Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Vì sao có tình trạng thừa-thiếu quặng sắt ở Thái Nguyên?

Mặc dù tình trạng buôn bán, vận chuyển và tuyển rửa quặng sắt tại các địa phương của tỉnh Thái Nguyên không còn căng thẳng và gây bức xúc trong dư luận như thời gian trước, nhưng nay lại xuất hiện tình trạng nguyên liệu nằm chất đống mà doanh nghiệp không có quặng để sản xuất. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho bài toán thừa - thiếu nguyên liệu này?

* Nỗi khổ của doanh nghiệp

Nói đến thương hiệu GIS, những người công tác trong ngành luyện kim đều biết đến Công ty TNHH Kim khí Gia Sàng (phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên) với sản phẩm thép xây dựng và gang đúc chất lượng cao. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất được tỉnh thành lập năm 1993 và hiện có 3 nhà máy gồm: Nhà máy luyện cán thép công suất 1,2 vạn tấn/năm, nhà máy luyện gang công suất 1,5 vạn tấn/năm (khi đưa thêm công trình thiêu kết vào sử dụng sẽ nâng công suất lên 2,5 vạn tấn/năm) và nhà máy luyện cốc với công suất 2 vạn tấn/năm. Nhờ uy tín và chất lượng, sản phẩm của Công ty đã có mặt tại thị trường trong và ngoài nước, nhất là những thị trường khó tính như Nhật Bản, Đài Loan... đồng thời nộp ngân sách hàng tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho gần 500 lao động. Những tưởng sống giữa vùng nguyên liệu sẽ không phải lo thiếu nguyên liệu, nhưng từ khi chính thức chuyển sang hoạt động sản xuất công nghiệp (2003), doanh nghiệp thường xuyên phải sống trong cảnh "ăn đong" hay nói theo cách khác là vừa làm vừa tìm, vừa kiếm nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đơn cử như nhà máy luyện gang, được khai lò từ tháng 10/2005 song đến nay có tới 3 lần phải dừng lò vì lý do thiếu hoặc không có nguyên liệu (theo tính toán khai lò lại chi phí khoảng 1 tỷ đồng/lần). Chỉ tính riêng năm 2008, nhà máy phải ngừng hoạt động từ giáp Tết âm lịch 2007 và đến tháng 8/2008 mới sản xuất trở lại, nhưng đến thời điểm này lại gần hết nguyên liệu và nguy cơ dừng lò đang dần hiện hữu. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới quá trình sản xuất kinh doanh, nhất là thời kỳ lạm phát tăng cao và nhiều kỹ sư, lao động có tay nghề buộc phải bỏ việc hay làm những công việc khác. Doanh nghiệp đã nhiều lần kêu cứu và gõ cửa tới các cơ quan chức năng của tỉnh hoặc sử dụng mọi khả năng có thể để có quặng, nhưng tình trạng "ăn đong" nguyên liệu vẫn chưa được cải thiện.

Tuy năm 2007, tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản cho phép Công ty TNHH Kim khí Gia Sàng được mua quặng của HTX khai thác và chế biến quặng sắt Trại Cau, và HTX tiểu thủ công nghiệp. Song trên thực tế hai đơn vị này không bán với lý do lạm phát tăng cao, cho dù giá mua - bán giữa các bên đều bằng với giá thị trường (trên 800.000 đồng/tấn)? Mãi đến đầu năm 2008, Công ty mới ký được hợp đồng mua của doanh nghiệp Hải Bình và HTX tiểu thủ công nghiệp với số lượng khoảng 10.000 tấn, thế nhưng phải đợi đến tháng 5/2008 mới có quặng. Trong khi đó, công suất lò tiêu thụ từ 2.000 đến 2.500 tấn/tháng nên buộc Công ty phải sản xuất cầm chừng. Ông Lê Quý Dương - Phó giám đốc Công ty cho biết: Doanh nghiệp đang "khóc dở, mếu dở" và buộc phải chấp nhận thực tế nguyên liệu thì thiếu, sản phẩm làm ra thì thừa (gần 5.000 tấn gang đúc nằm tồn kho với giá trị khoảng 60 tỷ đồng do lạm phát tăng cao) và phải trả lãi suất vay ngân hàng trên 900 triệu đồng/tháng. Nếu không sản xuất, lò phải dừng lại và kéo theo đó hàng loạt các vấn đề nảy sinh như lao động bỏ việc, chi phí khai lại lò, tìm kiếm lao động và đào tạo lại...

* Những văn bản trái chiều

Tình trạng thừa-thiếu quặng sắt ở Thái Nguyên có khá nhiều nguyên nhân, song cơ bản vẫn là do cơ chế và chính sách thiếu đồng bộ của địa phương. Thời gian qua tỉnh đã có nhiều văn bản, cả chỉ thị về việc cấm buôn bán, vận chuyển và tuyển rửa quặng sắt trên địa bàn nhằm phục vụ cho các nhà máy chế biến sâu. Do vậy, vấn nạn này tạm thời lắng xuống và không còn cảnh tranh mua, tranh bán nữa. Tuy nhiên, lại xuất hiện tình trạng nguyên liệu nằm chất đống mà doanh nghiệp không có quặng để sản xuất chỉ vì những văn bản trái chiều.

Đơn cử ngày 5/8/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Xuân Đương ký văn bản số 1217 yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường Thái Nguyên thông báo cho các doanh nghiệp kể từ ngày 1/9/2008, tất cả các hợp đồng mua, bán quặng sắt tồn đều hết hiệu lực. Nhưng đến ngày 15/10/2008, tỉnh lại ra văn bản số 1655 về việc giải quyết quặng sắt tồn của một số doanh nghiệp tại huyện Đồng Hỷ. Theo đó, cho phép Công ty TNHH Hải Bình, Công ty TNHH thương mại và xây dựng Hoàng Long, doanh nghiệp Hoà Thắng, Công ty TNHH khai khoáng Bắc Kạn và HTX tiểu thủ công nghiệp Trại Cau được phép tuyển rửa hết số đất lẫn quặng, bùn thải chứa quặng sắt còn tồn đến tháng 9/2008. Thời hạn tuyển rửa quặng sắt và bán được thực hiện từ tháng 10/2008 đến hết ngày 31/1/2009. Nếu quá thời hạn trên, doanh nghiệp vẫn không bán và vận chuyển hết số quặng ra khỏi khu vực thị trấn Trại Cau, tỉnh sẽ tổ chức định giá và chỉ định doanh nghiệp mua hết số quặng trên. Như vậy chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh Thái Nguyên ra tới hai văn bản về một vấn đề, nhưng đều trái ngược nhau khiến cho doanh nghiệp có cơ sở chế biến sâu như Công ty TNHH kim khí Gia Sàng tiếp tục loay hoay với bài toán nguyên liệu. Đó là chưa nói tới tại văn bản ký ngày 15/10/2008, tỉnh còn cho phép doanh nghiệp Anh Thắng và Công ty cổ phần luyện kim đen Thái Nguyên được phép tuyển rửa hết số đất chứa quặng sắt được Sở Tài nguyên và Môi trường xác định tại thời điểm tháng 9/2008. Số quặng sắt thu được và quặng sắt tồn để lại phục vụ nguyên liệu cho nhà máy luyện gang theo dự án đầu tư được duyệt. Số lượng quặng sắt theo hợp đồng bán cho các đơn vị trong tỉnh ký trước ngày 31/8/2008 và quặng sắt làm nguyên liệu phụ gia sản xuất xi măng được thực hiện theo hợp đồng đã ký.

Theo các chuyên gia trong ngành luyện kim: Để xây dựng dự án sản xuất gang đúc, ngoài số tiền đầu tư lớn thì rất cần yếu tố trí tuệ và kinh nghiệm. Trong khi doanh nghiệp Anh Thắng và Công ty cổ phần luyện kim đen Thái Nguyên đều thiếu các yếu tố này, nhất là về chuyên môn và kinh nghiệm. Thực chất của việc xây dựng những dự án chỉ là giữ số quặng tồn, giữ mỏ và tiếp tục xin thêm mỏ một cách hợp pháp để trục lợi tài nguyên mà thôi.

* Phải có cách nhìn khoa học

Đến thời điểm này, trữ lượng quặng sắt của tỉnh Thái Nguyên không còn nhiều (theo thống kê toàn tỉnh có khoảng 38 - 40 triệu tấn quặng), trong khi đó Công ty Gang thép Thái Nguyên quản lý mỏ Tiến Bộ với 24 triệu tấn và 7 điểm mỏ vùng Trại Cau đều thuộc huyện Đồng Hỷ với 3,5 triệu tấn, số còn lại nằm rải rác ở các địa phương và hàm lượng rất nghèo (khoảng 40 độ). Với trữ lượng này chỉ mới đáp ứng một phần lớn nguyên liệu cho Công ty Gang thép Thái Nguyên và Công ty TNHH Kim khí Gia Sàng. Do vậy, tỉnh phải có cách nhìn khoa học để phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như những đòi hỏi chính đáng từ phía Công ty TNHH Kim khí Gia Sàng. Biện pháp trước mắt là tỉnh nên cử một cơ quan làm đại diện các thủ tục thanh lý hết lượng quặng sắt tỉnh thu giữ năm 2007 cho Công ty Kim khí Gia Sàng như phương án đã được phê duyệt. Tỉnh cũng cần xem xét, chấp thuận dự án đầu tư, khai thác tận thu mỏ sắt Chỏm Vung, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ để doanh nghiệp có nguyên liệu sản xuất và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, tránh dư luận không hay cho các nhà đầu tư tại Thái Nguyên. Cùng đó, cho phép doanh nghiệp thu mua lượng quặng sắt mà nhân dân đang lén lút bán cho các đầu nậu để tuồn qua biên giới phía Bắc.

Những biện pháp nêu trên nếu được thực hiện đồng bộ, chắc chắn vừa giúp Thái Nguyên thay thế được nhiều lực lượng quản lý, thanh, kiểm tra tại các mỏ hiện nay, đồng thời tỉnh có được giá trị sản xuất công nghiệp đúng với tiềm năng, vừa tận thu được nguồn thuế tài nguyên để phát triển kinh tế-xã hội.

ttxvn

ĐỌC THÊM