Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

VNSteel và trách nhiệm về sự lãng phí nghìn tỷ

Dự án mở rộng sản xuất Giai đoạn 2 của CTCP Gang thép Thái Nguyên đang có nhiều dấu hiệu bất ổn và gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng.

 

    Vốn đầu tư tăng chóng mặt, tiến độ thì…rùa bò

    Dự án mở rộng sản xuất Giai đoạn 2 của CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco giai đoạn 2) có sự hỗ trợ của Tổng CTCP Thép Việt Nam (VNSteel) đã được Chính phủ phê duyệt nhóm A với những ưu đãi hết sức đặc thù về các nguồn vốn vay. Tuy nhiên, 5 năm trôi qua, Dự án ngốn hàng nghìn tỷ đồng này vẫn dở dang, quá chậm trễ về tiến độ (theo kế hoạch Dự án này sẽ được nghiệm thu và chạy thử nghiệm vào năm 2011) và đang có nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng.

    Dự án được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư từ năm 2005. Trên cơ sở này, HĐQT VnSteel đã có quyết định phê duyệt báo cáo đầu tư Dự án. Theo đó, Dự án có tổng mức đầu tư là 3.884,3 tỷ đồng, bao gồm vốn tự có 375 tỷ (chiếm 10%), vốn vay từ nguồn tín dụng ưu đãi Nhà nước 1.605 tỷ (chiếm 42%), vốn vay thương mại 1.863 tỷ (chiếm 48%). Dự án này có Tổng thầu là Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC), Chủ đầu tư là CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và Nhà thầu phụ là TCT Lắp máy Việt Nam (Lilama).

    Dự án được khởi công và động thổ vào ngày 29/9/2007. Tuy nhiên, chưa đầy 2 tháng sau lễ động thổ, ngày 16/11/2009,  Hội đồng Quản trị Tisco có quyết định phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư và kế hoạch đấu thầu chính của Dự án. Căn cứ vào chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và hướng dẫn của Bộ Xây dựng, ngày 17/8/2012, Tisco có công văn đề nghị xin ý kiến chấp thuận phê duyệt điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư Dự án lên… 8.104  tỷ đồng. Như vậy,  chỉ sau gần 3 năm đi vào thực tế xây dựng, số tiền đầu tư cho Dự án này đã tăng lên đến trên 50%. Đáng lưu ý là tiền đầu tư tăng rất cao nhưng tiến độ dự án lại tỷ lệ nghịch, với tốc độ… rùa.

    Mớ bòng bong nhà thầu

    Để tháo gỡ khó khăn về hạng mục xây dựng và cứu lấy sự chậm chễ về tiến độ của Dự án Tisco giai đoạn 2, Chính phủ đã có chỉ đạo cho phép tách riêng Phần C (xây dựng và lắp đặt của hợp đồng EPC số 01).

    Căn cứ vào đây, Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) đã được giao cho thực hiện phần này. Chi phí thực hiện được tính theo thực tế thi công. Vì việc lựa chọn này nên đến ngày 30/9/2012 (nghĩa là sau gần 2 năm khởi công) thì Dự án mới bắt đầu được… tái khởi động và chính thức bắt đầu tiến hành thi công xây dựng.

    Niềm vui  "ngắn chẳng tày gang”,  do nhà thầu VINAINCON không đảm bảo tiến độ nên dưới sự rà soát, lựa chọn có sự giúp sức của VnSteel, Bộ Công thương,  Tisco đã phải mời thêm các nhà thầu khác vào thi công mà chủ yếu là LILAMA. VINAINCON phải "dứt áo” ra đi cùng 9 nhà thầu khác với những công trình dở dang mà sự khắc phục và thi công tiếp cho các nhà thầu khác đầy gian truân. Hiện nay, theo ước tính của Ban quản lý Dự án Tisco giai đoạn 2 thì ước chừng dự án 4.000 tỷ đã đội giá lên gấp đôi và có thể sẽ phải điều chỉnh để… lên giá nữa. Trong khi,  chưa ai có thể ước định được đến bao giờ dự án được hoàn thành.

    Lý giải sự chậm trễ về tiến độ, các bên đưa ra những nguyên nhân như do khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực nên giá thành nhân công, vật liệu tăng và dẫn đến… chậm trễ và đội giá. Song 1 lý do quan trọng khác đã bị phát hiện là tình trạng bán thầu có dấu hiệu sai nguyên tắc của các đơn vị thi công.

    Vì là dự án quan trọng và rất lớn về số tiền đầu tư nên Dự án xây dựng Tisco giai đoạn 2 có thể coi là một "đại công trường” với vài trăm hạng mục được thi công và xây dựng. Sau khi "chọn mặt gửi vàng” cho Nhà thầu VINAINCON không thành, từ tháng 1/2011, được sự đồng ý củaVnSteel, Bộ Công Thương, chủ đầu tư đã mời thêm Tổng Cty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) vào cuộc. Để đáp lại sự mong mỏi của Dự án đã quá nhiều tai tiếng về tiến độ này, LILAMA đã huy động lực lượng của mình, trong đó có CTCP LILAMA 10.

    Nhưng sau khi vào cuộc (bắt đầu được tính từ tháng 1-2011 đến khoảng tháng 7 - 2012) thì tiến độ Dự án Tisco giai đoạn 2 lại bộc lộ những nhược điểm cần khắc phục là sự chậm trễ, nhất là với gói thầu xây lắp do LILAMA 10 đảm nhận. Hối thúc, giục giã một thời gian, cuối cùng, sau khoảng hơn 1 năm thi công, chủ đầu tư "cực chẳng đã” phải thu hồi lại một số hạng mục do LILAMA 10 đảm nhận. Trong 5 hạng mục mà LILAMA 10 được giao phó và đảm nhận đã có tới 2/3 công trình bị chủ đầu tư thu hồi lại

    Việc khắc phục những hậu quả về chậm tiến độ của Dự án Tisco giai đoạn 2 với LILAMA 10 chưa xong thì lại phát sinh tình trạng khiếu nại. Lúc này, "bức màn bí hiểm” về việc bán thầu đã bắt đầu lộ diện… Tại hạng mục của một phần Dự án được đảm đương này, LILAMA 10 đã "liên kết” và ký để chuyển nhượng lại cho CTCP 389 có trụ sở tại 232 Lê Duẩn, phường Quán Trữ, quận Kiến An (Thành phố Hải Phòng). Nhận được công trình nhưng không trực tiếp thi công, CTCP 389 lại giao phó cho một chi nhánh… tận phía Nam của mình, có địa chỉ tại C11/37B, đường Phạm Hùng kéo dài, Bình Hưng, Bình Chánh (TP. HCM). Chính do sự chuyển đổi qua tay, nhận rồi không thi công này giữa "liên doanh” LILAMA 10 – CTCP 389 – Chi nhánh phía Nam nên đã đem lại cho hạng mục này những chậm trễ, phải thu hồi lại và làm cho sự chậm tiến độ bấy lâu được cảnh báo của Dự án Tisco giai đoạn 2 thêm phần trầm trọng.

    "Bán thầu” sai nguyên tắc

    Liệu việc "bán thầu” giữa LILAMA 10 và CTCP 389, rồi chuyện "ủy thác” công việc cho Chi nhánh phía Nam có đúng nguyên tắc? Theo hợp đồng giữa Tisco và Tập đoàn Xây lắp và luyện kim Trung Quốc (MCC) có quy định hết sức chặt chẽ về hợp đồng thầu phụ:  Khi chưa có sự đồng ý của bên A (MCC) và Chủ đầu tư (Tisco) bằng văn bản, Bên B (ở hạng mục này và trong giai đoạn này là LILAMA 10) không được chuyển hợp đồng thầu phụ này hoặc bất cứ phần việc nào của hợp đồng thầu phụ này cho bất kỳ bên thứ ba nào.

    Hợp đồng thầu phụ xây dựng và lắp đặt của Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO cũng nêu thêm: Bên B hoàn toàn hiểu và đồng ý rằng nếu bên B không đáp ứng được năng lực kỹ thuật, nhân lực, phương tiện và vật dụng thi công để thực hiện toàn bộ các tiểu hạng mục được phân chia trong Hợp đồng thầu phụ này, thì Bên A và chủ đầu tư sẽ đơn phương trực tiếp ký hợp đồng với các nhà thầu phụ khác để thực hiện các tiểu hạng mục đó mà không cần sự đồng ý của bên B.

    Bằng những quy định này, căn cứ với Hợp đồng kinh tế số 16 được ký kết giữa LILAMA 10 và CTCP 389 đã cho thấy LILAMA 10 đã đơn phương "vượt quy định”.

    Nhiều góc khuất  trách nhiệm

    Nói về sự chậm trễ của dự án, đại diện TISCO đưa ra nguyên nhân do… khủng hoảng. Về việc chuyển thầu (chuyển phần công việc khi chưa được sự đồng ý của MCC và chủ đầu tư),  họ cho biết: “Chúng tôi không nắm được. Vì ban đầu lao động vào công trường, chúng tôi "cứ tưởng” đó là "người” của LILAMA 10. Sau này, khi LILAMA 10 không đảm bảo được tiến độ, bị thu hồi lại một số hạng mục, lại thêm đơn thư khiếu nại của Giám đốc Chi nhánh phía Nam của CTCP 389 chúng tôi mới biết có người không thuộc LILAMA 10 đã vào đây thi công!”

    Về việc ký hợp đồng phụ của thầu phụ áp theo Điều 15 trong bản Điều khoản về ký kết các hợp đồng thầu phụ được thiết lập giữa Tổng thầu MCC và chủ đầu tư TISCO,  ông Đặng Văn Long, Tổng giám đốc Lilama 10 cho biết: Chúng tôi không sai phạm. Tuy nhiên, ông Long đã không cung cấp được các văn bản đồng ý của MCC và TISCO để làm tiền đề cho việc ký Hợp đồng số 16 và chuyển việc cho Công ty Cổ phần 389.

    Trước những khuất tất về việc bán thầu và dự án quá chậm tiến độ, ông Phạm Công Dũng, Chánh văn phòng VNSteel đẩy bóng trách nhiệm "Chúng tôi chỉ là một "cổ đông” của  Tisco. Nếu thấy Dự án này chậm chễ, không giải pháp và có yếu tố rủi ro thì chúng tôi rút vốn”.

    Không biết, khi được "ủy quyền phát ngôn” này ông Dũng có biết vai trò của VN Steel trong Dự án này là rất lớn hay không? Vì theo logic, Dự án Tisco giai đoạn 2 muốn triển khai được thì phải có sự đồng ý theo một trật tự: TISCO đề xuất, VN Steel chấp thuận (hay phế truất) rồi làm các văn bản để đề xuất với các bộ, ban, ngành chức năng. Từ sự đề xuất của TISCO, từ sự đồng ý và chấp thuận của VN Steel cùng các văn bản thì Dự án Tisco giai đoạn 2 mới được hình thành và phê duyệt. Vậy việc trả lời của ông Dũng tương tự như việc thay mặt VN Steel phủi bỏ trách nhiệm và có dấu hiệu "mang con bỏ chợ” với cái dự án khá lớn về tiền đầu tư và sự chậm trễ này.

    Trong một văn bản gần đây nhất, do chính Tổng giám đốc VNSteel ký, để gửi cho Bộ Công Thương đã thể hiện rất rõ trách nhiệm của VN Steel với Dự án Tisco giai đoạn 2 này. Trong một loạt các nguyên nhân chủ quan và khách quan để lý giải cho sự chậm trễ của Dự án thì VN Steel đã thay mặt Tisco kính đề nghị Bộ Công Thương xem xét và chấp thuận đối với việc điều chỉnh tổng mức đầu tư (từ trên 4.200 tỷ lên 8.100 tỷ) của Dự án Tisco giai đoạn 2. Cũng trong công văn này, lại thay mặt Tisco, VN Steel còn… kính đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ chấp thuận và có ý kiến với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Thương mại để tiếp tục bố trí vốn vay bổ sung cho Dự án Tisco giai đoạn 2 theo cơ cấu nguồn vốn như đề nghị của Chủ đầu tư.

    Có vai trò như vậy nhưng phát ngôn của vị đại diện VN Steel chẳng khác nào người… ngoài cuộc với Dự án Tisco giai đoạn 2 đang gặp khó khăn về vốn và tiến độ? Có lẽ chính sự "sống chết mặc bay” giữa các đơn vị có liên quan và VN Steel đã khiến cho một dự án lớn tiếp tục phơi nắng phơi sương và gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước.

Nguồn tin: Đại Đoàn Kết

ĐỌC THÊM