Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang. |
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khi nói về đề xuất của Bộ này và trả lời báo chí xung quanh phản ứng của 2 Hiệp hội ngành nghề Thép và Xi măng.
Nguồn tin: eFinance
Theo Thứ trưởng Lê Dương Quang, thép và xi măng là 2 ngành chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng lượng tiêu thụ điện thương phẩm cả nước (khoảng 10,5%) và đang làm gia tăng sự mất cân đối trong cơ cấu sử dụng điện của cả nền kinh tế.
Trong khi nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc đầu tư quá lớn vào 2 ngành này (dẫn đến cung vượt cầu, lãng phí vốn đầu tư của xã hội) có một phần nguyên nhân là do giá điện còn thấp; thậm chí có ý kiến còn cho rằng giá điện thấp đã dẫn đến một số trường hợp sản phẩm thép xuất khẩu của ta bị nước ngoài áp dụng các biện pháp chống bán phá giá.
Sau khi xem xét, đánh giá hiệu quả sử dụng điện của ngành thép và xi măng, Bộ Công Thương đã nhận định rằng trừ một số ít nhà máy mới đầu tư và có mô hình quản lý tốt, còn lại phần lớn các cơ sở sản xuất sắt thép và xi măng hiện đang hoạt động có suất tiêu thụ điện năng còn cao (gấp 1,2-1,5 lần so với mức trung bình của khu vực). Đại diện 2 hiệp hội nói sau 2005, hầu hết các nhà máy mới sử dụng công nghệ hiện đại là có cơ sở, tuy nhiên số lượng thực tế chỉ đếm trên... đầu ngón tay.
Việc đổ đồng giá điện giữa 2 nhóm nhà máy có công nghệ khác nhau Bộ Công thương cũng đã tính đến. Bởi khi giá điện chưa hoàn toàn được thị trường hóa thì việc quy định mức giá bán điện cho các ngành này cao hơn so với mức trung bình của các ngành sản xuất khác, về nguyên tắc sẽ buộc các nhà sản xuất phải áp dụng mọi biện pháp (cả về quản lý lẫn kỹ thuật - công nghệ) để tiết kiệm điện.
"Việc áp mức giá bán điện khác nhau cho các nhóm đối tượng sử dụng khác nhau cũng là cách làm phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và đề xuất lần này của Bộ Công thương là có cơ sở...", Thứ trưởng Lê Dương Quang nhấn mạnh.