Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

USD "hai giá" phá doanh nghiệp

 Tình trạng bán USD thu phí đã bùng phát trở lại khiến giá mua bán USD thực tế tại các ngân hàng (NH) ngang ngửa với thị trường tự do.

Nhiều doanh nghiệp cho biết do cần USD để nhập khẩu nguyên liệu nên phải trả thêm chi phí chênh lệch hàng trăm triệu đồng...

 

Tình trạng USD “hai giá” đã khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đau đầu...- Ảnh: T.T.D.

 

 

Có thời điểm giá USD tự do xuống thấp hơn giá USD niêm yết tại ngân hàng - Nguồn: Ngân hàng Eximbank  - Đồ họa: Mạnh Tánh

 

Theo các doanh nghiệp (DN), đây là một trong những lý do tạo sức ép tăng giá dịp cuối năm do DN đang vào mùa nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng hóa cho dịp cuối năm.

Ngang ngửa giá “chợ đen”

 

 

Giá tăng 10-15%

 

Hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng với mặt bằng tỉ giá mới hiện tại, phải tính toán lại giá thành để có một giá bán hợp lý. Theo bà N.Đ., với chi phí đầu vào vốn đã tăng cao, nay sức ép từ mức chênh lệch tỉ giá càng làm giá thành sản phẩm tăng ít nhất 10-15%. Tuy nhiên giá bán ra thị trường không thể tăng tương ứng vì sức mua yếu.

Giá USD tăng kèm tin đồn tăng tỉ giá

Từ 15-10 giới kinh doanh vàng có dấu hiệu găm hàng không chịu bán ra đẩy giá vàng trên thị trường tăng vọt. Ngày 16-10 giá vàng thế giới giảm gần 13 USD/ounce (290.000 đồng/lượng), còn 1.368,9 USD/ounce, tuy nhiên giá vàng trong nước chỉ giảm 60.000 đồng/lượng, bán ra 33,15 triệu đồng/lượng.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, có một số người mua vàng vì đoán tỉ giá sẽ tăng. Còn người nắm giữ vàng không chịu bán ra. Diễn biến bất thường này xảy ra sau khi trên thị trường xuất hiện tin đồn Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thêm tỉ giá VND/USD.

 

Bà N.Đ., chủ DN thời trang nổi tiếng tại TP.HCM, cho biết đang cần 1 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cho mùa hàng tết sắp tới nhưng NH thông báo giá bán là 19.900 đồng/USD.

Với 1 triệu USD, phần chênh lệch DN phải trả đến 400 triệu đồng, nhưng trên giấy tờ NH chỉ ghi giá 19.500 đồng/USD. Phần chênh lệch được tính là phí dịch vụ. NH cũng cho biết chỉ chốt giá vào thời điểm ký hợp đồng mua vì giá cả còn biến động.

Theo bà N.Đ., với tỉ giá như trên, chuyện phải tăng giá trong thời gian tới là khó tránh khỏi. “Chúng tôi chỉ dám nhập những nguyên liệu nào cần sử dụng ngay, chứ không dám trữ nguyên liệu trước cả quý như trước. Kế hoạch sản xuất cũng được điều chỉnh theo từng tuần, thay vì từng tháng như trước do phải lệ thuộc vào nguồn cũng như giá cả USD để tính toán nhập nguyên liệu”, bà Đ. nói.

Việc NH thu phí mua USD diễn ra phổ biến một tháng nay khi giá USD tự do tăng cao so với giá niêm yết.

Ông B., giám đốc tài chính một công ty chế biến thức ăn gia súc, cho biết trước đây khoản phí không đáng kể, chỉ vài chục đồng/USD, nhưng một tháng trở lại đây NH trả lời không có nguồn, muốn mua USD theo giá niêm yết phải chờ. Còn muốn có ngay phải chấp nhận theo giá tại thị trường tự do.

Chủ một DN chuyên nhập khẩu giấy nhẩm tính với 7.000 tấn giấy in nhập trong tháng 10, trị giá 7 triệu USD, ông mất đứt 2,8 tỉ đồng. Ông cho biết lúc ký hợp đồng để mở L/C giá USD là 19.500 đồng. Bây giờ đến hạn phải thanh toán, NH báo giá 19.850-19.900 đồng. “Hàng chưa bán mà đã thấy cầm chắc lỗ”, ông than thở.

Ông Nguyễn Đình Kim, giám đốc DN tư nhân giày Á Châu, cho biết mỗi lô nguyên liệu Công ty Á Châu cần nhập khoảng 200.000 USD và đang được NH giải quyết cho mua kỳ hạn. Ông nói phần chênh lệch trước mắt DN có thể chịu đựng được. Tuy nhiên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu những tháng cuối năm ngày một tăng, do vậy nếu tỉ giá còn tăng sẽ rất gay go.

Ngân hàng cũng... khổ

Lý giải việc thu phí, nhiều NH nói không có nguồn USD để bán cho DN mà phải mua với giá thỏa thuận từ các DN xuất khẩu. Do vậy NH không thể bán lại cho DN nhập khẩu theo đúng giá niêm yết.

Trưởng phòng kinh doanh tiền tệ một NH lớn tại quận 1 cũng cho biết thực tế NH chỉ lãi 5-10 đồng/USD vì giá bán của DN xuất khẩu rất sát thị trường tự do.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, phó tổng giám đốc NH Hàng hải (Maritime Bank), cho biết dù có nguồn USD thu được từ tiền cước của các DN tàu biển nhưng trong tình hình hiện nay phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để ấn định giá bán USD.

Trường hợp DN nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu mà trước đây đã bán USD cho NH theo giá niêm yết, NH sẽ xem xét để bán lại USD theo đúng giá niêm yết. DN cũng phải cam kết bán USD thu về từ xuất khẩu cho NH. Trường hợp khác, NH sẽ bán đúng theo tỉ giá giao dịch liên NH. Theo ông Linh, NH sẽ chia sẻ với DN bằng cách không tính lãi trung gian.

Lách đủ kiểu

Nhiều DN cho biết không chỉ khổ vì giá USD tăng, mà còn đau đầu vì trên hợp đồng mua bán nhiều NH chỉ thể hiện giá bán là 19.500 đồng/USD, phần chênh lệch không có giấy tờ. Ông T., giám đốc một công ty nhập khẩu giấy, cho biết nhiều NH ông hỏi mua USD cuối tuần qua đều không chịu cấp giấy tờ để DN tính vào chi phí. “Nếu không có hóa đơn thì mặc nhiên xem như đó là lợi nhuận và DN còn phải đóng thuế cho khoản chênh lệch này”, ông nói.

Có NH thể hiện phần chênh lệch và DN phải trả dưới nhiều dạng phí dịch vụ như: phí kiểm đếm, phí hồ sơ, phí giải ngân, hoặc phí giao dịch ngoại tệ, phí tư vấn tài chính... miễn sao cho đủ phần chênh lệch để DN có căn cứ tính vào chi phí. Tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết còn một cách để hợp thức hóa chi phí chênh lệch giá USD cho DN là tính vào lãi suất, còn trên hợp đồng chỉ ghi theo đúng giá niêm yết. Có NH làm hai hợp đồng, một hợp đồng mua USD bằng với giá niêm yết cùng thời điểm và một bản hợp đồng dịch vụ kèm phiếu thu, tuy nhiên cũng có trường hợp NH chỉ phát phiếu thu.

Một số DN xuất khẩu có ngoại tệ tranh thủ thị trường lo ngại biến động tỉ giá đã găm hàng và chỉ bán giá cao. Giám đốc một DN xuất nhập khẩu tại Bình Thạnh, TP.HCM cho biết gần đây nhiều DN phải lách bằng hợp đồng nhập khẩu ủy thác hạt nhựa, thép... và khoản chênh lệch tỉ giá này được núp dưới hình thức phí ủy thác hoặc tính luôn vào giá thành để dễ hạch toán. DN xuất khẩu còn cách khác là thỏa thuận với NH hoặc với công ty cần USD.

Khi đã thỏa thuận, DN bán USD cho NH với giá cao nhưng khoản chênh lệch tỉ giá này sẽ được cấn trừ vào lãi suất khi DN vay vốn USD của NH để nhập nguyên liệu làm hàng xuất khẩu. Hoặc DN xuất khẩu “bắt tay” với DN nhập khẩu trao đổi chéo, DN xuất khẩu thủy sản mua bao bì để đóng hàng của DN nhựa nhưng với giá rẻ hơn thị trường nhằm bù lại khoản chênh lệch tỉ giá khi DN thủy sản này nhập khẩu ủy thác hạt nhựa...

 

Sẽ xử lý mua bán USD vượt giá trần

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM, khi giao dịch ngoại tệ các NH chỉ được thu những loại phí theo thông lệ quốc tế như phí chuyển khoản, phí thanh toán nước ngoài...Trường hợp các NH hợp thức hóa việc giao dịch USD vượt trần dưới các hình thức khác đều vi phạm quy định về quản lý ngoại hối. NHNN TP.HCM yêu cầu các DN phải mua USD giá cao cung cấp thông tin cũng như bằng chứng về NHNN TP.HCM để nơi này kiểm tra, xử lý.

Ông Minh cho biết đã báo cáo tình trạng NH thu phí giao dịch USD về NHNN. Trước đây NHNN TP.HCM đã xử phạt một số NH mua bán USD vượt giá trần. Những tháng cuối năm nơi này sẽ tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh thị trường ngoại tệ.

Theo các chuyên gia, theo quy định tại pháp lệnh ngoại hối, DN và người dân phải mua bán USD thông qua NH, theo tỉ giá do NH niêm yết. Tuy nhiên có thực tế DN không thể làm đúng theo quy định của pháp luật về ngoại hối vì nguồn cung USD trên thị trường căng thẳng. DN có USD chỉ bán nếu được trả giá cao hơn.

Từ đó tạo ra vòng luẩn quẩn: găm giữ đẩy giá tăng, giá càng tăng càng tin tỉ giá còn lên và càng găm giữ. Tình trạng USD “hai giá” còn kéo dài thì tin đồn về mở rộng biên độ tỉ giá còn đất sống. Gần đây bất kỳ thông tin nào liên quan đến nhập siêu cũng đều được phân tích theo hướng tỉ giá sẽ tăng...

Việc DN có ngoại tệ găm giữ để bán giá cao cũng là hình thức đầu cơ. Tuy nhiên đến nay chưa có DN nào bị phạt vì bán USD giá cao. Trong khi đó lời kêu gọi giảm lãi suất USD mà Hiệp hội NH đưa ra đến nay các NH vẫn chưa hưởng ứng.

A.H.



Nguồn:Tuổi Trẻ

Độc giả có thể gửi ý kiến, nhận xét, bày tỏ quan điểm của mình đối với tin tức này bằng cách bấm vào nút "Ý kiến Của bạn"