Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bản tin thế giới ngày 17/09/2010

Tổng hợp thị trường thế giới

Châu Âu

Con đường phục hồi kinh tế ở khu vực châu Âu vẫn còn ngổn ngang phía trước. Nhiều ngành công nghiệp sử dụng thép như ngành đóng tàu, xây dựng chưa thể bình phục hoàn toàn về nguyên trạng như lúc đầu, duy chỉ ngành sản xuất ô tô, điện từ, máy móc là sáng sủa hơn đôi chút.

Toàn cảnh thị trường thép châu Âu trong tuần qua nhìn chung giá cả có sự điều chỉnh tăng nhẹ chút ít so với tuần rồi, nguyên nhân chủ yếu do sự tác động của chính sách cắt giảm sản lượng từ Trung Quốc. Mặc dù kỳ nghỉ hè ở châu Âu đã chính thức khép lại kể từ đầu tháng 09, nhưng dường như sự trở lại của giới thương nhân và các nhà sản xuất thép ở khu vực này vẫn chưa đông đảo như kỳ vọng. Thị trường chưa thấy dấu hiệu gia tăng nhiệt độ vì hầu hết thương nhân và người tiêu dùng khá thận trọng, chỉ tham gia giao dịch theo hình thức thăm dò do xu hướng chưa rõ ràng.

Theo dự báo, trong tháng 10 tới đây thị trường sẽ phấn khích hơn vì chính phủ các nước trong khu vực sẽ tung ra các gói kích cầu để kích thích tăng trưởng kinh tế, nhất là sẽ tập trung vào ngành xây dựng. Do đó, nhiều nhà sản xuất thép châu Âu đã mấp mé đến chuyện nâng giá vào tháng tới. Cụ thể ArcelorMittal đặt ra mục tiêu nâng giá thép cuộn cán nóng HRC lên mức 630 EUR/tấn, hay ThyssenKrupp dự kiến nâng giá 30 EUR/tấn.

Ngoài ra, một số nhà sản xuất nước ngoài như ArcelorMittal cũng đang nhắm đến mục tiêu giá bán cơ bản HRC tại mức 630 EUR/tấn, CRC là 540 GBP/tấn từ mức 530 GBP/tấn vào châu Âu.

CIS

Tuần này, thị trường thép của các nước thuộc khối CIS được đánh giá tốt nhất vì vẫn duy trì nhịp tăng đều đặn, nhất là xuất khẩu. CIS tiếp tục nâng giá chào ra nước ngoài vì không còn hàng để bán, mà phải tập trung phục vụ cho nhu cầu ngày một lớn mạnh hơn trong khu vực.

Tiêu biểu NLMK và Severstal đã kết thúc nhận đơn đặt hàng giao tháng 10. Trong đó, thép cuộn cán nóng HRC của nhà sản xuất NLMK của Ukcraina chào bán tại Biển Đen đã đạt mức giá 645 USD/tấn fob và thép cuộn cán nguội CRC là 730 USD/tấn fob. Còn nhà sản xuất MMK của Nga có giá chào HRC tại Biển Đen điều chỉnh lên 650 USD/tấn và CRC là 730 USD/tấn fob.

Trong khi giá phôi chào bán tại Biển Đen tuần này của CIS đều không có giá dưới 565 USD/tấn (432 EUR/tấn) fob và giá chào vào Đông Á không có giá dưới 585 USD/tấn cfr. Theo phản ánh, các chào bán này đã vượt quá khả năng của các nhà nhập khẩu, tuy nhiên CIS nhất quyết không nhượng bộ hạ giá thấp hơn chút ít dù không nhận được đơn đặt hàng. CIS cũng không bận tâm họ có nhận được đơn đặt hàng hay không vì hiện tại họ không có đủ hàng để cung cấp.

Châu Á

Hiệu ứng về chính sách cắt tiết kiệm năng lượng của Trung Quốc đầu tháng 09 vẫn còn ảnh hưởng đến tổng thể thị trường thép châu Á vào đầu tuần này, nhưng dần về cuối tuần thị trường có vẻ trầm lắng hơn, giá cả cũng điều chỉnh giảm nhẹ do thiếu nhu cầu thực tế giới tiêu thụ trực tiếp.

Nhật Bản

Ngay sau khi thị trường thép Trung Quốc biến động mạnh từ tuần trước, giá thép tại Nhật cũng rịch rịch tăng. Nhiều nhà sản xuất của nước này đã nâng giá bán trong nước vào tháng 10 với lý do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, nhất là phế liệu. Giá phế liệu No 2 HMS giao ngay đến các nhà máy tại Kanto có giá bằng tiền mặt là 31,333 yên/tấn.

Gần đây cũng xuất hiện tin đồn Nhật sẽ nâng giá xuất khẩu thép cuộn cán nóng HRC vào Việt Nam lên mức 700 USD/tấn fob trong quý Tư năm nay, nhưng sẽ gặp khó khăn do gặp phải sự cạnh tranh mạnh từ các nhà xuất khẩu khác như Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. Tiêu biểu Trung Quốc chào giá HRC chỉ ở mức 500 USD/tấn fob, còn sản phẩm HRC chất lượng tốt nhất giá cũng chỉ ở mức 680 USD/tấn fob.

Hàn Quốc

Tiêu điểm của thị trường thép Hàn Quốc tuần này là thông báo nâng giá xuất xưởng của Hyundai Steel với thép cây khoảng 30-40 USD/tấn lên mức 630-640 USD/tấn, và thép dầm hình H, chủ yếu sử dụng trong ngành xây dựng, lên 710-720 USD/tấn từ mức 680-690 USD/tấn.

Hàn Quốc cũng đã nâng giá chào bán thép cuộn cán nóng HRC vào Việt Nam lên 650-655 USD/tấn cfr từ mức 645-650 USD/tấn cfr của tuần trước đó.

Đông Nam Á

Thị trường nhập khẩu thép cuộn cán nóng và phôi thép ở Đông Nam Á tuần này vẫn duy trì bầu không khí trầm lắng do nhu cầu ở khu vực yếu kém. Trong đó, Trung Quốc chào bán HRC SS400B 3-12mm tiêu chuẩn thương mại vào Đông Nam Á với giá 630 USD/tấn fob. Theo một số nguồn tin, giá chào bán trong tuần này không nhiều do đồng USD đã trở yếu so với đồng nội tệ của các nước trong khu vực, do đó các nhà cung cấp đang có ý định nâng giá xuất khẩu lên.

 

Các nhà nhập khẩu từ chối mua phôi của CIS

Thị trường phôi thép xuất khầu của CIS trong tuần này lắng đọng hơn vì ít các hoạt động giao dịch do người mua tỏ ra căng thẳng trước diễn biến giá tăng quá cao kể từ sau lễ chay Ramadan, mà hiện chưa có dấu hiệu xẹp xuống.

Hầu hết các nhà cung cấp phôi CIS đều không có giá chào bán tại Biển Đen với giá dưới 565 USD/tấn (432 EUR/tấn) fob, mức giá này được cho là quá tầm tay với của các nhà nhập khẩu, dù nhu cầu vẫn tốt. Hơn nữa, nguồn cung phôi được cho là sẽ kéo dài thiếu hụt từ đây cho đến tháng 12.

Trong khi đó, tại Đông Á, các nhà cung cấp phôi CIS cũng không chào dưới mức 585 USD/tấn cfr, mà trên mức 590 USD/tấn cfr. Iran từng là thị trường nhập khẩu phôi nóng nhất của CIS, nhưng dường như giá cao khiến họ cũng phải lưỡng lự và đang tìm kiếm nguồn hàng rẻ hơn từ các nhà cung cấp khác, khả năng sẽ là Ấn Độ.

 

Giá phế liệu nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ giảm nhẹ

Theo nguồn tin từ SBB, tuần này Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập ba lô phế liệu từ châu Âu với giá thấp hơn so với tuần trước do nhu cầu yếu hơn.

Hôm qua (16/09), Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập lô phế liệu 30.000 tấn HMS 1&2 70:30 với giá 381 USD/tấn cfr. Hồi đầu tuần này, hai lô phế liệu HMS 1&2 75:25 cũng đã được nhập về có giá 383-385 USD/tấn cfr sau khi nhận được chào bán ở mức 392 USD/tấn trước khi những ngày cuối cùng của lễ chay Ramadan kết thúc.

Do nhu cầu từ các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ chậm hơn, nên Mỹ không thay đổi giá chào bán trong tuần này. Trong đó phế liệu vụn vẫn giữ nguyên mức 410 USD/tấn cfr và phế liệu HMS 1&2 80:20 là 400-405 USD/tấn cfr.

 

Giá thép HRC của Thổ Nhĩ Kỳ tăng nhẹ

Do tâm lý thị trường có phần cải thiện, nên giá thép cuộn tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng nhẹ trong tuần này. Theo xác nhận từ giới thương nhân không có nhiều giao dịch trong tuần này, kỳ vọng tuần tới tình hình sẽ tốt hơn.

Hiện thép cuộn cán nóng HRC sản xuất trong nước có giá bán dao động từ 620-650 USD/tấn. Trước khi kết thúc lễ chay Ramadan, giá dao động từ 610-650 USD/tấn.

Trong khi HRC chào bán của Ukraine vào Thổ Nhĩ Kỳ là 610 USD/tấn cfr, chưa bao gồm thuế nhập khẩu 9%.

 

Thép không gỉ châu Á tăng giá nhờ nickel phục hồi

Tuần này, giá thép không gỉ ở châu Á tiếp tục tăng do giá nickel phục hồi tốt. Trong đó, giá thép tấm cán nguội không gỉ 304 giao kỳ hạn từ một đến hai tháng của Đông Nam Á vào Trung Quốc tuần này đã điều chỉnh lên mức 3.050-3.200 USD/tấn cfr, tăng 50 USD/tấn so với giá cách đó một tuần.

Chào bán từ Đài Loan cũng tăng 50 USD/tấn lên mức 3.100-3.250 USD/tấn. Tuy nhiên, sau khi các nhà sản xuất nước này nâng giá chào lên mức kịch 3.250 USD/tấn thì không nhận được các đơn đặt hàng nào, khách hàng chỉ có thể chấp nhận đặt mua từ 3.100-3.200 USD/tấn. Một số thương nhân cho biết, tuần này, Đài Loan cũng đã tiến hành thanh lý một khối lượng không lớn hàng cũ tồn kho chỉ với giá chỉ 3.050-3.100 USD/tấn.

Tuần này, Nhật vẫn giữ nguyên giá chào không thay đổi so với tuần rồi ở mức 3.300-3.400 USD/tấn, nhưng sẽ rất khó tìm được khách hàng đồng ý mua với mức giá cao này, một thương nhân ở miền nam Trung Quốc nói. Trung Quốc cũng nhận được chào giá từ các nhà cung cấp Hàn Quốc không có gì thay đổi so với tuần trước là 3.100-3.200 USD/tấn.

Theo dự báo của giới trong ngành, thị trường vào đầu tháng 10 sẽ trầm lắng hơn do Trung Quốc kỷ niệm đại lễ Quốc khánh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/09, giá nickel giao kỳ hạn ba tháng tại sàn giao dịch London chốt ở mức 23.170/5 USD/tấn, tăng 800 USD/tấn so với cách đó một tuần.

 

Thị trường thép ống hàn Trung Quốc ế ẩm

Đồng hành cùng các loại thép khác, trong tuần này ống thép hàn của Trung Quốc cũng không thể duy trì đà tăng như tuần trước do thiếu lực cầu.

Tại Thượng Hải (ngày 16/09), thép ống hàn kháng điện ERW Q235 114x3.75mm sản xuất tại Hà Bắc được giới thương nhân chào bán ở mức 4.800 NDT/tấn (713 USD/tấn), bao gồm thuế VAT, giảm 20-50 NDT/tấn (3-7 USD/tấn) so với tuần rồi.

Hầu hết các thương nhân đều tỏ ra không mấy lạc quan về triển vọng giá sẽ điều chỉnh tăng trở lại sau khi thị trường thép cuộn cán nóng HRC biến động giảm, cộng thêm thị trường phôi và thép băng hẹp cũng bất ổn.

Theo nhận định của hầu hết thương nhân, ngoài ảnh hưởng từ các thị trường thép khác, nguyên nhân chủ yếu gây áp lực cho thị trường thép ống hàn là thiếu sức mua. Dù thương nhân chiếu cố giảm giá bán nhưng cũng không thành công trong việc đẩy mạnh doanh số bán. Thị trường ế ẩm hơn, và các thương nhân không còn gì khác là chờ đợi.

Kể từ cuối tuần qua, các nhà sản xuất thép ống ở Đường Sơn tiếp tục cắt giảm giá xuất xưởng, và đến ngày hôm qua, giá xuất xưởng của khu vực này còn 4.650 NDT/tấn (691 USD/tấn), giảm 150 NDT/tấn so với tuần trước.

Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất ở Hà Bắc trong tuần này cũng hạ giá xuất xưởng thép băng hẹp tổng cộng 140 NDT/tấn (21 USD/tấn) xuống còn 4.380 NDT/tấn (651 USD/tấn).

 

Thị trường thép cây vằn Trung Quốc dự báo tích cực hơn vào tháng tới

Kể từ thứ Ba tuần này, giá thép cây vằn tại Thượng Hải đã trượt giảm do giới thương nhân và cả người tiêu dùng trực tiếp của Trung Quốc chưa sẵn sàng tái bổ sung nguồn dự trữ với giá cao, bất chấp một số nhà sản xuất như Shagang và Hebei Iron & Steel (Hegang) đều đã nâng giá bán từ 200-300 NDT/tấn (30-45 USD/tấn) trong tháng tới.

Hôm qua (16/09), thép cây HRB335 16-25mm do các nhà máy tuyến hai sản xuất được hầu hết các thương nhân địa phương chào bán ở mức 4.200-4.220 NDT/tấn (624-627 USD/tấn), bao gồm thuế VAT, giảm 100 NDT/tấn (15 USD/tấn) so với thứ Hai đầu tuần, thậm chí theo một số nguồn tin giá bán đã giảm xuống dưới mức 4.200 NDT/tấn.

Phát biểu với SBB, một thương nhân ở Thượng Hải nói, sau khi giá tăng trong hai tuần qua, nhiều thương nhân đã đẩy mạnh doanh số bán ra, do đó hàng tồn hiện không còn nhiều, chừng phân nửa so với cách đây vài tuần. Nhân lúc giá đang đi xuống, giới tiêu dùng sẽ chờ thêm ít thời gian nữa để xem giá còn rẻ thêm nữa không. Tuy nhiên, theo dự báo, khả năng trong tháng 10, giá tiếp tục diễn biến theo hướng tăng.

Thị trường trong tháng 10 được dự báo sôi động hơn do các ngành công nghiệp, đặc biệt là xây dựng sẽ tái khởi động theo chương trình của chính chính phủ với kế hoạch hoàn tất xây dựng 5,8 triệu nhà ở bình dân, do đó, nhu cầu thép sẽ tăng.

 

CRC tại Trung Quốc giảm giá

Giá thép cuộn cán nguội CRC tại thị trường Trung Quốc cũng bắt đầu triệu chứng giảm trở lại do sức ép giảm giá của thép cuộn cán nóng HRC.

Tại Thượng Hải, CRC 1.0mm hiện có giá bán dao động từ 5.120-5.200 NDT/tấn (764-776 USD/tấn), và tại Lecong (Quảng Đông), CRC cùng loại có giá 5.350 NDT/tấn (799 USD/tấn), cả hai đều giảm 50 NDT/tấn (7,5 USD/tấn) so với tuần rồi. Giá bán trên đã bao gồm thuế VAT 17%.

Mặc dù thị trường nhận được sự hỗ trợ tích cực như sản lượng thép cắt giảm, rồi các nhà sản xuất như Baosteel và Wuhan Iron & Steel nâng giá xuất xưởng tháng 10 từ 110-200 NDT/tấn (16-30 USD/tấn) và 100 (15 USD/tấn), nhưng giá cả trên thị trường vẫn không thể kéo dài đà tăng giá như tuần rồi, thay vào đó trở yếu do ảnh hưởng từ thị trường HRC, mặt khác do thiếu lực cầu thực tế từ người tiêu dùng trực tiếp.

Một số thương nhân cho biết, hàng CRC mà họ đang bán trên thị trường chủ yếu là hàng lấy từ nhà máy hồi tháng 07 và 08 với giá thấp hơn từ 300-400 USD/tấn (45-60 USD/tấn) so với hiện tại, do đó, giá có giảm đôi chút thì các thương nhân vẫn có lời.

 

Thị trường phôi Đông Nam Á vẫn đìu hiu

Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thị trường phôi thép nhập khẩu Đông Nam Á trong tuần này trầm lắng, hoạt động giao dịch thưa thớt do nhu cầu vẫn ì ạch.

Tuần rồi, Việt Nam đã nhập khẩu phôi thép từ Hàn Quốc với giá 580 USD/tấn cfr. Một nước Đông Nam Á khác là Thái Lan cuối tuần qua cũng đặt mua 5.000 tấn phôi từ Đài Loan cũng với giá 580 USD/tấn cfr.

Còn trong tuần này, Việt Nam nhập phôi của Nga với giá 580-590 USD/tấn, trong khi Philippines và Thái Lan nhập với giá cao hơn chút ít là 590-600 USD/tấn cfr. Một số thương nhân Đông Nam Á cho biết, hiện họ đang nhận được chào bán từ Hàn Quốc và Đài Loan là 585-590 USD/tấn cfr.

Theo một số nguồn tin, giá chào bán trong tuần này không nhiều do đồng USD đã trở yếu so với đồng nội tệ của các nước trong khu vực. Trước sức ép suy yếu của mệnh tệ thanh toán chung USD, các nhà cung cấp phôi nước ngoài đang có ý định nâng giá xuất khẩu lên, một thương nhân Singapore cho hay.

Trong khi đó, Malaysian cũng là một trong những nhà cung cấp phôi ở Đông Nam Á, và đã chào bán vào Việt Nam với giá 590 USD/tấn fob trong tuần này nhưng rất ít khách hàng đặt mua.