Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Vì sao dự án liên doanh với Trung Quốc "lỗ kế hoạch" 555 tỷ nhưng thực tế lỗ 1.096 tỷ đồng?

  Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai (Dự án nhà máy thép Việt – Trung (VTM) được phép lỗ kế hoạch 555 tỷ đồng trong 2 năm đầu đi vào hoạt động tuy nhiên đến cuối năm 2016 tổng lỗ luỹ kế đã là 1.096 tỷ đồng.

Kết quả thanh tra Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai và Dự án khai thác quặng Mỏ sắt Quý Xa của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) mới được công bố cho thấy nhiều nguyên nhân khiến dự án với tổn vốn đầu tư lên đến 6.000 tỷ đồng bị thua lỗ liên tiếp trong 2 năm sau khi đưa vào hoạt động.

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2016, tổng lỗ luỹ kế 1.096 tỷ đồng. Trong khi đó, theo kế hoạch, trong 2 năm đầu khi Nhà máy gang thép đi vào hoạt động, VTM được phép lỗ theo kế hoạch 555 tỷ đồng.

Theo báo cáo, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh thu lỗ là do giá bán sản phẩm phôi thép trên thị trường trong nước và thế giới giảm mạnh. Tại thời điểm lập và phê duyệt dự án, giá nhập phôi thép về Việt Nam bình quân là 12,34 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, thực tế giá phôi thép VTM bán ra bình quân trong năm 2015 là 7,9 triệu đồng/tấn, năm 2016 là 7,685 triệu đồng/tấn.

Ngoài nguyên nhân chính trên, dự án bị thua lỗ còn do một số nguyên nhân như lãi vay trong thời gian đầu tư cao, có thời điểm lãi suất 20,5% so với tính toán trong dự án đầu tư là 10,5%. Tỷ giá USD liên tục tăng trong thời gian thi công gói thầu EPC cũng làm tăng chi phí đầu tư.

Mặt khác, cơ cấu đầu tư dự án chủ yếu sử dụng vốn vay thương mại dẫn đến chi phí tài chính của VTM rất cao, chi phí tài chính chiếm tới 11% giá thành.

Bên cạnh đó, do giai đoạn chuẩn bị đầu tư kéo dài nên khi thực hiện dự án trùng vào thời điểm trong nước và khu vực chịu ảnh hưởng của “bão giá”, giá nguyên vật liệu tăng đột biến, trong khi giá nhân công tại địa phương liên tiếp điều chỉnh dẫn đến tăng chi phí xây dựng.

Báo cáo cũng cho biết khi triển khai dự án tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng huyện Bảo Thắng, Lào Cai chưa phải là mặt bằng sạch, VTM phải thêm chi phí, mất thời gian để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và xây khu tái định cư với chi phí 410 tỷ đồng.

Trong khi đó, giá quặng sắt trên thị trường giảm mạnh, việc khai thác phục vụ sản xuất và tiêu thụ không đạt sản lượng làm giảm hiệu quả dự án. Giá than cốc chiếm 40% giá thành luôn biến động tăng do ảnh hưởng chính sách tiết giảm sản lượng than và siết chặt tải trọng vận chuyển của Trung Quốc dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao.

Về nguyên nhân chủ quan cũng được thanh tra chỉ ra do, nhà máy mới đi vào hoạt động nên trình độ quản lý, vận hành của đội ngũ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu làm chủ công nghệ và quản lý sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, tiến độ dự án kéo dài, việc chậm hoàn thành dự án và đưa nhà máy vào sản xuất mất đi cơ hội đưa sản phẩm ra thị trường, thời điểm giá phôi thép và thép thành phẩm cao, mất đi khả năng thu hồi vốn vào tạo lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh.

Nguyên nhân cuối cùng được chỉ ra là do dây chuyền sản xuất chưa khép kín đến khâu sản phẩm thép cuối cùng nên chưa tiết kiệm tối đa năng lượng và hạ tầng đầu tư.

Trong kết luận UBND tỉnh Lào Cai cũng chỉ ra nhiều tồn tại, khuyết điểm tại dự án này đồng thời đưa ra hàng loạt biện pháp khắc phục cũng như đề nghị việc kiểm điểm về những tồn tại, khuyết điểm đã nêu đối với các cán bộ thuộc VTM và Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL).

Nguồn tin: Bizlive

ĐỌC THÊM