Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Từ sản lượng thép tồn kho nhìn lại nền kinh tế Trung Quốc

Sản lượng dư thừa đã trở thành vấn nạn chung của ngành công nghiệp Trung Quốc. Ngày hôm qua, tại hội nghị thảo luận “Tìm hướng ra cho sản lượng dư thừa Trung Quốc” do Hiệp hội Thương mại Trung-Âu tổ chức. Hội nghị đề cập đến vấn đề dư thừa sản lượng, đặc biệt trong sáu ngành: sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón hóa chất, luyện dầu, thiết bị gia dụng đã chạm đến mức báo động.

Hội nghị nhất trí trong tình hình hiện nay, nhu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng thu hẹp do khủng hoảng kinh tế. Trong khi đó, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn. Do đó, xuất khẩu không còn là “chiếc nón bảo hộ” an toàn nhất cho nền công nghiệp sản xuất của nước này.

Riêng đối với lĩnh vực sắt thép, Ông Roland Berger- giám đốc phụ trách khu vực Trung Quốc cho rằng, vào cuối năm 2008, Trung Quốc còn tồn khoảng 1 đến 2 tỷ tấn thép. Năm 2009, con số này còn tiếp tục tăng.

Ông dẫn chứng, trong quý 3 năm 2008, sản lượng sắt thép toàn cầu giảm 20%, trong khi Trung Quốc lại tăng 15%. Do tác động từ các gói kích thích kinh tế của chính phủ và tăng trưởng tín dụng quá nhanh, đến giữa năm 2009, tổng khối lượng đầu tư vào lĩnh vực sắt thép đạt đến 1400 tỷ RMB. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới trong lúc đó vẫn chưa thực sự có dấu hiệu khả quan. Vì vậy, rõ ràng Trung Quốc đã đi ngược với xu hướng kinh tế toàn cầu.

Sản lượng dư thừa đến mức chính phủ phải can thiệp bằng các biện pháp mạnh tay như cấm xây dựng các nhà máy mới, đào thải các nhà máy cũ, sản lượng thấp. Ngoài ra, các nhà máy sản xuất cũng buộc phải tự giảm giá để bán hàng. Kết quả dẫn đến tình trạng lãng phí trong xã hội, các nhà máy đóng cửa, sa thải nhân viên, giá bán ra ngang bằng với giá thành sản xuất làm cho không ít nhà máy quy mô nhỏ lâm vào tình trạng khó khăn…

Tuy nhiên, ông Joerg Wuttke - chủ tịch Hiệp hội Thương mại Trung - Âu cho rằng tác động của tình trạng dư thừa sản lượng không chỉ dừng lại ở đó. “Khi sản lượng quá nhiều sẽ gây áp lực lên khả năng đàm phán của các doanh nghiệp Trung Quốc với doanh nghiệp nước ngoài làm giảm sức cạnh tranh của Trung Quốc trên thương trường quốc tế.”. Trước thời kỳ khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc có thể thanh lý phần hàng dư thừa rất dễ dàng thông qua con đường xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong thời kỳ hiện nay, các nước đều cố gắng bảo hộ nền kinh tế của mình bằng các chính sách bài trừ hàng ngoại, kêu gọi người dân sử dụng hàng nội địa, nâng thuế suất nhập khẩu, giảm giá trị đồng tiền làm lực đẩy cho xuất khẩu… Ví dụ gần đây nhất là việc Mỹ công bố quyết định áp thuế 10.36% đến 15.78% lên thép ống dẫn dầu Trung Quốc. Mục đích chính là bảo vệ các công ty sản xuất thép ống của Mỹ.

Do đó, có thể thấy, nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu như Trung Quốc trong thời kỳ này cực kỳ khó khăn. Con đường xuất khẩu để giải quyết tình trạng bùng phát công nghiệp quá nhanh trong nội tại Trung Quốc đã trở thành “ đường cụt”.

Ông Wuttke dự đoán, đến cuối năm 2010, nền kinh tế toàn cầu mới có khả năng tăng trưởng trở lại. Từ đây đến thời điểm đó, sản lượng sản xuất dư thừa của Trung Quốc sẽ tồn đọng ngày một nhiều. Chính quyền cần phải có biện pháp giải quyết tình trạng ứ đọng trên, nếu không quả bóng chứa đựng hàng tồn của Trung Quốc, khi không có đường ra, rất có khả năng vỡ tung. Khi đó sự sụp đổ của nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới là không thể tránh khỏi.

Thực tế, chính phủ Trung Quốc đã nhận thấy cần phải hạn chế sự phát triển quá nhanh ngành công nghiệp sản xuất. Bộ Thương mại đã có công văn khuyến cáo các Hiệp hội cần phải có biện pháp hạn chế dư thừa công suất trong từng ngành của mình. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Trung-Âu, điều đó vẫn chưa đủ. Chính phủ có quan tâm nhưng chưa sát sao do chưa nhận thấy hết hậu quả của việc sản lượng dư thừa quá mức.

Kết thúc hội nghị, ông Wuttke cũng đưa ra một số giải pháp cho chính phủ Trung Quốc. Ông đề nghị Trung Quốc nên chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực công nghệ cao, y tế, giáo dục... Ngoài ra, điều tiết lực lượng lao động sang ngành nghề phục vụ, không tốn nhiều năng lượng, nguyên liệu và gây ô nhiễm. Đồng thời, nâng cao chi tiêu chính phủ cho xã hội, chuyển dòng tiền thay vì đầu tư vào sản xuất, chuyển sang phúc lợi, an sinh. Điều này vừa nâng cao chất lượng sống cho người dân vừa giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào xuất khẩu.

(Sacom)

ĐỌC THÊM