, sản lượng than thô của nước này vượt quy mô chỉ định là 400 triệu tấn, tăng 4.2% so với cùng kỳ năm trước. Lượng than tăng trưởng sẽ gây áp lực lên giá cả, khi các nhà máy thép yêu cầu cắt giảm giá than cốc một khi giá thép tiếp tục giảm.
Trên thị trường xuất khẩu, Việt Nam vừa hoàn tất thuế chống bán phá giá cho HRC nhập khẩu Trung Quốc ở mức 23.1-27.83%, cao hơn một chút so với con số sơ bộ là 19.38-27.83% được công bố vào ngày 21/02. Thuế sẽ có hiệu lực trong năm năm kể từ ngày 06/7. Thuế áp dụng cho HRC có độ dày từ 1.2-25.4mm và chiều rộng không quá 1,880mm. Hoạt động thu mua trở lại từ thị trường này nhưng nhu cầu cũng sẽ yếu. Trong khi đó, chính sách thuế quan bất ổn từ Trump cũng gia tăng bất ổn thương mại toàn cầu, khiến người mua chần chừ.
Tóm lại, trong tháng 7, áp lực cung cầu của thị trường thép xây dựng trong nước có thể vẫn tương đối lớn. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho hiện tại ở mức thấp, các yếu tố thuận lợi về mặt vĩ mô đang gia tăng song tình hình thuế quan bất ổn từ Mỹ gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu. Nhìn chung, kỳ vọng của thị trường trong tháng 7 sẽ biến động đan xen trong phạm vi hẹp, có những đợt phục hồi ngắn hạn. Phạm vi tăng giá trong khoảng 50 NDT/tấn trong tháng 7 - tháng 8.
Chào giá HRC Trung Quốc về Việt Nam dao động tăng rồi lại giảm trong phạm vi hẹp trong tháng 7-tháng 8. Phạm vi giá chào đạt khoảng 480-490 USD/tấn cfr Việt Nam cuối tháng 8.
Lưu ý: Dự báo chỉ mang tính chất tham khảo. Quý khách hàng nên tham khảo thêm nhiều nguồn tin khi quyết định mua bán.