Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Xuất khẩu năm 2019: Biết nắm bắt cơ hội từ các FTA, kết quả sẽ khả quan

 Lĩnh vực xuất khẩu được đánh giá còn nhiều khó khăn, nhưng biết tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do sẽ có kết quả khả quan.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia tới 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, 10 FTA đã ký kết và có hiệu lực. Ngày 14/1 vừa qua, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Các FTA đã có hiệu lực đang góp phần gia tăng hiệu ứng tích cực của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất – nhập khẩu năm 2019.

Theo báo cáo sơ bộ đánh giá định lượng về lợi ích và cơ hội của CPTPP đối với Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do tác động của cắt giảm thuế quan, CPTPP, Việt Nam sẽ đạt được lợi ích từ xuất khẩu với tổng mức tăng thêm xuất khẩu là trên 4% (tương đương 4,09 tỷ USD). Tốc độ tăng xuất khẩu sang các nước trong CPTPP sẽ tăng thêm ở mức 14,3% (giả định lũy tiến đến năm 2035), tương đương với 2,61 tỷ USD.

Đối với EVFTA, bài toán gia tăng xuất khẩu cũng khá khả thi. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy, EVFTA sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân từ 4% - 6%/năm trong vòng 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Giả sử, EVFTA có hiệu lực vào năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng thêm được 16 tỷ USD ngay trong 1-2 năm đầu tiên so với trường hợp không có FTA.


Việc tham gia các FTA như CPTPP và EVFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp trong ngành dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) cho rằng, với các FTA, CPTPP và EVFTA sắp có hiệu lực, nếu như không cẩn trọng và có bước đi thích hợp, doanh nghiệp Việt sẽ phải nhường thị phần cho các doanh nghiệp FDI vốn có lợi thế hơn về vốn, kinh nghiệm, công nghệ, con người.

Khi đó, nhiều doanh nghiệp FDI sẽ thiết lập chuỗi sản xuất từ sợi - vải - may mặc tại Việt Nam, vừa để tận dụng các lợi thế miễn giảm thuế từ các FTA, vừa tránh ảnh hưởng, giảm ảnh hưởng nếu có rủi ro kịch bản căng thẳng thương mại với Mỹ trong tương lai. Nếu như vậy, kịch bản tăng trưởng của toàn ngành dệt may vẫn sẽ tốt, chỉ có tăng trưởng khu vực DN nội là đáng quan ngại.

“Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đưa ra các giải pháp cụ thể với từng kịch bản thị trường. Doanh nghiệp may làm việc chặt chẽ với khách hàng cũng như doanh nghiệp sợi vải, liên kết chuỗi để cùng vượt qua các khó khăn thách thức mà biến động thị trường gây ra", ông Hiếu lưu ý.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), các FTA đều "có đi có lại" nên cơ hội và thách thức đối với Việt Nam luôn song hành. Tuy nhiên, Việt Nam và EU có sự khác biệt nhiều về cơ cấu sản xuất nên tính bổ sung sẽ nhiều hơn tính cạnh tranh.

"Thị trường EU rất rộng lớn, mở ra cơ hội lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng cũng thu hút FDI tăng theo, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", TS. Nguyễn Đức Độ cho biết.

Nguồn tin: VOV

ĐỌC THÊM