Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tỷ giá và "bài toán" ổn định trong năm 2013

Trước những tin đồn thất thiệt trên thị trường tài chính gây biến động tỷ giá trong những ngày trung tuần tháng 2/2013, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định quyết tâm sẵn sàng ổn định tỷ giá bằng nguồn dự trữ ngoại hối. Thực tế ngay sau đó, “cơn sốt” ngoại tệ đã hạ nhiệt. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là tỷ giá sẽ như thế nào trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như năm 2013?

 

Tỷ giá và “bài toán” ổn định trong năm 2013

Nguồn dự trữ ngoại hối giúp Ngân hàng Nhà nước đủ sức bình ổn những biến động tỷ giá trong năm 2013

Ngắn hạn - đủ sức bình ổn

Tin đồn thất thiệt về ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) không chỉ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán mà đã tác động không nhỏ tới giá vàng và tỷ giá VND/USD trong ngày 20, 21 tháng 2/2013. Tâm lý yếu kém của giới đầu cơ đã bị kẻ xấu lợi dụng khiến trào lưu “gom đô” xuất hiện trong hai ngày nói trên, đẩy giá USD một số thời điểm tăng vượt mốc 21.000 đồng/USD.

Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng truy tìm nguồn gốc của tin đồn, công bố của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc cơ quan này sẵn sàng cung ngoại tệ và có đủ nguồn ngoại tệ để ổn định tỷ giá đã khiến cho thị trường tiền tệ dần ổn định trở lại. Theo ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NHNN, việc tỷ giá ổn định trong năm 2012 đã giúp cơ quan này đẩy mạnh việc mua ngoại tệ và nguồn ngoại tệ dự trữ đã không ngừng tăng lên trong thời gian qua.

Với lượng ngoại tệ dự trữ hiện có, NHNN đủ lực để can thiệp bình ổn tỷ giá nếu có biến động bất thường. Lãnh đạo NHNN dù không tiết lộ số lượng dự trữ ngoại tệ cụ thể của Việt Nam tại thời điểm hiện nay nhưng theo các số liệu công bố trước đó, chỉ riêng trong năm 2012, NHNN đã mua ròng lượng ngoại tệ lớn, lên tới 15 tỷ USD và từ đầu năm 2013 đến trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, cơ quan này tiếp tục mua ròng thêm 5 tỷ USD.

Con số ngoại tệ mua được nói trên kết hợp với lượng dự trữ ngoại hối trước đó (khoảng trên dưới 12 tỷ USD), thì đến thời điểm này, tính ra Việt Nam đang có lượng ngoại tệ mạnh dữ trữ không dưới 30 tỷ USD. Nếu vậy, đây có thể là mức dữ trữ ngoại hối cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay, đủ sức can thiệp những “nóng, lạnh” bất thường của thị trường trong ngắn hạn…

Minh chứng rõ nhất cho khả năng ổn định tỷ giá trong ngắn hạn là chỉ đạo của NHNN với các ngân hàng thương mại thực hiện bán ra đối với USD bắt đầu từ ngày 22/2/2012. Ba ngày liên tiếp sau đó, giá USD trên thị trường tự do cũng như thị trường ngân hàng điều chỉnh giảm và bình ổn trở lại. Tại Vietcombank, giá đô la Mỹ mua vào - bán ra hiện niêm yết tại 20.900 - 20.980 đồng/USD, giảm 20 đồng ở chiều bán ra trong khi chiều thu mua không đổi. Tại VietinBank, tỷ giá VND/USD mấy ngày qua niêm yết tại 20.830 - 20.930 đồng (mua vào - bán ra), giảm tới 70 đồng so với thời điểm “sốt” khi trước. Tại BIDV, giá USD cũng giảm còn 20.860 - 20.980 đồng/USD (mua vào - bán ra), so với mức 20.920 - 21.036 đồng/USD (mua vào - bán ra).

Tương tự, tại một số ngân hàng thương mại cổ phần khác, giá đô la Mỹ bán ra đồng loạt giảm về ngưỡng dưới 21.000 đồng/USD và không còn hiện tượng gom mua của dân đầu cơ... Lo ngại về một “cơn sốt” ngoại tệ về cơ bản đã không xảy ra. Tuy nhiên, sau khi giá vàng biến động tăng vào ngày 25, 26 tháng 2, tại một số ngân hàng, tỷ giá VND/USD lại nhúc nhắc tăng trở lại…

Năm 2013 - ổn định nhưng không cố định

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia tài chính - ngân hàng thì việc tỷ giá những ngày qua biến động tăng ngoài lý do tin đồn nhằm trục lợi của kẻ xấu thì còn do tâm lý của người dân bị tác động nhất thời. Trước đó, việc xuất hiện ý kiến của một số chuyên gia kinh tế đề xuất NHNN nên điều chỉnh tỷ giá ở một tỷ lệ nhất định, đã ít nhiều tác động đến dự báo của người dân là tỷ giá sẽ tăng trong năm 2013…

Bên cạnh đó, sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, nhiều người dân còn dư lượng tiền mặt có xu hướng đem mua vàng, ngoại tệ làm của để dành, cũng góp phần tạo lực cầu tỷ giá và khi tin đồn về Chủ tịch BIDV xuất hiện, lập tức, nó được coi như một cái cớ đẩy giá USD tăng. Tuy nhiên, dựa trên quy luật cung - cầu, trong tình hình hiện nay, không có yếu tố kinh tế thực nào mạnh đến mức có thể gây ra sự biến động lớn về tỷ giá.

Với việc NHNN trong năm 2012 và đầu năm 2013 đã tăng lượng dự trữ ngoại hối lên khoảng trên 14 tuần nhập khẩu, an ninh tài chính thuộc lĩnh vực này trước mắt sẽ được đảm bảo. Việc NHNN hạn chế các ngân hàng thương mại vay ngoại tệ nhập khẩu, đối với vay ngoại tệ để xuất khẩu chỉ được phép vay nhập khẩu nguyên liệu cho xuất khẩu cũng góp phần làm lực cung tỷ giá tăng lên. Năm 2013, dự đoán  cán cân thương mại thâm hụt thấp, nhu cầu nhập khẩu vẫn yếu do tổng cầu trong nước suy giảm mạnh, đầu tư tiêu dùng cũng giảm, nên sức ép tỷ giá không lớn. Dự đoán năm 2014 nhập khẩu mới có thể mạnh hơn, thâm hụt thương mại và cán cân thanh toán quay trở lại mới có thể tác động gây áp lực lên tỷ giá.

Ở một công bố cụ thể và chính thống từ cơ quan quản lý, mới đây, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN khi trả lời báo giới đã khẳng định không có chuyện phá giá VND ở thời điểm hiện tại. Năm 2013, sức ép lên tỷ giá chưa lớn và với dự trữ ngoại hối khá dồi dào trong năm 2011, 2012 thì cơ quan này nhiều khả năng sẽ giữ tỷ giá trong năm ổn định. Tuy vậy, ổn định ở đây không có nghĩa là cố định. Cụ thể, theo dự báo của người đứng đầu NHNN, sau một năm kìm giữ rất tốt tỷ giá ở mức không đổi, giúp NHNN tăng được khá lớn lượng USD dữ trữ thì trước những biến động vĩ mô của năm 2013, tỷ giá nếu phải điều chỉnh  cũng chỉ phải nằm trong biên độ dao động tầm 2 - 3%.

Như vậy, tại thời điểm này, dựa trên quan hệ cung - cầu và cam kết của cơ quan quản lý, thị trường hoàn toàn có thể yên tâm về khả năng bình ổn của NHNN đối với những biến động tỷ giá ngắn hạn. Và nếu phải điều chỉnh nhỏ, cơ quan này hoàn toàn có thể lựa chọn thời điểm thích hợp, không gây “sốc” cho thị trường. Kỳ vọng rằng khi những biến động qua đi, tỷ giá sẽ trở lại “vùng trời bình yên” kể từ tháng 3/2013.

Nguồn tin: (Tài chính)