Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Vì sao lãi suất chưa thể hạ?

 Lãi suất cho vay tại các NHTM vẫn phổ biến ở mức trên 12% trong khi chỉ đạo của Chính phủ, mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng phải giảm còn 12%/năm.

Nhận diện vòng quay của dòng tiền


Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, việc các NHTM chạy đua tăng vốn pháp định lên 3 nghìn tỷ đồng đã hút tới 81 nghìn tỷ đồng của thị trường, đồng thời khoảng 40 nghìn tỷ đồng được các NHTM dành để mua trái phiếu Chính phủ. Đây chính là hai khoản lớn nhất hút tiền dòng của thị trường.


Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, số tiền 81 nghìn tỷ đồng trên khi được hút vào sẽ phải niêm phong ở NHNN một thời gian để chứng minh rằng đó là tiền thật chứ không phải tiền ảo. Trong khi đó, số tiền 40 nghìn tỷ đồng trên sẽ được chuyển về kho bạc chờ giải ngân với một tốc độ giải ngân rất… chậm và đem gửi lại ngân hàng quốc doanh. Ngân hàng lại dùng tiền đó đi mua ngược lại trái phiếu Chính phủ rồi đem trái phiếu về chiết khấu với NHNN, như vậy, tiền của NHNN lại trở về với NHNN.


“Một NHTM mua trái phiếu Chính phủ với lãi suất 10,5%/năm rồi về chiết khấu với NHNN với lãi suất chỉ 7,5%/năm để hưởng chênh lệch lãi suất. Vậy thì tội gì họ phải cho vay ra ngoài làm gì cho rách việc?” – TS. Lê Xuân Nghĩa lý giải vòng quay của dòng tiền.


Cụ thể hơn, sau khi chiết khấu, Chính phủ đưa tiền về kho bạc, kho bạc không tiêu hết lại đem gửi lại ở các ngân hàng quốc doanh rồi ngân hàng quốc doanh lại mua trái phiếu Chính phủ rồi lại chiết khấu với NHNN để hưởng chênh lệch lãi suất. Như vậy, dòng tiền cứ luẩn quẩn ở NHNN, các NHTM lớn và ở thị trường trái phiếu Chính phủ nên rất ít tiền được đưa ra lưu thông.


8 tháng qua tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15% nhưng chủ yếu do tiền gửi, còn tiền mặt cơ sở lại có xu hướng giảm.


Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, lãi suất trong thời gian tới sẽ khó có thể hạ nếu Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định tỷ lệ cấp tín dụng trên vốn huy động của các ngân hàng phải duy trì ở mức 80%. Trong đó , nguồn vốn huy động sử dụng để cho vay không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, bảo hiểm xã hội và các tổ chức khác, trong khi những nguồn này thường chiếm đến 15% tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng.


“Có thể nói con số 15% này đáng được xem như yếu tố chính giúp hạ lãi suất bởi vì lãi suất của khoản vốn huy động này thường thấp. Như vậy tính ra huy động vốn được 100 đồng thì chỉ được phép cho vay 56-60 đồng tùy thuộc ngân hàng lớn hay nhỏ. Thử hỏi với 40 – 44 đồng còn lại, mặc dù ngân hàng vẫn phải trả lãi nhưng không được kinh doanh thì làm sao lãi suất có thể hạ được? – TS. Lê Xuân Nghĩa băn khoăn.


NHTM sẽ tìm cách "lách" ?


Như một quy luật tất yếu, chính sách mà khiến cho các NHTM không thể phát triển được một cách bình thường thì họ sẽ “lách”. Với những quy định ngặt nghèo của Thông tư 13, việc các NHTM có thể “hô biến” 15% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức thành tiền gửi ngắn hạn là điều hoàn toàn có thể xảy ra bằng cách: Ngân hàng thỏa thuận với DN ghi trong hợp đồng là tiền gửi có kỳ hạn nhưng thực chất có thể rút bất cứ lúc nào.


Tất cả những quy định mang tính hành chính cứng nhắc đã buộc họ phải lách, khiến cho toàn bộ thị trường trở nên méo mó, lãi suất ngắn hạn bằng với dài hạn; tiền gửi có kỳ hạn giống như tiền gửi không kỳ hạn; ngoài lãi suất ra còn có phụ phí đối với các khoản vay và có thưởng đối với các khoản tiền gửi.


TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng đó là sự méo mó của thị trường và chỉ cần một cú sốc nho nhỏ cũng có thể khiến cho thị trường trở nên rối loạn khi không có một sự chỉ dẫn cụ thể nào.