Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thoát khỏi “cơn bĩ cực”, ngành thép năm 2024 sẽ thấy ánh sáng?

Năm 2023 là năm khó khăn đối với ngành thép Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Giá thép xây dựng năm 2023 có xu hướng giảm là chủ đạo. Tuy nhiên, theo nhiều kỳ vọng, ngành thép năm 2024 sẽ đón nhận những tín hiệu khởi sắc…

Năm 2023, ngành thép Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn, thị trường ảm đạm. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm ngành thép đã có những tín hiệu tích cực, thị trường khởi sắc hơn. Sang năm 2024, ngành thép được kỳ vọng sẽ phục hồi và có mức tăng trưởng tốt hơn.

21 LẦN GIẢM GIÁ TRONG 1 NĂM

Năm 2023, thị trường thép xây dựng nội địa Việt Nam có khoảng 34 đợt điều chỉnh giá niêm yết chính thức. Trong đó, có 21 lần điều chỉnh giảm giá với tổng mức giảm của thép cuộn từ 2,15 - 2,35 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn từ 1,9 - 2 triệu đồng/tấn. Còn lại là 13 đợt tăng giá chính thức với tổng mức tăng tính tới hiện tại là 1,8 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn và từ 1,55 - 1,95 triệu đồng/tấn với thép thanh vằn.

Như vậy, giá thép xây dựng năm 2023 có xu hướng giảm giá là chủ đạo và giá bình quân của thép xây dựng trên thị trường nội địa năm 2023 giảm từ 9,6 - 10,4% so với năm 2022.

Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép giảm do thị trường bất động sản đóng băng, các dự án xây dựng giảm. Ngoài ra, thị trường thép còn bị tác động bởi các yếu tố thị trường thép thế giới, nhất là thị trường Trung Quốc.

Chủ tịch VSA cho biết, trong các công trình xây dựng, giá thép chiếm khoảng 30% trong cơ cấu chi phí vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng. Những tháng cuối năm 2023, các dự án đầu tư công thường “chạy” tiến độ giải ngân. Do đó, ngành thép cũng được hưởng lợi khi sản lượng bán ra sẽ tăng lên.

Về sản lượng, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cho biết, tháng 12/2023, toàn hệ thống đạt sản lượng tiêu thụ trên 322.800 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thép xây dựng đóng góp trên 224.700 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ; thép dẹt đạt sản lượng trên 98.100 tấn, tăng 93% so với cùng kỳ.

san-luong-thep-vnsteel-4390.jpg

Sản lượng tiêu thụ thép thành phần của VNSTEEL (Nguồn: VNSTEEL)

Lũy kế cả năm 2023, tiêu thụ thép thành phẩm đạt trên 2,93 triệu tấn, giảm 13% so với năm 2022. Trong đó, thép xây dựng đạt trên 2,13 triệu tấn giảm 20% so với năm 2022, thép dẹt đạt trên 0,79 triệu tấn tăng trưởng 17%.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, sản xuất thép cán cả nước tăng 12,7%, thép thanh và thép góc giảm 8,9%. Trong số các ngành công nghiệp, sản xuất thép thanh, thép góc là một trong số những ngành công nghiệp chủ lực nhưng còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố bất lợi.

Sản lượng thép thanh, thép góc ở cả 3 quý năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022 đều giảm. Các tháng đầu năm giá thép liên tục giảm do nhu cầu tiêu thụ chậm, số lượng các công trình dân dụng được khởi công còn ít, hoạt động đầu tư công dần được đẩy mạnh nhưng chưa đủ sức giúp thị trường thép tốt hơn.

Trong khi đó, các nhà sản xuất trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá xuất khẩu. Đến quý 4/2023, sản xuất thép thanh, thép góc mới dần phục hồi và sản lượng tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Sang nửa tháng đầu năm 2024, giá thép trong nước đã ghi nhận 1 phiên tăng giá ngày 8/1. Sau phiên tăng, các thương hiệu thép nội địa đang bán với giá khoảng 13.850 – 15.300 đồng/kg. Trong đó, thép Pomina có giá cao nhất cả nước với 15.300 đồng/kg. Các thương hiệu khác ghi nhận mức giá chủ yếu quanh vùng 14.000 đồng/kg.

KỲ VỌNG SẼ THOÁT KHỎI “CƠN BĨ CỰC”

Theo Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), năm 2023 là năm khó khăn đối với ngành thép Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Tuy nhiên, năm 2024, nhiều khả năng nhu cầu thép của Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng tương đương hoặc cao hơn mức tăng trưởng kinh tế (kế hoạch 6 - 6,5%).

Sự phục hồi của ngành thép dự kiến thể hiện rõ nét hơn trong 6 tháng cuối năm 2024 khi các nút thắt của ngành bất động sản tại Việt Nam từng bước được tháo gỡ. VNSTEEL đã đặt kế hoạch sản lượng thép thành phẩm năm 2024 là 3,095 triệu tấn. Trong điều kiện thị trường diễn biến thuận lợi hơn, các nhà máy trong hệ thống tổng công ty sẽ phát huy tối đa công suất để phục vụ nhu cầu của khách hàng và thị trường.

Cùng quan điểm, Tổng cục Thống kê dự báo nhu cầu thép và giá thép có thể tăng trở lại trong các tháng sắp tới khi đầu tư công được đẩy mạnh và tác động lan tỏa đối với các ngành sản xuất nhưng đà tăng có thể khiêm tốn. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành thép cần tiếp tục bám sát thị trường, dự báo cung cầu để tận dụng cơ hội, tiết giảm chi phí hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Mới đây, trong báo cáo triển vọng ngành thép năm 2024, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng lợi nhuận của các công ty thép được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện và giá thép phục hồi.

Theo đó, SSI Research dự báo tổng sản lượng tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ phục hồi hơn 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tiêu thụ nội địa đạt mức tăng trưởng gần 7%.

“Kênh nội địa đã có những dấu hiệu phục hồi đầu tiên vào cuối năm 2023 khi sản lượng tiêu thụ từ tháng 9 đến tháng 11 đã tăng 13%, sau khi giảm 20% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2023”, nhóm phân tích SSI Research nhận định.

Mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ nhờ tình hình vĩ mô và thị trường bất động sản khởi sắc hơn. Trong chu kỳ trước, tiêu thụ thép xây dựng năm 2013 đã tăng khoảng 3% so với mức đáy năm 2012.

Theo SSI Research, lợi nhuận các công ty thép có thể đã chạm đáy trong năm 2023 và sẽ phục hồi trong 2 - 3 năm tới. Công ty chứng khoán này kỳ vọng lợi nhuận của các công ty thép sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 từ mức nền thấp của năm 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, đặc biệt là của Tập đoàn Hoà Phát và Tập đoàn Hoa Sen.

cong-ty-thep-2643.png

Biên lợi nhuận gộp của các công ty thép (Nguồn: SSI Research)

Cụ thể, SSI Research dự báo lợi nhuận của Tập đoàn Hoà Phát sẽ phục hồi 80% trong năm 2024 nhờ cả sản lượng tiêu thụ và biên lợi nhuận gộp đều cải thiện. Sản lượng tiêu thụ của công ty dự kiến sẽ tăng 11% trong năm 2024.

Đối với Tập đoàn Hoa Sen, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi mạnh trong năm 2024 với mức tăng hơn 20 lần so với mức nền thấp được thiết lập trong năm 2023, mức thấp nhất kể từ năm 2006. Đồng thời, thị trường nội địa có thể phục hồi tốt hơn kênh xuất khẩu trong năm 2024.

Nguồn tin: Tạp chí thương gia

ĐỌC THÊM