Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kiến nghị chống bán phá giá thép cán nóng

Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), vừa qua Tập đoàn Hòa Phát và Công ty Formosa đã nộp đơn lên Bộ Công thương kiến nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Doanh nghiệp lo ngại thép nhập khẩu tăng mạnh lấn át sản xuất trong nước. Ảnh: T.H.

Doanh nghiệp lo ngại thép nhập khẩu tăng mạnh lấn át sản xuất trong nước. Ảnh: T.H.

Yêu cầu bổ sung thông tin

Sau khi xem xét hồ sơ yêu cầu điều tra của các donh nghiệp (DN) sản xuất trong nước, căn cứ quy định tại Điều 28 và Điều 30 Nghị định số 10 ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), Cục PVTM đã có thông báo đề nghị các DN nộp hồ sơ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hồ sơ để làm rõ các nội dung, thông tin có liên quan đến cáo buộc về hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã nhận được ý kiến của một số DN khác có liên quan bày tỏ sự quan tâm về khả năng khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo Cục PVTM, quy trình tiếp theo liên quan đến vụ việc: Sau khi các DN sản xuất trong nước nộp bổ sung thông tin, hồ sơ theo yêu cầu, Cục PVTM sẽ xem xét hồ sơ căn cứ trên các quy định của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 10/2018. Trường hợp hồ sơ cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, Cục PVTM sẽ tiếp tục yêu cầu các DN hoàn thiện và nộp tới Cục PVTM.

Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương và Nghị định số 10/2018, Cục PVTM sẽ có 45 ngày để thẩm định chi tiết nội dung hồ sơ về các cáo buộc liên quan đến hành vi bán phá giá, thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và mối quan hệ nhân quả để làm cơ sở quyết định điều tra hoặc không điều tra vụ việc. Trong quá trình thẩm định, Cục PVTM sẽ xem xét, đánh giá kỹ lưỡng và khách quan các thông tin theo đúng quy định của pháp luật.

Nếu đối chiếu quy định, biện pháp chống bán phá giá được áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu có 3 điều kiện là bán phá giá với biên độ được xác định cụ thể; ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể; Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa điều kiện 1 bán phá giá và thiệt hại của DN ở điều kiện 2.

Chiếu 3 yếu tố trên đối với ngành thép hiện tại, dấu hiệu bán phá giá khá rõ ràng. Số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy lượng nhập khẩu thép cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng đột biến, chiếm lĩnh thị phần thép cán nóng trong nước.

Năm 2022 lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc đạt hơn 3 triệu tấn. Đến năm 2023, lượng nhập khẩu đã tăng lên hơn 5,72 triệu tấn, tăng hơn 47%. Ở chiều ngược lại, trong năm 2022, thị phần sản phẩm thép cán nóng HRC của Hòa Phát và Formosa đạt 45% trong tổng thị phần trong nước. Tuy nhiên, đến năm 2023, thị phần thép cán nóng sản xuất tại thị trường nội địa đã giảm xuống chỉ còn 30%.

Như vậy, việc HRC nhập khẩu tăng mạnh trong năm 2023 và tiếp tục đà tăng của quý 1/2024 đã khiến ngành sản xuất trong nước đang dần mất đi thị phần tại thị trường nội địa.

Khó chấp nhận thép nhập khẩu lớn hơn sản xuất trong nước

Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, DN yêu cầu khởi kiện điều tra chống bán phá giá là việc bình thường. Cơ quan quản lý nhà nước khi tiếp nhận yêu cầu sẽ thực hiện theo quy trình cũng như các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Quan trọng nhất là cần đánh giá tác động đầy đủ nếu không áp thuế chống bán giá phá thì sẽ tác động đến sản xuất trong nước như thế nào? Còn áp thuế chống bán phá giá vừa phù hợp với các cam kết quốc tế vừa giảm thiểu tiêu cực cho DN sản xuất thì còn tác động thế nào đến tổng thể của ngành… Do đó một cuộc điều tra để có đánh giá cụ thể, chi tiết cũng là cần thiết.

Xung quanh việc Tập đoàn Hòa Phát và Formosa gửi đơn đề xuất điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu, tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 diễn ra vào ngày 11/ 4 vừa qua, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cũng cho rằng đây là điều bình thường. Nhiều quốc gia cũng tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập từ Việt Nam. Vấn đề chính là lượng thép HRC nhập khẩu về Việt Nam quá lớn. Cụ thể, năm 2023 sản xuất HRC trong nước chỉ 6,7 triệu tấn mà tổng lượng nhập khẩu lên đến 9,6 triệu tấn. Mới nhất, số liệu sản phẩm HRC nhập khẩu qua hải quan quý 1/2024 là 3 triệu tấn trong khi 2 đơn vị sản xuất HRC trong nước là Hòa Phát và Formosa chỉ làm ra 2 triệu tấn.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát phân tích: thép là "bánh mì" của nền công nghiệp. Nhìn vào các cuộc xung đột gần đây trên thế giới thì cũng dễ dàng nhận thấy thép rất có ý nghĩa với công nghiệp quốc phòng, an ninh quốc gia.

Theo thống kê từ Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), trên thế giới, từ năm 2010 đến nay có 27 vụ việc yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép cán nóng được khởi xướng, tỷ lệ áp dụng thành công biện pháp là 100%, qua đó chứng minh tầm quan trọng của biện pháp PVTM này đối với ngành sản xuất thép cán nóng của nhiều quốc gia trên thế giới.

Gần như tất cả các nước có ngành sản xuất thép cán nóng nội địa đều khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm này, ví dụ Hoa Kỳ, Thái Lan, Brazil, EU, Indonesia, Ấn Độ, Canada, Australia.... Các nước Trung Quốc và Ấn Độ thường xuyên nằm trong danh sách các nước bị cáo buộc bán phá giá sản phẩm thép cán nóng.

Nguồn tin: Đại đoàn kết

ĐỌC THÊM