Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Triển vọng nhu cầu thép thế giới đến năm 2010

Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) vừa đưa ra dự báo về nhu cầu thép thế giới năm nay và năm tới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh mẽ và tốt hơn nhiều so với triển vọng hồi tháng 4.

Theo đó, nhu cầu thép toàn cầu sẽ đạt 1,104 tỷ tấn trong năm 2009, giảm 8,6% so với năm 2008. Tốc độ hồi phục của thị trường thép theo dự báo của WSA khiến các nhà quan sát ngạc nhiên. Hồi tháng 4, cơ quan này dự đoán tiêu thụ thép thế giới sẽ giảm 14,1% trong năm nay trong đó của Trung Quốc giảm 5,6% do suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong dự báo mới nhất, WSA cho rằng, Trung Quốc sẽ tiêu thụ 526 triệu tấn, tăng 18,8% so với năm ngoái, tiêu thụ thép tại các nền kinh tế mới nổi sẽ giảm 17%, tại 27 quốc gia EU sẽ giảm 33% và tiêu thụ tại các nước kinh tế phát triển giảm 34%. Nếu không tính Trung Quốc, nước tiêu thụ 47,7% tổng nhu cầu thép toàn cầu, thì nhu cầu thép thế giới sẽ giảm 24,2% trong năm nay.

Năm 2010, WSA dự đoán thế giới sẽ tiêu thụ 1,206 tỷ tấn thép, tăng 9,2% so với năm nay. Trong đó, tiêu thụ của Trung Quốc tăng 5%, của các nền kinh tế mới nổi tăng 12%, tại EU-27 tăng 12% và ở các nền kinh tế phát triển là 15%.

Trong năm nay, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến nhu cầu thép trên thế giới sụt giảm mạnh, các công ty thép hàng đầu thế giới, trừ ở Trung Quốc, đều giảm sản lượng và lợi nhuận. Tại thị trường thép lớn nhất thế giới, mặc dù sản lượng và tiêu thụ thép tăng mạnh nhưng các nhà phân tích lại đang lo ngại có sự tăng trưởng ảo khi mà nhu cầu đầu cơ chứ không phải nhu cầu thực tế đang chiếm lĩnh thị trường. Tốc độ tiêu thụ thép tại Trung Quốc được dự đoán sẽ chậm lại trong năm tới khi ảnh hưởng bởi gói kích thích kinh tế của chính phủ giảm dần.

Do nhu cầu được dự đoán sẽ hồi phục và tăng mạnh, giá loại vật liệu xây dựng này sau vài tuần sụt giảm, đặc biệt tại Trung Quốc khi có 6 tuần giảm liên tiếp kể từ cuối tháng 8, đang trong xu hướng tăng trở lại. Tính đến trung tuần tháng 10, giá thép cán cuốn nóng (HRC) tại Mỹ có giá 545 USD/tấn và tại Trung Quốc là 480 USD/tấn. Giá thép thanh vằn tại Mỹ đạt 540 USD/tấn, tại UAE là 513 USD/tấn và tại Trung Quốc là 3.432 NDT/tấn. Giá phôi Biển Đen và Thổ Nhĩ Kỳ trong khi đó đạt 490 USD/tấn, phôi tại UAE đạt 475 USD/tấn. Giá các sản phẩm này đều tăng 10-20 USD mỗi tấn so với cuối tháng 9.

Ở thị trường trong nước, nhu cầu thép thời gian qua sụt giảm mạnh do thời điểm mùa mưa bão. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép cho thấy, trong tháng 9/09 cả nước đã tiêu thụ 300.000 tấn thép, giảm 100.000 tấn so với tháng trước đó.

Mặc dù nhu cầu giảm song nhập khẩu thép xây dựng lại có xu hướng tăng do giá nhập thấp hơn nhiều so với giá của các nhà sản xuất trong nước. Hiện tại, giá thép sản xuất trong nước có giá trung bình 12,3 – 12,5 triệu đồng/tấn, trong khi giá thép nhập từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan chỉ có giá 7,8 – 8,2 triệu đồng/tấn. Theo các chuyên gia trong ngành, nếu doanh nghiệp không điều chỉnh giá bán theo xu hướng thị trường thế giới thì thị phần thép nội sẽ khó giữ và tạo cơ hội tốt cho thép ngoại tràn vào và chiếm lĩnh thị trường.

Theo dự đoán của một số nhà phân phối thép lớn ở nước ta, sau tháng 10, tiêu thụ thép sẽ hồi phục mạnh mẽ do nhu cầu xây dựng vào thời điểm cuối năm thường cao. Giá mặt hàng này nhiều khả năng cũng sẽ tăng do chi phí đầu vào tăng.

(Stockbiz)

ĐỌC THÊM