Sản xuất thép và nhập khẩu quặng sắt đưa ra những bức tranh trái ngược: sản lượng thép suy yếu trong tháng 6, trong khi nhập khẩu nguyên liệu chính này lại tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đầu năm.
Dữ liệu về sản lượng công nghiệp và nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 6 cho thấy những con số trái chiều, làm gia tăng thách thức trong việc đánh giá chính xác tình trạng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo phân tích từ Reuters.
Sản xuất thép và nhập khẩu quặng sắt đưa ra những bức tranh trái ngược: sản lượng thép suy yếu trong tháng 6, trong khi nhập khẩu nguyên liệu chính này lại tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đầu năm. Sản lượng than tăng 5% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2024, nhưng sản lượng điện nhiệt – chủ yếu sử dụng than – lại giảm 2,4% trong nửa đầu năm.
Sản lượng nhôm tăng 3,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,3% trong nửa đầu năm, trong khi các vật liệu xây dựng như xi măng và kính đều giảm 5% trong tháng 6.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 6 giảm 3,9% so với tháng 5 và giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2024 – mức giảm theo năm lớn nhất kể từ tháng 8. Nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới đã sản xuất 83,18 triệu tấn thép thô trong tháng trước, đưa tổng sản lượng nửa đầu năm xuống còn 515 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng thép yếu đi phù hợp với bối cảnh ngành xây dựng dân dụng vẫn còn khó khăn, nhưng điều đó không lý giải được tại sao nhập khẩu quặng sắt lại tăng mạnh.
Trung Quốc – quốc gia mua khoảng 75% quặng sắt vận chuyển bằng đường biển trên toàn cầu – đã chứng kiến lượng nhập khẩu trong tháng 6 tăng 8% so với tháng 5, đạt 105,95 triệu tấn, là tháng cao nhất tính đến thời điểm này trong năm 2025.
Tuy nhiên, nhập khẩu quặng sắt trong nửa đầu năm 2025 vẫn giảm 3% so với cùng kỳ, xuống còn 592,21 triệu tấn.
Giá cả phần nào lý giải cho đà tăng gần đây trong nhập khẩu quặng sắt, khi hợp đồng giao dịch tại Sở giao dịch Singapore cho thấy xu hướng giảm kể từ khi đạt đỉnh 107,81 USD/tấn vào ngày 12/2.
Giá đã giảm xuống mức thấp nhất 93,35 USD vào ngày 1/7, nhưng kể từ đó đã phục hồi, đạt 97,95 USD vào thứ Tư vừa qua nhờ kỳ vọng các biện pháp kích thích của Bắc Kinh sẽ thúc đẩy nhu cầu thép trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, nếu sản lượng thép hàng năm vẫn duy trì quanh ngưỡng không chính thức là 1 tỷ tấn, điều này ngụ ý rằng sản xuất trong nửa cuối năm sẽ yếu hơn mức 514,83 triệu tấn của nửa đầu năm.
Hiện vẫn còn dư địa để xây dựng tồn kho quặng sắt, khi lượng hàng lưu kho tại cảng – theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome – giảm xuống còn 132 triệu tấn trong tuần kết thúc ngày 11/7, so với 150 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Một nghịch lý khác là sản xuất than tăng, với sản lượng trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng 5% lên 2,4 tỷ tấn. Việc sử dụng than trong nước của Trung Quốc chủ yếu để phát điện, trong khi sản lượng nhiệt điện – vốn phần lớn là điện than, chỉ có một phần nhỏ từ khí tự nhiên – lại giảm 2,4%.
Tổng sản lượng điện tăng 0,8% trong nửa đầu năm, và trong bối cảnh thủy điện giảm 2,9%, có thể thấy rằng các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời đã gia tăng tỷ trọng đáng kể, theo Reuters.
Vì sao Trung Quốc lại muốn sản xuất lượng than kỷ lục vào thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ đang giảm?
Theo Reuters, có hai lý do chính. Thứ nhất, điều này giúp đảm bảo giá than trong nước duy trì ở mức tương đối thấp, qua đó tạo áp lực giảm chi phí điện đúng lúc các ngành tiêu thụ điện lớn như sản xuất công nghiệp đang đối mặt với bất ổn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Giá than nhiệt tại cảng Tần Hoàng Đảo đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm là 610 nhân dân tệ (84,96 USD) trong tháng 6. Dù đã hồi phục lên 625 nhân dân tệ vào thứ Tư, giá vẫn thấp hơn gần 20% so với đỉnh năm 2025 là 775 nhân dân tệ hồi đầu tháng 1.
Lý do thứ hai là việc tăng sản lượng than trong nước giúp giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Vì Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu than lớn nhất thế giới nên việc giảm nhu cầu nhập khẩu đã tạo áp lực giảm giá than trên thị trường quốc tế.
Nguồn tin: Vietnambiz