Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xuất khẩu vàng lãi lớn, thép lại thua đau - vì sao?

- Một hiện tượng đáng chú ý trong 2 tháng đầu năm là kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng kim loại quý, đá quý tăng vọt đến hơn 30 lần so với cùng kỳ, mang về kim ngạch 939 triệu USD, trong đó chủ yêu là việc tái xuất vàng khi giá thế giới đang tăng cao.
 
Xuất khẩu vàng trở thành một điểm đáng chú ý, nhất là khi nó trở thành nhân tố quan trọng khiến Việt Nam xuất siêu trong những tháng đầu năm.
 
Theo số liệu thống kê, xuất khẩu nhóm hàng kim loại quý, đá quý và các sản phẩm có liên quan trong tháng 2/2008 không đáng kể, chỉ vào13 triệu USD. Thế nhưng, tháng 2/2009 tình hình đã khác hẳn. Kim ngạch xuất khẩu loại hàng này ước tính lên đến 800 triệu USD. Tính chung hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này ước đạt 939 triệu USD, bằng 3.152,6% cùng kỳ năm trước.
 
Tất các các DN kinh doanh vàng bạc lớn cho biết, mức tăng tăng trưởng đột biến này có được chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép xuất khẩu vàng miếng trong tháng 2 vừa qua. Việc này không chỉ làm kim ngạch tăng đột biến mà còn giúp các DN kiếm được một khoản lãi lớn nhờ tái xuất được một lượng vàng miếng đáng kể đã nhập khẩu với giá thấp hơn từ nửa đầu năm ngoái.
 
Nếu loại trừ phần xuất khẩu vàng ra khỏi kim ngạch xuất khẩu của cả nước thì trong 2 tháng đầu năm nay, nước ta sẽ nhập siêu tới 617 triệu USD, chứ không phải xuất siêu hơn 300 triệu USD như đã công bố. Trong khi đó, trước khi cho xuất khẩu, giá vàng trong nước luôn thấp hơn giá thế giới và có thời điểm đã thấp hơn khoảng 800 đồng/lượng.

Xuất khẩu và lãi lớn dù Việt Nam không sản xuất được vàng miếng. (Ảnh: VNN)
 
 
 
Ông Lưu Quang Điền - Giám đốc Công ty cổ phần SJC Hà Nội cho rằng, việc xuất khẩu vàng có ý nghĩa rất lớn, giúp lưu thông hàng hoá, khiến giá cả vàng trong nước ngang bằng với giá thế giới. Đặc biệt, trong hoàn cảnh hiện nay, việc xuất khẩu vàng cũng giúp thu về một khoản ngoai tệ lớn góp phần ổn định tỷ giá và cán cân thanh toán.
 
Về lâu dài, ông Điền cho rằng nên để DN không chỉ xuất mà cả nhập vàng để lưu thông thị trường. Cuối năm 2008, khi sức ép nhập siêu lớn, chúng ta phải tạm dừng nhập khẩu nhưng tình hình nay đã khác, có thể tính chuyện cho nhập khẩu để ổn định và cân đối thị trường trong nước.
Việc xuất khẩu vàng được Ngân hàng Nhà nước quyết định diễn ra kín đáo và rất nhanh chóng đã mang lại hiệu quả và được đánh giá rất cao trong việc điều hành. Bởi vì, quyết định đúng thời điểm để DN xuất khẩu được giá, thu được ngoại tệ và chính nhờ nguồn ngoại tệ này mà khi xuất khẩu giảm, vốn FDI có dấu hiệu tiếp tục ra khỏi thị trường thì thị trường ngoại tệ vẫn không biến động nhiều.
Còn việc giá vàng trong nước tăng lại được các DN cho là bình thường. Bởi lẽ nó giúp đưa giá vàng nội địa tiếp cận gần với giá thế giới sau một thời gian luôn thấp hơn vì thị trường bị ngăn cách bởi cấm xuất và nhập.
Câu chuyện buồn từ ngành thép!
Thế nhưng, những quyết định như việc cho xuất khẩu vàng tiếc rằng lại chưa nhiều. Câu chuyện buồn của ngành thép là minh chứng rõ nét cho nhận định này.
Trong năm 2008, khi giá phôi thép thế giới mới chớm tăng, nhiều DN trong nước đã nhập khẩu nhiều về dự trữ. Tuy nhiên, do gặp bất lợi vì kinh tế trong nước khó khăn, tiêu thụ thép giảm mạnh, phôi thép nhập khẩu tồn kho với khối lượng rất lớn.
Trong khi đó, giá phôi thép thế giới tăng mạnh, nhiều DN đã nhanh tay tái xuất để kiếm lãi. Nhưng do quan niệm muốn giữ phôi thép để bình ổn thị trường trong nước nên thuế xuất khẩu phôi thép đã được nâng lên cao, việc xuất khẩu bị ngăn lại. Việc này khiến cho DN thép rơi vào khó khăn vì tiêu thụ không được, tái xuất không xong... Có thời điểm, vốn tồn đọng phôi thép lên đến khoảng 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới đảo chiều nhanh chóng, giá phôi thép hạ rất nhanh. Lượng phôi thép mà DN Việt Nam nhập được vào đầu thời kỳ tăng giá, rẻ hơn nhiều khi giá thép đến đỉnh và nếu được xuất khẩu sẽ có lãi lớn thì nay thành loại thép đắt.
Đến lúc đó, dù đã được hạ thuế thì việc xuất khẩu cũng không thành vì thế giới dư thừa, giá phôi xuống thấp hơn cả giá Việt Nam đã nhập. Các DN thép đành gánh chịu thua lỗ, còn thị trường vẫn tiếp tục chấp nhận dùng thép với giá đầu vào cao còn tồn đọng.
 
Bức xúc về quan điểm điều hành này, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép cho rằng, suy nghĩ cái gì Việt Nam không sản xuất được thìchỉ có nhập mà không xuất trong hoàn cảnh đã gia nhập thị trường thế giới là một sai lầm.
Ông Cường dẫn chứng, nhiều nước không hề có mỏ sắt, họ nhập sắt vụn và quặng sắt để luyện phôi bán ra thế giới. Tuy nhiên, khi sắt vụn và quặng có giá họ sẵn sàng bán thô để kiếm lãi ngay, còn khi giá đầu vào thấp họ lại đưa vào luyện thép để kiếm lãi thông qua công đoạn chế biến. Đấy là sự vận hành linh hoạt khi chúng ta đã hội nhập với thị trường quốc tế.
 

Phôi thép đã mất cơ hội kiếm lãi như vàng trong năm 2008. (Ảnh: VNN)

Việt Nam không sản xuất vàng và không tự chủ được phôi thép điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể kinh doanh và kiếm lãi từ mặt hàng này trên thị trường quốc tế. Hồng Kông hay Singapore là những khu vực sản xuất rất ít nhưng doanh số xuất nhập khẩu của họ rất lớn và rất nhiều hàng hóa Việt Nam phải chấp nhận tạm nhập tái xuất, phân phối qua họ. Lợi nhuận của các DN ở đó có khi còn cao hơn giá trị gia công mà DN Việt Nam có được.
Từ câu chuyện thắng lớn của xuất khẩu vàng nhớ lại sự trả giá quá đau của phôi thép càng thấy kinh doanh khi hội nhập thị trường quốc tế có những phương thức mới, đòi hỏi không chỉ DN nhanh nhạy, nắm bắt thông tin mà các nhà quản lý cũng cần "thị trường hơn" trong những quan điểm điều hành của mình.

ĐỌC THÊM