Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Vật liệu xây dựng: Giá giảm, sức mua vẫn thấp

Các doanh nghiệp thép trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu - Ảnh: D.Đ.M
Đang giữa mùa xây dựng của thị trường phía Nam nhưng giới kinh doanh sắt thép, xi măng, gạch đá... vẫn lo lắng vì dù giá vật liệu xây dựng tiếp tục giảm nhưng sức tiêu thụ vẫn không cao.

Mối nguy từ thép ngoại

Theo ước tính của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), trong tháng 3, mức tiêu thụ thép của các doanh nghiệp (DN) đạt 250.000 tấn, tương đương với mức tiêu thụ của tháng 2. Con số này thấp hơn cùng thời điểm năm trước đến 20%. Ông Phạm Chí Cường – Chủ tịch VSA - cho biết do tình hình kinh tế nhiều khó khăn nên các công trình xây dựng cũng chưa khởi động nhiều. Ông Cường hy vọng trong tháng 4 và tháng 5, lượng thép tiêu thụ sẽ tăng lên do chính sách kích cầu xây dựng các công trình nhà ở, hạ tầng...

Điều khiến ông Cường lo ngại nhất chính là thép ngoại đang tràn vào thị trường Việt Nam. Theo số liệu từ VSA, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 60.000 tấn thép cuộn Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam. “Đáng chú ý là những lô hàng này được khai báo là thép cuộn hợp kim nên được hưởng thuế nhập khẩu 0%. Vì vậy giá thép cuộn Trung Quốc bán ra rẻ hơn gần 1 triệu đồng/tấn so với thép cuộn sản xuất trong nước”, ông Cường nói. Được biết VSA đã có văn bản kiến nghị Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan đề nghị lưu ý và kiểm tra tình trạng này. Bên cạnh đó, các sản phẩm thép trong khối ASEAN với mức thuế suất nhập khẩu 0% cũng bắt đầu được đưa vào Việt Nam. Ở phía Nam, ông Đào Đình Đông – Trưởng phòng thị trường Tổng công ty thép Việt Nam - cho biết các DN cũng đang phải đối phó với hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... ngày càng nhiều. Trong tháng 3, mức tiêu thụ của Tổng công ty Thép Việt Nam đã giảm 35% so với cùng kỳ năm trước và chỉ riêng sản phẩm thép cuộn giảm 10%. Tình hình này khiến các DN thép đã phải giảm giá liên tục. Chỉ riêng trong tháng 3, Tổng công ty thép Việt Nam đã 4 lần điều chỉnh giá ở khu vực phía Nam, hiện giá thép cuộn chỉ còn 10,2 triệu đồng/tấn (chưa có VAT), giá thép cây còn 10,58 triệu đồng/tấn (đầu năm là hơn 11 triệu đồng/tấn). Ông Phạm Chí Cường nhận định giá thép vẫn đang có xu hướng giảm vì hiện giá phôi thép nhập khẩu về đến Việt Nam chỉ còn 370 – 380 USD/tấn so với mức giá 420 USD/tấn hồi đầu tháng 1.2009. Với mức giá này cộng với chi phí sản xuất khoảng 2 triệu đồng/tấn, mỗi tấn thép sản xuất trong nước có giá thành khoảng 8 – 8,5 triệu đồng/tấn.

Xi măng đua khuyến mãi

 

Tăng thuế nhập khẩu sắt thép

Trên cơ sở đề nghị của Hiệp hội Thép Việt Nam về việc tăng thuế nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, Bộ Tài chính vừa công bố Thông tư số 58/2009/TT-BTC tăng thuế nhập khẩu ưu đãi đối với phôi thép, sắt thép từ ngày 1.4.2009. Theo đó, các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm, có hàm lượng carbon dưới 0,25% tính theo trọng lượng có mức thuế mới là 8% (tăng 3%); sắt, thép không hợp kim ở dạng thanh và que là 15% (tăng 3%); sắt, thép không hợp kim được cán phẳng, có chiều rộng từ 600 mm trở lên đã phủ, mạ hoặc tráng được áp dụng mức thuế 7%. Tuy nhiên, một số sản phẩm đặc thù được áp mức thuế cao lên đến 10 hoặc 13% hoặc một số áp dụng mức thấp hơn là 5%.

M.P

 
Theo Xí nghiệp tiêu thụ Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1, mặc dù tháng 3 lượng xi măng bán ra có tăng hơn tháng 2 nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2008. Ông Đào Đức Toàn, Giám đốc Công ty TM-DV Đức Toàn - nhà phân phối chính của nhiều nhãn hiệu xi măng ở TP.HCM - cho biết lượng xi măng bán ra của công ty đạt khoảng 700 tấn/ngày, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Hiện giá xi măng Hà Tiên 1 là 67.000 đồng/bao; Holcim: 65.000 đồng/bao; Fico: 63.000 - 64.000 đồng/bao... “Sức tiêu thụ kém dù đã vào mùa xây dựng nên hầu hết các nhà sản xuất đều có chương trình khuyến mãi như giảm giá 50.000 đồng/tấn, mua 100 bao tặng 2-3 bao. Hy vọng tháng 4 sức tiêu thụ sẽ khá hơn nhưng theo tôi, cũng sẽ khó tăng mạnh vì công trình dân dụng không thực hiện nhiều”, ông Toàn nói.

Thị trường phía Nam ngoài những thương hiệu xi măng quen thuộc từ trước đến nay còn có sự xuất hiện của các nhãn hiệu phía Bắc như xi măng Thăng Long, Công Thanh, Duyên Hà,... Các nhãn hiệu mới đang cố gắng thâm nhập thị trường nên giá bán cũng khá cạnh tranh, thấp hơn khá nhiều so với giá bán lẻ của Hà Tiên 1 hay Holcim. Sức tiêu thụ một số loại vật liệu xây dựng khác như gạch, ngói, cát, đá... cũng giảm kể từ đầu năm đến nay.

 

 

(Thanh Niên)

ĐỌC THÊM