Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tự làm khó mình

Câu chuyện về 434 tấn thép phế liệu nhập về cảng Đà Nẵng được kết luận có chứa chất độc hại tưởng chừng như đã kết thúc sau khi Bộ Tài nguyên - môi trường có ý kiến buộc tái xuất.
Thế nhưng, giờ đây nó vẫn kéo dài dây dưa kể từ khi UBND TP Đà Nẵng đồng ý cho tiêu hủy tại chỗ lô thép phế liệu này. Và không rõ là sau khi tiêu hủy xong, phần thép phế liệu còn lại sẽ được sung vào công quỹ nhà nước (như luật định) hay để doanh nghiệp (cụ thể đây là Công ty Thành Lợi) được phép tận thu?
Với những ai quan tâm đến "sự kiện môi trường" này, sau hơn một tháng theo dõi sẽ thấy ngay sự "lúng túng" trong chỉ đạo của chính quyền TP Đà Nẵng. Thay vì buộc tái xuất thì lại cho tiêu hủy. Nhưng khi đã ra quyết định tiêu hủy thì lại dùng dằng trong việc phải giải quyết như thế nào đối với phần "rác của rác thải"? Vì thế không chỉ làm mất thời gian mà còn nảy sinh thêm việc phải giải quyết.
Cụ thể là phải thành lập một hội đồng với đầy đủ ban ngành để giám sát quá trình tiêu hủy theo đúng luật định. Đó là chưa kể đến việc phải tính toán, lập phương án đốt như thế nào để không gây ô nhiễm. Đã có đến năm phương án tiêu hủy được các cơ quan hữu quan lập, trình lên, song quyết định cuối cùng vẫn chưa được TP Đà Nẵng thông qua.
Việc này có vẻ không nhất quán với cách làm cách đây không lâu của TP Đà Nẵng khi dứt khoát từ chối thẳng một dự án thép lớn bởi quan ngại đến môi trường. Đặc biệt mới đây, tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP khóa 7, các đại biểu đã nhất trí thông qua đề án xây dựng "Đà Nẵng - thành phố môi trường" với tổng kinh phí ước tính lên hơn 6.000 tỉ đồng.
Mục tiêu mà các nhà lập đề án đưa ra là sẽ xây dựng Đà Nẵng thành một TP phát triển bền vững trên cơ sở hội đủ ba yếu tố: kinh tế - xã hội - môi trường. Một mục tiêu xác đáng được xây dựng trên một nền ý tưởng đẹp đã khiến nhiều người hi vọng rằng  không lâu nữa, Đà Nẵng sẽ là thành phố sạch nhất nước.
Thế nhưng cách xử lý lô thép phế thải này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao chính quyền TP Đà Nẵng lại tự mình làm khó mình?
Tiền Phong